Trung Quốc lập 'đại công trường' trái phép trên đá Xu Bi, thuộc Trường Sa, Việt Nam
20/05/2015 11:32(TNO) Đá Xu Bi (còn gọi là Subi,) là rạn san hô nằm trong cụm đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ở tọa độ 10°54' Bắc, 114°06' Đông. Nguyên bản bãi đá có hình dạng như viên kim cương với trục dài nằm theo hướng Đông - Đông bắc, chiều dài khoảng 6,8 km và trục ngắn 5 km.
Kể từ khi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép vào cuối năm 1988, đá Xu Bi là căn cứ nằm xa nhất về phía Bắc, trong số 7 bãi đá bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp tại quần đảo Trường Sa, cho đến thời điểm hiện nay.
Ngay sau khi chiếm được Xu Bi, phía Trung Quốc đã gấp rút xây dựng căn cứ quân sự với nhà ở tạm cho binh sĩ, công sự phòng thủ và từng bước nâng cấp, xây mới thành tòa nhà bê tông 3 tầng kiên cố đặt trên bệ xi măng cao 2 m chắn sóng, có bến neo đậu xuồng cao tốc, cùng hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, các tổ hợp súng phòng không trấn giữ 4 góc của tòa nhà.
Đầu năm 2005, Trung Quốc tiếp tục xây dựng hải đăng tại căn cứ quân sự Xu Bi và đến tháng 5.2012, thêm tòa nhà kiên cố cao 4 tầng, phía trên đặt vòm che ra đa được hoàn thiện, cùng với bãi đáp trực thăng giữa 2 tòa nhà.
Từ cuối 2013, phía Trung Quốc thường xuyên duy trì 3-4 tàu nạo vét cỡ lớn để thông luồng ra vào, làm sâu lòng hồ cho các tàu lớn ra vào dễ dàng và mở rộng kích thước, xây dựng các công trình trên đó. Theo thông tin ban đầu, phía Trung Quốc sẽ mở rộng diện tích của đá Xu Bi ra hơn 450ha (4,5km2), trong khi diện tích cũ của bãi đá là 15km2, bao gồm cả lòng hồ bên trong.
Đá Xu Bi nằm giữa hành trình của các tàu Việt Nam di chuyển từ đảo Song Tử Tây xuống đảo Đá Thị, cách Song Tử Tây khoảng 35 hải lý (trên 56km) và Đá Thị 40 hải lý (trên 64km).
Giữa tháng 5.2015, Phóng viên Thanh Niên Online đã có một số chuyến công tác trên hải trình này và ghi nhận sự tập trung tối đa các tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại của Trung Quốc trên và ven bãi đá. Dọc chiều dài 3km, có tới gần 30 cần cẩu cỡ lớn đặt trên đảo, dưới tàu vận tải hối hả hoạt động; trạm phát điện đặt cuối bãi chạy hết công suất, xả khói đen sì; ở trung tâm, nơi đặt trạm ra đa và tòa nhà ở cũ, đang được xây dựng nhà cao tầng và một số đơn nguyên 1-2 tầng đã sắp hoàn thiện dọc chiều dài bãi đá...
Đặc biệt, khi tàu chúng tôi đi cách Xu Bi hơn khoảng 7km, tàu 996 của Trung Quốc lập tức lao ra ngăn chặn và đẩy đuổi gần 1 tiếng đồng hồ. Tàu 996 là tàu vận tải đổ bộ lớp Du Đình có lượng giãn nước 3.770 tấn/4.800 tấn đầy, tốc độ 17 hải lý/ giờ, tầm hoạt động 3.000 hải lý với quân số 120 người và ngoài 2 sân đỗ trực thăng, tàu 996 này còn có 3 bệ gồm 6 khẩu pháo 37mm...
Mai Thanh Hải - Nguyễn Chung
(thực hiện)
>> Infographic: Cách thức Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa(thực hiện)
>> Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở Trường Sa như thế nào?
>> Trường Sa sau ngày tiếp quản - Kỳ 2: ‘Nước là máu’
>> Tướng Trung Quốc nói Mỹ tránh xa việc xây đảo ở Trường Sa
Từ khóa
|
Geen opmerkingen:
Een reactie posten