dinsdag 23 juni 2015

Trường Sa : Trung Quốc phô trương tính dân sự của các đảo nhân tạo

Trung QuốcChâu Áđảo nhân tạoBiển ĐôngDân sựQuân sựTrường SaHoàng Sa

Trường Sa : Trung Quốc phô trương tính dân sự của các đảo nhân tạo

mediaCăn cứ quân sự Trung Quốc trên đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef) Trường Sa - @CSIS
Bị cả thế giới tố cáo về âm mưu quân sự hóa Trường Sa, Trung Quốc ngày 17/06/2015 đã đẩy mạnh chiến dịch biện minh cho tính chất dân sự của các công trình họ đang xây dựng trên các đảo nhân tạo đang bồi đắp ở vùng Biển Đông. Cơ quan kế hoạch hóa tối cao của chế độ Bắc Kinh đã cho biết nhiều chi tiết về các công trình đang xây tại vùng Trường Sa, từ hải đăng, trạm thông tin liên lạc và các cơ sở dân sự và cứu nạn khẩn cấp khác.
Trong bản thông cáo báo chí hôm qua cho biết rằng công việc cải tạo trên một số đảo đá ở Trường Sa sắp hoàn thành, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói chung chung rằng các công trình của họ nhằm những mục tiêu chủ yếu là dân sự như « tìm kiếm cứu nạn trên biển, nghiên cứu hải dương, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn hàng hải, phục vụ sản xuất ngư nghiệp… ».
Trong một bản thông cáo ngắn công bố hôm nay, cơ quan lập kế hoạch hàng đầu của Trung Quốc là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cho biết là họ đã vạch ra cả một kế hoạch cho việc xây dựng và sử dụng các cơ sở dân sự trên quần đảo Trường Sa.
Theo hãng tin Anh Reuters, cơ quan này đã nêu lên ví dụ về các ngọn hải đăng lớn, sẽ được dùng cho việc cho hướng đẫn tàu biển, cũng như là các cơ sở dùng cho các thiết bị hải hành không dây, các trạm thời tiết để theo dõi sóng thần, các trạm nghiên cứu khoa học và thiết bị để khắc phục sự cố tràn dầu. Để bảo vệ môi trường, các cơ sở xử lý rác thải và nước thải và cũng sẽ được xây dựng.
Trên các đảo cũng sẽ có cơ sở tiếp trợ các tàu tìm kiếm cứu nạn, nơi trú ẩn cho tàu cá muốn tránh bão và cần sửa chữa. Cơ quan này dĩ nhiên không cho biết cụ thể là loại cảng hay bến tàu nào sẽ được xây dựng, cũng không nói rõ là lúc nào thì các cơ sở nói trên được hoàn thành, cũng như xác định là đảo nào có loại cơ sở nào.
Trung Quốc đang cố khoác một bộ áo dân sự cho các công trình họ đang xây dựng trên các bãi đá mà họ chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, nhằm phản bác lại những cáo buộc về mưu toan quân sự hóa những nơi này.
Theo các hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu được phi cơ tuần tra Mỹ thu thập được trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã từng đưa trọng pháo lên một hòn đảo đang bồi đắp. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở quân sự cũng đã được xây dựng, trong đó có một phi đạo 3000 mét và những hệ thống radar cảnh báo sớm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150617-truong-sa-trung-quoc-pho-truong-tinh-dan-su-cua-cac-dao-nhan-tao/

Đảo nhân tạo ở Trường Sa : Bắc Kinh ngưng bồi nhưng vẫn xây

mediaHình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
 Bị quốc tế liên tục tố cáo, Trung Quốc hôm nay 16/06/2015 xác định rằng dự án cải tạo đảo đá mà họ rầm rộ tiến hành ở vùng quần đảo Trường Sa « sắp » hoàn tất. Tuy nhiên, Bắc Kinh đồng thời khẳng định vẫn tiếp tục xây cất cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo đã bồi xong.
Trong một bản thông cáo báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) cho biết là các dự án cải tạo đất của Trung Quốc trên « một số đảo và đá ngầm » ở vùng quần đảo Nam Sa – tên Trung Quốc gọi Trường Sa – đúng theo kế hoạch dự kiến, sẽ được hoàn tất trong những ngày sắp tới đây.
Nhân vật này tuy nhiên không nói rõ là công trình bồi đắp sắp được hoàn tất ở bãi nào trong số bảy bãi ngầm mà Bắc Kinh rầm rộ bồi đắp trong thời gian gần đây.
Vấn đề là bản thông cáo báo chí đã nói thêm là Bắc Kinh, dù không bồi đắp thêm nữa, nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trên các đảo nhân tạo các « cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích đề ra ». Lịch trình xây dựng dĩ nhiên, cũng không được đề cập đến.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói khá nhiều về các mục tiêu được cho là chủ yếu nhằm « đáp ứng các nhu cầu dân sự khác nhau và giúp Trung Quốc hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế ». Thế nhưng mục tiêu quân sự cũng được ông Lục Khảng nhắc thoáng qua khi nói đến việc « đáp ứng nhu cầu quân sự quốc phòng cần thiết ».
Chính mục tiêu quân sự của các cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa là vấn đề gây quan ngại. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến các công trình quân sự xây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), đặc biệt là phi đạo dài 3000 mét và hệ thống radar cảnh báo sớm mà phía Mỹ cho là có thể hoạt động ngay từ cuối năm nay.
Và như thông lệ, Bắc Kinh đã khẳng định trở lại rằng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc, công việc xây dựng mà họ tiến hành tại Trường Sa hoàn toàn « hợp pháp, hợp lý và chính đáng ».
Quan điểm của Bắc Kinh dĩ nhiên không được các nước khác chấp nhận, đi đầu là Việt Nam, Philippines Malaysia, những quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150616-dao-nhan-tao-o-truong-sa-bac-kinh-se-ngung-boi-nhung-van-xay/

Mỹ tố cáo Trung Quốc bồi đắp thêm 800 ha đảo tại Trường Sa

mediao Hoạt động bồi đắp cát tại phía bắc Đá Vành Khăn, ảnh vệ tinh của CSIS;REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo
Hôm qua 08/05/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong đó nêu rõ Bắc Kinh đã gia tăng thâu tóm bồi đắp các đảo đang tranh chấp trong quần đảo Trường Sa với nhịp độ và quy mô lớn chưa từng có, để biến những đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông thành căn cứ hải quân, hiển nhiên thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, với việc bồi đắp đảo từ tháng Giêng năm 2014, Trung Quốc đã « mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần », tương đương với 800 ha mà 3/4 số này thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.
Báo của Lầu Năm góc chỉ ra bốn vùng trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã san lấp xong và đã chuyển qua giai đoạn « xây dựng hạ tầng cơ sở » như cầu cảng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giám sát và có ít nhất một đường băng sân bay.
Báo cáo còn ghi nhận, trong các công việc cải tạo đảo, Trung Quốc còn khơi sâu các luồng lạch để tàu chiến của họ ra vào những vị trí tiền tiêu trong Trường Sa.
Một quan chức Quốc phòng Mỹ, hôm qua, đã nhận định, cách làm của Trung Quốc nhằm chiếm cứ khu vực Biển Đông đã diễn ra với « tốc độ nhanh và quy mô lớn » hơn nhiều so với các nước có đảo ở Biển Đông.
Hồi đầu tháng Tư, một nhóm nghiên cứu Mỹ đã cho phổ biến những ảnh chụp vệ tinh cho thấy rõ các hoạt động bồi đắp đảo Đá Vành Khăn ( Mischief) và san lấp xây cầu cảng ở nhiều hòn đảo khác trong quần đảo Trường Sa.
Phần lớn các nhà phân tích đều nhận thấy ý đồ Trung Quốc muốn thay đổi thực trạng các đảo đang có tranh chấp để xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng của họ ở Biển Đông.
Ngay lập tức hôm nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng với bản báo cáo của Lầu Năm Góc. Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh : « Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc đã bóp méo sự việc ... không có cơ sở » nhằm tiếp tục tạo hình ảnh Trung Quốc là mối đe dọa quân sự. Ông Cảnh Nhạn Sinh khẳng định « việc tăng cường khả năng quân sự là nhằm bảo đảm giữ gìn an ninh chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và phát triển hòa bình của Trung Quốc » mà không đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp cải tạo đảo trong Biển Đông.
Hoa Kỳ không khẳng định đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên không ít lần Washington tỏ lo ngại trước « những hoạt động gây bất ổn định » của Bắc Kinh trong các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150509-my-to-cao-trung-quoc-boi-dap-them-800-ha-dao-tai-truong-sa/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten