Thứ tư, 29/10/2014 | 16:13 GMT+7
Mỹ và Trung Quốc gườm nhau dưới đáy đại dương
Ngay khi Trung Quốc tăng năng lực tàu ngầm và các tên lửa đi kèm, Mỹ cũng điều lực lượng đối ứng kể cả trong lòng biển lẫn trên không, nhằm đảm bảo khả năng nhận diện, xác định và kiểm soát đối thủ.
Tàu ngầm Trung Quốc đậu tại căn cứ hải quân Ngong Shuen Chau, Hong Kong. Ảnh: Reuters
|
Cuối tháng 10/2013, Trung Quốc chính thức công khai việc mình sở hữu lực lượng tàu ngầm hạt nhân và thị uy với thế giới bằng cách tuyên bố tên lửa từ tàu ngầm của họ có thể vươn tới Mỹ.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Bắc Kinh triển khai tàu ngầm hạt nhân có thể mở màn cho một cuộc cạnh tranh trong lòng biển đầy căng thẳng ở khu vực châu Á, giống với tình thế "mèo vờn chuột" giữa tàu ngầm Mỹ và Liên Xô suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi đó, hai bên đều điều tàu ngầm hạt nhân ẩn nấp dưới đáy biển, sẵn sàng tìm kiếm, bắn tên lửa và tiêu diệt lẫn nhau.
Khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh dưới đáy biển, Mỹ và đồng minh cũng cần thúc đẩy phát triển các đơn vị tàu ngầm và phương pháp chống ngầm mới ở châu Á nhằm đối chọi lại. Mỹ di chuyển tàu ngầm của mình lên tuyến đầu. Đây là một bước đi trong chiến lược mà nước này gọi là tái cân bằng, tập trung vào nguồn lực quân sự và ngoại giao ở châu Á.
60% lực lượng đáy biển và một nửa hạm đội trên biển của Mỹ đang quy tụ tại Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ cũng dự định triển khai tàu ngầm hạt nhân thứ 4 tại đảo Guam vào năm tới.
Từ tháng 12, Mỹ bố trí 6 máy bay chống ngầm P-8 Poseidon ở Okinawa, Nhật Bản. Quần đảo Okinawa có tầm quan trọng đối với chiến lược của Mỹ, bởi nó án ngữ một bề của biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Tokyo và Bắc Kinh. Đó cũng là nơi mà Mỹ có căn cứ gần nhất tới Biển Đông, nơi Trung Quốc đang sa vào tranh chấp chủ quyền với một loạt nước Đông Nam Á.
Washington cũng hồi sinh một hệ thống dưới biển nhằm phát hiện các tàu ngầm Liên Xô hay thử nghiệm công nghệ mới như: máy bay không người lái có khả năng tìm kiếm dưới nước để nhận diện tàu ngầm Trung Quốc.
Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết, hiện tại có nhiều tàu ngầm của họ hoạt động trong khu vực hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Mối quan tâm của Mỹ lúc này là làm sao để duy trì năng lực của lực lượng tàu ngầm khi mà các dự án đầu tư cho hải quân đang gặp khó khăn tài chính. Hạm đội tàu ngầm có thể bị giảm xuống chỉ còn 44 chiếc vào năm 2028.
Các quốc gia lân cận cũng có những nước đi đề phòng trước bước phát triển quân sự mới của Trung Quốc. Australia cho biết họ đang lên phương án mở rộng và nâng cấp tàu ngầm cùng các đơn vị chống ngầm của mình. Việt Nam từ tháng 12 năm ngoái tiếp nhận ít nhất 2 chiếc tàu ngầm được sản xuất theo đơn đặt hàng ký với Nga.
Những yếu điểm
Tàu ngầm Trung Quốc phải vượt qua những eo biển hẹp hoặc tuyến huyết mạch (màu đỏ) được giám sát chặt chẽ để có thể tới Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương. Đồ họa: WSJ
|
Khi được hỏi về việc liệu Bắc Kinh có cố gắng để sao chép các mẫu tàu ngầm của Mỹ hay không, ông Xu Guangyu, thiếu tướng về hưu, cựu phó chủ tịch Viện Quốc phòng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phủ nhận và thêm rằng "chúng tôi không ngu ngốc đến mức ấy".
"Nhưng chúng tôi cần duy trì đủ số tàu ngầm hạt nhân để trở thành một lực lượng đáng tin cậy và đạt những lợi thế cạnh tranh nhất định", Xu nói. "Chúng phải được đưa tới Thái Bình Dương và những nơi khác trên thế giới".
Trong thời bình, những tàu ngầm chiến đấu, thường được mệnh danh là "thợ săn - sát thủ" (hàm ý hai chức năng riêng biệt) có thể được Trung Quốc sử dụng để bảo vệ các tuyến đường biển, theo dõi tàu thuyền nước ngoài và thu thập thông tin tình báo. Khi xung đột xảy ra, chính những chiếc tàu ngầm này sẽ dễ dàng tiếp cận tàu của đối phương và trở thành mối đe dọa.
Tuy nhiên, hai hành trình mới nhất, vượt eo biển Malacca, cập bến Ấn Độ Dương của tàu ngầm Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái và tháng 9 năm nay đã hé lộ những yếu điểm mà Bắc Kinh gặp phải. Họ cần thông qua những eo biển hẹp để tiếp cận Ấn Độ Dương hay Thái Bình Dương. Trong khi đó những tuyến huyết mạch như eo Malacca, Sunda, Lombok, Luzon, Miyako..., rất dễ bị giám sát và ngăn chặn.
Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) nhận định, Trung Quốc sẽ vượt một mốc rất quan trọng trong năm nay khi họ triển khai thế hệ tàu ngầm boomer, lần đầu tiên được trang bị đầy đủ các loại tên lửa hạt nhân hiện đại nhất. Boomer là một từ lóng sử dụng rộng rãi để chỉ thế hệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có phạm vi hoạt động lớn.
Cả chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng tàu boomer của Bắc Kinh không thể dễ dàng vượt qua các eo biển mà không bị phát hiện. Boomer "quá ồn ào", Wu Riqiang, cựu chuyên gia tên lửa, từng theo học ngành chiến lược hạt nhân tại Đại học Renmin, nhận xét. "Nếu như còn gây ra quá nhiều tiếng động thì anh không thể vượt qua các tuyến huyết mạch".
Hơn nữa, khả năng chống ngầm của Trung Quốc cũng chưa đủ mạnh khi đem so sánh với Mỹ. Tàu ngầm Washington có thể theo dõi các tàu Bắc Kinh ngay cả khi chúng ở gần bờ biển Trung Quốc, quan chức hải quân Mỹ cho hay. "Tôi cảm thấy khá yên tâm về khả năng đối phó với nhiệm vụ được giao của tàu ngầm Mỹ", đô đốc Sawyer, nói.
Tàu ngầm USS Houston của Mỹ mới trở lại sau nhiệm vụ hoạt động kéo dài 7 tháng ở tây Thái Bình Dương. Dearcy P. Davis, sĩ quan chỉ huy tàu, khi đề cập tới khả năng của USS Houston tự tin nói rằng: "Tàu của ta đi mà không bị ai phát hiện. Chúng ta có khả năng phá bỏ những cánh cửa mà người khác không thể. Đó không phải là một điều tầm thường".
Đô đốc Jonathan Greenert, trưởng cơ quan điều động hải quân, cho biết Mỹ đang chờ xem Trung Quốc sẽ sử dụng những tàu ngầm boomer như thế nào. Ông đặt một loạt câu hỏi như: Trung Quốc có lập đội tuần tra không? Đó sẽ là một đội tuần tra thường xuyên? Hay Trung Quốc sẽ cố gắng để đảm bảo tàu ngầm của mình không bị phát hiện? Greenert cũng không quên thêm rằng tất cả đều nằm trong tính toán của Mỹ.
Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đơn phương tuyên bố một "vùng nhận dạng phòng không" trên biển Hoa Đông và yêu cầu các nước phải báo cáo lịch trình bay cho Bắc Kinh trước khi xâm nhập vùng này. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng Trung Quốc đang cố gắng thực hiện điều tương tự trên Biển Đông mặc dù giới chức nước này phủ nhận và khẳng định không lên kế hoạch cho điều đó.
Nhưng Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nếu muốn triển khai tàu ngầm boomer ở Biển Đông vì tên lửa khai hỏa từ đây có thể bị vô hiệu hóa bởi hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến thế hệ mới của Washington.
Giáo sư Wu, từng tham gia cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, lại dự đoán, trong hai thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ chế tạo được các tàu ngầm boomer bớt ồn ào hơn, có thể tuần tra ở những vùng nước mở ngay cả khi Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.
"Tôi mong Mỹ và Trung Quốc có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này", ông Wu nói, "nhưng tôi cũng không đặt kỳ vọng quá cao".
Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tự ý thiết lập trên vùng biển Hoa Đông. Đồ họa: WSJ
|
Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/my-va-trung-quoc-guom-nhau-duoi-day-dai-duong-3098681.html
Thứ ba, 28/10/2014 | 12:14 GMT+7
Mỹ tung máy bay đi săn tàu ngầm Trung Quốc
Sà xuống độ cao 500 feet trên Thái Bình Dương, trung tá hải quân Bill Pennington lái chiếc máy bay trinh sát tối tân P-8 của hải quân Mỹ về phía một con tàu khả nghi ở phía nam Nhật Bản.
Ở phía cuối máy bay, kỳ thực là một Boeing 737 đã đại tu này, phi hành đoàn chăm chú thám sát con tàu bằng hàng loạt thiết bị trinh thám và giám sát, kể cả radar, GPS và các camera hồng ngoại. Kết quả chuyến đi săn không có gì đáng quan tâm: con tàu đó là một tàu chở công ten nơ của Singapore. Chiếc P-8 gầm lên tăng độ cao, phi hành đoàn phẩy tay cho qua. Mục tiêu của họ phải là thứ đáng giá và nguy hiểm hơn nhiều: tàu ngầm của Trung Quốc.
Trinh thám cơ này là một trong 6 chiếc P-8 Orion mà Mỹ điều đến căn cứ ở Okinawa từ tháng 12 năm ngoái, như một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á, triển khai nhiều hơn các nguồn lực ngoại giao và quân sự về khu vực này nhằm đối phó với năng lực quân sự cũng như sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Máy bay trinh sát và chống ngầm P-8 Poseidon. Ảnh: Military Today
|
Quần đảo Okinawa có tầm quan trọng đối với chiến lược của Mỹ, bởi nó án ngữ một bề của biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Đó cũng là nơi mà Mỹ có căn cứ gần nhất tới Biển Đông, nơi Trung Quốc đang sa vào tranh chấp chủ quyền với một loạt nước Đông Nam Á.
Okinawa cũng tọa lạc ngay cạnh một trong các lối đi quan trọng - eo biển Miyako, nơi các tàu ngầm Trung Quốc thường sử dụng để đi ra Thái Bình dương. "Chúng tôi thường làm thế này, nếu họ đi từ A đến B, chúng tôi sẽ khai thác vấn đề đó", Pennington nói. Ông cho rằng máy bay trinh sát P-8 là thứ giúp thay đổi cuộc chơi, bất chấp việc nhiều người chỉ trích chính phủ Mỹ đầu tư tới 34 tỷ USD cho việc phát triển và mua sắm phi đội P-8.
Phản lực trinh sát này sẽ thay thế các máy bay cánh quạt P-3 ở Okinawa. P-3 được phát triển từ những năm 1960 nhằm săn lùng tàu ngầm của Liên Xô. Máy bay P-8 hiện có khả năng thả và theo dõi 64 "phao âm học" (sonarbuoy), gấp đôi năng lực của P-3.
Trinh thám cơ thế hệ mới có thể theo dõi mục tiêu trong tầm 1.200 hải lý, xa hon 300 hải lý so với P3, có thể hoạt động hiện trường 4 giờ trước khi phải trở về căn cứ.
"Khả năng của máy bay cho phép chúng tôi xuống đến tận phía nam của South China Sea", Đại tá Mike Parker, chỉ huy Lực lượng số 72 Hải quân Mỹ, nói và dùng tên tiếng Anh của Biển Đông. "Chúng tôi vẫn thường xuống đó. Chúng tôi có đủ khả năng xác định vị trí của tàu ngầm, và nếu cần, thông báo cho họ rằng chúng tôi biết họ ở đâu".
Hoạt động của P-8 khiến nó có thể ở vào tình thế đối đầu với sức mạnh của Trung Quốc. Hồi tháng 8, Mỹ công bố hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ của Trung Quốc nhào lộn và phơi bụng khoe vũ khí ngay trước mũi P-8, phía trên đảo Hải Nam. Đây là nơi Trung Quốc có căn cứ tàu ngầm. Phía Trung Quốc khẳng định phi công của họ bay an toàn và yêu cầu Mỹ ngừng các chuyến bay trinh sát gần căn cứ của Trung Quốc.
Tuy nhiên Mỹ tuyên bố các chuyến bay đó thực hiện ở không phận quốc tế, thậm chí còn đưa P-8 xuống Biển Đông nhiều giờ hơn thông qua đàm phán với các nước trong khu vực này nhằm sử dụng các đường băng và bãi đáp phục vụ các chuyến săn ngầm.
Tầm hoạt động gia tăng của P-8 cũng như tính thiết yếu của các bãi đáp trong khu vực đã được chứng tỏ khi chiến dịch tìm kiếm MH370 diễn ra đầu năm nay. Qua chiến dịch đó, Mỹ cũng đã đề xuất và thực hiện việc hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia nhằm tăng năng lực chống ngầm cho hạm đội của họ. Mỹ có kế hoạch cho P-8 hoạt động phối hợp với phi cơ không người lái Triton. Chiếc Triton đầu tiên sẽ triển khai tại Guam năm 2017.
Tuy có tầm xa hơn, tốc độ nhanh hơn và sử dụng được nhiều phao âm học hơn, công nghệ săn ngầm của P-8 vẫn không khác thời Chiến tranh Lạnh. Vừa phụ thuộc khoa học vừa phụ thuộc bản năng, kỹ thuật chiến tranh ngầm của chúng ta ngày nay vẫn dựa vào tính chất phức tạp của đại dương. Không một vệ tinh hay radar nào có thể phát hiện vật thể dưới nước. Cách hữu hiệu nhất để tìm một con tàu ngầm là sử dụng thiết bị sonar để nghe động cơ của tàu, hoặc nghe các tín hiệu vọng âm, hay tiếng "ping" phản lại từ vỏ kim loại của nó.
Các tàu ngầm tìm cách tránh bị phát hiện bằng cách giữ cho động cơ thật êm, hạn chế phát tín hiệu viễn thông và lẩn mình bên dưới "lớp nhiệt" - lớp giữa phần nước ấm hơn gần bề mặt đại dương và phần lạnh hơn ở phía dưới - nơi có phản âm.
P-8 cũng phối hợp với các vệ tinh chuyên theo dõi các căn cứ tàu ngầm, với các microphone đặt dưới lòng biển nhằm nghe tiếng của tàu ngầm, và với các tàu trên mặt biển - loại kéo theo hàng loạt thiết bị âm học. Một khi phát hiện mục tiêu tiềm tàng, P-8 thả các phao âm học theo hình mạng lưới, sau đó xử lý các dữ liệu thu được từ phao để khoanh vùng mục tiêu.
Dữ liệu hiển thị trên một màn hình ở phía cuối máy bay, được phân tích bởi các chuyên gia như Robert Pillars. Anh được huấn luyện để nghe các tín hiệu âm học của tàu ngầm Trung Quốc.
"Nếu có tàu ngầm nằm trong phạm vi phát hiện của các phao âm học, tôi sẽ tìm ra nó", anh nói khi ngồi phía đuôi chiến P-8 vừa xuất kích. "Đó là một nghệ thuật. Bạn có khi theo đuổi một con tàu đến hai lần và cả hai đều nhầm lẫn, do mỗi lần nó 'kêu' một cách khác nhau. Điều quan trọng là phải được học và phải có bản năng phù hợp".
Phi công trong buồng lái chiếc P-8, đang bay trong khu vực tây Thái Bình Dương. Ảnh: Dominic Nahr
|
Cho đến gần đây, việc tìm ra tàu ngầm Trung Quốc khá dễ dàng. Hầu hết tàu của nước này là loại chạy bằng dầu diesel, thường bị phát hiện vì cứ vài giờ một lần lại ngoi lên mặt nước để "thở". Các lò phản ứng hạt nhân trên các tàu thế hệ mới của Trung Quốc thì thậm chí còn ồn hơn.
Tuy nhiên, năm 2006, hải quân Mỹ bị bất ngờ khi một con tàu ngầm lớp Tống chạy diesel của Trung Quốc trồi lên ngay trong tầm phóng ngư lôi của hàng không mẫu hạm Kitty Hawk, mà tàu Mỹ không hề biết trước.
"Trung Quốc ngày nay đã có những tàu ngầm rất êm, khiến cho việc phát hiện chúng ngày càng khó khăn", đại tá hải quân Parker nói. "Nếu anh không giỏi, anh không thể phát hiện".
Kể từ sau vụ Kitty Hawk, Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra chống ngầm. Nhưng Trung Quốc cũng triển khai thêm nhiều tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay và tên lửa được thiết kế để ngăn chặn khả năng trinh thám của Mỹ gần bờ biển Trung Quốc.
Năm 2009, 5 tàu Trung Quốc đã quây chiếc USNS Impeccable, một trong những tàu chống ngầm hiện đại nhất của Mỹ, ở vùng biển quốc tế gần căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Cuối năm ngoái, Trung Quốc bất ngờ thiết lập vùng nhận dạng phòng không và cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp phòng vệ cần thiết trước các chuyến bay không thông báo của nước ngoài.
Nhiều chuyên gia quân sự e rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lập vùng nhận dạng tương tự trên Biển Đông, cho dù Bắc Kinh suốt nhiều tháng nay khẳng định họ không có ý định đó. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc, theo nhận định của giới phân tích, là biến Biển Đông thành địa bàn vững chắc cho các tàu ngầm của họ, như Liên Xô từng có những thành trì cho hoạt động của hạm đội tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu các máy bay và tàu mặt nước của Trung Quốc có thể chặn lực lượng chống ngầm của Mỹ từ xa, thì đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ rảnh tay tuần tiễu khắp các vùng biển gần bờ và âm thầm lượn ra khơi xa ở Thái bình dương mà không ai biết."Tình thế sẽ giống thời Chiến tranh Lạnh", đại tá Parker nhận xét.
Ánh Dương (theo WSJ)
- Những vụ 'chạm trán' quân sự Mỹ - Trung (19/5)
- Điều gì đợi Tập Cận Bình ở Mỹ vào mùa thu tới (12/2)
- Obama: 'Ông Tập khiến láng giềng lo ngại' (4/12)
- Trung Quốc 'tấn công quyến rũ' đồng minh của Mỹ (29/11)
- Cuộc họp báo chung hiếm có của lãnh đạo Mỹ - Trung (13/11)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/my-tung-may-bay-di-san-tau-ngam-trung-quoc-3099031.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten