donderdag 21 mei 2015

Biển Đông : Philippines mong Mỹ giúp nhiều hơn để ngăn Trung Quốc bồi đắp đảo


PhilippinesHoa KỳTrung QuốcChâu ÁQuốc tếBiển ĐôngTranh chấpChủ quyền

Biển Đông : Philippines mong Mỹ giúp nhiều hơn để ngăn Trung Quốc bồi đắp đảo


mediaẢnh chụp từ vện tinh của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho thấy Trung Quốc bồi đắp mở rộng trên quy mô lớn đảo Đá Vành khăn đang có tranh chấp với Philippines.REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo
Hãng tin AP hôm nay 13/05/2015 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines cho biết Manila đang mong được Hoa Kỳ trợ giúp nhiều hơn để ngăn chận hiện tượng Trung Quốc cho bồi đắp đảo một cách quy mô, có thể giúp Bắc Kinh kiểm soát được Biển Đông trên thực tế.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Ngoại trưởng Albert Del Rosario nói rằng Trung Quốc đang mưu toan áp đặt cái gọi là « đường chín đoạn » do Bắc Kinh tự vẽ ra bao trùm lên hầu như toàn bộ Biển Đông, cho rằng đường lưỡi bò này là bất hợp pháp.
Hoa Kỳ, đồng minh có ký kết hiệp ước với Philippines, cũng đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa. Tuần trước một viên chức quốc phòng cao cấp của Mỹ nói rằng diện tích bồi đắp của Bắc Kinh, có thể sử dụng cho mục đích quân sự, nay lên đến khoảng 800 hecta.
Ông Rosario nói : « Chúng tôi quan niệm rằng chúng ta phải nhanh chóng làm một điều gì đó, kẻo tình trạng bồi đắp đảo hàng loạt sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông trên thực tế », có thể dẫn đến việc quân sự hóa, đe dọa tự do hàng hải.
Bắc Kinh biện minh cho việc bồi đắp quy mô và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo tại Biển Đông, nói rằng đây là lãnh thổ của Trung Quốc, và nhằm phục vụ cho ngư dân. Đồng thời cáo buộc Philippines, Việt Nam và các nước khác cũng có các hành động xây dựng trên các đảo khác.
Hoa Kỳ tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng có lợi ích liên quan đối với hòa bình và ổn định nơi tuyến đường hàng hải tấp nập này. Washington đã viện trợ hàng triệu đô la cho Manila để tăng cường năng lực trên biển, và lên tiếng ủng hộ trong vụ Philippines kiện « đường chín đoạn » của Bắc Kinh trước tòa án quốc tế.
Tuy nhiên theo ông Rosario, Hoa Kỳ có thể làm được nhiều hơn nữa để tăng cường sự hiện diện tại châu Á, kể cả đẩy mạnh quan hệ kinh tế. Ông nói : « Chúng tôi cố gắng gởi đi thông điệp, rằng việc xoay trục sang châu Á hiện chưa đủ tập trung và mạnh mẽ ».
Tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines được đưa ra sau khi Thượng viện Hoa Kỳ ngăn trở nỗ lực của Tổng thống Barack Obama trong việc xúc tiến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Philippines không nằm trong số 12 quốc gia đang thương thảo, nhưng ông Rosario cho biết Manila hy vọng sẽ được tham gia.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150513-bien-dong-philippines-mong-hoa-ky-giup-do-nhieu-hon-de-ngan-trung-quoc-boi-dap-dao/

Biển Đông : Mỹ lên kế hoạch đưa thiết bị hiện đại đến Philippines

mediaTàu ngầm Mỹ USS Olympia đậu tại cảng Subic Freeport, phía tây Manila, hồi tháng 10/2012REUTERS
Vào lúc Bắc Kinh tăng tốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, Philippines đã cầu cứu Mỹ và chính quyền Washington đã có dấu hiệu đáp ứng. Theo Ngoại trưởng Philippines vào hôm nay, 15/04/2015, Washington đang xem xét việc cung cấp cho Manila các loại « thiết bị tiên tiến » để đối phó với sức ép từ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một đài truyền hình Philippines, Ngoại trưởng nước này Albert del Rosario cho biết là chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã xác nhận việc Hoa Kỳ có kế hoạch nói trên để giúp đồng minh, điều mà Manila hết sức hoan nghênh.
« Theo tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter, Hoa Kỳ đang xem xét việc triển khai tại Philippines nhiều loại thiết bị tiên tiến - không quân, hải quân, thiết bị giám sát biển - và kế hoạch này vừa mới được Bộ trưởng Carter phác họa gần đây. »
Ngoại trưởng Philippines còn cho rằng lực lượng Mỹ tại Philippines cũng sẽ được tăng cường vì cần phải có người để vận hành các loại thiết bị tối tân đó, cho dù quy mô sự hiện diện của Mỹ chưa rõ.
Đối với ông Del Rosario, đây là lần đầu tiên mà phía Philippines được nghe nói về kế hoạch của Mỹ, mới chỉ được tiết lộ « cách nay vài ngày ». Do việc đây là một kế hoạch do phía Mỹ chủ động, Manila sẽ tìm hiểu thêm chi tiết.
Theo Ngoại trưởng Philippines, ông sẽ công du nước Mỹ trong hai tuần lễ tới đây, với trong tâm là « Thảo luận về Biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông) và vấn đề cải tạo đất (do Trung Quốc tiến hành) ». Ông Del Rosario cho biết là dĩ nhiên ông sẽ phải tiếp xúc với các nghị sĩ Mỹ vì họ « là người nắm hầu bao về việc chi viện cho Philippines ».
Cho dù cần đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, sự hiện diện của lính Mỹ tại Philippines vẫn là một vấn đề gây tranh cãi tại nước này.
Thượng viện Philippines đã quyết định đóng cửa tất cả các căn cứ Mỹ tại Philippines vào năm 1991, nhưng 7 năm sau đã phải phê chuẩn Hiệp định cho phép quân đội Mỹ tiến hành tập trận thường xuyên ở Philippines. Mới đây, vào năm 2014, Washington và Manila đã ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) mở rộng quyền cho quân đội Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự của Philippines.

http://vi.rfi.fr/20150415-my-manila//

Philippines hoan nghênh Mỹ trợ giúp an ninh Châu Á Thái Bình Dương

mediaTàu đổ bộ của Mỹ (AAV) trong cuộc tập trận chung CARAT, với Philippines, tháng 9/2014.Reuters
Tuyên bố của Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương sẵn sàng đối đầu với những đe dọa trong khu vực được Manila tán thưởng. Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines xem đây là một trong những hành động cụ thể của đồng minh Hoa Kỳ trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Manila bị Bắc Kinh xâm lấn. Tin này được nhật báo The Philippines Star ngày hôm nay 06.04 tường thuật.
Theo nhật báo The Philippines Star ngày hôm nay 06.04, trong phát biểu trên đài phát thanh công cộng hôm thứ bảy 04.04, chủ tịch Văn phòng truyền thông báo chí Phủ tổng thống Philippines Herminio Coloma tuyên bố Hoa Kỳ là một trong những đồng minh luôn viện trợ cụ thể cho Philippines mỗi khi khẩn cấp. Ông nhắc đến nhiều trường hợp thiên tai trong quá khứ khi Philippines bị bão Haiyan và Yolanda…
Trả lời một câu hỏi liên quan đến sự kiện Trung Quốc xây dựng cơ sở trong vùng biển Tây của Philippines, ông Herminio Coloma nhấn mạnh đến nhu cầu một Bộ luật ứng xử, trói buộc để bảo vệ an ninh khu vực trước đe dọa của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh lập trường của Manila vẫn là ưu tiên cho giải pháp ngoại giao.
Nhật báo The Philippines Star nhắc lại quan điểm của Mỹ cũng tương tự với mối quan ngại của Philippines về tình hình căng thẳng tại biển Đông Nam Á.
Tuần trước, trong một cuộc hội thảo về an ninh quốc phòng ở Canberra, Úc, đô đốc Mỹ Harry Haris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương cho biết Hạm đội 7 sẽ sẵn sàng đáp trả những mối đe dọa an ninh và ổn định trong vùng châu Á Thái Bình dương.
Những đe dọa đó, theo Đô đốc Harry Haris đến từ tham vọng đen tối của Trung Quốc xây dựng các bãi đá trong biển Đông thành những cơ sở vững chắc lâu dài… gây hấn với các nước láng giềng nhỏ yếu, lấn chiếm biển đảo bằng con đường 9 đoạn…một yêu sách không có cơ sở theo luật quốc tế.
Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình dương xác định là ông không có ý lập « kế hoạch chiến tranh » chống một nước nào nhưng Hoa Kỳ muốn đóng vai trò bảo đảm cho khu vực cơ hội ổn định và an ninh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150406-philippines-hoan-nghenh-my-tro-giup-an-ninh-chau-a-thai-binh-duong/

Hải quân Philippines sẵn sàng cùng với ASEAN và Mỹ tuần tra Biển Đông

mediaPhilippines chiến hạm Mỹ USS John S. McCain (DDG 56) đến Subic Bay tham gia cuộc thao diễn CARAT (Cooperation Afloat Readiness and Training ) tháng 6/ 2014.U.S Navy photo by Mass Communication Specialist 1st Class Jay C.
Hải quân Philippines sẵn sàng tham gia các cuộc tuần tra hỗn hợp cùng với Hải quân các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Một lãnh đạo ngành Hải quân Philippines ngày 19/03/2015, đã có phản ứng như trên sau đề nghị hôm 17/03 của Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ, theo đó các nước ASEAN nên thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp để tuần tra tại vùng Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Theo lời Phó Đô đốc Hải quân Philippines Jesus C. Millan, được báo chí Philippines trích dẫn, cho đến nay, chính quyền Manila luôn luôn hậu thuẫn cho các nỗ lực tuần tra hỗn hợp như trên. Trong phát biểu của mình, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ đã nhấn mạnh rằng nếu các nước ASEAN đi đầu trong việc thành lập lực lượng tuần tra hỗn hợp trên Biển Đông, thì Mỹ sẵn sàng hỗ trợ.
Đối với lãnh đạo Hải quân Philippines, Manila đã hỗ trợ các cuộc tuần tra hỗn hợp chống hải tặc, như ở eo biển Malacca, và công việc đó đã rất thành công. Trên cơ sở đó, Philippines sẵn sàng tham gia lực lượng tuần tra hỗn hợp nếu mục tiêu là « bảo vệ sự ổn định và quyền tự do lưu thông trên biển ».
Phó Đô đốc Millan cho rằng khuôn khổ các hoạt động tuần tra chung phải được các quốc gia có liên quan soạn thảo và ủng hộ vì điều này phải dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau.
Tuy nhiên, nhân vật này cũng ghi nhận là về những khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông, vấn đề còn tùy thuộc vào quan điểm của chính phủ Philippines, vì đây là vấn đề cần được nhiều ban bộ, cơ quan khác nhau giải quyết. Vùng có tranh chấp như ở Biển Đông có thể không được đưa vào phạm vi tuần tra hỗn hợp.

http://vi.rfi.fr/20150320-manila-bien-dong//


Philippines sẽ tiếp tục tuần tra trên không phận Biển Đông


mediaTướng Gregorio Pio Catapang trong cuộc họp báo ngày 20/04/2015 tại ManilaREUTERS/Romeo Ranoco
Không quân Philippines sẽ tiếp tục những chuyến bay tuần tra trên Biển Đông, cho dù tuần trước một phi cơ quân sự nước này đã bị một chiến hạm Trung Quốc đe dọa. Một tướng lãnh Philippines hôm qua 27/04/2015 khẳng định với AFP như trên.
Tướng Gregorio Catapang Jr. tuyên bố từ căn cứ Aguinaldo: « Chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra, đó là những chuyến bay bình thường lâu nay ».
Hôm 19/4, một chiếc máy bay Fokker của Không quân Philippines đã bị một tàu chiến Trung Quốc gây hấn bằng cách chiếu đèn pha vào. Lúc đó chiếc phi cơ đang bay tuần tra ở độ cao 1.500 mét phía trên khu vực Đá Xu Bi. Đây là một rạn san hô nằm trong cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988.
Tướng Catapang nhận định : « Dù sao đi nữa, đó chỉ là một thách thức, và lực lượng của chúng tôi biết làm cách nào để đối phó ». Ông cho biết: « Khi bay tuần tra, các phi cơ quân sự Philippines không được vũ trang. Những máy bay này chỉ trang bị các camera để chụp ảnh khu vực, nhằm giám sát những gì đang diễn ra. Chúng tôi không có thiết bị tấn công hay vũ khí nào trong phi cơ tuần tiễu ».
Trước đó tướng Gregorio Catapang Jr. đã cảnh báo, Philippines có nguy cơ bị chắn mất lối vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) và đảo Thị Tứ, một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc cụm Bình Nguyên. Hiện Philippines đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp liệu cho hai khu vực trên.
Bắc Kinh tiếp tục biện minh cho việc bồi đắp và xây dựng tại Biển Đông, sau khi Manila kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết lại để ngăn chặn hành động này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua nói rằng : « Việc xây dựng tại các đảo ở Biển Đông hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Điều đó là hợp lý, chính đáng và hợp pháp ; không ảnh hưởng đến bất kỳ nước nào khác. Việc một số quốc gia chỉ trích Trung Quốc là một việc phi lý ». Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định chủ trương thương lượng song phương để giải quyết tranh chấp với các nước liên quan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150428-philippines-se-tiep-tuc-tuan-tra-tren-khong-phan-bien-dong/


Biển Đông : Manila trước người khổng lồ Goliath Trung Quốc


mediaTướng Gregorio Catapang (thứ hai trái sang), lãnh đạo quân đội Philippines waves as residents welcome him during his visit at Pagasa island (Thitu Island) in the Spratly group of islands in the South China Sea, west of Palawan, Philippines, May 11REUTERS/Ritchie B. Tongo/Pool
Tướng Gregorio Catapang, Tổng tư lệnh quân đội Philippines, đăm chiêu khi duyệt qua các cần cẩu han rỉ và đường băng cũ kỹ của hòn đảo Thị Tứ nhỏ bé (Thitu Island), nay là tuyến đầu của cuộc chiến tranh bồi đắp đang diễn ra dữ dội tại Biển Đông.
Cách đó chưa đầy 50 km, các cần cẩu khổng lồ do Trung Quốc đưa đến sáng loáng lên dưới ánh mặt trời, biểu tượng cho cơn sốt xây dựng của người khổng lồ châu Á tại quần đảo Trường Sa. Những hòn đảo mới lần lượt xuất hiện, cứ như phép lạ.
Trung Quốc và Việt Nam, hai nước cùng đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển chiến lược này, đã lao vào một cuộc chiến xây dựng, trong đó Philippines tụt hậu phía sau.
Số 356 cư dân trên đảo Thị Tứ, hòn đảo lớn thứ nhì của quần đảo Trường Sa do Manila kiểm soát, bao quanh là các đảo san hô ngầm, lo sợ sắp tới sẽ bị đuổi ra khỏi nơi mình đang cư ngụ, do cuộc xung đột đang diễn ra bằng gầu xúc và xi-măng hiện nay.
Tướng Catapang nói : « Trước khi máy bay hạ cánh xuống đây, chúng tôi trông thấy các công trường đào đắp tại Đá Xu Bi, thực sự là đồ sộ ». Các cơ sở ông đến thăm đã quá già cỗi, vũ khí phòng vệ duy nhất là hai khẩu đại bác phòng không.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, kể cả các vùng biển nằm cận kề duyên hải các nước láng giềng. Và từ vài năm qua, Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng hơn.
Quần đảo Trường Sa với trên 100 đảo nhỏ gồm đảo đá ngầm và đảo san hô, nằm giữa Việt Nam và Philippines, là một trong những khu vực bị tranh chấp gay gắt nhất do tầm quan trọng chiến lược về quân sự.
Chiếm được đất mà không cần bắn một phát súng
Washington đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo vào tuần trước, lên án Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo có tổng diện tích lên đến 800 hecta. Hoa Kỳ cho rằng có thể Trung Quốc còn xây cả các sân bay, cơ sở giám sát và hải cảng.
Biển Đông là ngã tư hàng hải thiết yếu cho thương mại quốc tế, và có thể có rất nhiều dầu khí.
Cảnh giác trước thái độ của Bắc Kinh, các quốc gia láng giềng đang dòm ngó Trường Sa không muốn khoanh tay đứng nhìn. Theo báo chí, Việt Nam cũng tiến hành hoạt động bồi đắp tại hai đảo nhỏ, trong khi Đài Loan và Malaysia loan báo dự án cải thiện các thiết trí dành cho hải quân.
Manila, đang kiểm soát 9 đảo và đảo đá ngầm tại Trường Sa, ngược lại chẳng làm gì nhiều vì lý do ngân sách, nhưng cũng do hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ giải quyết cuộc xung đột.
Trên đảo Thị Tứ, cách phía tây đảo Palawan khoảng 400 km, nơi mỗi ngày chỉ có điện khoảng năm tiếng đồng hồ, thường thì cuộc sống vẫn êm đềm. Nhưng quân đội Philippines nói rằng từ tháng Tư, các chiến hạm Trung Quốc đậu ngoài khơi Đá Xu Bi (Subi Reefs) đã yêu cầu các phi cơ quân sự Philippines phải cuốn gói với lý do đây là không phận Trung Quốc.
Larry Jugo, một nhân viên hành chính 37 tuổi nói với AFP : « Đó là cả một vấn đề đối với chúng tôi, những người sống ở đây. Chúng tôi bị lệ thuộc vào các máy bay chở thực phẩm đến ».
Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh lực lượng Philippines tại Biển Đông, cũng tố cáo Bắc Kinh quấy nhiễu những chiếc tàu tiếp liệu cho 9 người lính hải quân Philippines đang sống trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas). Ông nói : « Trung Quốc đang xây dựng thứ gì đó (…) Rất đáng báo động ».
Cách quần đảo Trường Sa 600 km về hướng đông bắc, trên bãi cạn Scarborough - một đảo đá ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Bắc Kinh kiểm soát kể từ năm 2012 - Manila cho biết Trung Quốc xô đuổi các ngư dân Philippines đến đánh bắt tại đây.
Đối với chính quyền Manila cũng như với các nhà phân tích, tất cả những sự kiện trên nằm trong khuôn khổ một chiến dịch quy mô, nhằm mặc nhiên ngăn trở Manila xác quyết chủ quyền của mình.
Chuyên gia Harry Sa của trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore nhận xét : « Người Philippines không thể làm được gì đáng kể. Trung Quốc hành động một cách thông minh. Họ chiếm được đất mà chẳng cần phải bắn một phát súng nhỏ ».
Manila đề nghị Liên Hiệp Quốc tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp. Một quyết định được chờ đợi vào năm 2016, nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia tiến trình này, và sẽ bác bỏ mọi kết luận bất lợi cho mình.
Trung Quốc mạnh hơn Philippines nhiều về quân sự, nhưng theo các nhà phân tích, Bắc Kinh không thể tự ý nổ súng vào các chiến hạm Philippines. Trung Quốc sợ rằng Manila sẽ yêu cầu người đồng minh Mỹ đến hỗ trợ, nhân danh một hiệp ước hỗ tương quốc phòng năm 1951. Và như vậy Bắc Kinh sẽ hiện nguyên hình là một kẻ hiếu chiến trong khu vực.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150514-manila-truoc-nguoi-khong-lo-goliath-trung-quoc-tai-bien-dong/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten