vrijdag 12 juni 2015

Chiến lược ngoại giao "roi nhỏ" của Mỹ ở Biển Đông


Hoa KỳTrung QuốcQuốc tếChâu ÁBiển ĐôngChiến lượcChính trịPhỏng vấn

Chiến lược ngoại giao "roi nhỏ" của Mỹ ở Biển Đông


mediaBộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter họp báo tại Hà Nội ngày 01/06/2015.REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool
Trong hai tuần lễ vừa qua hồ sơ Biển Đông càng lúc càng nóng lên trên diễn đàn quốc tế, khởi đầu từ phát biểu của Ngoại trưởng, tiếp theo là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, và mới hôm qua là Tổng thống Barack Obama, với lời lẽ được cho là cứng rắn nhất kể từ trước tới nay về tranh chấp biển đảo trong khu vực.
Một trong số những chiến lược gia hàng đầu ở Học viện Hải quân Mỹ tại Newport là giáo sư James Holmes từng hé lộ trên tờ báo mạng chuyên đề Real Clear Defense, chính sách của Mỹ được ví như là phương pháp ngoại giao sử dụng roi nhỏ để cản phá Trung Quốc. Chính sách này có năm điểm cụ thể, mà nhiều điều có vẻ như là đã được áp dụng thử nghiệm trong những ngày qua.
Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn đã theo dõi hồ sơ này và cho biết thêm chi tiết về quan điểm của Giáo sư Holmes và các tài liệu có liên quan đến chính sách của Mỹ.


Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn 03/06/2015 - Trọng Nghĩa nghe
Lê Hải : Chiến lược của Giáo sư James Holmes là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu về chiến lược của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông cũng là đồng tác giả của hai quyền sách và hàng chục bài viết đang là tài liệu học tập cho Hải quân Hoa Kỳ cũng như các nhà hoạch định chính sách và ngoại giao của Mỹ.
Năm điểm cụ thể mà ông nêu ra là các biện pháp tình thế cho chính sách ngoại giao mà ông gọi là gậy nhỏ, hay roi nhỏ, có tác dụng chọc phá, hay kiềm tỏa và cản đường Trung Quốc trên con đường trở thành thế lực lấn át sức mạnh của Hoa Kỳ và các nước ở khu vực Biển Đông.
Biện pháp đầu tiên là sử dụng tàu chiến không quá mạnh để khỏi bị coi là khiêu khích nhưng là loại tàu hiện đại và cơ động nhất để Trung Quốc không có cách nào lấn át được. Tiếp theo là sử dụng lực lượng mà ở Hoa Kỳ là Phòng vệ quốc gia, giống như cơ chế của Cảnh sát biển ở Việt Nam. Biện pháp thứ ba là triệt để sử dụng video và mạng lưới báo chí để đưa câu chuyện ra cho dư luận quốc tế nhìn rõ bộ mặt thật của Trung Quốc. Thứ tư là phải đối phó nhanh với kiểu tuyên truyền của bộ ngoại giao Trung Quốc, luôn nhanh chóng tìm lập luận để chứng tỏ rằng Trung Quốc luôn đúng và các nước khác luôn sai về chủ quyền biển đảo.
Điều số năm là phô diễn chiếc roi to ở đằng sau để đối phương phải dè chừng khi bị phạt bằng roi nhỏ. Xét ra thì Việt Nam cũng có thể áp dụng giải pháp đó một cách linh động tùy theo điều kiện kinh tế quốc phòng và vị trí địa lý chính trị của mình. Nếu ý của các chuyên gia Mỹ muốn nói đến lực lượng tàu chiến và vũ khí hùng hậu, thì ở vào vị trí của Việt Nam chiếc gậy to có thể là sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhắm vào Trung Quốc.
RFI : Cho đến thời điểm này đã có khá nhiều chuyên gia lên tiếng đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để tư vấn cho chính phủ Mỹ hay Việt Nam về vấn đề Trung Quốc, vậy thì tiếng nói của ông Holmes có gì khác ?
Lê Hải : Chính phủ Mỹ thường không ngả hoàn toàn theo một nhóm chuyên gia nào, mà ra quyết định tùy thuộc vào cơ cấu chính trị của mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, những luận điểm mà Giáo sư James Holmes cùng với đồng sự là Giáo sư Toshi Yoshihama đưa ra hầu hết đã được hải quân Mỹ áp dụng, ít nhất là để thử nghiệm trong thời gian vừa qua.
Hai ông vừa là giảng viên trong Học viện Hải quân Mỹ, cũng vừa là thành viên của nhóm nghiên cứu về Hải quân Trung Quốc. Trước đó họ từng làm luận văn tiến sĩ trong ngành luật quốc tế và ngoại giao, và giải pháp này kết hợp rất chặt giữa ngoại giao và quốc phòng. Đây cũng không phải là giải pháp tình thế, mà là hệ quả có được sau khi xác định bản chất của Trung Quốc trong quan điểm về sức mạnh của Hải quân.
Điểm mấu chốt là giới chính trị và học giả Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình bất ngờ tôn sùng quan điểm về hàng hải mà Đô đốc người Mỹ là Alfred Thayer Mahan từng xây dựng cách đây 100 năm : ý thức hệ về « sức mạnh trên biển » – sea power.
Quyển sách của Mahan được Nhật Bản dịch và dùng làm sách giáo khoa cho Hải quân, phần nào đem lại chiến thắng cho nước Nhật trong cuộc chiến với Nga năm 1905. Đây cũng là chiến lược cổ điển của Hải quân Anh và Đức, và nay là Trung Quốc, thường xuyên được các học giả Trung Quốc nhắc đến khi trình bày về sức mạnh của Trung Quốc ở các hội thảo quốc tế.
Chiến lược này chú trọng việc kiểm soát vùng biển và kiểm soát các tuyến đường biển, không chỉ là những gì Trung Quốc thường xuyên nói, mà còn đang thực hiện tại Biển Đông.
Trong quyển sách xuất bản từ 5 năm trước, Giáo sư Holmes và Giáo sư Yoshihama đã đoán rằng Trung Quốc sẽ không dùng vũ khí hay tên lửa để chiếm biển, mà lấn dần bằng sức mạnh của khối lượng sắt thép khổng lồ, và trong khu vực không có nước nào đủ tiềm lực kinh tế để chạy đua theo kịp.
Từ khi đó, hai ông đã khuyên nước nào ở thế đối đầu không nên dùng vũ khí, vì sẽ bị biến ngược thành kẻ khiêu khích và bị Trung Quốc dùng vũ khí đang chờ sẵn để tiêu diệt.
RFI : Trong vòng một tháng trở lại đây Hoa Kỳ bất ngờ quan tâm đặc biệt đến Biển Đông và tình hình trong khu vực cũng thay đổi rất nhiều. Đó là do việc Trung Quốc mở rộng đảo hay là sự xoay chiều về chính trị ở Mỹ ?
Lê Hải : Cách đây 15 năm Giáo sư Samuel Huntington, lúc đó là một trong số các cố vấn quan trọng trong chính phủ Mỹ, từng đưa ra một kịch bản tương tự về xung đột ở Biển Đông, thế nhưng các lý giải về văn hóa và dầu khí không thực sự tạo ra được ảnh hưởng. Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama cũng tập trung vào các vấn đề nội bộ của Mỹ nhiều hơn.
Việc Trung Quốc mở rộng các cứ điểm chiếm được ở Trường Sa thực sự vẫn chỉ là vấn đề của các nước trong khu vực, vì chiến lược của Hải quân Hoa Kỳ, như hai tác giả James Holmes và Toshi Yoshihama trình bày, vẫn coi trọng việc giao thông trên biển hơn.
Kể cả khi Trung Quốc có nhiều đảo và nhiều tàu nhưng vẫn chấp nhận quyền kiểm soát trên biển của Hải quân Hoa Kỳ thì sẽ không tạo ra điều gì nguy hiểm, như nhận định của một trong số các học giả người Anh có nhiều ảnh hưởng đến nghiên cứu này, là Giáo sư Geoffrey Till.
Vào thời điểm 10 năm trước người ta vẫn ví Trung Quốc như con voi trên bờ và Hoa Kỳ là cá voi dưới biển và mặc dù gườm nhau nhưng cả hai vẫn có lãnh địa riêng và không có lý do gì để tranh chấp. Bây giờ, theo Giáo sư Till là lúc mà chiến lược Hải quân của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân sức mạnh và sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ là một trong số những điểm chính của thế kỷ 21.
Ngoài chuyện xây dựng hệ thống quốc phòng và đèn biển trên các đảo tôn tạo chiếm được ở Trường Sa, Trung Quốc còn có kế hoạch làm kênh đào ở rẻo đất ở miền Nam Thái Lan gần Malaysia, khiến người ta ngay lập tức nhớ đến sức mạnh của đế quốc Pháp và sau này là các cuộc chiến của Anh và Israel ở Kênh đào Suez, hay sức mạnh của Hoa Kỳ liên quan đến Kênh đào Panama.
Theo tư duy nổi tiếng của đô đốc Mahan thì sức mạnh trên biển quyết định sự sống còn của một quốc gia trên trường quốc tế, đặc biệt là vị trí cường quốc của Hoa Kỳ. Do đó, không có gì khó hiểu tại sao chính phủ Obama vào cuối nhiệm kỳ sẵn sàng nghe theo lời đề nghị của các chuyên gia Hải quân.
Nhưng sẽ khó đoán là các bản kế hoạch chiến lược tuyệt mật mà họ đã chuẩn bị đề nghị các bước tiếp theo như thế nào. Tuy nhiên, có thể đoán trước là mọi chuyện trên biển sẽ phải ngã ngũ trong vòng ba tháng tới đây, trước mùa mưa bão khiến mọi hoạt động của con người trên biển phải nhường chỗ cho sức mạnh của thiên nhiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150603-chie%CC%81n-luo%CC%A3c-ngoa%CC%A3i-giao-roi-nho%CC%89-cu%CC%89a-my%CC%83-o%CC%89-bie%CC%89n-dong/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten