zaterdag 30 mei 2015

Biển Đông : Mỹ ủng hộ sáng kiến hòa bình của Đài Loan

Biển ĐôngHoa KỳĐài LoanChâu ÁTrung QuốcQuốc tếTranh chấpChủ quyền

Biển Đông : Mỹ ủng hộ sáng kiến hòa bình của Đài Loan

mediaĐảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, Biển ĐôngDR
Theo nhật báo Thời báo Đài Bắc hôm qua, 29/05/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ sáng kiến hòa bình của Đài Loan, nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Washington có thể cổ vũ cho việc Đài Bắc đóng một vai trò quan trọng hơn vì hòa bình ở khu vực này.
Thời báo Đài Bắc cho biết hôm thứ Ba 26/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Jeff Rathke tuyên bố Hoa Kỳ ủng hộ Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), trong lúc các lãnh đạo Mỹ đang chuẩn bị trao đổi vấn đề này với lãnh đạo đối lập Đài Loan, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), Phó chủ tịch đảng Dân Tiến, sẽ công du Hoa Kỳ tuần tới. Nguồn tin của Thời báo Đài Bắc nói thêm là Tổng thống Barack Obama quan tâm đến kế hoạch Biển Đông của đảng đối lập Đài Loan và phía Hoa Kỳ sẽ bàn về chủ đề này với lãnh đạo đảng Dân Tiến.
Cũng vào ngày 26/05, Đài Loan đưa ra đề nghị yêu cầu tất cả các bên tranh chấp tạm ngưng đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, để đàm phán phân chia tài nguyên. Đề nghị của Tổng thống Đài Loan được đưa ra nhân một hội nghị về luật pháp quốc tế được tổ chức tại Đài Bắc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ là mọi tuyên bố chủ quyền trên biển phải phù hợp với luật biển quốc tế, và Washington không đứng về bên tranh chấp nào trong các đòi hỏi chủ quyền. Mặt khác đại diện Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đến việc Trung Quốc mở rộng và xây cất trên một số đảo tại Biển Đông làm tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.
Cũng theo bản tin của Thời báo Đài Bắc, nhà chính trị học Lynn Kuok – cộng tác với Viện tư nhân về chính trị quốc tế Brooks Institut, có trụ sở tại Washington -, vừa công bố một bài phân tích về chính sách của Đài Loan đối với Biển Đông (« Tide of Change : Taiwan’s Evolving Position in South China Sea »).
Theo bà Lynn Kuok, lập trường của Đài Loan « có thể tương thích với chính sách một Trung Quốc », và việc Bắc Kinh ủng hộ vai trò của Đài Bắc – một bên có quyền lợi liên quan - tham gia vào một giải pháp hòa bình và ổn định cho Biển Đông, có thể khiến quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện. Bài « Taiwan’s Evolving Position in South China Sea » ghi nhận cho đến nay, Đài Loan có cùng lập trường với Trung Quốc trong yêu sách đường 9 vạch (còn gọi là « đường lưỡi bò » hay « đường chữ U »), chiếm gần trọn diện tích Biển Đông.
Theo nhà chính trị học Lynn Kuok, chính quyền Đài Loan cần tránh kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa, làm hạn chế các giải pháp chính trị. Mặt khác Đài Bắc nên hỗ trợ cho việc thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Và điều đặc biệt quan trọng là Đài Loan không nên tránh né vấn đề đòi hỏi chủ quyền 9 đoạn, Đài Bắc nên xem xét quan điểm của Hoa Kỳ, muốn Đài Loan « làm sáng tỏ » hoặc « từ bỏ » yêu sách « đường lưỡi bò ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150530-bd-my-dl/

Đài Loan đề nghị giải pháp hòa bình tại Biển Đông

mediaHình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
Chính quyền Đài Loan đưa ra một sáng kiến hòa bình trong nỗ lực ngăn chặn chiến tranh bùng nổ tại Biển Đông : Tất cả các bên tạm ngưng đòi hỏi chủ quyền để đàm phán.Tham vọng biển đảo của Trung Quốc, tranh giành 90% diện tích, đang gây căng thẳng cao độ với các nước láng giềng và Hoa Kỳ.
Do tổng thống Mã Anh Cửu thông báo, sáng kiến hòa bình của Đài Loan yêu cầu tất cả các bên tạm ngưng đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông để tiến hành đàm phán phân chia tài nguyên tại vùng biển có nhiều dầu khí, hải sản và là tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.
Đề nghị được đưa ra nhân Hội nghị Công pháp quốc tế tổ chức ngày hôm nay 26/05 tại Đài Bắc. Tổng thống Mã Anh Cửu nhấn mạnh đến nhu cầu « quyền tự do lưu thông trên không, trên biển và các vấn đề đang tranh chấp cần phải được giải quyết một cách ôn hòa trước khi xẩy ra chiến tranh ».
Tiếp theo đó, trong cuộc tiếp xúc với báo chí, Ngoại trưởng David Lin tuyên bố « hy vọng Hoa lục thông hiểu tinh thần và nguyên tắc trong sáng kiến của Đài Loan ».
Sáng kiến Biển Đông của Đài Loan cũng tương tự như « Sáng kiến Hoa Đông » đã mang lại kết quả tốt đẹp, cho phép Đài Bắc và Tokyo ký được thỏa thuận đánh cá vào năm 2012.
Trung Quốc xây hải đăng ở Trường sa
Tuy nhiên, theo Reuters, ít có cơ may đề nghị của Đài Loan được Bắc Kinh chấp thuận. Tân Hoa xã loan tin bộ trưởng Giao thông Trung Quốc chứng kiến lễ khởi công xây hai ngọn hải đăng tại đảo đá Cuateron Reef và Johnson South Reef mà Việt Nam gọi là Châu viên và Gạc ma bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.
Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21.05 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn. Các động thái này, theo Reuters, sẽ làm tình hình căng thẳng tại Biển Đông leo thang
Tổng thống Đài Loan đưa ra sáng kiến hòa bình một ngày sau khi Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho xu hướng diều hâu tại Hoa lục đe dọa, nếu Hoa Kỳ không từ bỏ đòi hỏi Trung Quốc ngưng xây dựng, cải tạo các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường sa thì « không thể tránh được chiến tranh ».
Hoa Kỳ và Philippines khẳng định tiếp tục bay trên không phận Trường Sa. Washington điều thêm tàu chiến vào khu vực và tuyên bố không để cho Trung Quốc khống chế trên không và trên biển khu vực chiến lược, đặt quốc tế trước chuyện đã rồi.
Bắc Kinh xem Biển Đông là « ao nhà » theo một làn ranh 9 đoạn như cái lưỡi bò lấn sâu tận bờ biển các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Đài Loan cũng kiểm soát một đảo lớn và thường xẩy ra xung khắc với Philippines.

http://vi.rfi.fr/20150526-dai-loan//

Cùng chủ đề

Geen opmerkingen:

Een reactie posten