donderdag 28 mei 2015

Mỹ tấn công vào nạn tham ô trong FIFA


Hoa KỳQuốc tếThể thaoBóng đáFIFATham nhũngPhân tích

Mỹ tấn công vào nạn tham ô trong FIFA


mediaAn FBI agent brings out a computer after an operation inside the CONCACAF (Confederation of North, Central America and Caribbean Association Football) offices in Miami Beach, Florida May 27, 2015.REUTERS/Javier Galeano
Liên đoàn bóng đá quốc tế trong cơn bão tố. 14 quan chức lãnh đạo liên đoàn và các công ty quảng cáo bị truy tố về các tội rửa tiền, làm tiền, hối lộ. Tư pháp Mỹ khẳng định có đủ chứng cớ buộc tội các định chế điều hành bộ môn thể thao số một thế giới mà tai tiếng tham ô đã vang dội từ hai mươi năm nay.
Theo yêu cầu của Tư pháp Mỹ, sáng hôm qua 27/05/2015 , cảnh sát Thụy sĩ bắt một loạt 7 cán bộ lãnh đạo của liên đoàn FIFA trong một khách sạn sang trọng tại Zurich, những quan chức thân cận với chủ tịch Joseph Blatter. Những nhân vật này sẽ bị dẫn độ sang Mỹ để trả lời trước pháp luật.
Cơ sở của liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ và Caribê cũng bị cảnh sát khám xét cùng lức với trụ sở FIFA tại Thụy sĩ. Giám đốc cảnh sát liên bang Mỹ FBI James Comey và bộ trưởng bộ Tư pháp Loretta Lynch đích thân chỉ đạo cuộc điều tra mà con mồi đầu tiên bị sa lưới là Charles (Chuck) Blazer, ủy viên ban chấp hành FIFA từ 1996 đến 2013 vì tội quên khai thuế khoản tiền 13 triệu đôla. Để được nhẹ tội, nhân vật cột trụ của FIFA đã cung cấp cho cảnh sát điều tra những thông tin quý báu từ đó phăng lần đến tận Zurich, trụ sở của FIFA.
Sử dụng thuật ngữ bóng đá, Giám đốc cảnh sát liên bang FBI James Comey tuyên bố « FIFA bị thẻ đỏ » gây một trận cười trong giới phóng viên.
Một cách nghiêm trọng, bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch tố cáo 9 người vừa bị bắt trong đó có hai phó chủ tịch FIFA đã « gây ra bệnh dịch tham ô, cấm rễ và lan rộng trong bóng đá thế giới để phục vụ quyền lợi riêng tư và làm giàu cá nhân » trong 25 năm qua.
Một ngày sau mẻ lưới của cảnh sát Thụy sĩ, 24 giờ trước khi FIFA bầu lại chủ tịch mà Joseph Blatter, nhân vật lãnh đạo người Thụy sĩ bám chặt từ năm 1998 đến nay bị chỉ trích từ nhiều phía, câu hỏi đặt ra là tại sao Hoa Kỳ, tấn công vào FIFA ?
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio phân tích :
« Trước tiên, người ta tự hỏi vì những lý do sâu xa nào mà Công lý Hoa Kỳ lao vào cuộc tuy bóng đá không phải là môn thể thao hàng đầu của nước Mỹ. Những phương tiện pháp lý, nhân sự được huy động hùng hậu càng khơi dậy câu hỏi này.
Theo giới quan sát tại Hoa Kỳ, sự kiện Mỹ không được FIFA bầu chọn tổ chức Cúp Thế Giới 2022 mà lại trao cho Qatar là động lực khiến Tư pháp phải vào cuộc. Thất vọng cộng thêm mối nghi ngờ có bê bối trong tiến trình bầu chọn đã làm cho Hoa Kỳ phải nhanh chóng điều tra.
Hai Cúp Thế Giới tới đây, tại Nga năm 2018 và Qatar năm 2022 được quyết định cùng một lúc. Vấn đề là hai quyết định này đang bị điều tra tại Thụy sĩ và FIFA bị nghi ngờ có hành động mờ ám « rửa tiền và quản lý bất chánh ».
Giờ đây, Hoa Kỳ quy buộc « 47 trọng tội » nhắm vào 9 nghi can vừa bị bắt tại Thụy sĩ từ « làm tiền, lừa đảo cho đến rửa tiền bất chánh » trong suốt 25 năm. Trong thời gian này, những nghi can kể trên sử dụng chức vụ để « đòi hỏi và nhận hơn 150 triệu đôla hối lộ và hoa hồng bất chính » đổi lại quyền khai thác truyền hình các trận đấu quốc tế.
Chưởng lý Kelly Curry đã không đủ từ cứng rắn để mô tả các nghi can : « họ là những kẻ mà lẽ ra phải phục vụ cho những mục tiêu lợi ích chung, điều hành và quảng bá bóng đá thế giới . Nhưng những kẻ bị truy tố này do bị lòng tham thúc đẩy nên sử dụng trách nhiệm của họ để kiếm tiền ».
Thật ra, Tư pháp Mỹ đã để ý FIFA  từ nhiều năm rồi. Nhưng nạn tham ô rất khó chứng minh và cần phải có chứng cớ cụ thể.
Chứng cớ đã đến do ông Chuck Blazer, cựu Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ sơ hở cung cấp. Sai lầm của ông ta là « quên đóng thuế ». FBI gây sức ép : giảm án đổi lấy lời khai về tội lỗi vi phạm và các hành động bê bối của FIFA. Tất cả chi tiết đều được thu băng.
Chuyện gì phải xẩy ra thì mọi người đã biết. ».
Còn một vấn đề nghiêm trọng nữa là lý do tại sao Nga và Qatar được quyền tổ chức Cúp Thế Giới 2018 và 2022 ? Chính những người đi gây áp lực hành lang cho Qatar đã khai ra những bê bối của FIFA.
Thẩm phán hồi hưu Mỹ Michael Garcia được FIFA trao trách nhiệm điều tra. Kết quả hai năm điều tra không được công bố nhưng một số nhân vật lãnh đạo trong FIFAtuyên bố « các nguyên tắc bầu chọn (Nga và Qatar) không bị vi phạm » theo kết luận của bản báo cáo.
Thế nhưng, sau khi thẩm phán Michael Garcia hết nhiệm kỳ , ông lập tức cải chính : bản báo cáo của ông bị giới lãnh đạo FIFA diễn dịch sai trái và bóp méo.
Chắc chắn là kết quả điều tra này sẽ được nhắc đến trong những ngày tới và nếu đúng là có tham ô thì liệu chuyện gì sẽ xẩy ra cho Cúp bóng đá 2018 và 2022 ?.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vội vã lên tiếng chỉ trích Mỹ « can thiệp và nội bộ FIFA ». Theo ông Putin, các vụ điều tra và bắt giam cán bộ Fifa là âm mưu của Mỹ không cho Joseph Blatter, 79 tuổi, thêm nhiệm kỳ thứ năm.
Tuy nhiên, tổng thống Nga tránh bình luận về tin cảnh sát Thụy Sĩ đang điều tra khả năng Nga hối lộ FIFA để được tổ chức Cúp 2018.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150528-hoa-ky-tan-cong-vao-te-nan-tham-o-trong-lien-doan-bong-da-quoc-te-fifa/

Báo chí Mỹ : FBI có nội gián trong FIFA

mediaÔng Chuck Blazer, ủy viên Ban chấp hành FIFA làm nội gián cho FBI từ năm 2011 - AFP / PETER KOHALMI
Vụ bê bối tham nhũng trên quy mô lớn trong Liên đoàn Bóng đá Thế giới – FIFA được phơi bày ra ánh sáng, ngày 27/05/2015, sau khi 7 lãnh đạo của tổ chức này bị bắt tại Zurich, Thụy Sĩ. Đây là kết quả điều tra trong nhiều năm của cảnh sát Hoa Kỳ. Thực vậy, theo báo chí Mỹ, mọi việc bắt đầu từ cuối năm 2011, khi Cục Điều tra Liên bang – FBI – đã thuyết phục được Chuck Blazer làm nội gián, cung cấp thông tin.
Ông Chuck Blazer là ủy viên Ban chấp hành FIFA từ năm 1996 đến 2013 và làm việc ngay tại trụ sở của Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribê (CONCACAF).
Vụ bê bối bị vỡ lở nhờ vào việc Chuck Blazer làm nội gián cho FBI trong 2 năm, nhưng nhân vật này không có gì đáng để ca ngợi. Trong vòng 21 năm làm việc tại CONCACAF, Chuck Blazer đã từng nổi tiếng là « Ngài 10% », tức là nhận hối lộ mỗi khi liên đoàn ký hợp đồng với đối tác bên ngoài. Bị nghi ngờ không khai thuế hơn 15 triệu đô la, ông ta chấp nhận làm việc cho cảnh sát Mỹ để tránh phải ngồi tù.
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2013, Chuck Blazer đã mang theo một micro được cài trong chùm chìa khóa và đã ghi âm hàng trăm cuộc nói chuyện. Tất cả được đưa vào hồ sơ điều tra tư pháp do biện lý New York, bà Loretta Lynch phụ trách. Từ 27/04, bà Lynch đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ.
Nhờ vậy, 9 ủy viên Ban chấp hành và 5 đối tác của FIFA đã chính thức bị truy tố với tội danh tham nhũng, trong việc lựa chọn nước tổ chức Giải Vô địch bóng đá thế giới, các quyền tiếp thị, quảng cáo và truyền hình.
Mặc dù hợp tác với FBI, Chuck Blazer vẫn phải đối mặt với nhiều tội danh khác. Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, được công bố ngày 27/05, Chuck Blazer bị truy tố với các tội lừa đảo qua thư điện tử, tống tiền, rửa tiền và trốn thuế và có thể bị kết án tới 10 năm tù.
Với hy vọng được giảm án, Chuck Blazer đã thừa nhận các tội danh, hoàn trả cho cơ quan thuế vụ 2 triệu đô la và chấp nhận trả một khoản tiền phạt.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150528-bao-chi-my-fbi-co-noi-gian-trong-fifa/

"Qatargate", cuộc chiến giữa Blatter và Platini

mediaChủ tịch UEFA Michel Platini tại sân vận động Doha, Qatar cuối năm 2011 - AFP / KARIM JAAFAR
Ngày 01/06 vừa qua, tờ báo Anh quốc Sunday Times cáo buộc Qatar hối lộ quan chức FIFA để giành quyền đăng cai Cúp bóng đá Thế giới 2022. Sự việc còn chưa rõ trắng đen thế nào, hôm thứ Ba 03/06 vừa qua, tờ The Daily Times còn bồi thêm một cú khi chỉ đích danh Michel Platini, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Âu có dính líu đến vụ việc.
Về chủ đề này, trang Thể thao của báo Le Monde có bài viết tường thuật khá chi tiết giúp độc giả hiểu rõ sự việc trước khi kết quả điều tra sắp được công bố trong thời gian sắp tới. Le Monde trích dẫn nhận định của nhiều quan chức tại Liên đoàn Bóng đá Châu Âu – UEFA cho rằng “Tất cả những điều đó, là do chứng "hay sợ" của Blatter. Ông ta luôn sợ Michel Platini ra tranh chức Chủ tịch FIFA với ông ta”.
Theo cáo buộc của tờ Sunday Times, ông Mohamed Ben Hammam, người Qatar, cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Á và cựu phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Quốc tế đã chi ra 5 triệu đô-la mua chuộc các thành viên FIFA để dành quyền đăng cai Cúp bóng đá 2022.
Tờ The Daily Times tố cáo Chủ tịch UEFA ông Michel Platini có dính dáng đến vụ nhận hối lộ này, cho rằng cựu danh thủ của Pháp đã buổi gặp gỡ riêng “bí mật” với nhân vật Qatar đáng gờm đó vào tháng 11/2010, vài ngày trước khi bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai cho năm 2022.
Trước những lời cáo buộc đó, ông Platini đã khăng khăng phủ nhận: “Tôi không lấy làm ngạc nhiên trước việc loan truyền các tin đồn không có cơ sở nhằm bôi nhọ hình ảnh của tôi trong thời điểm khó khăn cho tương lai của môn bóng đá. Chẳng có gì làm cho tôi ngạc nhiên cả!”.
Trên thực tế, ông Blatter, đương kim chủ tịch FIFA sẽ phải công bố chính thức sự ứng cử của ông cho nhiệm kỳ thứ 5 vào ngày 10/6 sắp đến, tức còn hai ngày nữa là diễn ra trận cầu khai mạc cho Cúp bóng đá thế giới 2014 tại Brazil. Về phần mình, ông Platini tuyên bố sẽ cho biết quyết định cuối cùng sau khi trận cầu lớn nhất hành tinh này kết thúc. Cuộc bỏ phiếu chọn dự tính diễn ra trong tháng 5 năm 2015.
Từ đó, cuộc chiến giữa Blatter và Platini trở nên dữ dội. Và nhân vật Qatar trở thành vũ khí lợi hại nhất cho Blatter. Vị chủ tịch FIFA biết rất rõ là việc giao quyền đăng cai Cúp bóng đán 2022 cho tiểu vương quốc Ả Rập này ngày càng bị phản đối do điều kiện khí hậu khắc nghiệt và điều kiện lao động trên các công trường xây dựng phục vụ cho sự kiện tại Doha.
Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh truyền hình Thụy Sĩ, một mặt ông Blatter thừa nhận “sai lầm” khi giao quyền đăng cai cho Qatar. Bên cạnh đó ông cũng không quên ám chỉ có sự can thiệp của chính phủ Pháp và Đức.
Thực tế là vào ngày 23/11/2010, một tuần trước khi bỏ phiếu ủng hộ Qatar và sáu tháng trước phi vụ Qatar mua đội bóng Pháp Paris-Saint-Germain, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tổ chức một bữa ăn trưa tại điện Elysée, với sự hiện diện của Platini và nhất là Quốc vương và Thủ tướng Qatar. Sự việc đã làm dấy lên nghi ngờ có xung đột quyền lợi.
Cho đến giờ Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Âu đều phủ nhận có áp lực từ phía cựu tổng thống Pháp để bỏ phiếu ủng hộ Qatar. Cuộc gặp gỡ đó cũng chỉ là sự tình cờ và đã làm ông bất ngờ. Còn về bữa điểm tâm với Ben Hamman trong một khách sạn tại Zurich bên lề Ủy ban điều hành FIFA, một thân cận của Platini tại UEFA khẳng định chẳng có gì là bí mật và chẳng liên quan gì đến ứng viên Qatar, “chẳng qua là Ben Hamman đã đề nghị Michel ra ứng cử đối đầu với Blatter tranh chức chủ tịch FIFA. Nhưng ông ta đã từ chối và cho nên Ben Hamman có nói rằng ông ta sẽ ra ứng cử. Blatter cũng biết điều đó”.
Và đúng như vậy, vài tuần sau ông Ben Hammam tuyên bố ứng cử nhưng sau đó phải tự rút lui do các cáo buộc tham nhũng. Theo quan điểm của Liên đoàn Châu Âu được Le Monde trích dẫn lại, vụ hối lộ các quan chức FIFA của Ben Hammam không nhằm mua quyền đăng cai mà cho mục đích tạo mối liên kết cho việc tranh cử chức chủ tịch FIFA. Bởi vì, ai cũng hiểu rõ là trong con mắt của hoàng tộc Qatar, ông Ben Hammam là một con người không mấy trong sạch.
Nếu đúng như thế lời nhận định của vị quan chức UEFA thì rõ là “Đằng sau ‘Qatargate’, là cuộc chiến giữa Blatter và Platini”, như tựa đề bài viết.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20140605-%C2%AB-qatargate-%C2%BB-hay-cuoc-chien-giua-blatter-va-platini/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten