donderdag 21 mei 2015

Việt Nam ‘hoan nghênh’ Mỹ vì nỗ lực ở Biển Đông

VN ‘hoan nghênh’ Mỹ vì nỗ lực ở Biển Đông

  • 14 tháng 5 2015
Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ về “Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Hôm 13/5, hai quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ đã nói về động thái bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bình luận về việc này, người phát ngôn Việt Nam Lê Hải Bình hôm 14/5 nói: “Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm sớm đạt được COC.”
Ông David Shear, từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và nay là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Châu Á và Thái Bình Dương, đã điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 13/5.
Một phần chính trong buổi điều trần là bình luận của ông David Shear về hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây.
Ông cho biết trong hai thập niên qua, ngoại trừ Brunei, tất cả các nước có tranh chấp đều xây tiền đồn ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền.
Theo tính toán của Mỹ, ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam có 48 tiền đồn; Philippines 8; Trung Quốc 8; Malaysia 5 và Đài Loan 1.
“Tất cả các nước tranh chấp đều có hoạt động xây dựng theo từng mức độ,” ông David Shear nói.
Theo ông, từ 2009 đến 2014, Việt Nam “là nước hoạt động mạnh nhất cả trong việc nâng cấp tiền đồn và bồi đắp, lấn ra biển khoảng 60 mẫu”.
“Toàn bộ các nước, ngoại trừ Trung Quốc và Brunei, cũng đã xây đường băng, kích cỡ khác nhau” ở Trường Sa.

Hoạt động của Trung Quốc.

Tuy vậy, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói hoạt động tôn tạo, bồi đắp gần đây của Trung Quốc “vượt xa” các nước khác.
Mỹ ước tính từ năm 2014, Trung Quốc đã lấn ra biển 2.000 mẫu.

Hình ảnh cáo buộc hoạt động tôn tạo của Trung Quốc ở khu vực Đá Vành Khăn
Kết hợp với các động thái như yêu sách “đường chín đoạn”, hành xử của Trung Quốc gây lo ngại nước này đang tìm cách xác lập kiểm soát vùng tranh chấp trên thực tế, theo ông David Shear.
"Việc bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc có thể có nhiều ngụ ý quân sự, nếu Trung Quốc muốn theo đuổi. Trong đó có khả năng phát triển hệ thống radar tầm xa và máy bay do thám tình báo. Tàu có mớn nước sâu hơn, và phát triển sân đỗ khẩn cấp cho tàu sân bay."
"Những hành động này có thể khiến chính phủ trong khu vực củng cố khả năng quân sự ở các tiền đồn của họ, tăng nguy cơ tính toán sai lầm, khủng hoảng và chạy đua vũ trang."
Cũng tại buổi điều trần, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel, nói Hoa Kỳ có lợi ích để cần phải bảo đảm tranh chấp được giữ trong hòa bình.
"Căng thẳng gia tăng trong vài năm gần đây. Một vụ nghiêm trọng không chỉ có thể gây nên chu kỳ leo thang nguy hiểm mà nỗ lực phát triển ổn định dựa trên các nguyên tắc căn bản cũng bị thách thức bởi hành vi cưỡng ép."
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói Mỹ nhấn mạnh để các vấn đề biển đảo “ở đầu nghị trình trong diễn đàn đa phương khu vực”.
“Chúng ta nêu bật hành vi có vấn đề như bồi đắp, lấn biển, để hành vi gây bất ổn được phơi bày và giải quyết.”
Ông Daniel Russel nói thêm: “Chúng ta bảo vệ quyền giải quyết tranh chấp theo luật pháp.”
“Chúng ta thiếp lập quan hệ đối tác với các nước vùng biển Đông Nam Á…và phối hợp với các đồng minh như Nhật, Úc để tối ưu ảnh hưởng trợ giúp và ngoại giao của chúng ta.”
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải, phản ứng rằng Mỹ có “tiêu chuẩn kép” khi chỉ trích Bắc Kinh.
Ông Thôi nói một số nước cũng bồi đắp, tôn tạo nhưng không bị Hoa Kỳ chỉ trích.
“Ai đang gây ra căng thẳng ở Nam Hải? Trong mấy năm qua, Hoa Kỳ đã can thiệp lộ liễu,” ông Thôi nói.
Cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Bắc Kinh, chuẩn bị cho Đối thoại Kinh tế và Chiến lược tháng Sáu và cho chuyến thăm Mỹ dự kiến của ông Tập Cận Bình trong năm nay.
Tuy vậy, dường như căng thẳng trên biển sẽ chiếm phần quan trọng trong nghị trình chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ.

VN phản đối TQ về 'xây dựng trên biển'

  • 8 tháng 5 2015
Ông Lê Hải Bình phản đối Trung Quốc
Việt Nam phản đối cáo buộc của Trung Quốc nói Việt Nam đã “mở rộng, bồi đắp lấn biển quy mô lớn tại các đảo, đá” ở Biển Đông.
Hôm 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền”.
Ông Bình lên án Trung Quốc: “Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN.”
Ông nói: “Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế.”
Hôm 29/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Philippines và Việt Nam “tiến hành hoạt động xây dựng trái phép các đảo ở Nam Sa của Trung Quốc mà họ chiếm đóng trái phép”.
Người phát ngôn Hồng Lỗi cáo buộc Philippines và Việt Nam “tiến hành xây dựng công trình, đào lấp biển quy mô lớn, xây dựng công trình cố định như sân bay, thậm chí bố trí vũ khí tấn công như tên lửa v.v trên chuỗi đảo Nam Sa của Trung Quốc do những nước này chiếm đóng phi pháp”.
Tuyên bố của Việt Nam không bác bỏ cáo buộc “xây dựng công trình” mà Trung Quốc đưa ra.
Một phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc Trung Quốc mời Mỹ và các nước khác sử dụng những cơ sở dân sự mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Ông Lê Hải Bình trả lời: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi và chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Mọi hoạt động của các bên tại hai khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.”

‘Hoạt động của Việt Nam’

Trong khi đó, hôm 7/5, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nói với hãng tin Reuters rằng họ có các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cũng đã bồi đắp các đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy vậy, quy mô và nhịp độ của các công trình này còn nhỏ so với của Trung Quốc, theo CSIS.
Hình ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy Việt Nam đã bồi đắp hai đảo mà nước này đang kiểm soát, đó là đảo Sơn Ca (Sand Cay) và đảo Đá Tây (West London Reef), thuộc quần đảo Trường Sa.
Bà Mira Rapp-Hooper, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, nói công trình bồi đắp đảo của Việt Nam bao gồm cả các cơ sở quân sự và dường như bắt đầu trước khi Trung Quốc tiến hành ồ ạt các công trình vào năm 2014.
Các bức hình của công ty DigitalGlobe chụp từ 2010 đến 30/4 năm nay.
Bà Rapp-Hooper nói Trung Quốc “đúng” khi cáo buộc Việt Nam.
“Nhưng có thể nói rằng quy mô và nhịp độ của Trung Quốc là chưa từng thấy và hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam.”
Theo bà, Việt Nam đã bồi đắp thêm 65 ngàn mét vuông cho đảo Đá Tây và 21 ngàn mét vuông cho đảo Sơn Ca.
Trong khi đó, Trung Quốc bồi đắp 900 ngàn mét vuông chỉ riêng cho Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/05/150508_vietnam_trungquoc_biendong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten