vrijdag 12 juni 2015

Quan hệ Trung-Miến : Bắc Kinh dùng Suu Kyi để dằn mặt Thein Sein Trọng Nghĩa

Trung QuốcMiến ĐiệnChâu ÁChính trịPhân tích

Quan hệ Trung-Miến : Bắc Kinh dùng Suu Kyi để dằn mặt Thein Sein

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi chụp hình chung trong buổi gặp mặt tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 11/06/ 2015.REUTERS/China Daily
Một điều khó tin nhưng có thực đang diễn ra tại Trung Quốc : lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đang được Trung Quốc trải thảm đỏ nghênh tiếp. Đây quả là một nghịch lý vì Đảng Cộng sản Trung Quốc chào đón một biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ, trong lúc mà họ đang ra sức dập tắt bất kỳ nguyện vọng tương tự bên trong lãnh thổ của mình. Đối với giới phân tích, đằng sau sự kiện này, chính là ý đồ của Bắc Kinh, muốn dùng bà Aung San Suu Kyi để « dằn mặt » chính quyền Miến Điện hiện tại đang có dấu hiệu thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong một bài phân tích công bố hôm qua, 10/06/2015, nhân ngày công du Trung Quốc đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, một chuyến thăm kéo dài 5 ngày, hãng tin Mỹ AP đã cho rằng việc Bắc Kinh nghênh tiếp lãnh tụ đối lập phản ánh quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc với chính quyền dân sự đang cầm quyền tại Miến Điện. Sự kiện này đồng thời là một bước mới trong chiến lược của Bắc Kinh muốn ngăn chặn không cho Washington mở rộng ảnh hưởng tại vùng Đông Nam Á.
Phải nói là dưới thời tập đoàn quân sự trước đây, Miến Điện hầu như chỉ có Trung Quốc là chỗ dựa về mặt ngoại giao cho nên đã giành cho Bắc Kinh mọi ưu đãi về mặt kinh tế, thương mại.
Miến Điện dần dần trở thành một láng giềng có một tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, vừa là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho nền kinh tế Trung Quốc, từ khoáng sản cho đến gỗ hay dầu mỏ, vừa là cửa ngõ giúp Trung Quốc mở đường ra Ấn Độ Dương. Đề án mang tính chiến lược chẳng hạn, chính là đường ống dẫn dầu khí xuyên ngang Miến Điện để cung cấp cho miền Vân Nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ khi tập đoàn quân sự nhường chỗ cho một chính quyền dân sự tại Miến Điện, tình hình đã có thay đổi, với những cải cách dân chủ được Tổng thống Thein Sein thận trọng tiến hành. Trong quan hệ đối ngoại, tân chính quyền Miến Điện không che giấu ý định giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Chính quyền của ông Thein Sein đã không ngần ngại đình chỉ hai dự án của Trung Quốc bị dân Miến Điện phản đối. Đó là công trình xây đập thủy điện Myitsone và một công trình khai thác mỏ đồng.
Ngoài các hồ sơ kinh tế, mới nổi cộm gần đây là vấn đề biên giới, với việc quân đội Miến Điện tấn công vào lực lượng nổi dậy Kokang ở vùng giáp giới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là một hồ sơ phức tạp vì lẽ phiến quân Kokang có gốc tích là dân tộc Hán, và trước năm 1897, vùng của người Kokang thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Sự cố đã nẩy sinh với việc 5 người Trung Quốc thiệt mạng vì trúng bom của quân đội Miến Điện. Để phản ứng, Bắc Kinh đã cho tập trận bắn đạn thật gần vùng biên giới.
Chính trong bối cảnh như kể trên mà Trung Quốc quyết định dùng đến « lá bài » Aung San Suu Kyi. Theo hãng AP, đánh giá của Bắc Kinh là đảng đối lập hiện nay của bà có thể thắng nhân cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây, và cho dù không được làm Tổng thống, bà vẫn có một vai trò quan trọng trên chính trường Miến Điện.
Một chuyên gia Trung Quốc tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đã xác định với hãng AP rằng : « Tôi nghĩ rằng khi mời bà Suu Kyi, Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới chính phủ Miến Điện », để nhắc nhở rằng họ muốn có quan hệ thân thiện hơn và một giải pháp cho vấn đề biên giới.
Đối với chuyên gia này, Trung Quốc hy vọng là bà Aung San Suu Kyi có thể góp phần vào việc cải thiện trở lại bang giao Miến Trung. Trong thời gian gần đây, bà Aung San Suu Kyi đã có những đánh giá rất thân thiện về Trung Quốc, xem Bắc Kinh là một láng giềng quan trọng và một nguồn đầu tư to lớn giúp Miến Điện.
Bên cạnh đó, khi nghênh tiếp lãnh đạo của phe đối lập, rõ ràng là chính quyền Trung Quốc muốn biểu lộ thái độ bực bội, mất kiên nhẫn của mình đối với chính quyền Miến Điện.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150611-quan-he-trung-mien-bac-kinh-dung-suu-kyi-de-dan-mat-thein-sein/

Aung San Suu KyiChâu ÁMiến ĐiệnNgoại giaoTrung QuốcĐối lập

Bắc Kinh trải thảm đỏ đón lãnh tụ đối lập Miến Điện

mediaLãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi nói chuyện với những người ủng hộ ở bang Mon, 16/05/2015.REUTERS/Soe Zeya Tun/Files
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phong trào đối lập Miến Điện đã đến Bắc Kinh hôm nay, 10/06/2015 trong một chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày, theo lời mời của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh không ngần ngại nghênh đón người trước đây bị chính họ tẩy chay vì là đối thủ của đồng minh của Trung Quốc là tập đoàn quân sự Miến Điện. Theo chương trình dự kiến, Bà Aung San Suu Kyi sẽ được cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp kiến.
Delphine Sureau Thông tín viên RFI tại Trung Quốc nêu bật lý do thúc đẩy Bắc Kinh trải thảm đỏ đón lãnh tụ đối lập Miến Điện :
« Chuyến thăm đầu tiên có tính lịch sử này minh họa cho sự xấu đi trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Miến Điện. Trong nhiều năm trước đây, Bắc Kinh là hẫu thuẫn chính cho tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Nước này đã rơi vào tình trạng phải lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Trung Quốc khi Hoa Kỳ và Châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế trên Miến Điện, chính là để phản đối việc tập đoàn quân sự giam giữ bà Aung San Suu Kyi. 
Thế nhưng, kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện tự giải thể, quyền lợi của Trung Quốc tại nước này đã bị lay động. Công trình xây dựng một con đập khổng lồ mà người dân Miến Điện căm ghét đã bị chính quyền dừng lại, cũng như hoạt động một mỏ đồng. 
Thêm vào đó, chiến sự lại bùng lên ở vùng biên giới Trung Quốc-Miến Điện, giữa quân chính phủ Miến Điện và lực lượng du kích Kokang. Hàng ngàn thường dân đã chạy qua lánh nạn tại Trung Quốc, trong lúc có 4 nông dân Trung Quốc thiệt mạng vì một quả bom do máy bay Miến Điện thả xuống.
Khi nghênh tiếp Aung San Suu Kyi, Trung Quốc muốn bảo tồn quyền lợi của mình, vì Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà rất có thể sẽ chiến thắng nhân cuộc bầu cử Quốc hội ở Miến Điện vào tháng 11 tới đây. 
Khi tiếp đón lãnh tụ đối lập Miến Điện, Trung Quốc cũng muốn chống lại chiến dịch chiêu dụ Miến Điện của Hoa Kỳ, qua đó bảo vệ vùng ảnh hưởng của minh. »
Về phần bà Aung San Suu Kyi, giới quan sát đang từ hỏi là trong tư cách là người đoạt giải Nobel Hòa bình, liệu bà có lên tiếng can thiệp cho một Giải Nobel khác người Trung Quốc là ông Lưu Hiểu Ba , đã bị Bắc Kinh cầm tù từ năm 2009 đến nay ?
Giới hoạt động nhân quyền đã từng thúc đẩy Miến Điện nêu bật trường hợp Lưu Hiểu Ba trong các cuộc họp với hai lãnh đạo Trung Quốc là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Liệu bà Aung San Suu Kyi có dám làm hay không.
Dẫu sao thì điều đó sẽ rất khó biết, vì lẽ dù trải thảm đỏ đón Aung San Suu Kyi, nhưng Trung Quốc đã không mời báo chí ngoại quốc theo dõi các sự kiện quan trọng của chuyến thăm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150610-clone-bac-kinh-trai-tham-do-don-lanh-tu-doi-lap-mien-dien/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten