donderdag 21 mei 2015

Trung Quốc : Nhiều giám mục Công giáo mất tích bí ẩn

Trung QuốcCông giáoNhân quyềnTội ácĐiểm báo

Trung Quốc : Nhiều giám mục mất tích bí ẩn

mediaBiểu tình đòi tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Trong ảnh, Hồng Y Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác, Hồng Kông, 11/07/2015REUTERS/Bobby Yip
« Nhiều giám mục Công giáo mất tích » tại miền bắc Trung Quốc là tựa đề của Le Monde. Cụ thể là tại một giáo phận thuộc tỉnh Hà Bắc (He Bei), cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 km về phía tây nam, liên tục nhiều thế hệ giám mục bị đưa đi mất tích, để rồi một thời gian sau, người ta biết là họ đã chết.
Giáo phận Yixian là nơi gần như toàn bộ dân cư theo Công giáo, với truyền thống lâu đời, từ trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Hầu hết các giám mục tại đây trung thành với Tòa Thánh Vatican, không chấp nhận tham gia « Giáo hội Công giáo yêu nước », nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, như đa số các giám mục khác (theo đặc phái viên Le Monde).
Cái giá phải trả cho sự trung thành tuyệt đối này là họ bị chính quyền truy bức đến cùng. Tại nghĩa trang của giáo phận, có hai tấm bia mộ, ghi năm mất của hai giám mục tiền nhiệm, 1989 và 1993, đều là các nạn nhân của chính quyền. Ngày 31/03 vừa qua, chính quyền thông báo giám mục Côme Shi Enxiang đã chết, ở tuổi 94. Đây là vị giám mục bị công an chính trị Trung Quốc bắt cóc từ năm 2001.
Theo đặc phái viên Le Monde, tất cả giám mục bất tuân phục Bắc Kinh đều bị truy bắt. Ngoài hai giám mục đã qua đời nói trên, còn có giám mục Su Zhimin bị bắt năm 1997, và từ đó đến nay không hề có thông tin gì về ông.
Dù sao, người Công giáo tại giáo phận Yixian vẫn tiếp tục tự tổ chức, bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Hiện tại giáo phận tạm thời do một linh mục - cũng không được Nhà nước công nhận – phụ trách. Cho dù trong những năm gần đây, đời sống tôn giáo có phần dễ thở hơn trước, nhưng các linh mục bất tuân vẫn không có quyền truyền đạo ra ngoài. Linh mục Thomas, phụ trách giáo phận bí mật từ năm 2012, kể lại không khí hiện nay qua một câu chuyện như sau : Một hôm các giới chức của Ban tôn giáo chính quyền tỉnh và huyện đột ngột ập đến nhà thờ giáo phận, sau khi ngôi thánh đường được trùng tu. Họ cư xử cứ như là vị linh mục không tồn tại.
Mới đây, ngày 12/03, giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, Fedirico Lombardi, một lần nữa gợi ý với Bắc Kinh chấp nhận một « mô hình kiểu Việt Nam », theo đó chính quyền trung ương có ý kiến về ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo Công giáo, mà Vatican dự định. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thẳng thừng.
Ở Việt Nam, mọi người gọi bà là « Mẹ Tina »
Vẫn liên quan đến Công giáo, nhưng về Việt Nam, La Croix có bài « Ở Việt Nam, mọi người gọi bà là Mẹ Tina », nhân bộ phim về nhà hoạt động nhân đạo Christina Noble ra mắt hôm nay tại Pháp. Tờ báo Công giáo nhận xét : « Christina Noble ở trong số những người được đào luyện trong gian khó, để thu lấy từ đó sức mạnh và lòng cương quyết ». Sinh năm 1944, tại một khu phố nghèo ở Dublin, thủ đô Ai Len, là con của một người bố nghiện rượu, một người mẹ bệnh tật, qua đời khi bà mới 10 tuổi. Christina Noble phải vào trại trẻ mổ côi sau đó….
Thế rồi, con người hết lòng vì trẻ em này đã tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989, một đất nước mà bà gần như không biết gì.
Chứng kiến cuộc sống của trẻ em đường phố, bà quyết định mở một trung tâm chăm sóc đầu tiên năm 1991. Vào thời điểm Việt Nam vừa mới bắt đầu mở cửa, « Mẹ Tina » đã phải đối mặt với bao nhiêu thử thách, nhất là sự nghi kỵ, nếu không muốn nói là thù nghịch của chính quyền địa phương.
Nhờ ở Quỹ Children’s Fondation của Christina Noble, hơn 100 dự án nhân đạo đã được thực hiện tại Việt Nam và Mông Cổ. Mẹ Tina cho biết Quỹ đã giúp đỡ trực tiếp 700.000 trẻ em, và 300.000 gia đình, trên ba lĩnh vực : Thực phẩm, sức khỏe và giáo dục. Thái độ của Quỹ được thể hiện qua ba từ : Tình yêu « không điều kiện », « tôn trọng » văn hóa và « nhân phẩm » của những người được giúp đỡ.
Christina Noble được tạp chí Times Magazine năm 2003 bầu chọn làm một trong « 36 gương mặt gây cảm hứng cho thế giới ».
Vụ Atlaoui cho thấy thực trạng tồi tệ của tư pháp Indonesia
Liên quan đến Châu Á, Le Monde có bài giới thiệu việc xét lại về mặt hành chính vụ án xử công dân Pháp Serge Atlaoui, bị kết án tử hình vì cáo buộc tham gia đường dây ma túy. Hôm nay, tòa án hành chính Jakarta bắt đầu xem xét đơn kiện.
Luật sư nổi tiếng Todung Mulya Lubis, 65 tuổi, nhà đấu tranh nhân quyền kỳ cựu tại Indonesia, giải thích vì sao nền tư pháp tại quốc gia này lại trở nên hư hỏng, cho dù tình hình có khá hơn sau khi nền độc tài chấm dứt. Các lý do ông đưa ra là : nạn tham nhũng, trình độ yếu kém của các thẩm phán, và sự can thiệp của chính trị.
Luật sư Todung Mulya Lubis từng là người bào chữa cuối cùng cho hai tử tù người Úc, Andrew Chan và Myuran Sukumaran. Ông cáo buộc các thẩm phán, ra phán quyết tử hình hai người này năm 206, đã đòi ông 130.000 đô la, để đổi lấy mạng sống của hai khách hàng. Hai tử tù cho biết họ đã chuyển tiền, nhưng phía các thẩm phán lại đòi nhiều hơn, và lần này gia đình từ chối… Hiện tại không có bằng chứng nào đủ để chứng minh cáo buộc này. Hai nhân chứng quan trọng nhất cho vụ án bất hạnh thay lại chính là hai tù nhân Úc, những người vừa bị hành quyết.
Tổ chức thánh chiến liên tục lấn sân : Đối phó thế nào ?
Trở lại với thời sự quốc tế, một tâm điểm hôm nay là tình hình chiến sự tại Trung Đông. Le Figaro chạy hàng tít lớn « Irak-Syria : Tổ chức Nhà nước Hồi giáo liên tục lấn sân ». Le Figaro nhận xét : « Các trận không kích trong mười tháng đã mang lại kết quả. Tuy nhiên, sau 5.300 vụ không kích, ‘‘vương quốc Hồi giáo’’ vẫn không suy yếu về cơ bản… Buộc lực lượng Irak phải tháo lui, quân thánh chiến đã chiếm được nhiều vũ khí hạng nặng do Hoa Kỳ cung cấp ».
Theo Le Figaro, quân thánh chiến đang tiến chậm, nhưng chắc chắn về phía thủ đô Syria và Irak, để đảo ngược tình thế, cần phải « có các lựa chọn chiến lược rõ ràng ». Cụ thể là mở rộng cho sự tham gia của các lực lượng dân quân Shia đồng minh với Iran (với số quân khoảng 35.000 người) và các bộ tộc Sunni, có xu hướng đầu quân theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Trên thực tế, Bagdad đã quyết định đưa dân quân Shia tham gia chiến dịch tái chiếm Ramadi, « khoảng 3000 binh sĩ » đã tới gần thành phố vừa bị mất vào tay Daesch (tổ chức Nhà nước Hồi giáo) hôm Chủ nhật. Tuy nhiên, sự tham gia của lực lượng vũ trang hệ phái Shia trong cùng một mặt trận với quân đội Irak, và tại vùng đất của người Sunni, mang lại nhiều nghi ngại. Libération dẫn lời một số thượng nghị sĩ Mỹ, theo đó thành công quân sự của lực lượng này có thể sẽ là không đáng kể so với thiệt hại về mặt chiến lược, do bạo lực tôn giáo, và so với nỗi sợ mà lực lượng này gây ra đối với cộng đồng Irak theo hệ phái Sunni.
Theo Libération, cho đến tối qua chính quyền Irak vẫn chưa quyết định phản công tái chiếm Ramadi.
Ukraina : Sự kháng cự của giới đặc quyền
Về điểm nóng Ukraina, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, mang tựa đề « Ukraina : hai làn gió nghịch », để điểm lại tình hình tại quốc gia Liên Xô cũ, một năm sau cuộc chính biến Maidan, lật đổ Tổng thống thân Nga. Ngày 25/05/2014, ông Petro Porochenko đắc cử Tổng thống, vào lúc đó tân tổng thống phải đối mặt với hai xu thế đối nghịch, một bên là sự nóng lòng của những người nổi dậy, muốn thay đổi nhanh chóng, và bên kia là sự kháng cự của các thiết chế cũ, bám rễ chặt trong hệ thống xã hội Ukraina, bất chấp sự ra đi của Tổng thống thân Nga.
Theo Le Monde, trong số các quốc gia cộng sản cũ, Ukraina có một vị trí đặc biệt, gắn chặt với hệ thống xô viết, nhiều hơn các nước ngoại vi như Ba Lan. Về mặt định chế, Ukrain với 46 triệu dân phụ thuộc vào Nga chặt chẽ hơn nhiều so với các nước cộng hòa nhỏ bé vùng Ban tích. Sau khi độc lập, Ukraina đi theo một quỹ đạo riêng, với một thể chế bán dân chủ và hết sức tham nhũng, rất gần với chế độ tại Nga. Chính hệ thống chính trị này đã bị phong trào Maidan làm bung ra vào tháng 2/2014.
Tuy nhiên, các cải cách thực sự là rất khó khăn. Chỉ mới gần dây thôi, Tổng thống Porochenko mới « bắt đầu tấn công vào giới đặc quyền », khi buộc một trong những thủ lãnh phải từ chức (Thống đốc vùng Dnipropetrovsk). Le Monde nhấn mạnh, phần còn lại của công việc là hết sức lớn, khi nhiều nhóm đặc quyền khác vẫn tiếp tục chi phối nền kinh tế Ukraina, trong bối cảnh vùng Donbass tiếp tục trong tình trạng chiến tranh do Nga giật dây, và kinh tế suy giảm đến 17,5% GDP chỉ trong quý đầu 2015. Le Monde lưu ý, Liên Hiệp Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục dành cho Ukraina nhiều trợ giúp, nhưng đồng thời hết sức chăm chú để làm sao các trợ giúp được sử dụng đúng mục đích.
Trang nhất các báo
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo lấn sân tại vùng Cận Đông, việc phân bổ định mức tiếp nhận người tỵ nạn từ Phi Châu là các chủ đề quốc tế lớn được chú ý trên trang nhất nhiều nhật báo Pháp.
Báo chí cũng loan tin về sáng kiến  mới của Pháp cho hòa bình giữa Palestine và Israel. Theo Le Figaro, Pháp sẽ đưa ra một dự thảo nghị quyết từ nay đến tháng 9/2015. Paris sẽ đề nghị một thời hạn 18 tháng cho "một giải pháp công bằng, bền vững và tổng thể". Quá giai đoạn này, Pháp sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine.
Cuộc cải cách giáo dục gây tranh cãi và tập đoàn điện nguyên tử Areva trên bờ giải thể là các tâm điểm của thời sự trong nước.
Về hội nghị khí hậu với sự tham gia của 1.000 lãnh đạo kinh tế tại Paris hôm nay và ngày mai, theo lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ, báo Les Echos có bài "Các doanh nghiệp vào cuộc vì thành công của Thượng đỉnh COP21", nhấn mạnh "các doanh nghiệp đang áp lực để chính quyền các nước đạt một đồng thuận rõ ràng và bền vững trong tháng 12 tới tại Paris".

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150520-trung-quoc-nhieu-giam-muc-mat-tich-bi-an/

Người Công giáo Trung Quốc lo sợ Bắc Kinh tái kiểm soát Giáo hội

mediaGiáo dân Thiểm Tây trong thánh lễ Chủ nhật, ngay sau khi Toà thánh Vatican bầu chọn Tân giáo hoàng (Reuters)REUTERS/Stringer
Trong bài viết mang tựa đề « Người Công giáo Trung Quốc lo sợ Bắc Kinh tái kiểm soát Giáo hội », thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải cho biết sau khi Giám mục Thượng Hải Kim Lỗ Hiền qua đời và tân giám mục phụ tá Mã Đạt Khâm bị quản thúc tại gia, giáo dân lo ngại chính quyền sẽ sử dụng trở lại bàn tay sắt.
Bài báo mở đầu bằng sự kiện hàng trăm tu sĩ hiện diện tại giáo đường Thượng Hải hôm thứ Hai 29/04/2013 để tưởng niệm khuôn mặt biểu tượng cho sự hòa giải giữa Vatican và Giáo hội Công giáo do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều khiển. Đức Giám mục Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian) đã qua đời chiều ngày 27/4, thọ 97 tuổi. Ngài đã từng theo học tại nhà tập ở vùng Saône-et-Loire nước Pháp, trở về Trung Quốc năm 1951, và sau đó bị chế độ Mao Trạch Đông kết án 5 năm tù. Ngài phải ngồi tù suốt 18 năm và sau đó bị đi cải tạo 9 năm.
Sau khi được trả tự do năm 1982, Giám mục Kim Lỗ Hiền vẫn gia nhập giáo hội « chính thức » và với tinh thần thực dụng, ngài vận động để hai giáo hội ngầm và của nhà nước xích gần lại với nhau. Năm 2005, ngài thành công trong việc phong chức một giám mục phụ tá ở Thượng Hải, được cả Roma và Bắc Kinh thông qua, đánh dấu một thời kỳ 5 năm quan hệ giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh nồng ấm trở lại.
Sự hòa thuận này đã tan thành mây khói từ tháng 11/2010 khi Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc lại tự ý tiến hành phong chức cho các giám mục ở Thừa Đức (Chengde) thuộc tỉnh Hà Bắc, chưa được Đức Giáo hoàng chuẩn y. Các thành viên hàng giáo phẩm trung thành với Roma bị các nhân viên an ninh cưỡng bức đến dự lễ.
Bắc Kinh biện minh là cần đẩy nhanh việc phong chức tại một số địa hạt chưa có giám mục, nhưng những người Công giáo coi đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền đã cứng rắn hơn. Tuy nhiên họ còn phân vân, không biết điều này nằm trong một chính sách tổng thể nhằm đàn áp các nhà tranh đấu cho nhân quyền, hay chỉ là mánh lới của các quan chức phụ trách quản lý Giáo hội, vì những người này sợ rằng quyền lực của họ sẽ bị lung lay một khi Roma và Bắc Kinh hòa hiếu lâu dài.
"Tự do" với điều kiện phải phục tùng chính quyền
Xúc cảm đã lên đến đỉnh điểm tại Thượng Hải hôm thứ Hai 29/4, trong buỗi lễ chỉ do một linh mục tiến hành. Đó là vì mùa hè vừa qua, tân giám mục phụ tá của thành phố đông dân nhất Trung Quốc Mã Đạt Khâm (Ma Daqin) đã bị quản thúc tại gia. Trong thánh lễ phong chức giám mục phụ tá cho bản thân hôm 07/07/2012, ngài đã từ chối chạm tay vào hai vị giám mục không được Roma chuẩn y. Sự hiện diện của họ là do Giáo hội của Nhà nước bắt buộc, vì vậy mà một số tu sĩ không muốn đến tham dự thánh lễ. Bản thân Mã Đạt Khâm không chống đối Giáo hội « chính thức », trong đó ngài giữ một chức vụ quan trọng tại Thượng Hải. Nhưng trước đó không lâu, ngài đã được Vatican bổ nhiệm.
Chính trong thánh lễ hôm ấy, Mã Đạt Khâm đã loan báo trên micro là ngài từ chối các chức vụ của Hội Công giáo Yêu nước do Đảng Cộng sản điều khiển. Một người châu Âu có mặt trong buổi lễ kể lại : « Các thanh niên vỗ tay như sấm dậy, còn các viên chức thì tái mặt ! ». Những cán bộ Đảng lần lượt rời nhà thờ. Thánh lễ chấm dứt, các nhân viên an ninh mặc thường phục cưỡng bức vị tân giám mục đến chủng viện Xà Sơn (Sheshan) cách trung tâm thành phố 30 km, và quản thúc ngài tại đây.
Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc nghĩ rằng vị tân giám mục là một tu sĩ dễ thỏa thuận, thậm chí ngoan ngoãn. Người châu Âu hiện diện trong thánh lễ đáng nhớ hôm ấy phân tích : « Ngược với những người như Giám mục Kim Lỗ Hiền đã từng bị giam cầm 27 năm trời, thấy mỗi sự cải thiện đều là điều tốt so với thời kỳ cứng rắn nhất trước đây, thế hệ mới đã đặt hy vọng vào hòa giải. Họ đứng trước một chính sách siết lại - không thể giải thích được - từ năm 2010, và chứng tỏ rằng sẽ không đi xa hơn ». Ước vọng cuối đời của Đức giám mục Kim Lỗ Hiền là có được một cộng đồng hòa hợp. Năm ngoái ngài đã từ chối đưa ra lời bình luận với Le Monde về các vụ đàn áp đang diễn ra, trong khi vẫn lo ngại cho số phận các tu sĩ trẻ tuổi nhất.
Người kế vị của Giám mục Kim đã bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài. Khi cố gắng đến thăm chủng viện vào tháng trước, một trong những người bạn linh mục của giám mục phụ tá Mã Đạt Khâm cho biết, ngài có thể cùng dùng bữa với các chủng sinh khác, nhưng phải làm lễ một mình. « Tự do cho người Công giáo là với điều kiện phải phục tùng hệ thống ». Người này nhận xét, giám mục Mã Đạt Khâm có thể cập nhật tài khoản Vi Bác – đôi khi đưa lên một vài đoạn trong Kinh Thánh. Ngài có thể được gặp gỡ vài người, nhưng không được tiếp xúc với người ngoại quốc vì điều này « sẽ làm trầm trọng hơn » trường hợp của mình.
Từ mùa hè năm ngoái, ê-kíp lãnh đạo Trung Quốc đã được thay đổi, và một Đức Giáo hoàng mới đã được bầu lên. Nhưng nếu tân chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến việc cải tiến nội bộ Đảng, thì lại không phát biểu gì về số phận của những người Công giáo Trung Quốc. Vị linh mục trên đây bày tỏ hy vọng « Chính quyền sẽ cởi mở hơn và cho phép giám mục Mã Đạt Khâm trở về Thượng Hải ».
Từ nhiều tuần qua, Đảng Cộng sản đã biết rằng Đức giám mục Kim Lỗ Hiền sắp qua đời. Người kế vị của ngài sẽ bị đưa đi xa hơn : đến tận Bắc Kinh.
Năm đầu cầm quyền đầy u ám của Tổng thống Pháp
Về tình hình nước Pháp, trang nhất của Le Monde đăng chân dung Tổng thống Pháp và chạy tựa « Hollande, một năm khủng khiếp ». Tờ báo đề cập đến những thử thách không vượt qua được trong năm đầu tiên điều hành đất nước, bên cạnh đó là một vài thắng lợi nhưng cái giá phải trả quá đắt, những hồ sơ nóng bỏng đang chờ đợi Tổng thống trong mùa thu tới.
Nhắc đến việc ông François Hollande không tổ chức kỷ niệm một năm cầm quyền vào ngày 6/5 tới, và cũng không có ý định phát biểu, Le Monde dẫn lời một Bộ trưởng cho rằng vị « Tổng thống bình thường » tỏ ra không bình thường ở một điểm : đó là đánh mất mọi biểu hiện quyền uy cần có của một nguyên thủ quốc gia.
Ngay từ những tuần lễ đầu tiên, là việc nhập nhằng chuyện công tư : tin Twitter của người phụ nữ ông đang chung sống là bà Valérie Trierweiler, cổ vũ đối thủ tranh cử với bà Ségolène Royal – người đã có bốn mặt con với ông Hollande – bị phê phán nặng nề. Cuộc khủng hoảng tiếp tục trầm trọng, và tỉ lệ tín nhiệm lao dốc khiến hình ảnh của người đứng đầu đất nước càng thêm mờ nhạt. Le Monde cho rằng ông Hollande và ê-kíp của ông đã không phân biệt được giữa cách hành xử của người tiền nhiệm Sarkozy và thế nào là quyền lực của một tổng thống.
Điểm qua những thử thách, trước hết là việc tái định hướng châu Âu cho tăng trưởng. Theo Le Monde, đây là một trong những khó khăn chính của nhiệm kỳ : làm thế nào tái thúc đẩy tăng trưởng lâu dài, trong bối cảnh tệ hại hiện nay ? Kế hoạch hỗ trợ cạnh tranh gồm 35 biện pháp và 20 tỉ euro ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp là bước đầu tiên, nhưng chưa thể đủ. Đối với thử thách kế tiếp là xóa nạn thất nghiệp, thì nay con số người đăng ký tìm việc đã lên đến mức kỷ lục là 5 triệu người. Còn mục tiêu đoàn kết tập hợp thì rõ ràng ông François Hollande đã thất bại.
Về những thắng lợi, theo Le Monde, đó là quyết định can thiệp quân sự vào Mali, thỏa thuận quốc gia liên ngành về việc làm (ANI) ký kết được với các đối tác xã hội, và luật hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên ông Hollande đã phải trả giá đắt : mất đi sự ủng hộ của một bộ phận trong đa số cầm quyền. ANI được thông qua nhưng 35 dân biểu đảng Xã hội và nhóm đảng Xanh vắng mặt, 5 dân biểu Xã hội bỏ phiếu chống. Sự kiên định của ông bảo vệ luật hôn nhân đồng giới cũng để lại dư vị đắng nghét : nhiều người chống đối đã trở nên hữu khuynh và đảng cánh hữu UMP qua đó lấy lại được sức sống.
Xếp hạng nhà tù Mỹ trên mạng
Nhìn sang nước Mỹ, tờ Le Parisien trong bài « Hoa Kỳ : Một trang web để đánh giá các nhà tù » cho biết trang mạng Yelp dành cho cư dân mạng đăng tải ý kiến về các cửa tiệm, nhà hàng, nay cũng cho đăng các lời bình về những trại giam ở Mỹ.
Bài báo dẫn ra một số lời bình trên trang này : « Nếu bạn biết mình sẽ bị bắt, hãy chọn quận Arlington vì ở đây cho uống nước trái cây », hay « Nếu có người thân bị giam thì tôi mong là ở Pitchess ». Đối với một nhà tù ở New York, thì « Dù bạn theo đạo nào, cứ nói mình là tín đồ Do Thái giáo. Vì sao ? Đó là vì người ta sẽ cho bạn một hộp bánh bích-quy, nước nho và bạn có thể trò chuyện với vị giáo sĩ Do Thái – một người rất tử tế, có thể cho bạn mượn điện thoại của ông ».
Trung tâm cải huấn Saint Quentin ở California thành công rực rỡ với khoảng bốn chục lời bình : « Đó là một nơi tuyệt vời để đi thăm nhưng tôi không muốn sống ở đó », « tương đối hiện đại và dễ vào », « tầm nhìn tuyệt vời », « cảnh quan bạc triệu nhưng giá phòng chỉ có 10 xu ». Một trang mạng khác là BuzzFeed đã đưa ra bảng xếp hạng 12 nhà tù tốt nhất nước Mỹ dựa trên những lời bình loại này.
Nhiều tù nhân hoặc cựu tù nhân cũng tỏ ra không kém về khiếu khôi hài : « Tôi đánh giá 3 sao, vì người ta không lục soát người tôi », « Cảm ơn Rykers (nhà tù mà chính khách Pháp Dominique Strauss-Kahn từng bị giam), nhờ có mi mà ta chỉ cần hai tuần lễ để hiểu rằng đừng nên uống rượu rồi ngồi vào vô-lăng cầm lái ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20130501-nguoi-cong-giao-trung-quoc-lo-so-bac-kinh-tai-kiem-soat-giao-hoi/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten