Friday, May 22, 2015 3:30:23 PM
HÀ NỘI (NV) - Đó là thông tin mà bà Lisa Wishman, tùy viên báo chí của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cung cấp cho tờ Tuổi Trẻ.
Ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. (Hình: Politico)
Theo bà Wishman, ông Ashton Carter dự trù sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tháng này sau khi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á 2015 (Đối Thoại Shangri-La lần thứ 14), diễn ra tại Singapore từ ngày 29 đến 31 tháng 5, 2015.
Trước đó một chút, khi trò chuyện với hãng tin Bloomberg, ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ thảo luận về những vấn đề có liên quan đến hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện vừa kể, ông Osius không giấu giếm nguyên nhân khiến Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác với nhau chặt chẽ hơn: Đó là vì những hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua! Với bối cảnh như thế, quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có lợi cho cả hai quốc gia. Hoa Kỳ có thể bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình còn Việt Nam có thể nâng cao năng lực hành động.
Tuy nhiên ông Osius khẳng định, Hoa Kỳ không muốn xảy ra xung đột. Có nhiều cách để loại bỏ xung đột và tình trạng căng thẳng có thể giải trừ bằng áp lực ngoại giao. Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã cũng như đang thúc đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam gắn kết với nhau.
Chẳng hạn trước kia, chế độ Hà Nội nhiều lần bày tỏ ước muốn mua vũ khí của Hoa Kỳ và đề nghị Hoa kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam nhưng Hoa Kỳ không chấp thuận.
Thế rồi do cách hành xử của Trung Quốc tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (đưa giàn khoan 981 đến thăm dò dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa, phong tỏa bãi Cỏ Mây, liên tục đòi chủ quyền tại những khu vực vốn là vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác,...) năm ngoái, Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ thiết lập và thực hiện một chính sách, sao cho phản ảnh được cả tiến bộ lẫn thách thức còn tồn tại trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, cũng như các lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Hoa Kỳ.
Theo đó, chính phủ Hoa Kỳ có thể mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam qua việc bán hoặc chuyển giao thiết bị quốc phòng trong chiều hướng thích hợp với sự phát triển và duy trì khả năng phòng thủ chống ngoại xâm của Việt Nam.
Đến cuối năm ngoái, lệnh cấm vận vũ khí đã được dỡ bỏ một phần và tháng trước, hàng chục nhà thầu quốc phòng đã đến Việt Nam để thảo luận về những hợp đồng mua bán vũ khí trong tương lai.
Hồi giữa tháng 1 năm nay, ở hội thảo “Quan Hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Của Hoa Kỳ (CSIS) và đại học Portland của Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ở Hà Nội, ông Osius nhấn mạnh, Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lớn mạnh, giàu có và độc lập, tôn trọng luật pháp và nhân quyền.
Lúc đó, ông Hà Kim Ngọc, một thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, khẳng định, sự can thiệp sâu hơn của Hoa Kỳ sẽ “có lợi cho toàn khu vực” trong những năm sắp tới.
Cũng thời điểm vừa kể, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, nhận định, Việt Nam hy vọng TPP (Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và về lâu dài, muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập cảng từ Trung Quốc. Mặt khác, Biển Đông đang là lý do thúc đẩy Việt Nam tìm chỗ “đỡ đầu” và Hoa Kỳ được xem là lựa chọn tốt nhất. Tờ báo này “cảnh báo” giới lãnh đạo Việt Nam rằng, Hoa Kỳ muốn tạo ra các cuộc “cách mạng màu” tại Việt Nam nhằm sử dụng Việt Nam giống như Philippines - “những con tốt để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.”
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, năm nay là năm quan trọng đối với quan hệ ba bên Trung Quốc-Hoa Kỳ-Việt Nam. Việc “lôi kéo Việt Nam” của Hoa Kỳ sẽ “dễ dàng phá vỡ khuôn khổ mong manh về an ninh trong khu vực, gây ra những nguy cơ đối với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.”
Hoàn Cầu Thời Báo lên án Hoa Kỳ “trơ tráo can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác” và cho rằng Trung Quốc “có thể sử dụng những phương tiện dễ được chấp nhận hơn để giúp Việt Nam thu được những mối lợi từ quan hệ song phương tích cực.” Đồng thời cảnh cáo, “Nếu Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ có những biện pháp trừng phạt.”
Hoàn Cầu Thời Báo khuyên rằng, để ngăn chặn Việt Nam nghiêng về phía Hoa Kỳ, Trung Quốc cần tỏ ra mềm mỏng hơn nhằm xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông. Nếu không, khi căng thẳng gia tăng, có nhiều khả năng Việt Nam lúng túng và trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ. Chính quyền Trung Quốc được khuyên là cần “triệt để khai thác các lợi thế truyền thống” vì “các mối lợi thực sự sẽ làm cho Việt Nam trở nên sáng suốt để cân nhắc giữa theo và chống khi đưa ra các quyết định liên quan đến Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
Trong quan hệ với Việt Nam, trước nay, Trung Quốc vẫn rất “nhất quán,” vừa vỗ về để Việt Nam yên tâm thực hiện định hướng “kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được” để giải quyết mâu thuẫn về chủ quyền, vừa hành động để chứng minh tuyên bố “Biển Đông là sân riêng của Trung Quốc.” (G.Đ)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten