zaterdag 13 oktober 2018

Biển Đông : Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngày càng bị thách thức + Bắc Kinh tái xác định “quyền” đuổi tàu và phi cơ nước khác ở Biển Đông

Biển Đông : Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngày càng bị thách thức

media Tầu chiến Nhật Bản trong một đợt tham gia tập trận với hải quân Anh ở Ấn Độ Dương, ngày 26/09/2018. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Kể từ hôm nay, 02/10/2018, cuộc tập trận thường niên của 5 nước trong khối Ngũ Cường bao gồm Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore bắt đầu diễn ra tại vùng Biển Đông. Nhân sự kiện này, các nước ngoài khu vực đã đưa chiến hạm vào khu vực, một sự kiện được nhiều nhà phân tích cho là sẽ tạo áp lực trên Trung Quốc, nước đã đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, và muốn các nước khác phải xin phép khi đi vào trong khu vực.

Play
Current Time 0:00
/
Duration Time 0:04
Loaded: 0%
Progress: 0%
0:00
Fullscreen
00:00
Mute
Cuộc diễn tập quân sự của nhóm 5 nước trong khối Hiệp Ước Phòng Thủ Ngũ Cường (Five Power Defence Arrangements FPDA) sẽ kéo dài cho đến ngày 19/10, và theo hãng tin Úc AAP, sẽ diễn ra tại Biển Đông.
Điểm mà giới quan sát chú ý là các nước như Úc, New Zealand, và cả Anh Quốc đã loan báo gởi tàu và máy bay đến tham gia diễn tập. Úc chẳng hạn, cho biết sẽ phái hai tàu Hải Quân, 9 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, cùng 4 máy bay quân sự khác đến tham gia. New Zealand cũng góp mặt với khu trục hạm Te Mana, trong lúc chiến hạm Anh Argyll, trên đường đến cuộc tập huấn, đã cùng luyện tập với chiến hạm Nhật Bản ngoài Ấn Độ Dương.
Dĩ nhiên là nội dung thao diễn của các quốc gia trong khối Ngũ Cường không liên can gì tới tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN quanh Biển Đông, nhưng mật độ cao của chiến hạm ngoài khu vực trong vùng được cho là sẽ làm Trung Quốc bất an, trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận mình là chủ nhân của hầu hết Biển Đông, và luôn luôn dọa nạt nước khác mỗi khi lên án tàu thuyền nước họ đi vào vùng mà Trung Quốc cho là lãnh hải của mình.
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trong số ra ngày 01/10, bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho Trung Quốc và “Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều đối với các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông”, vì các cường quốc lớn ngoài vùng đang càng lúc càng tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Đi đầu vẫn là Mỹ, đã tăng cường các chiến dịch không quân và hải quân để thách thức các “yêu sách quá đáng” của Trung Quốc. Ví dụ rõ nhất là chuyến tuần tra hôm Chủ Nhật 30/09 của khu trục hạm USS Decatur vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Ga Ven và Gạc Ma.
Bên cạnh đó, trong khu vực thì Úc, và nhất là Nhật Bản, đều tỏ thái độ ủng hộ việc thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoài khu vực, phải kể đến các động thái của Pháp và mới đây là của Anh.
Theo SCMP, nhiều chuyên gia phân tích nghĩ rằng trong bối cảnh Hoa Kỳ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, các đồng minh, đối tác của Mỹ khó có thể đứng ngoài.
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại Học Kỹ Thuật Nanyang tại Singapore nhận định : “Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây”.
Chuyên gia Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc cho rằng chính thái độ quyết đoán hẳn lên của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền, được các đảo nhân tạo mới bồi đắp ở Biển Đông hỗ trợ, đã khiến Mỹ cứng rắn hơn : “Điều đó đã gây áp lực lên Mỹ, và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Úc, cùng tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181002-bien-dong-chu-quyen-trung-quoc-qt

Trung Quốc yêu cầu Anh không can dự vào Biển Đông

media Ảnh chụp Đá Xu Bi (Trường Sa, Biển Đông), nơi Trung Quốc đã xây dựng 1 phi đạo cùng nhiều cơ sở có thể được dùng vào mục tiêu quân sự. Ảnh chụp ngày 21/04/2017. Reuters/Erik de Castro
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), hôm qua 24/09/2018, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Anh Jeremy Hunt, bên lề khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ, đã yêu cầu Luân Đôn không can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Play
Current Time 0:00
/
Duration Time 0:04
Loaded: 0%
Progress: 0%
0:00
Fullscreen
00:00
Mute
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, lãnh đạo Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi chính quyền Anh thực hiện lời hứa không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông và thể hiện sự tôn trọng thực sự điều mà họ gọi là "chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ" của Trung Quốc. Ông Vương Nghị nói thêm là Bắc Kinh hy vọng Luân Đôn sẽ làm thêm nhiều việc để thúc đẩy quan hệ song phương, thay vì làm sói mòn lòng tin của nhau, để bảo đảm mối quan hệ giữa Trung Quốc và nước Anh phát triển lành mạnh và ổn định.
Trước đó, Trung Quốc và Anh đã nói về một “kỷ nguyên vàng” của các mối quan hệ. Hồi tháng 08/2018, hai bên đạt đồng thuận để xem xét khả năng ký thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khi nói về cuộc cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Vương Nghị và Jeremy Hunt lại không đề cập đến Brexit hay thỏa thuận thương mại tự do.
Hồi đầu tháng 09/2018, một chiến hạm Anh, trên đường ghé thăm Việt Nam, đã đi sát khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Đó là tàu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh, có trọng tải 22.000 tấn, với một đơn vị thủy quân lục chiến. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khi đó coi đây một hành động “khiêu khích” của Anh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180925-trung-quoc-yeu-cau-anh-khong-can-du-vao-bien-dong

Bắc Kinh tái xác định “quyền” đuổi tàu và phi cơ nước khác ở Biển Đông

media Phi đội không quân trên tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tuần tra trong vùng Biển Đông hôm 14/02/2018. AYEE MACARAIG / AFP
Một hôm sau khi tổng thống Philippines lên tiếng về các hành vi « sai trái » của Trung Quốc khi đe dọa tàu thuyền và phi cơ nước khác tiến lại gần các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh ngày 16/08/2018, đã lập tức phản bác bằng lập luận cố hữu : Họ có quyền xua đuổi mọi phương tiện áp sát các đảo vốn là lãnh thổ Trung Quốc.
Advertisement
Trong một tuyên bố gửi tới hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định rằng quần đảo Trường Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Theo tuyên bố này, dù tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải mà tất cả các nước được hưởng ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, « nhưng Trung Quốc có quyền thực hiện các bước cần thiết để đối phó với máy bay và tàu thuyền nước ngoài cố tình tiến gần hoặc xâm nhập vào không phận và vùng biển gần các đảo của Trung Quốc, và có các hành động khiêu khích đe dọa an ninh của nhân viên Trung Quốc đồn trú ở đó ».
Lời tái khẳng định chủ quyền tiếp tục được Trung Quốc đưa ra bất chấp việc các láng giềng của Trung Quốc là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng Trường Sa, nơi Trung Quốc đã nhanh chóng biến các rạn san hô thành đảo nhân tạo, bên trên xây dựng các cơ sở quân sự, nơi mà lực lượng đồn trú Trung Quốc thường xuyên dùng vô tuyến điện xua đuổi tàu thuyền nước ngoài ra ngoài khu vực.
Trong những ngày gần đây, báo chí đã vạch trần một loạt hành động xua đuổi tàu thuyền và máy bay nước ngoài – cụ thể là của Mỹ và Philippines - do lực lượng Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa tiến hành.
Trung Quốc cũng rất tức tối trước việc Hoa Kỳ cho chiến hạm và máy bay đến gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, trong những chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Trung Quốc hình thành màng lưới vệ tinh giám sát Biển Đông
Vừa đơn phương đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh vừa tăng cường năng lực giám sát.
Theo trang mạng báo Mỹ Bloomberg ngày hôm nay, 16/08, các vệ tinh do thám Biển Đông đầu tiên sẽ được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019, cho phép giám sát thường trực tàu thuyền hoạt động trong khu vực.
Bắc Kinh mô tả đây là một chương trình khoa học dân sự, nhưng thực ra, hệ thống vệ tinh viễn thám Trung Quốc hoàn toàn có thể được dùng vào lĩnh vực quân sự, hàng hải, phục vụ cho các chiến lược mở rộng quyền khống chế của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một bản tin trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã khoe rằng : « Trung Quốc hiện phải mất từ 2 đến 3 tháng để quan sát toàn bộ Biển Đông, nhưng với hệ thống vệ tinh viễn thám mới, toàn bộ vùng biển có thể được « quét » trong vòng vài ngày ».
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay cũng trích dẫn giới thiết kế vệ tinh viễn thám Trung Quốc cho biết là toàn bộ Biển Đông có thể được giám sát « trong thời gian thực » để bảo vệ « chủ quyền quốc gia » của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180816-bac-kinh-tai-xac-dinh-“quyen”-duoi-tau-va-phi-co-nuoc-khac-o-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten