zaterdag 23 mei 2015

Báo động về các Viện Khổng tử trên thế giới

Châu ÁTrung Quốctuyên truyềnKiểm duyệtXã hộiKhổng Tử

Báo động về các Viện Khổng tử trên thế giới

mediaViện Khổng tử ở Angers, Pháp.wikipedia
Trong khi các Viện Khổng tử đang nở rộ tại nhiều nước trên thế giới, nhiều nhà giáo lên tiếng báo động về sự can thiệp trong lãnh vực ý thức hệ của các Viện này.
Bài báo trên The Wall Street Journal cho biết, một báo cáo được Hiệp hội châu Âu nghiên cứu Trung Quốc (EACS) công bố vào tháng 8/2014 tiết lộ là những người lãnh đạo các Viện Khổng tử đã đánh cắp và kiểm duyệt các tài liệu nghiên cứu trong dịp đại hội thường niên của hiệp hội này vào tháng 7/2014 ở Bồ Đào Nha.
Theo báo cáo, các rắc rối bắt đầu khi Hứa Lâm (Xu Lin), Tổng giám đốc mạng lưới các Viện Khổng tử toàn cầu, mang hàm Thứ trưởng, đến dự đại hội hôm 22/7. Cơ quan của bà có tham gia tài trợ cho sự kiện, và bà ta tuyên bố các tóm lược những văn bản được một số giáo sư giới thiệu « đi ngược lại với các nguyên tắc của Trung Quốc ».
Một điểm nữa theo bà không thể chấp nhận được, là sự hiện diện trong chương trình hội nghị một nhà bảo trợ khác : Quỹ Quốc tế Học thuật Giao lưu Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching Kuo), một quỹ của Đài Loan, từ thập niên 80 rất tích cực trong việc tài trợ các công trình nghiên cứu về Trung Hoa của các trường đại học trên thế giới.
Hứa Lâm « ngay lập tức đã ra lệnh cho ê-kíp của mình tịch thu tất cả các tài liệu của đại hội ». Hai ngày sau đó bà trả lại, nhưng những trang không vừa ý đều đã bị xóa.
Đây là cả một xì-căng-đan, theo Roger Greatrex, giáo sư trường đại học Lund ở Thụy Điển đồng thời là chủ tịch EACS. Ông đã phải cho in lại tất cả những trang bị kiểm duyệt. Tuy nhiên đây là chuyện thường ngày ở hàng trăm Viện Khổng tử nằm rải rác ở 120 nước trên thế giới.
Khi những Viện này không tổ chức các hội nghị để các nhà ngoại giao Trung Quốc giải thích cho sinh viên tất cả những điều xấu xa về Đạt Lai Lạt Ma – như trường hợp ở đại học Maryland năm 2009 – thì họ khuyến khích việc tự kiểm duyệt nơi các giáo sư.
Nhà trường hiểu rõ là nếu không muốn bị mất hàng trăm ngàn đô la tài trợ hàng năm, thì tốt nhất nên tránh đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, sự độc lập của Đài Loan, hay tài sản khổng lồ của của các lãnh đạo Trung Quốc. Các Viện Khổng tử « cũng tham gia vào việc tuyên truyền của Trung Quốc ở nước ngoài » - năm 2009 ông Li Changchun, người phụ trách việc tuyên truyền của Bộ Chính trị, đã hoan nghênh điều này.
Những phản ứng chống đối rẩt yếu ớt, nhưng có lẽ mọi việc bắt đầu thay đổi. Hồi tháng Sáu, Hiệp hội các giáo sư đại học Mỹ đã yêu cầu đóng cửa các Viện Khổng tử trong các trường đại học, nếu các trường này không chứng minh được rằng hợp đồng ký với Bắc Kinh để cho nhà trường toàn quyền quyết định về nội dung chương trình, tuyển mộ giảng viên hay những lãnh vực khác. Nhưng muốn kiểm tra thì phải công khai tất cả các hợp đồng này, mà Bắc Kinh thì thích giữ bí mật.
Tại Canada năm 2013, Hiệp hội các giáo sư đại học đã đi xa hơn khi khẳng định các Viện Khổng tử không thể cải tổ được vì « thuộc quyền sở hữu và quản lý của một chính quyền toàn trị, phải thần phục chính sách của Bắc Kinh ». Cũng trong năm 2013, trường đại học McMaster ở Ontario đã đóng cửa Viện Khổng tử trong trường, sau khi một giáo sư tiết lộ rằng hợp đồng đòi hỏi phải giấu đi việc bà gia nhập Pháp Luân Công - một phong trào khí công bị chính quyền cộng sản coi là mối đe dọa, bị Bắc Kinh đàn áp từ năm 1999.
Tuy vậy các Viện Khổng tử lại đang phát triển mạnh tại các trường tiểu học và trung học Mỹ, vì có 20 trường mở thêm các Viện này trong năm nay, khi liên kết với College Board (cơ quan phụ trách các kỳ thi tuyển sinh đại học). Và cũng như ở các trường đại học, hợp đồng với chính quyền Trung Quốc được đặt trong vòng bí mật. EACS đã hành xử có trách nhiệm khi gióng lên tiếng chuông cảnh báo, và tiết lộ cách thức của Bắc Kinh vi phạm tự do giáo dục đại học.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150523-bao-dong-ve-cac-vien-khong-tu-tren-the-gioi/

Từ Mao đến Khổng, những tượng đài ''giấc mơ Trung Hoa'' của Tập Cận Bình

mediaBức tượng Khổng Tử tại khu nghỉ dưỡng ven biển của ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc - DR
Đôi tay vươn lên như bức tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro, tượng Khổng Tử khổng lồ tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển của ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đối diện với một tháp đá còn bề thế hơn, dựng lên « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình.
Cả hai công trình được mạ vàng lấp lánh là ngôi sao của khu công viên văn hóa được một tướng về hưu, ông Vương Điện Minh (Wang Dianming) đầu tư đến 8 triệu đô la. Theo ông, gia tài mình có được là do thu nhập từ một liên hiệp các công ty trong ngành du lịch và giáo dục.
Là đảng viên cộng sản, ông Vương muốn nhấn mạnh dự án của ông được khai sinh mà không có sự bật đèn xanh của chế độ, dù nó minh họa cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, tuân theo truyền thống như quan điểm của Tập Cận Bình.
Khổng giáo, ý thức hệ chính thức của nước Trung Hoa phong kiến thời xưa, là một hệ thống đạo đức và triết lý đặc biệt đề cao sự tuân phục thượng cấp và vâng lời lớp người đi trước.
Sau khi những người cộng sản lên nắm quyền năm 1949, đạo Khổng là mục tiêu bị đả kích dữ dội trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976) do Mao Trạch Đông khởi xướng. Nhưng Tập Cận Bình không cho điều này là quan trọng, ông ta thường trích dẫn những lời nói của nhà hiền triết mà ông đã khôi phục danh dự, trong khi vẫn vinh danh Mao.
Khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình đã lăng-xê « Giấc mơ Trung Hoa », một công thức phối hợp các khái niệm « tái sinh tinh thần dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân, thịnh vượng, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và tăng cường quân sự ».
Dưới đôi tay Khổng Tử rộng mở, Vương Điện Minh, 61 tuổi, giải thích với AFP : « Giấc mơ Trung Hoa có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống Trung Quốc và trong lời dạy của Khổng Tử. Việc áp dụng các ý tưởng của ngài sẽ cứu rỗi nhân loại ».
Cao đến 19 mét, bức tượng Khổng Tử nhìn thẳng vào một cột tháp chỉ hơi cao hơn một chút, phía trước có khắc dòng chữ « Giấc mơ Trung Hoa », và phía sau là chữ « các giá trị căn bản của chủ nghĩa xã hội ». Trên bệ tháp, một câu phát biểu dài của Tập Cận Bình chào đón khách đến thăm : « Chúng tôi muốn thực hiện Giấc mơ Trung Hoa, không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc, mà còn cho tất cả mọi dân tộc ».
Còn trên cả ba mặt của tháp đá, là các bức bích họa vẽ những người lính, nông dân hay công nhân với phong cách « hiện thực xã hội chủ nghĩa » của những áp-phích tuyên truyền thập niên 1950.
Xa hơn một chút, một bức tượng nhỏ màu trắng của Mao Trạch Đông khẳng định không có ý tưởng cơ bản nào của chế độ bị quên lãng.
Đối với Mao Trạch Đông, Khổng giáo là điều tệ hại nhất trong truyền thống Trung Hoa, biểu tượng của một thời kỳ « phong kiến » mà ông ta cùng với vợ là Giang Thanh đã tung ra một chiến dịch dữ dội để chống lại vào năm 1974.
Nhưng gần đây, ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc lại sử dụng Khổng giáo để chống lại văn hóa phương Tây đang được ngày càng ưa chuộng hơn, cũng như các tôn giáo, khi quảng bá cho một di sản Trung Hoa được tôn tạo kỹ lưỡng.
Đồng điệu với quan điểm của Tập Cận Bình, công viên Bắc Đới Hà và các công trình điêu khắc tại đây cũng phối hợp giữa chủ thuyết cộng sản và các giá trị Khổng giáo. Bắc Đới Hà (Beidahe), khu nghỉ mát bên bờ biển Trung Quốc mỗi mùa hè lại tiếp đón hội nghị bí mật các lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ.
Ngay trước khi trở thành Chủ tịch nước, các câu châm ngôn và trích dẫn Khổng tử đã hiện diện trong các bài diễn văn của Tập Cận Bình. Đối với các chuyên gia, đây là bằng cớ cho thấy ông ta thực sự ngưỡng mộ triết lý thời xưa. Nhiều lời tuyên bố của ông Tập khai thác quá khứ để vẽ nên tương lai Trung Quốc, và việc cầu viện đến nhà hiền triết nổi tiếng đối với ông ta là đặc thù Trung Hoa cần phải bảo vệ.
Nhân dân Nhật báo hồi tháng 10/2014 trên trang nhất trích dẫn câu : « Từ hàng ngàn năm trước, Nhà nước Trung Hoa đã vận dụng một con đường hoàn toàn khác với nền văn hóa và sự phát triển của các nước khác ». Tờ báo kêu gọi : « Hãy tôn trọng hơn và quan tâm hơn đến nền văn hóa Trung Hoa đã tồn tại từ hơn 5.000 năm qua ».
Hồi tháng 9/2014, trong khuôn viên trang trọng của Đại lễ đường Nhân dân, trước Hiệp hội Khổng giáo Quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc đã mừng sinh nhật thứ 2.565 của Khổng Tử. Tập Cận Bình tuyên bố : « Văn hóa truyền thống tuyệt vời của Trung Hoa, trong đó có cả Khổng giáo, chứa đựng những giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề của nhân loại ngày nay ».
Cũng như các giáo điều cộng sản, các tuyên bố Khổng giáo của ông chủ tịch cũng không được đưa ra bàn thảo, và để chỉ trích thì lại càng hiếm hoi hơn – theo nhận xét của Jyrki Kallio, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc tế Phần Lan. Ông nói với AFP : « Tập Cận Bình có vẻ tin rằng Khổng giáo có thể củng cố vị thế của ông ta tại Trung Quốc. Đảng dường như đã đưa ra một dự án nhằm hình thành các giá trị mới để định hướng người dân, và các tư tưởng cổ điển cung cấp một nền tảng tốt cho việc ấy ».
Trong khu giải trí của ông Vương Điện Minh, sinh viên Feng Jin và người bạn của anh là những khách thưởng ngoạn duy nhất trong cái ngày mùa đông này. Có vẻ thích chụp hình kỷ niệm trước các tượng đài của « Giấc mơ Trung Hoa » hơn là nghiên cứu các lời dạy được khắc trên đá, anh sinh viên nói : « Tôi có nghe nói đến ‘’Giấc mơ Trung Hoa’’ trên tivi. Nhưng thật tình mà nói, tôi chẳng cảm thấy mình có liên quan chút nào cả !».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150124-nhung-tuong-dai-giac-mo-trung-hoa-cua-tap-can-binh/

Trung Quốc : Trường học phải tổ chức thi thơ nhạc xã hội chủ nghĩa

mediaCảnh một sân trường học ở Quảng Châu. Ảnh ngày 17,/10/ 2014.REUTERS/Alex Lee
Theo chỉ thị mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố hôm 05/11/2014, trẻ em nước này khi đến trường sẽ phải làm thơ và sáng tác các bài hát ca ngợi vinh quang của chủ nghĩa xã hội.
 
Trên trang web của mình, Bộ Giáo dục Trung Quốc nhấn mạnh : « Trước sự cạnh tranh về ý thức hệ và các giá trị đa dạng trên thế giới, việc xúc tiến giá trị xã hội chủ nghĩa là rất khó khăn và khẩn cấp ».
Chính quyền cộng sản cũng muốn khuyến khích trẻ em « viết, sáng tác và hát những bản nhạc, đọc những bài thơ phản ánh các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội ». Đối với giáo viên, cần phải « thường xuyên tổ chức các cuộc thi » trong lãnh vực này. Sách giáo khoa môn tiếng Hoa, lịch sử và đạo đức cũng sẽ được sửa đổi theo hướng trên.
Theo Tân Hoa Xã, việc xúc tiến chủ thuyết cộng sản còn là chủ đề của « một chiến dịch toàn quốc nhằm tái xây dựng niềm tin xã hội chủ nghĩa, và đáp ứng các quan ngại về việc Trung Quốc đang bị mất phương hướng về đạo đức trong ba thập kỷ phép lạ kinh tế ».
Được tóm tắt trong 24 từ, các giá trị xã hội chủ nghĩa được Bộ Giáo dục nêu ra bao gồm « thịnh vượng kinh tế, dân chủ, ý thức công dân và hài hòa ». Bên cạnh đó là « tự do, bình đẳng, công lý, nhà nước pháp quyền », cùng với « ái quốc, tận tâm, hội nhập, bằng hữu ». Các thầy cô giáo sẽ đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo trên.
Đã từng dựa vào « thơ và nhạc xã hội chủ nghĩa », việc giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thanh thiếu niên Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm và thời kỳ Mao Trạch Đông, rồi chìm lắng nhưng chưa bao giờ biến mất.
Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền từ năm 2012, rao giảng cho việc tái thúc đẩy ý thức hệ về mọi phương diện, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội và các định chế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141106-trung-quoc-truong-hoc-phai-to-chuc-thi-tho-nhac-xa-hoi-chu-nghia/

Trung Quốc : Ba trường đại học lớn tăng cường kiểm tra tư tưởng mác-xít

mediaSinh viên Trung Quốc. Ảnh minh họa.RFI
AFP hôm nay 01/09/2014 dẫn thông tin từ một tạp chí Trung Quốc cho biết, ba trong số các trường đại học danh giá nhất nước này đã cam kết tăng cường kiểm soát ý thức hệ đối với giảng viên và sinh viên, nhằm bảo vệ tư tưởng mác-xít và củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Ba trường đại học Bắc Kinh, đại học Phục Đán (Fudan) ở Thượng Hải và đại học Trung Sơn (Sun Yat Sen) ở Quảng Đông đã hứa hẹn đề cao cảnh giác trước các tư tưởng phương Tây được truyền bá trên internet.
Bán nguyệt san Cầu Thị (Qiushi) của Trường Đảng trung ương số ra hôm qua (31/08/2014) trích thông cáo của trường đại học Bắc Kinh cảnh cáo : « Từ vài năm qua, nhiều người lên internet đổ dầu vào lửa với những ý đồ tai hại cho Đảng ». Thế nên nhà trường cam đoan « hướng dẫn các giảng viên và sinh viên để củng cố cách thức suy xét của họ về những vấn đề chính trị nhạy cảm ».
Về phía trường đại học Phục Đán hứa hẹn sẽ dựa vào việc giảng dạy chủ nghĩa Mác để « giải thích về chiều sâu vì sao con đường phát triển của phương Tây không phù hợp với Trung Quốc ».
Tháng Sáu năm ngoái, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội (CASS), là viện nghiên cứu hàng đầu tại Trung Quốc vốn có ảnh hưởng rất lớn, đã bị Đảng chấn chỉnh, cho rằng viện này đã để cho « ảnh hưởng ngoại quốc » xâm lấn vào công việc. Các nhà nghiên cứu của CASS cũng nhận được chỉ thị « tăng cường củng cố về ý thức hệ », phải « rất cảnh giác trước những đề tài chính trị nhạy cảm ».
Việc Bắc Kinh siết lại vòng kim cô về tư tưởng diễn ra trong lúc có những tiếng nói từ bên ngoài cho rằng không gian tự do hành động của các đại học Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp.
Cuối năm 2013, giáo sư Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), một nhà kinh tế Trung Quốc nổi tiếng vì công khai ủng hộ cải cách dân chủ tại đất nước cộng sản này, đã bị sa thải khỏi trường đại học ở Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140901-trung-quoc-ba-truong-dai-hoc-lon-tang-cuong-kiem-tra-tu-tuong-mac-xit/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten