dinsdag 23 juni 2015

Trung Quốc, cường quốc quen thói cưỡng bức

Trung Quốc, cường quốc quen thói cưỡng bức

mediaTrực thăng bay theo đội hình trên bầu trời Bắc Kinh, chuẩn bị lễ kỷ niệm kết thúc Đệ nhị Thế chiến, 12/06/2015.REUTERS/Stringer
Trong bài phân tích mang tựa đề « Trung Quốc, (siêu) cường cưỡng bức », thông tín viên nhật báo Le Monde tại Bắc Kinh nhận định, nền kinh tế thứ nhì thế giới và có ngân sách quốc phòng cũng thứ nhì thế giới, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang ở thế tiến công.
Từ dự án « Con đường tơ lụa », nhằm trang bị cơ sở hạ tầng cho Đông Nam Á và Trung Á, những món tín dụng khổng lồ hứa hẹn cho các nước châu Phi và châu Mỹ la-tinh, cho đến việc thành lập các định chế cạnh tranh như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành sách lược ngoại giao kinh tế với nhiều mục tiêu chiến lược khác nhau. Cùng với việc tăng tốc hiện đại hóa quân sự, và chủ nghĩa đại quốc trắng trợn tại Biển Đông, sự tả xung hữu đột này khiến người ta phải đặt ra câu hỏi, siêu cường Trung Quốc mang lại được những gì.
Sách Trắng quốc phòng của Bắc Kinh hồi cuối tháng Năm mới đây đã thẳng thừng nêu ra trung tâm các quan ngại là « an toàn của các lợi ích viễn hải về năng lượng và nguồn lợi thiên nhiên, các tuyến đường hàng hải chiến lược, cũng như các định chế, con người và tài sản ở ngoại quốc ». Le Monde cho rằng, sức bật kinh tế vừa là cái cớ vừa là sự cần thiết cho sự bành trướng trên biển đã được lập trình.
Trong Hội nghị trung ương về đối ngoại hôm 28 và 29/11/2014, Tập Cận Bình đã nêu ra điều mà nhà nghiên cứu Timothy Heath của Jamestown Foundation mô tả là một « chiến lược cất cánh thực sự của siêu cường Trung Quốc ». Bắc Kinh, thông qua các chính sách kinh tế « hy vọng làm cho số phận của các quốc gia mới nổi dậy và thịnh vượng ở châu Á - đang ngày càng tăng lên - phải lệ thuộc vào Trung Quốc với tư cách đại cường. Đồng thời khiến Hoa Kỳ phải đứng bên lề trong tương lai khu vực ».
Đạt mục tiêu bất chấp luật pháp và đạo đức
Bắc Kinh đặt mục tiêu khá xa : hải quân Trung Quốc với mỗi một tàu sân bay, không có căn cứ quân sự nào ở nước ngoài. Djibouti có thể là nước đầu tiên cho Trung Quốc đặt căn cứ - việc tham gia chống hải tặc ở vùng vịnh Aden được phương Tây cho là tích cực. Khả năng khác là các hải cảng Trung Quốc xây dựng, như ở Sri Lanka – hiện đang có phong trào bài Hoa, và Pakistan, nơi các dự án đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đòi hỏi các điều kiện an ninh vững vàng.
Không thành lập một khối riêng, không dùng quân đội xâm lăng một nước khác, siêu cường Trung Quốc, theo Le Monde, sẽ linh hoạt, gia trưởng và thực dụng. Tuy nhiên Bắc Kinh rất xuất sắc trong việc sử dụng vũ khí áp bức về kinh tế. Các vụ bắt bí trong thương mại, đầu tư và du lịch rất nhiều lần đã được tung ra để ép các nước châu Á (Nhật Bản, Philippines) và châu Âu (đối với Pháp, sau những cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng năm 2008 và với Na Uy sau khi giải Nobel hòa bình được trao cho ông Lưu Hiểu Ba năm 2011).
Le Monde nhận định, đã hẳn trừng phạt kinh tế thường được các cường quốc phương Tây sử dụng, đối với Nga, Syria, hay Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên các biện pháp đôi khi bị cho là mị dân này vẫn làm dấy lên những tranh luận, và cách tiến hành tương đối minh bạch. Còn với Trung Quốc thì không hề : Nhà nước công an chưa bao giờ đặt ra câu hỏi về giới hạn pháp luật và đạo đức cho hành động của họ. Bắc Kinh chỉ quan tâm đến kết quả, từ việc quản thúc các nhà tranh đấu, ngăn cản các nhà báo làm việc cho đến đóng cửa một tổ chức phi chính phủ.
Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc : Duy trì quyền hành độc đảng
Theo tờ báo, tranh luận xung quanh các hậu quả của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, về tính chất toàn trị của chế độ này, không phải là không quan trọng. Nhất là khi, như cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, tác giả bản báo cáo về quan hệ Trung-Mỹ đã đánh giá, rằng hy vọng về dân chủ hóa Trung Quốc nhờ sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và toàn cầu hóa, « chỉ là hoang tưởng ».
Ông Rudd viết : « Tập Cận Bình không cảm thấy rằng khi vừa dấn sâu vào cải cách thị trường để đạt được mục tiêu, đồng thời áp đặt thêm những hạn chế về tự do chính trị cá nhân, là một nghịch lý. Trên thực tế, ông ta còn coi đây là tinh túy của « mô hình Trung Hoa » trước chủ nghĩa tư bản, trước tự do dân chủ phương Tây, mà ông Tập cho là hoàn toàn không thích hợp với Trung Quốc ».
Là con của một trong « Bát đại nguyên lão », người đứng đầu Trung Quốc tự coi mình là người cứu rỗi của Đảng Cộng sản nước này, và của những « thành tựu vĩ đại » - phép lạ kinh tế ba thập niên qua. « Giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập chỉ có thể thành hiện thực khi đạt được hai « mục tiêu thiên niên kỷ » đã được vạch rõ : tăng gấp đôi tổng sản phẩm nội địa trên đầu người từ 2010 đến 2021, và đưa Trung Quốc thành « nước phát triển » từ nay đến 2049. Và với một đòi hỏi cao hơn, đó là bảo vệ bằng mọi giá « chế độ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc » - có nghĩa là duy trì quyền hành độc đảng.
Mục tiêu tối thượng này định ra các hành động của chế độ Bắc Kinh trong đối nội cũng như đối ngoại. Bị ám ảnh « thế lực thù địch » xâm nhập, Trung Quốc truy bức các tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ nhân quyền, trong khi các NGO này đóng vai trò điều phối những dự án của các định chế quốc tế tại các nước đang phát triển. Người ta cũng không tin AIIB để lại cho họ một khoảng không gian để hành động.
Ngược lại, hai cột trụ cho tính chính danh của Đảng Cộng sản là dân tộc chủ nghĩa, với một Trung Quốc bất di bất dịch trong vấn đề chủ quyền (thực tế hay viễn mơ) ; và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được tăng cường với việc bành trướng ra khỏi biên giới về mọi phương diện.
Sự tích cực xúc tiến « mô hình Trung Quốc » và nâng cao năng lực kinh tế là cơ sở cho một sự đô hộ mới. Le Monde kết luận, và như vậy thế giới cần phải cân nhắc trước vai trò siêu cường Trung Quốc tương lai, cho một thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hẳn đi.
Chiến thắng tạm thời cho « Cách mạng những cây dù » Hồng Kông
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về bầu cử ở Hồng Kông, Le Figaro nhận định : « Hồng Kông, Những Chiếc Dù cuối cùng đã chiến thắng », khi Quốc hội bác bỏ dự luật gây tranh cãi về cải cách thể thức bầu cử, dự kiến thiết lập một nền « dân chủ » dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Tờ báo dẫn lời của giáo sư luật Surya Deva thuộc City University của Hồng Kông, cho rằng đây là chiến thắng của phong trào « Những chiếc dù ». Ông nói : « Các cuộc biểu tình đã không đạt được một nhượng bộ nào, nhưng nay thì Bắc Kinh đã phải chịu đựng thất bại. Cuộc bầu cử này đã vượt ra ngoài Hồng Kông, Đài Loan có thể sẽ noi theo. Các nhà tranh đấu Hoa lục cũng sẽ coi đây là một cú đánh vào chính quyền Bắc Kinh ».
Gary Fong, thành viên ban lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên thì lo ngại phản ứng của Bắc Kinh : « Họ sẽ tìm cách đẩy các dân biểu dân chủ ra khỏi cuộc bầu cử kỳ tới ». Một đại diện People Power, một trong những phong trào dân chủ hứa hẹn « một cuộc đình công lớn » và các hành động « bất tuân dân sự » để gây áp lực với Trung Quốc. Còn Hoàng Chi Phong, khuôn mặt lãnh tụ học sinh 18 tuổi thì muốn đưa cuộc tranh luận về hậu 2047, khi thời kỳ « Một đất nước, hai chế độ » chấm dứt.
NGO ở Nga : Nhiệm vụ bất khả thi
Cũng về vấn đề dân chủ, Libération trong bài « Nước Nga : NGO, nhiệm vụ bất khả thi » cho biết, một khi đã bị Matxcơva cho vào danh sách « cơ quan nước ngoài », các hiệp hội bảo vệ nhân quyền đều bị cô lập và bóp nghẹt.
Đã có 68 NGO bị đưa vào danh sách này, trong đó có Minh bạch Quốc tế, Golos, và đây là sự trừng phạt vĩnh viễn. Hiện nay chỉ có bốn NGO được gạch tên, đó là vì họ đã phá sản. Không chỉ bóp nghẹt về tài chính, Matxcơva còn siết chặt về luật pháp.
Hôm 23/5, ông Putin đã ký thêm một luật mới về các « NGO nước ngoài không cần thiết », với các định nghĩa mơ hồ, có thể đóng cửa không cần án lệnh các tổ chức đe dọa « an ninh quồc gia » hay « các cơ sở của Hiến pháp Nga ». Các nhân viên của họ có thể bị truy tố hay cấm nhập cảnh, và các tổ chức Nga tài trợ bị quy trách nhiệm liên đới.
« Brexit », Waterloo của Anh quốc?
Vẫn tại châu Âu, Le Monde lần đầu tiên có bài xã luận bằng tiếng Anh mang tựa đề « Thưa các vị người Anh, « Brexit » có thể là trận Wateloo của quý vị ! ». Theo tờ báo, khả năng Anh quốc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu sẽ tai hại cho chính Luân Đôn.
Hai trăm năm đã trôi qua, bây giờ là lúc để nhìn trận Waterloo bằng một con mắt khác. Một quốc gia tự hào khó thể dễ dàng chấp nhận thất bại. Ngày 18/06/1815, nước Pháp không chỉ bị mất đi hàng ngàn chiến binh quả cảm trên chiến trường đẫm máu ở Bỉ, mà còn mất cả vị đại đế : Napoléon bị người Anh đày ra đảo Sainte-Hélène. Pháp cũng mất cả giấc mơ bá chủ.
Một kỷ niệm đớn đau. Thế nên Tổng thống François Hollande vốn không bỏ sót một dịp kỷ niệm nào, lại từ chối tham gia buổi lễ nhân 200 năm trận chiến đã thay đổi bộ mặt châu Âu. Tuy vậy, các nhà bình luận và sử gia Pháp đều nhắc lại thời kỳ này một cách quân bình hơn.
Waterloo đánh dấu một kỷ nguyên hòa bình, ổn định và phát triển chưa từng thấy tại châu Âu. Sau hội nghị Vienna tập trung các cường quốc thời đó, các vương quốc châu Âu thường xuyên gặp gỡ nhau để giải quyết các bất đồng : một hệ thống an ninh tập thể đã khởi đầu.
Hệ quả ngoạn mục khác của trận Waterloo hiếm khi được nêu ra, đó là hai thế kỷ hòa bình Anh-Pháp. Le Monde viết : « Thế nên, nhân danh kỷ niệm 200 năm, chúng tôi xin phép kêu gọi đồng minh Anh quốc hãy chống chọi lại với toan tính quen thuộc là sự cô lập huy hoàng của mình (…) Ngày nay chúng tôi xin trang trọng nói với những người bạn ở bên kia biển Manche, coi chừng, Brexit có thể là Waterloo của các bạn. Và để chắc chắn thông điệp này được nắm rõ, chúng tôi còn làm nhiệm vụ chuyển nó sang ngôn ngữ của các bạn (…). Cũng như năm 1815, tương lai của các bạn là ở châu Âu ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150619-trung-quoc-cuong-quoc-quen-thoi-cuong-buc/

Hải quân Trung Quốc muốn khoác chiếc áo toàn cầu

mediaQuân Trung Quốc tập luyện tại một căn cứ quân sự ở Trừ Châu (Chuzhou) tỉnh An Huy, 13/05/2015.REUTERS/China Daily
Trong bài viết « Bắc Kinh định ra cho hải quân tầm vóc toàn cầu », thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh nhận định, Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh trên biển khơi.
Theo tờ báo, Trung Quốc khi quan tâm về lợi ích của mình ở nước ngoài và của người Hoa trên tất cả các lục địa, đã khẳng định quyết tâm chuyển đổi thành cường quốc hải quân. Trong cuốn Sách Trắng mới công bố hôm thứ Ba 26/5, lần đầu tiên dành riêng cho chiến lược quân sự, Hội đồng Nhà nước đã trình bày các chiến lược để giao phó vai trò toàn cầu cho quân đội Trung Quốc.
Việc công khai này được Bắc Kinh giới thiệu như một hành động minh bạch, diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung đang khẩu chiến về Biển Đông. Tại đây, các công trường bồi đắp các đảo đá ngầm và rạn san hô để lấn biển của Bắc Kinh, từ nhiều tháng qua là mục tiêu của chiến dịch tố cáo mạnh mẽ từ phía Washington.
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc đã thừa nhận sự chuyển đổi không làm mấy ai ngạc nhiên, của cường quốc thương mại thế giới. Văn kiện này nhấn mạnh : « Sự an toàn cho các lợi ích viễn hải Trung Quốc về năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường hàng hải chiến lược, các định chế, nhân lực và tài sản ở nước ngoài, đã trở nên mối quan ngại chủ yếu ».
Sách Trắng cũng cho rằng : « Với việc bành trướng các lợi ích quốc gia Trung Quốc, an ninh quốc gia đã trở nên dễ tổn thương hơn trước các biến động trong khu vực và trên thế giới, nạn khủng bố, hải tặc, và các thiên tai, dịch bệnh ».
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh nêu ra « lợi ích viễn hải » trong một văn kiện chính thức. Nhưng theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, người đứng đầu văn phòng Bắc Kinh của Stockholm International Peace Research Institute, khái niệm này « đã được dành cho một chỗ quan trọng như thế trong Sách Trắng mới : mối quan ngại chủ yếu ».
Đối đầu Mỹ-Trung tại Biển Đông
« Ý tưởng này đã được cụ thể hóa, nay thì hầu như liên quan đến vị thế của Trung Quốc với tư cách một cường quốc, có những hoạt động cả trong nước và ngoài nước » - ông Duchâtel nhận định. Ông cũng là đồng tác giả với nhà ngoại giao Đan Mạch Jonas Parello-Plesner trong cuốn sách tiếng Anh sắp ra mắt mang tựa đề « China’s Strong Arm : Protecting Citizens and Asset Abroad ».
Đối với nhà nghiên cứu trên : « Các vấn đề hàng hải trong khu vực và việc bảo vệ các lợi ích ngoài khu vực của một Trung Quốc toàn cầu hóa, phối hợp với nhau trong việc xây dựng sức mạnh hải quân Trung Quốc ». Ông nhấn mạnh : « Sự thay đổi giọng điệu là hiển nhiên so với Sách Trắng trước đó, vốn chú trọng sự hợp tác quốc tế của quân đội Trung Quốc trong các chiến dịch đa phương. Bối cảnh năm này hoàn toàn khác do sự đối đầu Trung-Mỹ tại Biển Đông, và chu trình nguy hiểm giám sát/ phản giám sát ».
Theo ông Duchâtel : « Việc hải quân Trung Quốc giám sát liên tục Biển Đông giải thích rất nhiều điều về thái độ của Bắc Kinh (kể cả việc xây các đảo nhân tạo)». Các trao đổi trên làn sóng vô tuyến hôm 20/5, giữa phi hành đoàn chiếc máy bay trinh sát Posedon của Mỹ lúc bay phía trên các đảo san hô ngoài khơi Philippines và kiểm soát không lưu của hải quân Trung Quốc, trước ống kính quay phim của CNN, đã khiến giọng điệu giữa Bắc Kinh và Washington gay gắt thêm, trong lúc sắp diễn ra Đối thoại Shangri-La ở Singapore từ ngày 29 đến 31/5. Đây là điểm hẹn quan trọng của các Bộ trưởng Quốc phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
« Tự do hàng hải » và « lợi ích viễn dương »
Trong các trao đổi trên làn sóng điện, phía Mỹ nỗ lực đề cao tự do hàng hải, trong khi Trung Quốc ra lệnh – ban đầu còn bằng giọng điệu lịch sự, rồi càng lúc càng gay gắt hơn – đòi máy bay Mỹ phải rời khỏi « lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc ».
Trước đó Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ nghiên cứu gởi chiến hạm và phi cơ đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lên, khiến Bắc Kinh tức giận. Tờ Global Times có lượng phát hành lớn, phát ngôn viên hiếu chiến của chế độ, thậm chí còn kêu gọi Trung Quốc « chuẩn bị kỹ lưỡng » cho khả năng xảy ra xung đột với Hoa Kỳ.
Phát biểu từ Trân Châu cảng (Pearl Harbour) nhân lễ chuyển giao quyền lực lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương hôm thứ Tư 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhắc nhở rằng Hoa Kỳ muốn « đưa phi cơ và chiến hạm hoạt động khắp nơi luật pháp quốc tế cho phép ». Ông Carter đòi « chấm dứt ngay lập tức và về lâu về dài các dự án bồi đắp lấn biển của Trung Quốc và các nước liên quan ». Ông lên án Bắc Kinh « thông qua các hành vi tại Biển Đông, đang lệch pha với các tiêu chuẩn quồc tế làm cơ sở cho cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương ».
Đối với Mathieu Duchâtel, khái niệm « tự do hàng hải » mà Hoa Kỳ bảo vệ đối nghịch với « bảo vệ tại biển xa », đòn trả đũa cường điệu của Trung Quốc trong Sách Trắng mới. Theo ông : « Điều này đòi hỏi một hàng lang an ninh cho hải quân Trung Quốc trên hải phận quốc tế, có thể sẽ quan trọng trong việc sơ tán các công dân chẳng hạn. Đồng thời cũng gợi đến các hoạt động hộ tống các đoàn tàu thương mại như ở vịnh Aden ».
Le Monde kết luận, hãy chờ xem người Trung Quốc thực hiện ý định của họ như thế nào.
Châu Á sẽ giúp người Rohingya Miến Điện ?
Cũng tại châu Á, Courrier International dịch bài viết của tờ The Wire (Ấn Độ) mang tựa đề « Liệu châu Á rốt cuộc sẽ giúp đỡ người Rohingya hay không ? ». Theo tác giả, cho dù Malaysia và Indonesia cuối cùng đã chấp nhận không đẩy tàu của người tị nạn ra biển, chỉ có một chính sách khu vực mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Hình ảnh những người tị nạn đáng thương chen chúc trên những chiếc tàu mỏng manh trôi dạt trên biển Andaman đã gây sốc trên toàn thế giới. Châu Á đã biết đến cuộc khủng hoảng thuyền nhân, như làn sóng người tị nạn Việt Nam vào cuối thập niên 70, nhưng nay liên quan đến một tộc người ít được biết đến trong khu vực và lại càng ít hơn trên thế giới : Rohingya, người thiểu số theo đạo Hồi sống ở Miến Điện.
Phát hiện những hố chôn người ở Thái Lan, quyết định thô bạo của Malaysia và Indonesia xô đuổi những tàu của người tị nạn ra biển khơi…Miến Điện và các quốc gia láng giềng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khiến mạng sống của hàng ngàn người lâm vào nguy hiểm. Theo tờ báo, các chính quyền khu vực cần có một chính sách nhập cư chung nhân đạo hơn, đồng thời hợp tác chống bọn buôn người.
Tờ Malayasiakini thì cho rằng phản ứng chậm chạp và thiếu phối hợp trước vấn đề người Rohingya càng chứng tỏ sự kém hiệu quả của các nước ASEAN. Nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác đã dẫn đến thái độ khoanh tay bỏ mặc, vi phạm quyền con người.
Nhập cư : Vấn đề gây chia rẽ nước Mỹ
Cũng liên quan đến hồ sơ nhập cư, nhưng tại Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Monde nhận xét, không chỉ châu Âu đang phải đối mặt mà nước Mỹ, đất nước đông đảo người nhập cư, đang chia rẽ trong vấn đề này. Thậm chí tầm vóc của nó cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 08/11/2016.
Nỗ lực của đảng Dân Chủ hợp pháp hóa những người nhập cư bất hợp pháp, luôn vấp phải sự chống đối của đa số dân biểu Cộng Hòa, với sự ủng hộ của một thiểu số Dân Chủ. Riêng đảng Tea Party với 90% là người da trắng thuộc giai cấp trung lưu, còn tố cáo một nước Mỹ thay đổi quá nhanh, « toàn cầu hóa » ngay từ bên trong, với người gốc Mỹ la-tinh và gốc Á chiếm quá nhiều chỗ đứng.
Vấn đề là quan điểm này có thể khiến đảng Cộng Hòa phải trả giá trong kỳ bầu cử tổng thống năm tới, khi trên 70% người Mỹ gốc nhập cư bỏ phiếu cho phe Dân Chủ vì đảng này thoáng hơn. Vết rạn nứt Cộng Hòa – Dân Chủ đang trở thành hố ngăn cách giữa người da trắng và các cộng đồng thiểu số, mà tỉ lệ đang tăng lên trong số cử tri, đặc biệt là người Mỹ la-tinh.
Người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền ngân hàng
Tại châu Âu trên lãnh vực kinh tế, phụ trang Le Figaro cho biết « Người Hy Lạp tranh nhau rút tiền khỏi ngân hàng ». Chỉ trong ngày thứ Năm 28/5, khoảng 500 triệu euro đã bị các chủ tài khoản rút ra, vì người dân lo sợ Hy Lạp sẽ ra khỏi khu vực đồng euro và chính phủ kiểm soát vốn như đã xảy ra ở Chypre trước đây.
Nếu tính từ tháng 11/2014 đến cuối tháng 4/2015, đã có 30,6 tỉ euro bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp. Mối lo sợ « Grexit » dần dần đã bao trùm, kể cả những người ái mộ vị Thủ tướng cánh tả nhất. Áp lực của các chủ nợ, thương lượng rơi vào ngõ cụt và các tin đồn liên tiếp về việc thiết lập chế độ hai đồng tiền song song khiến dân chúng ngày càng lo âu.
Hậu quả là vào ngày cuối tuần trước ngày lễ của Chính thống giáo, hàng người nối dài dằng dặc trước các ghi-sê, do sợ tiền lệ đã xảy ra ở nước láng giềng Chypre : ngày 17/03/2013 trước weekend kéo dài, chính phủ đã ra lệnh hạn chế số lượng tiền mặt rút ra từ ngân hàng.
Báo Pháp : Từ FIFA, « Những người Cộng Hòa » đến ngoại giao cánh tả
Le Monde đề cập đến « Platini- Blatter : Cuộc chiến trên đỉnh quyền lực bóng đá ». Trong lúc FIFA đang trong tâm bão với xì-căng-đan tham nhũng chưa từng thấy, Chủ tịch người Thụy Sĩ Joseph Blatter, 79 tuổi, vẫn trông cậy vào lá phiếu của các liên đoàn nhất là châu Phi để tại vị.
Nhưng dù bám được chiếc ghế, ông Blatter không bình an vô sự : Michel Platini, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) lớn tiếng yêu cầu ông ra đi. Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh cũng tuyên bố ủng hộ thay đổi người đứng đầu FIFA, chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin là lội ngược dòng, tố cáo « áp lực » của Mỹ muốn ngăn trở Cúp bóng đá thế giới diễn ra tại Nga.
Trong khi đó nhật báo Le Figaro quan tâm đến việc đảng cánh hữu UMP đã chính thức đổi tên, với tựa trang nhất « Những người Cộng hòa sang trang mới cho UMP ». Theo tờ báo, kết quả giai đoạn đầu của chủ tịch đảng, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy là tích cực về mặt đoàn kết bên trong.
Giai đoạn hai bắt đầu từ hôm nay, với tên mới cho đảng « Những người Cộng hòa » được các đảng viên thông qua với tỉ lệ phiếu cao, ông phải chứng minh được sự thay đổi không chỉ ở tên gọi. Còn giai đoạn ba kể từ thứ Hai tới, ông Sarkozy cần chứng tỏ năng lực thu hút cử tri Pháp, hơn là chăm chăm qua mặt những đối thủ cạnh tranh trong nội bộ.
Còn Libération dành trang bìa và 6 trang trong cho đề tài « Ngoại giao cánh tả đã đi đến đâu ? ». Tờ báo thiên tả cho rằng : «Thực dụng, can thiệp: Chính sách ngoại giao của ông François Hollande đã đi xa khỏi truyền thống cánh tả, tuy nhiên đã mang lại sức nặng cho nước Pháp trên trường quốc tế ».
Nhật báo công giáo La Croix qua chủ đề « Biến đổi khí hậu nghĩa là gì ? » đã giải thích trong 10 câu hỏi và trả lời. Từ các dấu hiệu, nguyên nhân, hiệu ứng nhà kính, hành động của con người cho đến những tác động, biện pháp đối phó…trong bối cảnh còn 6 tháng nữa, 196 quốc gia sẽ họp tại Paris để cố gắng đạt đến một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150530-hai-quan-trung-quoc-muon-khoac-chiec-ao-toan-cau/

Trung Quốc viện trợ các nước 10,7 tỉ euro trong ba năm qua

mediaREUTERS/Petar Kujundzic
Theo một báo cáo được chính phủ Trung Quốc công bố hôm nay 10/07/2014, Bắc Kinh đã dành gần 90 tỉ nhân dân tệ (10,7 tỉ euro) từ 2010 đến 2012, để viện trợ cho các nước khác trong đó có khoảng hơn một chục nước ở châu Âu.
Viện trợ dưới dạng không hoàn lại, cho vay không lãi hay với điều kiện ưu đãi đã được dành cho 121 nước trong đó có 12 nước ở châu Âu. Số tiền này chiếm 0,06% tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc trong khoảng thời gian trên (139.000 tỉ nhân dân tệ), còn rất thấp so với tỉ lệ 0,7% do Liên Hiệp Quốc đề ra cho các nước phát triển.
Chính quyền Trung Quốc không nói rõ 12 nước châu Âu nhận viện trợ là những nước nào. Trong số các quốc gia được viện trợ có 51 nước châu Phi, 30 ở châu Á, 19 nước Mỹ latinh và vùng vịnh Caribê, 9 nước châu Đại Dương. Các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi cũng được hỗ trợ.
Về phía Hoa Kỳ, chỉ riêng trong năm 2012 khoản viện trợ công quốc tế là 31,2 tỉ đô la (22,9 tỉ euro), theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Bắc Kinh khoe rằng viện trợ đã tăng lên nhiều nhưng không có cơ sở để so sánh : một báo cáo trước đó chỉ nói rằng cho đến cuối 2009, Trung Quốc đã viện trợ tổng cộng 256,3 tỉ nhân dân tệ cho các nước khác. Ngoài ra báo cáo này còn khẳng định chưa bao giờ Bắc Kinh gắn liền viện trợ với « các điều kiện chính trị », và « không can thiệp » vào công việc của các nước nhận hỗ trợ.
Tuy vậy trong những năm gần đây Trung Quốc là mục tiêu bị chỉ trích rất nhiều, chủ yếu là việc viện trợ cho châu Phi để được ưu tiên khai thác tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và quặng mỏ mà Bắc Kinh hết sức cần đến.
Hôm nay Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo thường kỳ đã cực lực cải chính : « Dần dà cùng với sự phát triển của Trung Quốc, chúng tôi cố gắng cải thiện cuộc sống của bằng hữu là các nước đang phát triển. Sự hợp tác với các nước châu Phi không chỉ hạn chế về tài nguyên mà trong nhiều lãnh vực. Đó là một phương thức quan trọng đối với Trung Quốc để đảm đương trách nhiệm quốc tế của mình ».
Thế nhưng hồi tháng 11/2013, khoảng thời gian không được đề cập đến trong báo cáo, Bắc Kinh đã bị đả kích kịch liệt vì đã dửng dưng trước thảm họa mà Philippines, quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông phải gánh chịu. Trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Na Uy hay kể cả tập đoàn tư nhân Ikea hứa viện trợ hàng chục triệu đô la sau trận bão đã tàn phá nặng nề Philippines, Trung Quốc ban đầu chỉ gởi cho Manila vỏn vẹn…100.000 đô la. Bị dư luận chê cười, vài hôm sau đó Bắc Kinh mới tăng lên 1,8 triệu đô la.
Cũng theo báo cáo trên đây, vốn cho vay với điều kiện ưu đãi dành cho các « dự án hạ tầng quan trọng hay trung bình » chiếm 55,7% viện trợ quốc tế của Trung Quốc từ 2010 đến 2012. Viện trợ không hoàn lại chiếm 36,2%, cho vay không lấy lãi 8,1%.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140710-trung-quoc-vien-tro-cac-nuoc-107-ti-euro-trong-ba-nam-qua/

Hỏa tiễn Trung Quốc làm thay đổi hẳn cục diện châu Á

mediaXe chở tên lửa Trung Quốc DF-21A tại Bảo tàng Bắc Kinh (wikipedia.org)
Chương trình hỏa tiễn đạn đạo chống hàng không mẫu hạm của Bắc Kinh đã vượt khỏi tầm vóc vấn đề Đài Loan, để bao trùm cả vùng Đông Á. Nó hỗ trợ cho tham vọng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Bằng việc gây ấn tượng với các thành tựu kỹ thuật quân sự dù vẫn khẳng định chủ trương hòa bình, Bắc Kinh muốn dập tắt mọi ý đồ chống cự của các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Bài viết của hai nhà nghiên cứu Pháp Mathieu Duchâtel và Alexandre Sheldon-du-Plaix, thuộc Asia Centre và ban nghiên cứu lịch sử quốc phòng, đăng trên mục Ý kiến của tờ Le Figaro hôm nay, đã phân tích ý nghĩa các nỗ lực hiện đại hóa quân đội gần đây của Trung Quốc. Theo hai tác giả, loại hỏa tiễn mới của Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện tại châu Á.
Bài báo mở đầu bằng nhận định, chuyến viếng thăm Bắc Kinh tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates đã tái lập lại quan hệ quân sự giữa hai nước, vốn bị Bắc Kinh cắt đứt cách đây một năm để phản đối việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan. Việc ông Gates được Bộ tham mưu lực lượng đặc biệt Trung Quốc đón tiếp cho thấy sự trọng thị của chủ nhà, nhưng điều này cũng chưa đủ để làm xoa dịu nỗi lo ngại của Washington trước các tham vọng khu vực của Bắc Kinh.
Đó là vì Trung Quốc xưa nay vẫn giữ bí mật, nhưng nhân dịp này đã úp mở cho thấy các tin tức về các phương tiện quân sự mới của mình. Từ ảnh chụp các chuyến bay thử của loại chiến đấu cơ tàng hình J-20, mà chưa có nhà quan sát nước ngoài nào nghĩ là Trung Quốc đã chế tạo được, cho đến một hàng không mẫu hạm sẽ được hạ thủy vào năm 2012. Bên cạnh đó là các bài báo và lời tuyên bố liên quan đến một loại hỏa tiễn đạn đạo chống tàu thủy, có thể đe dọa việc triển khai các hàng không mẫu hạm Mỹ tại Thái Bình Dương, có nghĩa là đe dọa khả năng bảo vệ các đồng minh Nhật Bản hay Đài Loan của Hoa Kỳ.
Việc sử dụng hỏa tiễn đạn đạo chống lại các hàng không mẫu hạm có vẻ như không tưởng trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Matxcơva đã khai thác hướng này trong thập niên 70 với hỏa tiễn R27K được phóng đi từ tàu ngầm, có thể bay xa hàng trăm cây số, nhưng rồi đã bỏ cuộc vì loại tên lửa này không được chính xác.
Ngày nay, trong khi nhiều nước vẫn chuộng sử dụng loại hỏa tiễn tầm xa để bắn hạ tàu chiến của kẻ địch, chương trình hỏa tiễn mới của Trung Quốc tỏ ra mang tính cách mạng.
Bắc Kinh vào thời trước cũng đã có cùng toan tính với Matxcơva, nhưng chính cuộc khủng hoảng tháng ba năm 1996 ở eo biển Formosa đã thúc đẩy cường quốc châu Á này tăng tốc. Vào năm đó, khi Trung Quốc bắn hỏa tiễn vào Đài Loan, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ra lệnh đưa hai hàng không mẫu hạm nguyên tử đến để hỗ trợ cho đảo quốc này, trong thời điểm diễn ra cuộc phổ thông đầu phiếu đầu tiên để bầu Tổng thống Đài Loan. Lo ngại chính quyền Đài Bắc, với sự ủng hộ của Mỹ, sẽ đòi độc lập, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã quyết định dành ưu tiên cho chương trình hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm.
Việc Trung Quốc chế tạo được hỏa tiễn đạn đạo có vận tốc trên 70km/h, tấn công được mục tiêu cách xa 2.500km, thật khó tưởng tượng. Loại hỏa tiễn này cần có phương tiện điều chỉnh đường bay của nó lúc sắp đáp xuống mục tiêu, để các bộ phận cảm ứng tìm ra được chiếc tàu địch. Hỏa tiễn này có thể tung ra những loạt bom chùm quy ước, không phải để bắn chìm hàng không mẫu hạm, mà để làm tê liệt đường băng không cho máy bay trên tàu cất cánh.
Theo bài báo, việc công bố thông tin của chương trình trên có vẻ nhằm mục đích hù dọa. Cho dù chưa thành hiện thực, nhưng loại hỏa tiễn trên đã làm thay đổi luật chơi, trước hết là giúp áp đảo tinh thần. Do chưa có đối đầu thực sự, nên còn tùy thuộc vào quyết tâm của Washington có chấp nhận rủi ro khi triển khai các hàng không mẫu hạm trong trường hợp có xung đột khu vực hay không, trong lúc mà vùng biển châu Á đang căng thẳng với các hoạt động quân sự.
Các tác giả nhận định, chương trình hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm của Bắc Kinh đã vượt khỏi tầm vóc vấn đề Đài Loan, để bao trùm cả vùng Đông Á. Nó hỗ trợ cho tham vọng của Trung Quốc, tại vùng biển giữa duyên hải nước này và chuỗi quần đảo gần Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia – toàn là các đối tác của Hoa Kỳ. Mọi tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh đều ở đây : từ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng mỏ khí Xuân Hiêu tranh chấp với Nhật, cho đến quần đảo Trường Sa đang mà Việt Nam, Malaisia và Philippines đòi chủ quyền. Bài báo kết luận, bằng việc gây ấn tượng với các thành tựu kỹ thuật quân sự dù vẫn khẳng định chủ trương hòa bình, Bắc Kinh muốn dập tắt mọi ý đồ chống cự của các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Vụ gián điệp công nghiệp ở Renault : Rõ ràng có bàn tay Trung Quốc
Liên quan đến vụ gián điệp công nghiệp ở tập đoàn xe hơi Pháp Renault, nhật báo Le Monde số đề ngày hôm nay đã nêu rõ tên các tập đoàn Trung Quốc bị nghi ngờ có dính líu.
Từ tháng 2/2010, một tài khoản tại Lichtenstein mang tên ông Michel Balthazard, giám đốc phụ trách dự án, thành viên ban giám đốc Renault đã được một nguồn tiền từ Thượng Hải và Malta, rót vào cứ mỗi hai tháng số tiền 40.000 euro, tổng cộng là 130.000 euro. Từ tài khoản Lichtenstein, hàng tháng lại chuyển sang cho tài khoản ông Bertrand Rochette, trợ lý của ông Balthazard 5.000 euro. Nguồn gốc của số tiền trên, theo như điều tra do thám tử tư của Renault tiến hành, là từ China Power Grid Corporation, thông qua một số trung gian, một cái tên rất gần gũi với State Grid Corporation of China, Tập đoàn Phân phối và Truyền tải Điện Trung Quốc. Còn ông Matthieu Tenenbaum, phó giám đốc chương trình xe hơi điện của Renault thì nhận được nửa triệu euro, chuyển vào tài khoản của ông này ở Thụy Sĩ. Số tiền trên đến từ China Aviation Industry Corporation, Tập đoàn Kỹ nghệ Hàng không Trung Quốc.
Le Monde cho biết, cả hai tập đoàn trên của Trung Quốc đều là thành viên của một khối gồm 16 tập đoàn quốc doanh chủ yếu được Bắc Kinh giao nhiệm vụ phải nắm vững cho được các kỹ thuật xương sống trong việc chế tạo xe hơi chạy bằng điện. Riêng Tập đoàn Kỹ nghệ Hàng không Trung Quốc từ năm ngoái đã liên doanh với Hà Bắc để thành lập một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về các loại bình điện, chất xúc tác, điện cực thế hệ mới nhằm sản xuất được các xe buýt chạy bằng điện từ năm nay.
Việc tập đoàn Renault do sợ lộ bí mật kinh doanh, đã tự ý mướn thám tử tư điều tra trong mấy tháng qua thay vì báo cho nhà chức trách Pháp, đã khiến chính phủ và cơ quan chức năng Pháp hết sức bực bội. Đặc biệt là khi Cơ quan Phản gián Pháp đã báo động liên tiếp ngay từ tháng 6,7,8/2010 về việc Trung Quốc mua lại các công ty gia công của Renault ngay trên đất Pháp, và đang dòm ngó kỹ thuật bình điện và các thành tựu khoa học khác của tập đoàn xe hơi Pháp.
Tunisia : Tự do đã có thể với đến lãnh địa của Hồi giáo
Các tờ báo lớn xuất bản ở Paris hôm nay đều chạy tựa lớn về việc tổng thống Tunisia phải chạy trốn ra nước ngoài dưới áp lực của dân chúng, với làn sóng biểu tình dữ dội chưa từng thấy suốt một tháng qua. « Ben Ali bị đường phố truy đuổi », tựa của Le Figaro. Nhật báo cánh hữu đăng ảnh xe tăng bên cạnh đám đông trên đường phố, và cho biết thêm là nước Pháp không hề muốn đón tiếp ông Ben Ali sang tị nạn. « Ben Ali, hãy biến đi ! » - ảnh bìa của nhật báo cánh tả Libération là một phụ nữ giận dữ đưa cao tờ giấy có dòng chữ trên. Đối với nhật báo Cộng sản L’Humanité, « Tunisia phá tung xiềng xích ». Nhật báo France Soir lo ngại « Sau ông Ben Ali là một chế độ dân chủ hay là sự hỗn loạn ? ». Tuy là ngày nghỉ hàng tuần, bản trên mạng của tờ báo kinh tế Les Echos hôm nay vẫn đưa tít đầu « Tunisia : Tổng thống đào thoát đã đến Ả rập Xê út ». Còn nhật báo Le Monde phát hành từ chiều hôm qua chỉ kịp đưa tựa « Tunisia : Lá bài cuối cùng của ông Ben Ali ».
Ở trang trong, Le Figaro nhận định, quân đội đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm sụp đổ chế độ của ông Ben Ali. Các tướng lãnh đã từ chối đàn áp người biểu tình, và thậm chí còn vô hiệu hóa bộ máy an ninh. Khác với một số quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ có công ty làm ăn riêng, đa số các nhà lãnh đạo quân sự không dính dáng đến việc kinh doanh, và cũng không muốn can thiệp vào lãnh vực chính trị. Nhưng Le Figaro cũng băn khoăn, không biết quân đội Tunisia có ngăn được các hành động của một số người quá khích bên lực lượng an ninh hay không.
Trong bài xã luận, Le Figaro cho rằng sự chuyển tiếp chế độ ở Tunisia có giá trị thử nghiệm đối với các quốc gia có lãnh đạo độc tài tương tự. Ông Ben Ali là nhà lãnh đạo Ả rập đầu tiên phải từ bỏ quyền lực dưới sức ép của đường phố. Nhắc lại vụ vua Iran bị lật đổ năm 1979 mở đường cho cuộc cách mạng Hồi giáo của giáo chủ Khomeyni, tờ báo cho rằng cần phải hết sức cảnh giác.
Nhật báo cánh tả Libération dành đến năm trang báo khổ lớn để nói về Tunisia, với các bài phóng sự, phỏng vấn. Bài xã luận của Libération khi hoan nghênh một Tunisia tự do, quan niệm rằng trước khi đặt câu hỏi, liệu sắp tới nước này sẽ hướng đến một chế độ dân chủ, vô chính phủ hay một chế độ độc tài mới, thì tạm thời hãy vui mừng trước biến cố chính trị trên.
Tờ báo chỉ trích chủ trương thực dụng muốn ủng hộ một chế độ độc tài tham nhũng nhằm cản bước mối đe dọa Hồi giáo. Theo Libération, thì từ nay có thể tin rằng giá trị của tự do không chỉ dành riêng cho phương Tây, mà còn có thể với tới được các lãnh địa của Hồi giáo ; và từ Tunisia cho đến Bắc Kinh hay Vácxava, vẫn có những con người sẵn sàng chết cho tự do.
Rừng nhiệt đới Indonesia vẫn đang bị đe dọa
Quay lại với châu Á, « Số phận các khu rừng đang làm chia rẽ chính phủ Indonesia », tựa một bài báo trên Le Monde. Một quyết định gia hạn hai năm về việc giao khai thác rừng lẽ ra sẽ có hiệu lực từ đầu năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được phê chuẩn, cho thấy có sự bất đồng ở cấp cao nhất.
Le Monde cho biết, từ tháng 5 năm ngoái, tổng thống Yudhoyono đã hứa hẹn sẽ hạn chế nạn phá rừng. Nhưng áp lực của các công ty khai thác gỗ, sản xuất dầu cọ và giấy là rất mạnh. Bộ Lâm nghiệp đứng về phe các doanh nghiệp, ngoài các khu rừng nguyên sinh cần được bảo vệ, muốn cho gia hạn khai thác luôn các khu rừng thứ cấp, đi ngược lại với ý kiến các cố vấn Tổng thống. Tờ báo nói thêm, Indonesia vốn là một trong những quốc gia mà rừng bị tàn phá nhiều nhất trên thế giới. Nước này có diện tích rừng nhiệt đới đứng thứ ba thế giới sau Brazil và Congo, với tổng diện tích 98 triệu hecta, nhưng hàng năm bị mất đi đến 1 triệu hecta do nạn phá rừng lậu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20110115-hoa-tien-trung-quoc-lam-thay-doi-han-cuc-dien-chau-a/


Geen opmerkingen:

Een reactie posten