donderdag 21 mei 2015

Nhật Philippines tăng cường liên minh chống Trung Quốc

Nhật BảnChâu ÁPhilippinesTrung QuốcPhân tíchQuân sựQuốc phòng

Nhật Philippines tăng cường liên minh chống Trung Quốc

mediaQuần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp chủ quyền. Ảnh ngày 11/05/2015.Reuters
Ngày 12/05/2015, tại vùng Biển Đông, các chiến hạm của Nhật Bản và Philippines mở cuộc tập trận chung đầu tiên. Cả hai cùng đang phải đối đầu với những tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Cuộc tập trận kéo dài một ngày diễn ra tại một nơi cách bãi đá Scarborough của Philippines chưa tới 300 km. Đây là một đảo nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.
Về mặt chính thức, cuộc tập trận hôm nay là nhằm tăng cường khả năng quân sự của hai nước. Nhưng theo các nhà phân tích đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ gởi đến Bắc Kinh. Theo nhận định của ông Michael Tkacik, một giáo sư đại học Stephen F. Austin, bang Texas -Hoa Kỳ, cuộc tập trận này cho thấy là các nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á bắt đầu liên kết lại để chống Bắc Kinh. Trong thư điện tử gởi cho hãng tin AFP, vị giáo sư này nhắc lại, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và cả Ấn Độ đều cảm thấy bị đe dọa bởi cách hành xử của Trung Quốc.
Cuộc tập trận chung hôm nay diễn ra sau khi vào tháng 01/2015, Nhật Bản và Philippines ký một hiệp định tăng cường hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Thật ra thì bản chất của cuộc tập trận này không có gì là đáng lo ngại đối với Trung Quốc, nhưng sự có mặt của các chiến hạm của Nhật ở Biển Đông cho thấy Tokyo ngày càng quan tâm đến khu vực này, nơi mà Trung Quốc đang gia tăng bồi đắp, mở rộng các đảo đang tranh chấp, gây lo ngại không chỉ các nước trong vùng, mà cả Hoa Kỳ.
Trước đó, trong tháng này, lực lượng tuần duyên Nhật Bản và Philppines cũng đã mở cuộc thao dượt chung về an toàn hàng hải. Tokyo cũng đã hứa sẽ cấp 10 chiếc tàu cho lực lượng tuần duyên Philippines.
Không chỉ với Philippines mà Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngày 10/05/2015, tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản vừa cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, mở đầu chuyến viếng thăm 5 ngày, để trao đổi kinh nghiệm với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam về hợp tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống tội phạm, đặc biệt là nạn cướp biển và buôn bán ma túy.
Theo nhận định của ông Julius Cesar Trajano, nhà phân tích thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam của Singapore, được hãng tin AFP trích dẫn, Nhật Bản đang cố chứng tỏ là họ sẵn sàng trợ giúp các nước đối tác trong vùng. Thế nhưng, do bị hạn chế về mặt pháp lý đối với trợ giúp quân sự, Tokyo chỉ có thể hỗ trợ về mặt huấn luyện và trợ giúp các định chế phi quân sự như lực lượng tuần duyên.
Trong bối cảnh này, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Gregorio Catapang ngày 11/05/2015 cho hãng tin Reuters biết ưu tiên của manila là xây một căn cứ hải quân mới ở bờ biển đảo Palawan nằm đối diện với quần đảo Trường Sa. Tướng Catapang nói thêm là một khi căn cứ hải quân này được hoàn tất, các chiến hạm của hải quân Mỹ, Nhật và Việt Nam có thể ghé thăm.
Hoa Kỳ đã yêu cầu được sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines để có thể luân chuyển binh lính, phi cơ và chiến hạm trong khuôn khổ chiến lược « xoay trục » sang châu Á của Washington. Philippines cũng đang tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam để cùng nhau đối phó với Trung Quốc.
Tóm lại, cùng với cuộc tập trận chung giữa hải quân Nhật và Philippines hôm nay, một thế liên hoàn đang được hình thành giữa các quốc gia có cùng một quan ngại, đó là thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150512-nhat-philippines-tang-cuong-lien-minh-chong-trung-quoc/

Hải quân Nhật –Philippines sắp tập trận chung ở Biển Đông

mediaTư lệnh hải quân Nhật Tomohisa Takei thăm Philippines trong bốn ngày, kể từ 23/02/2015
Trong tháng Năm này, hải quân Nhật và Philippines lần đầu tiên sẽ tiến hành cuộc tập trận chung trong khu vực gần một bãi đá cạn đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Reuters, cuộc diễn tập an toàn hàng hải có tên gọi tắt CUES sẽ bắt đầu vào ngày 12/5 tới, trong khuôn khổ một thỏa thuận đã được chính phủ Nhật và Philippines ký từ hồi tháng Giêng năm nay. Mục đích của cuộc tập trận được thông báo là nhằm tăng cường hợp tác an ninh trên biển giữa hai nước.
Một nguồn tin tại Nhật cho biết, cuộc diễn tập tới đây sẽ diễn ra gần khu vực bãi cạn Scarborough. Đây là bãi đá do Trung Quốc chiếm từ năm 2012 và Philippines đòi chủ quyền.
Theo phát ngôn viên của hải quân Philippines, cuộc diễn tập lần này sẽ có sự tham gia của tàu chiến Nhật và tàu khu trục nhỏ của hải quân Philippines.
Quân đội Philippines vẫn thường xuyên có các cuộc tập trận tương tự với Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên, hải quân Nhật tham gia diễn tập ở Biển Đông. Sự hiện diện này là một dấu hiệu cho thấy Nhật đang ngày càng quan tâm đến khu vự Biển Đông. Động thái này của Tokyo chắc hẳn sẽ làm Bắc Kinh tức tối.
Tháng trước quân đội Nhật ngỏ ý muốn được tham gia tuần tra chung trên Biển Đông. Ý kiến trên đã được Washington và Manila ủng hộ.
Reuters nhắc lại, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang hiện thực hóa tuyên bố này bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các rặng san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những bức ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Bắc Kinh đang ngang nhiên cải tạo, bồi đắp quanh 7 khu rạn san hô ở Trường Sa và dường như đã xây dựng một đường băng tại một trong các đảo nhân tạo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150509-hai-quan-nhat-%E2%80%93philippines-sap-tap-tran-chung-o-bien-dong/

Nhật - Philippines : Tranh chấp biển đảo phải được giải quyết theo luật pháp

mediaTổng thống Philippines Benigno Aquino (T) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abé trong cuộc họp báo tại Tokyo, 24/06/2014REUTERS
Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đến Tokyo hôm nay, 24/06/2014 trong chuyến công du một ngày và đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng pháp quyền trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực, một thông điệp rõ ràng nhắm vào Bắc Kinh, vốn đang dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền Trung Quốc tại cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Bản xác định là liên minh giữa Tokyo và Manila đang được tăng cường thêm : « Trước tình hình khu vực ngày càng xấu đi, cả hai quốc gia đang phối hợp chặt chẽ với nhau ». Ông Shinzo Abe nối tiếp : « Tôi đã khẳng định với Tổng thống Aquino tầm quan trọng của (...) các quy định của pháp luật ».
Về phần mình, Tổng thống Philippines cũng xác nhận rằng chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông tập trung vào việc tìm cách đối phó với « những thách thức trong việc bảo vệ an ninh khu vực bằng cách phát huy quyền lực của pháp luật để bảo vệ lợi ích chung của cả thế giới lẫn khu vực ».
Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nhiều lần yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật vào lúc tình hình khu vực ngày càng căng thẳng với các động thái bị đánh giá là bất chấp luật lệ quốc tế của Trung Quốc nhắm vào Nhật Bản để đòi chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý, và nhắm vào Philippines cũng như Việt Nam để áp đặt chủ quyền Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Các động thái quyết đoán của Trung Quốc đã thúc đẩy Philippines thắt chặt quan hệ với Nhật Bản cho dù hai nước là cựu thù thời Đệ nhị Thế chiến. Đây là lần thứ 5 Tổng thống Aquino đến thăm Nhật Bản kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2010, trong lúc Thủ tướng Abe đã từng công du Philippines vào tháng Bảy năm ngoái. Khi ấy, ông đã cam kết sẽ giúp đỡ Philippines tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.
Dấu hiệu cụ thể nhất của cam kết này là việc Nhật Bản sẽ cung cấp 10 tàu tuần duyên để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines còn rất yếu kém.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản là một trong 2 đối tác chiến lược của Philippines.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140624-nhat-philippines-tranh-chap-bien-dao-phai-duoc-giai-quyet-theo-luat-phap/


Geen opmerkingen:

Een reactie posten