dinsdag 23 juni 2015

Philippines tập trận chung với Nhật, Mỹ ở Biển Đông

PhilippinesNhật BảnHoa KỳChâu ÁQuân sựTập trậnBiển Đông

Philippines tập trận chung với Nhật, Mỹ ở Biển Đông

mediaChuẩn Đô đốc Philippines Leopoldo Alano (P) và Chuẩn Đô đốc Mỹ William Merz trong buổi lễ khai mạc chương trình CARAT 2015. Ảnh chụp tại Tổng hành dinh Hải quân, ở Puerto Princesa city, Palawan,REUTERS/Romeo Ranoco
Hải quân Philippines tham gia hai cuộc tập trận trên biển với Hoa Kỳ và Nhật Bản ngoài khơi đảo Palawan. Washington và Tokyo chia sẻ lo ngại của Manila trước các hành vi của Trung Quốc bồi đắp đảo trong khu vực.
Bản tin của AFP cho biết cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và đồng minh Philippines trong khuôn khổ chương trình CARAT mở ra từ ngày 22 đến 26/06/2015. Song song với đợt tập trận với Hải quân Hoa Kỳ, Philippines và Nhật Bản cũng tiến hành một đợt thao diễn trên biển ở gần đảo Palawan trong ba ngày kể. Palawan là hòn đảo gần sát với các bãi đá có tranh chấp chủ quyền nhất giữa Philippines và Trung Quốc.
Cả Mỹ lẫn Nhật Bản cùng huy động máy bay trinh sát P3-Orion đến Puerto Princesa, trên đảo Palawan để tham gia đợt tập trận chung nhiều ngày. Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ huy động chiếm hạm USS Fort Worth, tàu lặn và cứu hộ USNS Safeguard tham gia chương trình CARAT. Đây là lần đầu tiên tàu ven biển USS Fort Worth được điều tới trong khu vực.
Về phía Philippines huy động khoảng 300 lính và ít nhất một khu trục hạm để cùng thao diễn với Hải quân Hoa Kỳ.
Trả lời báo chí, Chuẩn đô đốc Hải quân Hoa Kỳ William Merz nhắc lại cuộc tập trận thường niên CARAT đầu tiên đã được tiến hành từ năm 1995. Mục tiêu đề ra nhằm giúp Hải quân hai nước « chia sẻ những ưu tiên về an ninh hàng hải, tăng cường khả năng phối hợp ». Đây cũng là quan điểm của người điều hành các cuộc tập trận trên biển lần này phía Philippines, Chuẩn đô đốc Leopoldo Alano.
Cuộc tập trận giữa Hải quân Philippines với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật chủ yếu tập trung vào các công tác tìm kiếm và cứu hộ trên biển.
Cả hai chương trình tập trận chung trên biển của Philippines với hai đồng minh là Mỹ và Nhật tại Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc khẳng định chủ quyền đới với gần 90 % diện tích vùng biển này và liên tục tăng tốc các công trình xây dựng trên các đảo đang có tranh chấp chủ quyền. Theo giới quan sát, việc Tokyo và Washington tập trận chung với Philippines gần các vùng biển có tranh chấp chủ quyền hải đảo là một tín hiệu cho thấy, Mỹ và Nhật Bản chia sẻ lo ngại của Philippines trước các công trình xây đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150622-philippines-tap-tran-chung-voi-nhat-my-o-bien-dong/

Nhật sắp tập trận lần 2 với Philippines tại Biển Đông

mediaCác chiến hạm của Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật gần Philippines tham gia cuộc tạp trận chung hai nước lần đầu từ ngày 12/5/2015.REUTERS
Nhật Bản có ý định đưa phi cơ tuần tra hiện đại P3-C Orion đến Philippines để tham gia cuộc tập trận tìm kiếm và cứu hộ trong tháng này. Reuters và AFP dẫn các nguồn tin quân sự hôm nay 09/06/2015 cho biết hai cựu thù trong Đệ nhị Thế chiến đang siết chặt hơn mối quan hệ, trong lúc Nhật tìm cách mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông.
Căng thẳng tại Biển Đông đang tăng lên, nhất là từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp quy mô các đảo đá ngầm và rạn san hô tại quần đảo Trường Sa. Qua việc xây dựng đảo nhân tạo, Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng tại vùng biển hàng năm có đến 5 tỉ đô la hàng hóa giao thương, mà đa số là hàng xuất đi và nhập về của Nhật Bản. Hoa Kỳ muốn các đồng minh châu Á tỏ ra cương quyết hơn, trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc - theo Washington.
Đề nghị tiến hành cuộc tập trận gần thủ đô Manila đã được đưa ra, sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino viếng thăm Nhật Bản tuần trước để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Hai nguyên thủ bày tỏ mối « quan ngại sâu sắc » trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, vi phạm thỏa thuận năm 2002 với các nước trong khu vực.
AFP dẫn lời phát ngôn viên Hải quân Philippines Edgard Arevalo cho biết đây là cuộc tập trận chung thứ hai với Nhật, kéo dài từ 22 đến 26/6. Trước đó ngày 12/5, hai khu trục hạm của Nhật và một chiến hạm mới nhất của Philippines đã tập trận chung gần bãi cạn Scarborough, nay đang bị Trung Quốc kiểm soát.
Ông Tomohisa Takei, chánh văn phòng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói với báo chí : « Chúng tôi sẽ loan báo các chi tiết như thời khóa biểu và các phương tiện tham gia tập trận, ngay khi kế hoạch được ấn định xong ». Còn phía Philippines cho biết thêm, Hải quân đôi bên sẽ trao đổi các chiến thuật, kỹ thuật mới trong các hoạt động trên biển sau này.
Nhật Bản muốn tham gia tuần tra trên Biển Đông cùng với Hoa Kỳ, để làm đối trọng trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Các đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật và Philippines đang thương lượng một thỏa ước, và nếu đạt được thì các phi cơ Nhật như loại Lockheed Martin P3-C có thể sử dụng các căn cứ ở Philippines để tiếp nhiên liệu.
Phát ngôn viên Arevalo nói rằng Hải quân của Philippines và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang khảo sát khu vực huấn luyện, và nghiên cứu việc hợp tác kể cả trợ giúp nhân đạo và đối phó thảm họa.

Nhật Bản và Philippines hồi tháng Giêng đã ký kết một thỏa thuận về việc siết chặt quan hệ quân sự. Lần này hai nguyên thủ Aquino và Abe đồng ý chuyển giao công nghệ quốc phòng và thiết bị, để giúp Manila tăng cường lực lượng tuần tra tại vùng biển đang bị Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền với lực lượng hải quân hùng mạnh hơn. Thỏa thuận này có thể gồm cả việc Nhật xuất khẩu cho Philippines các thiết bị quân sự như máy bay trinh sát chống tàu ngầm và công nghệ radar.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150609-nhat-sap-tap-tran-lan-2-voi-philippines-tai-bien-dong/

Philippines để ngỏ cửa căn cứ quân sự cho Nhật

mediaTổng thống Benigno Aquino trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 5/6/2015.REUTERS/Thomas Peter
Ngay trong chuyến công du Nhật, hôm nay 05/06/2105, theo Reuters, Tổng thống Philippines Benigno Aquino chính thức tuyên bố mở ra đàm phán với Tokyo để chuẩn bị cho phép quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự Philippines với mục đích hậu cần.
Thỏa thuận nói trên đã được Tổng thống Philippines nhắc đến trong một cuộc họp báo tại Nhật trong chuyến công du nói trên. Thỏa thuận nếu đạt được sẽ cho phép phi cơ và tàu chiến của Nhật mở rộng phạm vi hoạt động tại Biển Đông, khu vực mà hiện nay căng thẳng đang dâng cao sau khi Trung Quốc liên tục mở rộng diện tích nhiều đảo tranh chấp tại Trường Sa.
Thỏa thuận quân sự này không được đưa vào tuyên bố chung Nhật Bản – Philippines, được công bố sau cuộc hội kiến giữa Tổng thống Aquino và Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Reuters gần gũi với hồ sơ này, cả hai lãnh đạo đã nhất trí mở đàm phán về một Hiệp định thăm viếng quân sự VFA (Visiting Forces Agreement). Hiện tại Philippines mới chỉ ký VFA với Hoa Kỳ và Úc.
Vào tháng 4/2015, Reuters nhận được thông tin, theo đó Tokyo dự kiến sẽ tham gia các cuộc tuần tra không quân cùng với Hoa Kỳ tại Biển Đông, để đáp trả các động thái mới đây của Trung Quốc. Đẩy mạnh hợp tác quân sự với các nước láng giềng như Philippines và Việt Nam cũng là một chiến lược của Nhật Bản gần đây nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực Biển Đông, sau gần 70 năm vắng bóng, để đối trọng lại tham vọng của Bắc Kinh.
Yêu sách đường chữ U của Trung Quốc, còn gọi là đường " Lưỡi bò ", chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông bị các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam lên án, . Tháng 7/2015, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sẽ tổ chức phiên điều trần, liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, và văn kiện thể hiện lập trường của Bắc Kinh hồi cuối năm 2014.
Cũng trong chuyến công du Nhật Bản, theo AFP, Tổng thống Aquino đã tuyên bố ủng hộ các đề nghị sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của nước Nhật, cho phép Nhật Bản có thể đóng vai trò « tích cực hơn vì hòa bình và an ninh trong khu vực ».
Ông Aquino kết thúc chuyến công du Nhật Bản bốn ngày vào hôm nay, sau khi ký một hợp đồng trị giá 12,79 tỷ yen (tương đương 90 triệu euro), với một xưởng đóng tàu Nhật Bản, để đặt hàng một đội tàu tuần tra, mà chi phí được Nhật Bản cho vay với lãi suất thấp.
Tàu chiến Trung Quốc bắn cảnh cáo tàu cá Philippines
Tàu chiến Trung Quốc có thể bắn cảnh cáo một tàu đánh cá Philippines tại một vùng tranh chấp tại Biển Đông. « Nếu đúng là có một chuyện như vậy xảy ra, thì đây sẽ là một tin nghiêm trọng ». Trên đây là nội dung thông điệp ngắn mà Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin gửi đến báo giới, bên lề chuyến công du của Tổng thống Philippines Aquino đang diễn ra tại Nhật Bản.
Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines được đưa ra ngay sau khi nguyên thủ Philippines tuyên bố Manila sẽ đàm phán với Tokyo về một thỏa thuận cho phép quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự của nước này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150605-manila-co-the-cho-phep-nhat-su-dung-can-cu-quan-su-cua-philippines/

Nhật Philippines tăng cường liên minh chống Trung Quốc

mediaQuần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp chủ quyền. Ảnh ngày 11/05/2015.Reuters
Ngày 12/05/2015, tại vùng Biển Đông, các chiến hạm của Nhật Bản và Philippines mở cuộc tập trận chung đầu tiên. Cả hai cùng đang phải đối đầu với những tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Cuộc tập trận kéo dài một ngày diễn ra tại một nơi cách bãi đá Scarborough của Philippines chưa tới 300 km. Đây là một đảo nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.
Về mặt chính thức, cuộc tập trận hôm nay là nhằm tăng cường khả năng quân sự của hai nước. Nhưng theo các nhà phân tích đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ gởi đến Bắc Kinh. Theo nhận định của ông Michael Tkacik, một giáo sư đại học Stephen F. Austin, bang Texas -Hoa Kỳ, cuộc tập trận này cho thấy là các nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á bắt đầu liên kết lại để chống Bắc Kinh. Trong thư điện tử gởi cho hãng tin AFP, vị giáo sư này nhắc lại, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và cả Ấn Độ đều cảm thấy bị đe dọa bởi cách hành xử của Trung Quốc.
Cuộc tập trận chung hôm nay diễn ra sau khi vào tháng 01/2015, Nhật Bản và Philippines ký một hiệp định tăng cường hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Thật ra thì bản chất của cuộc tập trận này không có gì là đáng lo ngại đối với Trung Quốc, nhưng sự có mặt của các chiến hạm của Nhật ở Biển Đông cho thấy Tokyo ngày càng quan tâm đến khu vực này, nơi mà Trung Quốc đang gia tăng bồi đắp, mở rộng các đảo đang tranh chấp, gây lo ngại không chỉ các nước trong vùng, mà cả Hoa Kỳ.
Trước đó, trong tháng này, lực lượng tuần duyên Nhật Bản và Philppines cũng đã mở cuộc thao dượt chung về an toàn hàng hải. Tokyo cũng đã hứa sẽ cấp 10 chiếc tàu cho lực lượng tuần duyên Philippines.
Không chỉ với Philippines mà Nhật Bản cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngày 10/05/2015, tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản vừa cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, mở đầu chuyến viếng thăm 5 ngày, để trao đổi kinh nghiệm với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam về hợp tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống tội phạm, đặc biệt là nạn cướp biển và buôn bán ma túy.
Theo nhận định của ông Julius Cesar Trajano, nhà phân tích thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam của Singapore, được hãng tin AFP trích dẫn, Nhật Bản đang cố chứng tỏ là họ sẵn sàng trợ giúp các nước đối tác trong vùng. Thế nhưng, do bị hạn chế về mặt pháp lý đối với trợ giúp quân sự, Tokyo chỉ có thể hỗ trợ về mặt huấn luyện và trợ giúp các định chế phi quân sự như lực lượng tuần duyên.
Trong bối cảnh này, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Gregorio Catapang ngày 11/05/2015 cho hãng tin Reuters biết ưu tiên của manila là xây một căn cứ hải quân mới ở bờ biển đảo Palawan nằm đối diện với quần đảo Trường Sa. Tướng Catapang nói thêm là một khi căn cứ hải quân này được hoàn tất, các chiến hạm của hải quân Mỹ, Nhật và Việt Nam có thể ghé thăm.
Hoa Kỳ đã yêu cầu được sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines để có thể luân chuyển binh lính, phi cơ và chiến hạm trong khuôn khổ chiến lược « xoay trục » sang châu Á của Washington. Philippines cũng đang tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam để cùng nhau đối phó với Trung Quốc.
Tóm lại, cùng với cuộc tập trận chung giữa hải quân Nhật và Philippines hôm nay, một thế liên hoàn đang được hình thành giữa các quốc gia có cùng một quan ngại, đó là thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150512-nhat-philippines-tang-cuong-lien-minh-chong-trung-quoc/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten