dinsdag 23 juni 2015

Nhật Bản và Hàn Quốc cải thiện quan hệ

Nhật BảnHàn QuốcChâu ÁNgoại giao

Nhật Bản và Hàn Quốc cải thiện quan hệ

mediaTổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (P) tiếp ông Fukushiro Nukaga, đặc sứ của Thủ tướng Shinzo Abe tại phủ Tổng thống, Seoul. Ảnh ngày 22/06/2015.REUTERS/Lee Jung-hoon/Yonhap
Nhật Bản và Hàn Quốc hôm nay 22/06/2015 cam kết cải thiện quan hệ song phương, nhân kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai láng giềng Châu Á.
« Tôi mong gặp Tổng thống Park Geun Hye nhằm đạt được sự tốt đẹp cho cả hai dân tộc, và cải thiện, phát triển quan hệ hai nước». Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định như trên trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se tại Tokyo. Còn tại Seoul, bà Park nói rằng bà hy vọng « các vấn đề giữa hai nước sẽ được giải quyết mà không có khó khăn bất ngờ nào, để năm nay là năm đánh dấu một giai đoạn quan trọng, mở ra con đường cho một tương lai mới ».
Đến thăm Tokyo, Ngoại trưởng Hàn Quốc thông báo « quyết tâm rõ ràng và dứt khoát của hai nguyên thủ nhằm cải thiện quan hệ song phương ». Ông Yun công du Nhật Bản từ hôm qua, trong không khí ngờ vực giữa Tokyo và Seoul, do các bất đồng về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.
Chiều nay, ông Yun cùng với Thủ tướng Nhật tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật – Hàn tổ chức tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Tokyo. Tổng thống Park Geun Hye cũng tham gia buổi lễ tương tự tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul.
Các nhà ngoại giao Nhật-Hàn hôm qua khẳng định sẽ tiến hành tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ông Abe và bà Park « vào một thời điểm thích hợp ». Theo nhật báo Nikkei, cuộc gặp này có thể diễn ra bên lề một hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc dự kiến vào mùa thu để cố gắng giảm bớt căng thẳng ngoại giao.
Từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe luôn tỏ ra cởi mở đối với Tổng thống Hàn Quốc. Nhưng cho đến nay, bà Park vẫn bác bỏ mọi ý định tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương, một khi Tokyo không tỏ ra hối lỗi đúng mực về vấn đề hàng chục ngàn « phụ nữ giải sầu », chủ yếu là phụ nữ Triều Tiên, phải phục vụ quân đội Thiên hoàng trước đây.
Gần đây khi trả lời phỏng vấn Washington Post, Tổng thống Park Geun Hye cho biết đã có « những tiến bộ đáng kể » trong việc thương lượng về vấn đề trên, hiện đang trong « giai đoạn cuối ».
Theo một cuộc thăm dò, mức độ ngờ vực giữa người Nhật và người Hàn cao chưa từng thấy kể từ nhiều năm qua.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150622-nhat-ban-va-han-quoc-cai-thien-quan-he/

Ngoại trưởng Hàn Quốc công du Nhật Bản sau hai năm quan hệ nguội lạnh

mediaNgoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se và đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida - REUTERS /Jung Yeon-je
Hãng Kyodo loan báo chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật- Hàn được bình thường hóa với những thăng trầm suốt nửa thế kỷ nay do hệ quả lịch sử quân phiệt vẫn gây nhức nhối cho người dân bán đảo Triều Tiên.
Theo nguồn tin Kyodo, người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc sẽ bắt đầu chuyến công du với cuộc hội kiến với Ngoại trưởng Fumio Kishida vào cuối ngày hôm nay 21/06/2015. Chủ đề thảo luận gồm « quan hệ song phương và các vấn đề quyền lợi chung ».
Hồ sơ phụ nữ Hàn Quốc bị cưỡng ép phục vụ tình dục cho quân đội Thiên hoàng trước năm 1945 sẽ được hai bên thảo luận. Vấn đề này và tranh chấp biển đảo, tiếp tục gây nghi kỵ trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong chương trình sinh hoạt tại Tokyo, Ngoại trưởng Hàn Quốc đến thăm xã giao Thủ tướng Shinzo Abe và tham dự buổi lễ đánh dấu 50 năm hai nước nối lại bang giao tổ chức tại Sứ quán Hàn Quốc.
Từ khi trở lại chính quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực hòa giải với Seoul nhưng nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cực lực từ chối mọi cuộc hội nghị thượng đỉnh cho đến khi nào Tokyo xin lỗi các nạn nhân phụ nữ Á châu mà đa số là người Triều Tiên bi bắt làm nô lệ xác thịt.
Liệu hai bên sẽ tìm ra được một giải pháp dung hòa nào hay không ?
Theo nhật báo dành cho giới doanh nghiệp Nikkei ra ngày 20/06/2015, ba nước Nhật, Hàn và Trung Quốc đang chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh ba bên vào mùa thu năm nay tại Seoul để tìm cách làm giảm căng thẳng ngoại giao.
Bên lề sự kiện này, Tokyo và Seoul cũng xem xét cơ hội tổ chức một cuộc hội kiến song phương giữa Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc. Sau hai năm « tẩy chay » Nhật Bản, sư kiện Ngoại trưởng Hàn Quốc đến Tokyo rất có thể là một tín hiệu tốt.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150621-ngoai-truong-han-tham-nhat-sau-2-nam-quan-he-nguoi-lanh/

Dân Nhật và Hàn ngờ vực nhau ở mức cao nhất

mediaMột nạn nhân còn sống (người ngồi cầm biểu ngữ) của tệ nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ 2 biểu tình tại Mỹ hồi đầu năm 2015 đòi Nhật Bản phải công khai xin lỗi.REUTERS/Faith Ninivaggi
Sự ngờ vực giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên đến mức cao nhất, theo kết quả thăm dò công bố hôm nay 09/06/2015, khẳng định sự xuống cấp trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul, hai đồng minh thân cận của Hoa Kỳ tại châu Á.
Gần ba phần tư số người Nhật được hỏi (73%) không tin tưởng vào nước láng giềng, trong khi 85% người Hàn Quốc tỏ ý nghi ngờ đối với Nhật Bản ; theo cuộc điều tra do nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật phối hợp với tờ báo Hankook Ilbo tiến hành. Đây là tỉ lệ cao chưa từng thấy trong lịch sử của cuộc thăm dò thường niên có từ năm 1996.
Việc công bố điều tra trên đây trùng hợp với thời điểm sắp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Seoul, bị xấu đi do các bất đồng về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.
Hầu như toàn bộ người Hàn Quốc (94%) cho rằng các lãnh đạo Nhật chưa thành khẩn xin lỗi về quá khứ quân phiệt (Triều Tiên bị Nhật chiếm đóng từ 1910 đến 1945). Ngược lại, cứ bốn người Nhật thì có ba người (76%) nghĩ rằng nước mình đã bày tỏ đúng mức sự ân hận về các sự kiện hồi thế kỷ trước. Ngoài ra, 60% người Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản là mối đe dọa quân sự, chỉ đứng sau Bắc Triều Tiên (78%).
Từ khi lên nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cố tỏ ra cởi mở với Thủ tướng Hàn Quốc Park Geun Hye, nhưng bà này đã bác bỏ mọi đề nghị gặp thượng đỉnh nếu Tokyo không bồi thường thỏa đáng cho hàng chục ngàn « phụ nữ giải sầu » bị buộc phải phục vụ cho quân đội Thiên Hoàng trước 1945 mà hầu hết là người Hàn Quốc.
Ông Abe hôm nay lại tuyên bố : « Chính vì có những khác biệt mà các nhà lãnh đạo phải đàm luận để hiểu nhau hơn. Tôi đã nói chuyện hai lần với ông Tập Cận Bình và đã có những tiến bộ, nên tôi muốn tiến hành tương tự với bà Park ».
Nhưng dưới mắt người Hàn Quốc và Trung Quốc, những lời nói « ăn năn » của các lãnh đạo Nhật không đi đôi với hành động, nhất là khi họ vẫn tiếp tục đến viếng đền Yasukuni ở Tokyo. Thế nên người Nhật và Hàn vẫn tỏ ra bi quan về tương lai quan hệ song phương : trên 60% người Nhật Bản và 74% người Hàn Quốc cho rằng « sẽ còn xấu đi trong suốt thời gian dài, khi phía bên kia vẫn tiếp tục đưa ra các yêu sách không thể chấp nhận được ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150609-dan-nhat-va-han-ngo-vuc-nhau-o-muc-cao-nhat/

"Vụ gái giải sầu" : 16 tổ chức khoa học Nhật yêu cầu Tokyo nhận trách nhiệm

mediaCác phụ nữ giải sầu Hàn Quốc chờ đợi chính quyền Tokyo thừa nhận trách nhiệm - DR 中文网络照片
Hôm qua 26/05/2015, 16 tổ chức khoa học Nhật Bản ra thông cáo yêu cầu chính phủ Nhật Bản thừa nhận trách nhiệm trong việc hàng trăm nghìn phụ nữ Châu Á, bị cưỡng bức làm việc trong các nhà thổ của quân đội Nhật hoàng trong Thế chiến thứ Hai.
Trong thông cáo nói trên, các tổ chức khoa học Nhật Bản – trong đó có tổ chức Sử học Nhật Bản – đã tố cáo nạn « nô lệ tình dục » mà nạn nhân là rất nhiều phụ nữ, trong đó đa số là người Triều Tiên. Thông cáo của các nhà khoa học Nhật Bản kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe nhận lãnh « một cách thành thực » trách nhiệm của nước Nhật.
Các nhà khoa Nhật Bản nêu rõ : « nhiều nghiên cứu sử học mới đây đã chứng minh, các nạn nhân không chỉ bị cưỡng bức bằng sức mạnh, mà còn phải chịu đựng những những điều kiện bóc lột tình dục, vi phạm những quyền con người căn bản nhất ».
Thông cáo nhấn mạnh : « Với việc tiếp tục có một thái độ vô trách nhiệm – phủ nhận sự tồn tại của nạn nô lệ tình dục trong quân đội Nhật trong chiến tranh -, một số chính trị gia và một bộ phận của giới truyền thông đã đưa ra thế giới một thông điệp như sau : Nhật Bản không tôn trọng nhân quyền ». Mười sáu tổ chức khoa học yêu cầu các bên liên quan « đối mặt một cách thành thực với các nạn nhân, và với các tổn hại trong quá khứ do nước Nhật gây ra ».
Đầu tháng này, gần 200 trí thức – đa số là người Bắc Mỹ - đã công bố một bức thư ngỏ, cũng theo hướng này, kêu gọi Nhật Bản thừa nhận các tội lỗi trong quá khứ thực dân và quân phiệt, nhân 70 năm chấm dứt Thế chiến Hai.
Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe theo đường lối bảo thủ, trong chuyến công du Hoa Kỳ cuối tháng 4/2015, đã nhắc lại trước Quốc hội Mỹ « những hối hận sâu sắc » của nước Nhật về quá khứ quân phiệt tại Châu Á, tuy nhiên ông đã không đưa ra lời xin lỗi – như hai thủ tướng tiền nhiệm -, điều mà người Trung Quốc và người Triều Tiên trông đợi.
Phát biểu chính thức của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nhân dịp 70 năm đế quốc Nhật bại trận, vào ngày 15/08 tới, chắc chắn sẽ được các quốc gia láng giềng xem xét kỹ lưỡng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150526-vu-gai-giai-sau-16-to-chuc-khoa-hoc-nhat-yeu-cau-tokyo-nhan-trach-nhiem/

Vụ ‘‘các phụ nữ giải sầu’’ : Giới bảo thủ Nhật kiện báo Asahi

mediaBà Lee Yong-Soo (T), nguyên là nạn nhân vụ "gái giải sầu", đang biểu tình trước trụ sở Nghị viện Nhật tại Tokyo, ngày 14/06/2007AFP
Vừa có thêm một diễn biến mới liên quan đến các cách hiểu khác nhau về việc hàng ngàn phụ nữ Châu Á bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ của quân đội Nhật hoàng, hồi Thế chiến II : Hôm nay 19/02/2015, theo báo chí Nhật Bản, một đơn kiện tập thể với hơn 2.000 người tham gia đã được gửi đến tòa án Tokyo, để buộc tờ Asahi phải bồi hoàn thiệt hại và công khai xin lỗi.
 
Nguyên đơn, bao gồm nhiều người Nhật Bản sống tại Hoa Kỳ, cáo buộc báo Asahi đã công bố nhiều tài liệu về cái gọi là hệ thống « phụ nữ giải sầu » để tạo nên một quan niệm phổ biến trong công luận là Nhà nước Nhật và giới quân sự Nhật đã có vai trò trong việc thiết lập một hệ thống bóc lột tình dục.
Những người khởi kiện cũng đòi Asahi phải bồi hoàn 3 triệu yen (tương đương khoảng 253.000 đô la) và đăng lời xin lỗi công khai trên đa số các tờ báo lớn ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Đây là biến cố mới nhất trong cuộc đối đầu trường kỳ giữa phe hữu bảo thủ - có thái độ ngày càng quyết liệt - muốn xét lại vai trò lịch sử của Nhật, với bộ phận những người có quan điểm thừa nhận trách nhiệm của đế chế Nhật trong nhiều tội ác man rợ, xảy ra trong Đại chiến thế giới thứ Hai.
Hồi tháng trước, khoảng 8.700 người, gồm nhiều nghị sĩ bảo thủ và giảng viên, cũng đã khiếu nại Asahi lên một tòa án địa phương tại Nhật.
Dù thiếu các dữ liệu lịch sử chính thức, theo nhiều sử gia, có đến 200.000 phụ nữ Trung Quốc, Indonesia, Philippines, đặc biệt là Triều Tiên, đã phải làm việc trong các nhà thổ, để phục vụ cho đòi hỏi tình dục của các binh sĩ quân đội Thiên hoàng. Phần lớn các sử gia nhận định, các phụ nữ này không phải là những người tình nguyện, và chính quân đội Nhật và chính quyền Nhật đã ngầm hoặc chính thức có các can thiệp để buộc hàng nghìn phụ nữ Châu Á phải phục vụ đòi hỏi tình dục của binh sĩ Nhật.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150219-vu-%E2%80%98%E2%80%98cac-phu-nu-giai-sau%E2%80%99%E2%80%99-gioi-bao-thu-nhat-kien-bao-asahi/

"Phụ nữ giải sầu" cho quân đội Nhật : Tokyo có thể xét lại lời xin lỗi năm 1993

mediaTượng "phụ nữ giải sầu" được dựng trước cổng sứ quán Nhật Bản ở Seoul, Hàn QuốcREUTERS
Hôm nay, 24/02/2014, theo AFP, một giới chức cao cấp trong chính quyền Nhật Bản thông báo Tokyo có thể sẽ xem xét lại các lời xin lỗi chính thức năm 1993 về nạn phụ nữ Châu Á bị đưa vào các nhà thổ của quân đội Nhật trong Thế chiến Hai. Động thái nói trên của chính phủ Nhật khiến dư luận nghi ngờ có thể Tokyo muốn giảm nhẹ trách nhiệm của Nhật trong việc này.
Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, người thường được coi là nhân vật số hai trong chính phủ Nhật, giải thích chính quyền sẽ xem xét lại các lời chứng của 16 phụ nữ Hàn Quốc, bị buộc làm « gái giải sầu » trong các nhà chứa của quân đội Nhật, vốn được dùng làm cơ sở cho các xin lỗi năm 1993.
Theo giới chức Nhật Bản nói trên, chính phủ sẽ nghiên cứu việc có nên xem xét lại (các tuyên bố), đồng thời bảo đảm tên tuổi của các phụ nữ nói trên được giữ kín. Chánh Văn phòng Nội các Nhật cũng cho biết thêm, 16 phụ nữ Hàn Quốc nói trên chấp nhận ra làm chứng với điều kiện các lời chứng không được công bố.
Theo các sử gia, có đến 200.000 phụ nữ Châu Á phải phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật hoàng trong thời gian chiến tranh, trong đó nhiều nhất là phụ nữ Hàn Quốc. Năm 1993, Chánh Văn phòng Nội các vào thời điểm đó, ông Yohei Kono, dựa trên các lời chứng này đã bày tỏ « những lời xin lỗi chân thành và niềm hối hận » của chính quyền Nhật vì đã đồng lõa trong việc cưỡng bức tình dục các phụ nữ Châu Á trong Thế chiến Hai.
Tuy nhiên, hồi tuần trước, nguyên Phó Văn phòng Nội các, ông Nobue Ishihara, người có vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo « Tuyên bố Kono » 1993, giải thích rằng chính quyền vào thời điểm đó đã không thẩm định lời chứng của các phụ nữ Hàn Quốc. Giới chức nói trên cũng khẳng định, mục đích của Tuyên bố này là nhằm thanh toán quá khứ để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo cựu Phó văn phòng Nội các Nhật, « điều đáng tiếc là thiện chí của chính phủ Nhật đã không khiến cho tình hình khá hơn ». Nhiều người Nhật trách cứ Hàn Quốc, mỗi lần có một bất đồng về bất cứ chủ đề gì, lại khuấy động hồ sơ lịch sử này.
Theo một thăm dò dư luận cuối tuần trước, được công bố trên tờ nhật báo bảo thủ Sankei Shimbun và đài truyền hình Fuji TV, khoảng 59% người Nhật tán đồng việc xét lại lời xin lỗi năm 1993.
Chủ đề « phụ nữ giải sầu » cho quân đội Nhật - thường đầu độc quan hệ giữa Tokyo và Seoul - lại nóng lên vào tháng trước, khi tân chủ tịch NHK - tập đoàn truyền thông công của Nhật Bản - tuyên bố việc cưỡng bức tình dục phụ nữ « là điều xẩy ra ở tất cả các nước trong chiến tranh ». Phát biểu nói trên có thể được hiểu như giới chức này muốn phủ nhận trách nhiệm của chính phủ Nhật Bản. Kể từ lời xin lỗi chính thức năm 1993, các tuyên bố mập mờ được nhiều giới chức cao cấp thuộc cánh hữu Nhật Bản đưa ra thường xuyên, khiến người Hàn Quốc nghi ngờ vào tính thành thực của những lời hối lỗi trong Tuyên bố 1993.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140224-phu-nu-giai-sau-cho-quan-doi-nhat-tokyo-co-the-xet-lai-loi-xin-loi-nam-1993/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten