donderdag 18 juni 2015

Nghị viện Hồng Kông bác luật bầu cử do Bắc Kinh áp đặt

Hồng KôngTrung QuốcDân chủChâu Ápháp quyền

Nghị viện Hồng Kông bác luật bầu cử do Bắc Kinh áp đặt

mediaNhững người ủng hộ dân chủ đón mừng việc Nghị viện Hồng Kông bác bỏ dự luật cải cách bầu cử, 18/06/2015.REUTERS/Tyrone Siu
Dự luật cải cách bầu cử Hồng Kông bị bác tại Nghị viện trong cuộc biểu quyết ngày 18/06/2015. Đây là một thắng lợi của phe dân chủ và là thông điệp mạnh phản đối Bắc Kinh can thiệp vào các hoạt động chính trị của đặc khu hành chính này.
Dự luật cải tổ bầu cử của Hồng Kông do Trung Quốc đề nghị chỉ được 8 dân biểu tán đồng. 28 nghị viên bỏ phiếu chống. Để được thông qua, tối thiểu văn bản này cần được 47 lá phiếu ủng hộ.
Nghị viện Hồng Kông bác bỏ kế hoạch do Trung Quốc đề xuất. Theo đó Bắc Kinh đồng ý cho người dân Hồng Kông chỉ định trưởng đặc khu hành chính, nhưng các ứng viên phải là người đã được chính quyền trung ương đồng ý cho ra tranh cử.
Theo ghi nhận của AFP tất cả các đại biểu Hồng Kông đại diện cho phong trào dân chủ đều đã có mặt trong cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện để từ chối « một trò hề dân chủ ». Kết quả cuộc biểu quyết nói trên đã khiến nhiều dân biểu thân Bắc Kinh phẫn nộ. Nhiều người bỏ ra về trước khi diễn ra cuộc biểu quyết.
Ở bên ngoài Nghị viện, phe dân chủ Hồng Kông vui mừng đón nhận kết quả nói trên.
Dự luật bầu cử Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt đã dẫn tới các cuộc chiếm đóng đường phố hồi mùa thu 2014, làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế, tài chính Hồng Kông. Tuy nhiên theo thông tín viên đài RFI, Florence de Changy, phong trào đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông vẫn chưa tới hồi kết.
« Dự luật bầu cử Hồng Kông bị bác vì 28 nghị viên bỏ phiếu chống. Không ai ngạc nhiên về kết quả cuộc biểu quyết hôm nay, nhưng diễn biến của vụ việc sẽ được bình luận nhiều trong những ngày tới, do có khoảng 30 nghị viên thân Bắc Kinh được chỉ thị bỏ phiếu ủng hộ dự luật bầu cử, nhưng vài phút trước khi bắt đầu biểu quyết, số này đã rời khỏi Nghị viện. Đây là một cử chỉ mang nhiều ý nghĩa, và được coi như một hành động phản đối nhắm vào nhà cầm quyền ở Hồng Kông.
Dù sao đi chăng nữa, sau cuộc biểu quyết hôm nay, luật bầu cử ở Hồng Kông vẫn được giữ nguyên trạng. Có nghĩa là cử tri vẫn không được quyền bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử vào năm 2017. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông sắp tới vẫn sẽ do một ủy ban gồm 1.200 người chỉ định.
Ngoài ra, các dân biểu trong Nghị viện Hồng Kông ở nhiệm kỳ tới, dự trù mở ra vào năm 2020 cũng sẽ không do dân trực tiếp bầu lên. Lý do là Hồng Kông dự trù cải tổ luật bầu cử ở cấp Nghị viện sau khi đã cải tổ luật bầu cử để chỉ định trưởng đặc khu hành chính này. Như nhận xét của lãnh đạo phong trào sinh viên Hồng Kông, Hoàng Chi Phong, kết quả cuộc biểu quyết ở Nghị viện Hồng Kông nhắc nhở mọi người rằng, công cuộc đấu tranh vì dân chủ cho vùng lãnh thổ này vẫn chưa kết thúc, lý tưởng về một nền dân chủ Hồng Kông đã bị thụt lùi ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150618-nghi-vien-hong-kong-bac-luat-bau-cu-do-bac-kinh-ap-dat/

Cải cách bầu cử Hồng Kông : phe dân chủ bác bỏ, Bắc Kinh đe dọa « hỗn loạn »

mediaDự án cải cách bầu cử Hồng Kông bị cho là có mục tiêu áp đặt một "nền dân chủ kiểu Trung Quốc" - REUTERS /Bobby Yip
Hôm nay 17/06/2015, căng thẳng tại Hồng Kông dâng thêm một nấc trước cuộc bỏ phiếu cho cải cách bầu cử. Hàng trăm người thuộc hai bên, phe ủng hộ dân chủ và phe thân Bắc Kinh, tập hợp xung quanh trụ sở Hội đồng lập pháp Hồng Kông. Theo một số nhà quan sát, bất chấp các áp lực và tuyên truyền từ Bắc Kinh, dự án cải cách – mà nhiều người đánh giá là có mục tiêu áp đặt một « nền dân chủ kiểu Trung Quốc » - sẽ bị bác bỏ. Bắc Kinh dọa Hồng Kông rơi vào « hỗn loạn », nếu « cải cách » này bị ngăn chặn.
Hàng trăm người biểu tình tập hợp xung quanh trụ sở Nghị viện Hồng Kông (LEGCO), nơi an ninh được siết chặt, với các rào chắn và hàng đoàn cảnh sát. Đối mặt với phe dân chủ là những người ủng hộ chính quyền, họ giương cao cờ Trung Quốc, hô vang nhiều khẩu hiệu ủng hộ cải cách qua loa phóng thanh. Tại Bắc Kinh, một bài xã luận trên tờ Nhân dân nhật báo của chính quyền đe dọa « hỗn loạn », nếu dự án cải cách bị bác bỏ.
Văn bản dự thảo cải cách bầu cử - được thảo luận từ chiều nay – theo kế hoạch sẽ được bỏ phiếu từ nay đến thứ sáu. Nội dung của cải cách này là xác định các phương thức cho cuộc bầu cử trực tiếp người đứng đầu chính quyền đặc khu, lần đầu tiên dự kiến tổ chức vào năm 2017. Theo AFP, các nghị sĩ dân chủ cho biết họ sẽ bỏ phiếu chống. Nếu trường hợp này xảy ra, dự luật sẽ không hội đủ hai phần ba số phiếu cần thiết để được thông qua. Quan điểm của các nghị sĩ ủng hộ dân chủ là cuộc cải cách hoàn toàn bị chính quyền Trung Quốc khống chế, tất cả các ứng viên vào chức lãnh đạo Hồng Kông đều phải được Bắc Kinh bật đèn xanh trước đó.
Theo nhà chính trị học Lô Triệu Hưng (Sonny Lo), việc dự án cải cách bị các nghị sĩ phe dân chủ bác bỏ rất có thể sẽ một lần nữa làm sống lại những mâu thuẫn chính trị tại Hồng Kông, vốn đã bùng lên dữ dội hồi năm ngoái, khi hàng chục nghìn người ủng hộ dân chủ xuống đường, chiếm giữ nhiều vị trí trong thành phố trong hai tháng trời, đưa đến sự ra đời của phong trào « Dù vàng » (hay « Ô vàng ») nổi tiếng.
Ông Lô Triệu Hưng (Sonny Lo) nhận định, nếu dự án không được thông qua, chính quyền Trung Quốc sẽ kể tội phe dân chủ, đã ngăn chặn một cải cách, mà Trung Quốc cho rằng đã bao gồm nhiều nhân nhượng thực sự của chính quyền trung ương đối với đặc khu.
Trong bài phát biểu mở màn cho các tranh luận chiều nay tại Nghị viện Hồng Kông, bà Lâm Lập Lam (Carrie Lam), nhân vật số hai của chính quyền Hồng Kông cảnh báo đối lập : nếu cải cách bị ngăn cản, chính quyền không thể tái khởi động, tiến trình cải cách « sẽ rơi vào điểm chết ».
Theo Le Figaro (bài « Bắc Kinh muốn áp đặt cho Hồng Kông một ‘‘ nền dân chủ kiểu Trung Quốc’’ », ngày 17/06/2015), chính quyền Trung Quốc đang « chơi một ván bài sát ván » với khu vực hành chính, mà họ từng hứa hẹn một quyền tự trị chính trị rộng rãi, sau khi vùng lãnh thổ này trở về Hoa lục.
Trong những tháng gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc luân phiên cây gậy và củ cà rốt. Một trong các lãnh đạo Bắc Kinh – được hãng Reuters dẫn lời – cho biết : « nếu kinh nghiệm (cải cách chính trị) của Hồng Kông thành công, thì các cuộc bầu cử tương tự có thể diễn ra tại chính lục địa Trung Quốc trong tương lai ». Điều đó có nghĩa là, cử tri Trung Quốc cũng sẽ có quyền lựa chọn người lãnh đạo cấp tỉnh, trong số hai hoặc ba ứng cử viên do đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ định, và một ngày nào đó là lãnh đạo quốc gia, như đề nghị của một số thành viên thuộc nhóm cấp tiến chiếm thiểu số trong đảng hiện nay. Đối với các nghị sĩ thân Bắc Kinh tại Hồng Kông, việc thông qua dự án cải cách bầu cử này sẽ buộc « ứng cử viên vào chức lãnh đạo hành pháp phải thỏa hiệp với phe dân chủ và phải đáp ứng phần nào đòi hỏi của người Hồng Kông, nếu muốn trúng cử ».
Không biết những luận điểm nói trên của Bắc Kinh và giới nghị sĩ thân chính quyền trung ương được cử tri Hồng Kông lắng nghe đến đâu. Tuy nhiên, theo một điều tra dư luận, vào cuối 2014, chỉ có 9% người Hồng Kông tự coi mình là « người Trung Quốc », so với khoảng 32% vào thời điểm năm 1997, khi vùng lãnh thổ này vừa được sáp nhập trở lại Trung Quốc (bài « Tại cựu nhượng địa Anh quốc, tình cảm chống Trung Quốc gia tăng » của nhà báo đôc lập Frédéric Lelièvre, Le Figaro, 17/06/2015). Rất nhiều người Hồng Kông hiện nay không muốn sử dụng hộ chiếu Trung Quốc, nhận mình là người Trung Quốc khi ra nước ngoài (theo Le Figaro, hàng triệu người Hồng Kông sở hữu một BNO, hộ chiếu Anh Quốc dành cho công dân hải ngoại).

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150617-cai-cach-bau-cu-hong-kong-phe-dan-chu-bac-bo-bac-kinh-de-doa-hon-loan/

Hồng Kông : Phe dân chủ sẽ phủ quyết dự luật bầu cử do Bắc Kinh chỉ đạo

mediaMột cuộc biểu tình tại Hồng Kông (DR°
Các dân biểu Hồng Kông thuộc phe dân chủ tuyên bố sẽ làm thất bại kế hoạch khống chế chính trị của Bắc Kinh . Cuộc họp được gọi là « cơ hội cuối cùng » tại Thẩm Quyến hôm chủ nhật vừa qua với phái đoàn Hoa lục về dự luật bầu cử đã kết thúc trong bế tắc.
Theo Dự luật bầu cử lãnh đạo Hồng Kông được Bắc Kinh ủng hộ, lần đầu tiên toàn thể cử tri bán đảo được quyền tham gia theo lối phổ thông đầu phiếu. Đây là một bước cải cách quan trọng vì từ khi trở về quyền quản lý của chính quyền Trung Quốc, chức vụ « lãnh đạo đặc khu hành chánh » do lá phiếu của 1200 đại cử tri định đoạt.
Tuy nhiên, bên cạnh thay đổi tích cực này, dự luật bầu cử giới hạn chỉ có « ba ứng cử viên là tối đa và tất cả phải được sự đồng ý của đảng Cộng sản Trung Quốc ». Chính điều kiện trói buộc này, bị phong trào dân chủ Hồng Kông lên án là phản dân chủ, là chốt chận làm tình hình bế tắc và gây ra một làn sóng biểu tình chiếm lĩnh thành phố suốt gần hai tháng vào năm 2014.
Ngày chủ nhật 31/05, toàn thể 14 nghị sĩ dân chủ đã đi gặp đại diện của chính quyền Hoa lục tại Thẩm Quyến. Một dân biểu của đảng Công dân cho biết ông hy vọng sẽ tìm được thỏa hiệp với Bắc Kinh, nhưng sau bốn giờ đàm phán, phía Trung Quốc vẫn khăng khăng đặt điều kiện phải « tuân thủ đường lối của đảng Cộng sản ».
Trưởng đoàn Hoa lục cũng trách phe dân chủ « dứt khoát không khoan nhượng » một ly.
Trước bế tắc này, 14 dân biểu dân chủ cho biết chỉ còn giải pháp cuối cùng là « phủ quyết » dự luật.
Trong nghị viện Hồng Kông, số dân biểu theo phe Bắc Kinh chiếm đa số với 27 người. Phe đối lập tuy chỉ có 14 dân biểu, nhưng đủ tỷ lệ để bác bỏ một dự luật.
Dự luật cải cách bầu cử sẽ được đưa ra Nghị viện biểu quyết trong tháng sáu này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150601-hong-kong-phe-dan-chu-se-phu-quyet-du-luat-bau-cu-do-bac-kinh-chi-dao/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten