zondag 24 mei 2015

Báo Guardian (Anh) : 3.000 thiếu niên Việt Nam bị đưa sang Anh làm nô lệ


Báo Guardian: 3,000 trẻ em Việt bị đưa lậu tới Anh làm nô lệ
Sunday, May 24, 2015 4:20:22 PM






LONDON 24-5 (NV) .-
Các tổ chức, băng đảng người Việt tại Anh Quốc đưa lậu trẻ em từ Việt Nam tới nước này để làm đủ mọi thứ việc như một thứ nô lệ thời đại mới.


Một chiếc xe tải quảng cáo giúp đỡ di dân bất hợp pháp rời khỏi nước Anh. (Hình: The Guardian)

Theo một bài viết trên nhật báo The Guardian hôm Thứ Bảy 24/5/2015, mỗi ngày có khoảng 30 trẻ em bị các tổ chức tội phạm người Việt đưa lậu vào nước Anh, theo những ước tính khiêm tốn nhất mà nhiều người tin rằng có thể nhiều hơn.
Một cựu Giám đốc Hội Chống Buôn Người tại Anh Quốc, ông Philip Ishola, ước lượng khoảng 3,000 trẻ em người Việt đã bị đưa tới Anh quốc để làm đủ mọi thứ việc, từ việc trong nhà, săn sóc cây cần sa,  xưởng may, nấu ma túy tổng hợp đến mãi dâm. Theo ông Cảnh sát Anh Quốc biết chuyện này nhưng các biện pháp đối phó vẫn không đủ để ngăn chặn.
Một phần, các tổ chức buôn người cũng rất tinh quái, nghĩ ra nhiều cách để đối phó với cảnh sát. Thành thử, thỉnh thoảng có một số lần bố ráp địa điểm tình nghi trồng cần sa, Cảnh sát chỉ bắt giữ được một ít thiếu niên ở lậu, làm lậu, còn kẻ cầm đầu thì không thấy nói rõ.
Theo sự ước lượng, gia đình mỗi đứa trẻ Việt Nam phải trả khoảng 25,000 bảng Anh (hay khoảng 38,660 đô la Mỹ) để đưa nó đi, và khi ra nước ngoài phải làm việc chúng chúng để trừ nợ. Tổng số lợi tức mà người ta ước tính những tổ chức buôn người đã thu được lên khoảng 75 triệu bảng Anh hay khoảng gần 116 triệu đô la Mỹ.
Tờ Guardian kể lại câu chuyện của một thiếu niên tên Hiền đã được cảnh sát giải thoát và cho phép lưu trú tại nước Anh để sinh sống thay vì cư trú bất hợp pháp.
Hiền được một người xưng là “chú” đưa ra khỏi nhà khi mới 5 tuổi. Đi vòng vèo qua nhiều nước suốt nhiều năm trời, đến khi được giấu trên một xe tải vào Anh Quốc lúc đã 10 tuổi. Hiền đã phải làm đủ mọi loại việc trong nhà, săn sóc cây cần sa, nhiều khi bị đánh đập. Khi được cảnh sát giải thoát và trả lời phỏng vấn báo chí thì đã 17 tuổi.
Vì là kẻ nhập cư và làm bất hợp pháp, chính phủ Anh Quốc đã bắt giữ, bỏ tù Hiền, nhưng nhờ sự can thiệp pháp lý của giới luật sư thiện nguyện, Hiền được coi là nạn nhân của tổ chức buôn người.
Kỹ nghệ trồng cần sa lậu tại Anh Quốc có lời rất cao, sống nhờ thị trường trị giá đến 1 tỉ bảng Anh (hay khoảng gần 1.5 tỉ đô la Mỹ) nên các cơ sở trồng cần sa của băng đảng Việt Nam đã phát triển đến 150% trong vòng hai năm qua.
Theo bài viết của tờ Guardian, vì các trại trồng cần sa lậu của các băng đảng gốc Việt tại Anh Quốc bị những tổ chức tội phạm gốc bản xứ cạnh tranh, giành mất phần nào mối làm ăn nên những thiếu niên người Việt đã bị bắt buộc làm bất cứ thứ công việc gì khác mà băng đảng gốc Việt Nam nhúng tay vào để sinh lợi.
Tháng Ba vừa qua, Anh Quốc ra đạo luật chống buôn người, nô lệ thời đại mới “The Modern Slavery Act” nhằm trừng phạt nặng những kẻ chủ mưu, cầm đầu các băng đảng tội phạm nhúng tay vào chuyện này. 
Theo bà Lynn Chitty, giám đốc tổ chức thiện nguyện Love 146, cho hay tổ chức của bà đã giúp đỡ cho khoảng 40 đến 50 trẻ em Việt Nam làm lại cuộc đời tại Anh Quốc. Con số này quá nhỏ so với con số ước lượng trẻ em gốc Việt bị đưa tới nước Anh làm nô lệ. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=207760&zoneid=1#.VWLkNemJi70

AnhViệt NamXã hộiMa túyQuốc tếTư phápNhập cưnô lệ

3.000 thiếu niên Việt Nam bị đưa sang Anh làm nô lệ


mediaẢnh chụp đăng trên báo The Guardian nói về số phận của các thiếu niên Việt Nam và nạn buôn người (Martin Godwin /guardian.co.uk)
Trung bình mỗi tháng, có khoảng 30 thiếu niên Việt Nam sang Anh Quốc qua các đường dây nhập cảnh bất hợp pháp. Các nạn nhân nô lệ mới bị cưỡng bách lao động trồng cần sa, giúp việc nhà hay rơi vào các tổ chức mãi dâm. Những con mồi béo bở này mang về cho các tổ chức xã hội đen khoảng 75 triệu bảng Anh.
Trong một bài điều tra dài đăng vào ngày hôm qua 23/05/2015, báo The Guardian cho biết đã gặp nhiều nhân chứng từ những người trong cuộc cho đến giới hoạt động nhân quyền. Ít nhất khoảng 3.000 lao động nhập cư người Việt Nam đến Anh từ lúc còn là trẻ thơ qua các đường dây tội ác.
Trung bình, mỗi trẻ em phải trả cho đường dây buôn người khoảng 25.000 bảng Anh để được đưa qua châu Âu và cuối cùng vượt biển Manche sang Anh Quốc. Để trả số nợ này, các trẻ em bất hạnh phải làm việc như nô lệ trong các ngôi nhà trồng cần sa, tiệm làm móng tay, xưởng may quần áo, giúp việc nhà hoặc làm nghề bán dâm.
Giới hoạt động nhân quyền cảnh báo chính phủ Anh Quốc là các băng đảng người Việt đang tuyển mộ và sử dụng trẻ em cho các hoạt động tội ác khác như buôn súng lậu, chế tạo thuốc kích thích và mãi dâm.
Theo ông Philip Ishola, cựu giám đốc Hiệp Hội Chống Buôn Người tại Anh Quốc, hiện có khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam bị các băng đảng người Việt bóc lột. Còn theo Parosha Chandran, chuyên viên Liên hiệp quốc về nạn buôn người, con số này có thể cao hơn gấp bốn lần số liệu chính thức, lên tới 13.000 trẻ em Việt Nam tại Anh. 
Một nhân chứng tên Hiền, trong bài báo của The Guardian kể lại em bị một người tự xưng là chú bắt đi lúc em lên năm tuổi. Sau 5 năm trôi nổi ở châu Âu, em qua tới Anh. Trong vòng nhiều năm dài, Hiền phải làm việc nhà, nấu ăn, giặt giũ cho một nhóm người Việt, thường bị chủ nhân đánh đập, ép uống rượu cho say và làm nhiều chuyện khác mà em “không thể nóira”.
Trong thời gian này, Hiền gặp nhiều trẻ Việt Nam khác mà theo lời kể của những em bé này thì các em phải đi làm “để trả nợ cho gia đình”. Hiền đã bị bắt trong một vụ đột kích của cảnh sát Anh vào một “nông trại” trồng cần sa của các đường dây người Việt.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150524-3000-thieu-nien-viet-nam-bi-dua-sang-anh-lam-no-le/


Chuyện những người Việt mất tích ở Anh


mediaNgười nhập cư sống trong rừng Calais ở miền bắc nước Pháp chờ cơ hội trốn sang Anh.Ảnh: Reuters
 Cảnh sát Anh thường dán thông báo tìm người mất tích ở các nút giao thông nhiều người qua lại, và từ vài năm trở lại đây những khuôn mặt Việt Nam và những họ tên Việt Nam dần trở thành hiện tượng phổ biến. Những người mang họ Nguyễn đó thường dưới 18 tuổi, và thực sự khó có thể biết được là họ đi lạc, bị bắt làm nô lệ trong các trại cần sa, hay tự chui vào các tiệm nails xin việc, hoặc chỉ đơn giản là về đâu đó sống với thân nhân.
 Từ Luân Đôn thông tín viên Lê Hải tường trình :
Trước hết, nước Anh không có hệ thống cấp chứng minh nhân dân, tức là người Anh ra đường không cần phải đem theo thẻ căn cước và cảnh sát hầu như không có cách gì để kiểm tra giấy tờ của người đi đường, trừ khi họ lên máy bay hoặc ra vào cửa khẩu và những khu vực an ninh đặc biệt. Đây chính là kẽ hở khiến rất nhiều người nước ngoài nhập cư trái phép vào nước Anh và sinh sống bất hợp pháp khắp mọi nơi.
Tiếp theo là theo mắt nhìn của người Anh thì người Việt luôn luôn bị đánh tuổi rất thấp. Một cô gái đã học xong thạc sĩ ở Việt Nam, hay một cô gái khác từng sang Nga rồi bỏ chồng và vượt biên sang Anh tìm cuộc sống mới, đều khai 16 tuổi và đều không bị ai nghi ngờ bất kỳ điều gì cả. Nhiều nam thanh niên đã học xong cấp ba và đi làm ở Việt Nam, tiếp tục lưu lạc thêm vài năm trên đường trung chuyển như Cộng hòa Séc và Hungary hay Ba Lan để qua Đức sang Pháp rồi chui xe tải vượt biên vào Anh, vậy mà vẫn khai mình sinh năm 1995 hay 1996, và cũng dễ dàng qua mặt được các nhân viên công vụ của Anh, những người chỉ một vài lần trong đời có cơ hội tiếp xúc với người Việt.
Chuyện thường gặp là người Việt khi bị bắt trong các vườn cần sa hay tiệm nail sẽ khai tên họ và quê quán hoàn toàn khác, và tuổi còn nhỏ, là thoát ngay được rất nhiều tội và ngược lại còn được hưởng chế độ trợ cấp và ưu đãi trong xã hội. Sau đó thì họ biến mất và thế là sở cảnh sát phải thông báo để tìm kiếm vì sợ họ đã bị các băng đảng tội phạm bắt cóc.
Biện pháp xử lý của chính quyền Anh?
Hiện nay bộ Nội vụ Anh bắt đầu có chính sách kiểm tra độ tuổi của những ai khai ít tuổi, nhưng các phương pháp đo xương hay răng ít được áp dụng vì luật bảo vệ quyền con người, và đánh giá bằng phỏng vấn sẽ không bảo đảm được độ chính xác nếu người được phỏng vấn đã được dặn dò từ trước là phải khai như thế nào.
Ngoài ra còn có thêm một hiện tượng mới là nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam đưa con còn nhỏ sang Anh xin tị nạn và tính ra thì giá cho cả chuyến đi rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để du học. Tùy theo những vụ việc bất ổn ở địa phương như là biểu tình chống Trung Quốc hay tranh chấp đất đai nhà thờ mà người ta sẽ khai sao đó cho phù hợp, xong rồi trong thời gian chờ xét đơn tị nạn thì họ được nhà nước Anh lo chỗ ăn ở, hàng tuần có tiền tiêu vặt, tiền mua quần áo mùa đông, tiền sinh nhật.Đi học cũng được miễn phí, và cả một hệ thống trợ giúp của chính quyền địa phương để giúp em bé vào đời và hướng nghiệp.
Trong trường hợp khai tên giả và địa chỉ thì chung chung, hầu như chính phủ Anh không có khả năng trục xuất khi có quyền như vậy vào ngày đương sự tròn 18 tuổi. Khá nhiều trường hợp, nhất là các em gái, khi khai thêm rằng mình bị hiếp dâm trên đường vượt biên, hay bị đem sang Anh làm gái, thì hầu như là ngay lập tức được cấp thẻ tị nạn để ở lại lâu dài. Trong bối cảnh như vậy thì không có gì khó hiểu tại sao ngày càng có thêm nhiều người Việt, tuổi ngày càng nhỏ, vượt biên sang Anh và giá cho các chuyến đi ngày càng cao.
Bất chấp nguy hiểm, dòng người nhập lậu vào Vương Quốc này vẫn không giảm.
Cho đến thời điểm này thì thực sự chưa có những con số thống kê chính thức, nhưng chắc chắn là không đảng phái nào có giải pháp rõ ràng về những người nhập cảnh trái phép vào Anh. Xung quanh các bến cảng như Calais và Dunkrik bên Pháp là những khu lều trại tạm bợ của rất nhiều sắc dân trong đó có người Việt chờ chui vào trong xe tải nhập cảnh vào Anh. Cửa khẩu có rất nhiều phương tiện kiểm tra và soi chiếu, nhưng họ sẵn sàng chui dưới gầm xe, hay chui vào trong xe chở tủ lạnh hoặc các thiết bị kim loại thì máy soi sẽ không xuyên qua được, và trùm bao nhựa vào đầu để không thoát khí CO2 ra ngoài khi có máy đó.
Khi đã vào đến nước Anh rồi thì tùy thuộc vào chính quyền Việt Nam có chịu nhận những người này về hay không. Thường thì số lượng người bị trục xuất về Việt Nam gia tăng khi giữa hai nước có các đoàn công tác cấp cao, và chính phủ Anh có thể đề nghị tăng viện trợ để đổi lại bằng chuyện Việt Nam nhận người về. Quốc vụ khanh Hugo Swire vừa có chuyến công du Việt Nam và gặp phó thủ tướng Phạm Bình Minh đúng thời điểm báo chí Việt Nam đồng loạt chạy tin của Reuters về chuyện trẻ em Việt Nam bị đưa sang Anh làm nô lệ trong các trại cần sa, và ở London thì người ta đoán sắp có một đợt trục xuất lớn theo sau đó. Tuy nhiên, trong khi số lượng người được nhận về nhỏ giọt vì phải xác minh lý lịch, thì số lượng người vượt biên sang có lẽ ngày càng tăng, vì có thêm lượng người đang sống bất hợp pháp ở các nước Đông Âu, và đặc biệt là người từ các vùng chiến sự ở Ukraina tìm sang.
Người nhập cư lậu, những nô lệ thời hiện đại? 
Nước Anh bắt đầu thực sự quan tâm đến vấn đề người nhập cư bất hợp pháp từ lần bầu cử quốc hội trước đây, khi các lãnh đạo đảng chính thức đưa đề tài này ra thành một cuộc tranh cãi. Vấn đề này sẽ tiếp tục là đề tài nóng bỏng trong cuộc bầu cử trong năm nay vì càng ngày người ta càng biết nhiều hơn và lo ngại hơn về các nguy cơ bất ổn xã hội do nhập cư bất hợp pháp gây ra.
Tất nhiên là trong thế kỷ XXI không còn kiểu nô lệ như thời xưa mà ta vẫn xem trên phim, nhưng nô lệ thời hiện đại được định nghĩa là điều kiện lao động khắc nghiệt thiếu những quyền con người cơ bản nhất. Ví dụ như là trong tiệm nail người chủ vì tham lợi nhuận mà không bố trí cho nhân viên giờ nghỉ ngơi, thậm chí làm việc cả ngày không kịp ăn cơm trưa hay kể cả cơm chiều, rồi trả lương không đủ mức sống, và dùng lời lẽ để nhục mạ và làm tổn thương tinh thần của nhân viên vốn đã phải làm việc trong điều kiện thiếu tiện nghi và hóa chất độc hại. Nô lệ ngày nay không có ai canh gác mà tự vướng vào mối quan hệ xã hội chằng chịt của ân oán nợ nần và số tiền phải kiếm bằng mọi cách để trả nợ hay lấy lại nhà đã thế chấp để vay ngân hàng.
Vấn đề không chỉ là ở nước Anh mà còn là đề tài rộng hơn có liên quan đến cuộc sống của rất nhiều người Việt đã đi ra nước ngoài mong tìm được cuộc sống tốt hơn trong nước, tốn rất nhiều tiền cho các đường dây môi giới nhưng cuối cùng phải đem mạng sống ra mạo hiểm để kiếm tiền trên các tàu cá ngoài khơi, hay có trường hợp bị tai nạn lao động ở công trường xây dựng ở Trung Đông và chết vì lạnh ở Nga, khi tôi từng nghe một người kể không thể nào chôn được anh bạn vì băng quá cứng không thể đào chạm đất nổi, rồi những vụ xưởng may giam người ở Mátxcơ-va. Đó chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh mô tả cuộc sống nô lệ của người nhập cư mà chính giới ở Anh muốn có biện pháp ngăn chặn, đầu tiên là trên hòn đảo này, sau là khắp thế giới.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150228-chuyen-nhung-nguoi-viet-mat-tich-va-no-le-thoi-nay-o-anh/


Pháp phá vỡ thêm một đường dây đưa người Việt nhập cư lậu sang Anh


mediaNhững người nhập cư trái phép trốn trong thùng xe tải khi đang vượt biên vào Anh. Ảnh: Đại sứ quán Anh cung cấp(DR)
Theo nguồn tin cảnh sát Pháp vào hôm qua, 23/11/2011, thêm hai đường dây đưa người nhập cư lậu vào Anh Quốc đã bị phá vỡ tại Pháp. Tuyến quan trọng nhất chuyên đưa người Việt Nam, còn tuyến thứ hai dành cho người Ukraina. Hơn 20 người đã bị câu lưu, tại Pháp và tại Đức.
Đường dây đưa người Việt Nam đã bị phát hiện nhờ thông tin mật báo của cảnh sát tư pháp Berlin, chuyển lên cho cơ quan cảnh sát châu Âu Europol.
Theo nguồn tin cảnh sát biên phòng Pháp, những người nhập cư trái phép nói trên đã đến Cộng hoà Séc hay Hungary một cách hợp pháp. Đây là hai ngõ vào không gian Schengen. Tại đấy họ được trao cho một hộ chiếu thật bị đánh cắp, kèm theo một visa giả để vào Đức. Khi vào Đức rồi thì những tài liệu này bị mạng lưới đưa người lấy lại.
Hành trình từ Đức qua Pháp được thực hiện theo hai phương thức. Với phương thức VIP, giá từ 18.000 đến 30.000 euro, đường dây phục vụ từng người, cho họ đi theo những chiếc xe tải mà tài xế là đồng lõa của đường dây.
Còn với phương thức thứ hai, gọi là "giá hạ" (low cost), người đi chỉ đóng từ 3.000 đến 6.000 euro, nhưng phải tự tìm xe chở đến thành phố Angres (miền Bắc Pháp), để rồi từ đó tự tìm cách sang Anh.
Trong một chiến dịch triển khai vào hôm 22/11, cùng lúc ở Pháp và Đức, 18 người trong đường dây đã bị bắt ở Pháp và 2 người khác ở Đức. Cảnh sát cũng tịch thu nhiều máy vi tính và đang khai thác các dữ liệu.
Đường dây thứ hai mang tên "Tchernobyl", chuyên đưa người Ukraina vào không gian Schengen rồi qua Anh, đã bị phá vỡ nhờ thông tin của cảnh sát Ba Lan. Người đi trả 3.000 euro để đánh đổi lấy hộ chiếu Ba Lan, những hộ chiếu bị đánh cắp hay được mua lại. Họ dễ lọt lưới cảnh sát nhờ nét giống hao hao giữa chủ nhân hộ chiếu và người nhập cư. Người Ukraina đi bằng xe lửa hay xe ca đến miền Bắc nước Pháp đề rồi tìm cách sang Anh. Cảnh sát Pháp bắt 8 người trong đường dây này.
Cảnh sát Pháp cho biết từ đầu năm đến nay, đã có đến 162 đường dây đưa người như kể trên bị phá vỡ.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20111124-phap-pha-vo-them-mot-duong-day-dua-nguoi-viet-nhap-cu-trai-phep-sang-anh/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten