donderdag 21 mei 2015

ASEAN ra tuyên bố về an ninh Biển Đông

MalaysiaChâu ÁASEANBiển ĐôngAn ninhQuốc phòngnhà nước Hồi giáoKhủng hoảng

ASEAN ra tuyên bố về an ninh Biển Đông

media@RFI
Tình hình an ninh khu vực từ đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cho đến Biển Đông đã được 10 bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên Đông Nam Á đưa vào bản tuyên bố chung công bố hôm nay 17/03/2015, tại Malaysia. Đây là hai thách thức lớn mà Asean phải tập trung đối phó trong bối cảnh thánh chiến cực đoan tuyển mộ thành viên từ nhiều nước Hồi giáo trong vùng và tham vọng biển đảo của Bắc Kinh.
 
Tại hội nghị lần thứ 9 cấp bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội ASEAN do Malaysia chủ trì tại Langkawi, 10 nước thành viên công bố một bản thông cáo chung nhấn mạnh đến quyết tâm đương đầu với hai thách thức về an ninh khu vực.
Theo tạp chí mạng Ngoại Giao (The Diplomat) của Nhật, bản thông cáo chung nhấn mạnh đến yếu tố « quan trọng của quyền tự do lưu thông, trên biển cũng như trên không, theo các nguyên tắc phổ quát và được luật Quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, bảo đảm ».
Tuyên bố này được phổ biến vào thời điểm Philippines bổ sung hồ sơ kiện Trung Quốc ỷ mạnh lấn chiếm biển đảo của láng giềng và đúng vào thời điểm mà cách nay 27 năm Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường sa của Việt Nam.
Một thách thức khác được Asean lưu tâm là những sáng kiến sẽ được thúc đẩy trong nhiệm kỳ chủ tịch luân lưu của Malaysia trong năm nay : Dự án thành lập đơn vị quân sự cứu trợ nạn nhân thiên tai và Trung tâm quân y, sáng kiến này là của Thái Lan.
Cuối cùng, Asean cũng tỏ ra không xem thường mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang hoành hành tại Trung Đông : Hợp tác chống các tổ chức khủng bố và thánh chiến, trao đổi thông tin tình báo, cảnh giác công luận.
Tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố trong một cuộc họp báo gọi tổ chức Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay so với các nhóm khủng bố khác, vì Daesh có tổ chức và phương tiện tài chính. Malaysia lo ngại sẽ có nhiều thanh niên đi theo tổ chức này do cảm nhận « thế mạnh và chiến thắng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150317-asean-ra-tuyen-bo-ve-an-ninh-bien-dong/

ASEAN quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

mediaCác Ngoại trưởng ASEAN tại Naypyidaw, ngày 08/08/2014REUTERS/Soe Zeya Tun
Các Ngoại trưởng ASEAN hôm nay 28/01/2015 tuyên bố quan ngại về việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, trong lúc Philippines kêu gọi toàn khối phản kháng lại Bắc Kinh.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Manila cảnh báo các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cuộc họp thu hẹp tại Malaysia, rằng uy tín của cả 10 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, nếu không có thái độ thẳng thừng hơn trước « vấn đề cấp thiết ngay trong sân nhà của chúng ta ».
Sau hai ngày họp, Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia Anifah Aman tuyên bố : « Hội nghị chia sẻ quan ngại được một số Ngoại trưởng nêu ra về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông », nhưng không nêu cụ thể yêu sách đó từ nước nào.
Không dám làm phật lòng người láng giềng khổng lồ phương Bắc, trong nhiều năm qua, các nước ASEAN đã tỏ ra thận trọng trước những hành động độc đoán của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Bắc Kinh đòi hỏi gần như toàn bộ vùng biển quan trọng này, gây xung đột với các thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và Đài Loan ; và ngày càng có những hành động hung hăng hơn, gây quan ngại cho các nước láng giềng, sợ rằng sẽ xảy ra xung đột.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuần trước tố cáo Bắc Kinh đang ra sức bồi đắp các đảo nhỏ xung quanh nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa, trên đó có thể xây dựng các công trình kiên cố thậm chí cả phi đạo, gây trở ngại cho tự do hàng hải trên Biển Đông.
Hôm nay, ông Rosario tuyên bố : « Việc xây dựng quy mô này đặt ra cho ASEAN vào cái thế phải lựa chọn chiến lược. Nếu chúng ta cứ khoanh tay đứng nhìn, thì sẽ có hại cho sự đoàn kết của khối, do ASEAN bất lực trong việc hành động tập thể và thống nhất trước một vấn đề cấp thiết như thế ngay trong sân nhà của chúng ta ». Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải « nói với Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là sai trái, đồng thời phải chấm dứt các hành động xây dựng trên ».
Các Ngoại trưởng ASEAN họp tại thành phố Kota Kinabalu trên đảo Borneo. Đây là hội nghị đầu tiên trong số nhiều cuộc gặp khác sẽ diễn ra năm nay tại Malaysia, nước làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Malaysia cũng kêu gọi ASEAN gia tăng nỗ lực nhằm đạt được việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, để ngăn ngừa các xung đột.
Sau nhiều năm dưới áp lực, đến 2013 Trung Quốc mới chấp nhận đối thoại với ASEAN về vấn đề này. Nhưng nhiều nhà phân tích vẫn nghi ngờ những cam kết của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc rất có thể sẽ trì hoãn trong lúc ra sức tăng cường hoạt động củng cố cho các yêu sách trên biển của mình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần qua bác bỏ các tố cáo của Philippines về những hành động bồi đắp đảo nhân tạo, nói rằng « các nước nhỏ không thể gây rắc rối từ những chuyện không đáng kể ».

http://vi.rfi.fr/20150128-asean-tq//

Biển Đông : ASEAN kiên quyết hơn dưới tác động của Việt Nam ?

mediaẢnh chụp tổng thống Miến Điện Thein Sein cùng các ngoại trưởng ASEAN trong lễ khai mạc cuộc hop AMM 47.. Ảnh ngày 08/08/2014;Reuters
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) tại thủ đô Miến Điện Naypyidaw (Myanmar) vào hôm nay 10/08/2014 đã công bố bản Thông cáo chung, trong đó có 8 điểm liên quan đến Biển Đông. Điều được giới quan sát chú ý là các Ngoại trưởng ASEAN đã có lập trường chung kiên quyết hơn về tình hình Biển Đông. Hãng tin Nhật Kyodo đặc biệt ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này.
Bản Thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN - họp lại hôm 08/08/2014 vừa qua – ghi rõ là ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trên biển cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. »
Theo hãng tin Kyodo, từ « sâu sắc » - tiếng Anh là « serious » - đã được các Ngoại trưởng ASEAN đồng ý thêm vào theo đề nghị của Việt Nam. Trong dự thảo văn kiện này được tiết lộ trước cuộc họp, không có từ « serious ».
Dẫu sao thì tuyên bố lập trường « quan ngại sâu sắc » trong bản Thông cáo chung Hội nghị AMM 47 đã lập lại mối lo ngại từng được các Ngoại trưởng ASEAN biểu thị trong một bản tuyên bố riêng biệt về Biển Đông, thông qua ngày 10/05/2014 tại Miến Điện, ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào hạ đặt trong vùng biển của Việt Nam.
Về phần mình, hãng tin Pháp AFP cũng ghi nhận lời lẽ cứng rắn trong bản Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Miến Điện, đồng thời nhấn mạnh đến lời kêu gọi chấm dứt các hành vi gây bất ổn định, được cho là nhắm vào Trung Quốc.
Theo nhận xét của AFP, các nước Đông Nam Á cũng đã tán đồng lời kêu gọi của Washington, thúc giục mọi bên tranh chấp « tự kiềm chế » và « đóng băng » các hành vi khiêu khích tại Biển Đông. một yêu cầu cũng được cho là nhắm vào Bắc Kinh.
Theo AFP, Hoa Kỳ dĩ nhiên đã hết sức hoan nghênh lập trường cứng rắn của ASEAN. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã công nhận rằng như vậy là đối với các nước ASEAN, Hoa Kỳ đã thành công trong việc « động viên tinh thần, và đóng vai trò chất xúc tác » giúp ASEAN thống nhất được lập trường.
Tuy vậy, một quan chức Mỹ khác đã khẳng định rằng Washington không hề có chiến lược ủng hộ ASEAN chống lại Trung Quốc. Theo nhân vật này, Mỹ không hề tìm kiếm sự đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan chức Mỹ nhấn mạnh : « Phương pháp tiếp cận của Hoa Kỳ trong khu vực đặt trên cơ sở  một loạt lợi ích và nguyên tắc vốn khác biệt với các lợi ích và nguyên tắc của Trung Quốc ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140810-viet-nam-thuc-day-asean-kien-quyet-hon-trong-ho-so-bien-dong/

Biển Đông : Bị Tổng thư ký ASEAN chỉ trích, Bắc Kinh tức tối

mediaCảnh sát biển Việt Nam giám sát các tàu tuần duyên Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 do Bắc Kinh tự tiện kéo đến vùng biển Hoàng Sa, 15/07/2014.REUTERS/Martin Petty/Files
Bắc Kinh vào hôm nay 11/03/2015, đã tỏ thái độ tức giận trước một phát biểu của ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN đưa ra cách nay một tuần, trong đó ông bác bỏ yêu sách chủ quyền « đường 9 đoạn » của Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với chính quyền Trung Quốc, đương kim Tổng thư ký ASEAN đã không giữ quan điểm trung lập cần phải có.
Trong một phát biểu với nhật báo Philippines Manila Times vào thứ Tư 04/03/2015, ông Lê Lương Minh, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, hiện là Tổng thư ký ASEAN đã xác định rằng Hiệp hội Đông Nam Á bác bỏ chính sách của Trung Quốc, sử dụng cái gọi là « 9 đường gián đoạn » để khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Theo Tổng thư ký ASEAN, sự hội nhập của toàn khối Đông Nam Á có thể bị tác hại nếu xẩy ra « bất kỳ một hành vi thù địch hay xung đột nào » trong khu vực.
Trong một phản ứng muộn màng khác thường, mãi đến hôm nay, Trung Quốc mới chính thức lên tiếng phản đối, với những lời lẽ rất gay gắt. Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cho rằng ASEAN không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Hồng Lỗi đã không ngần ngai đả kích thái độ bị Trung Quốc coi là thiên vị của Tổng thư ký ASEAN. Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên Trung Quốc đã gọi đích danh ông Lê Lương Minh ra để chỉ trích như sau :
« Ông Lê Lương Minh là Tổng thư ký ASEAN, và trên vấn đề Biển Đông đã nhiều lần có tuyên bố thiên vị, không phù hợp với thực tế cũng như không phù hợp với vai trò của mình ».
Đối với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hành động của ông Lê Lương Minh là « một sự chệch hướng nghiêm trọng so với vị trí trung lập mà ASEAN cũng như vị Tổng thư ký của mình cần phải có trên vấn đề có liên can, đồng thời làm tổn hại hình ảnh của ASEAN trong tư cách là một tổ chức quốc tế khu vực ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi Tổng thư ký ASEAN tôn trọng cam kết giữ thái độ trung lập và không nên « lợi dụng việc công để mưu lợi riêng ».
Trung Quốc từ trước đến nay thường rất nhanh nhạy trong việc đáp trả những tuyên bố không hợp tai mình, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, không hiểu vì sao lần này Bắc Kinh lại chậm phản ứng như vậy.

http://vi.rfi.fr/20150311-tq-asean//

Geen opmerkingen:

Een reactie posten