dinsdag 23 juni 2015

Biển Đông : Việt Nam gởi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo

Việt NamLiên Hiệp QuốcTrung QuốcBiển Đông

Biển Đông : Việt Nam gởi công hàm đến LHQ phản đối Trung Quốc bồi đắp đảo

media
Trong cuộc họp báo ngày 08/05/2015, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã gởi công hàm đến phái đoàn thường trực các nước tại Liên Hiệp Quốc để phản đối việc Trung Quốc bồi đắp đảo ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình trước hết nêu lập trường của Việt Nam, theo đó những hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành “ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN ”. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này.
Gần đây, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi Phái đoàn thường trực các nước tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”.
Đáp lại công hàm mà Hà Nội cho là có những quan điểm “sai trái” của phía Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết là ngày 30/04/2015, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên Hiệp Quốc bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150508-bien-dong-viet-nam-goi-cong-ham-den-lhq-phan-doi-trung-quoc-boi-dap-dao/

Việt Nam - Trung Quốc ra thông cáo chung công nhận bất đồng trên biển

mediaTàu hải cảnh Trung Quốc chạy sát tàu cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa - REUTERS/Nguyen Minh
Cũng liên quan đến Biển Đông, nhưng trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc, nhân chuyến công du của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, sẽ kéo dài cho đến ngày mai, vào hôm qua, 08/04/2015, hai bên đã công bố bản Thông cáo chung về chuyến thăm. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến kết luận liên quan đến Biển Đông.
Nội dung bản thông cáo nhắc lại những vấn đề quen thuộc trong quan hệ song phương, nhắc lại những quan điểm cố hữu như tình hữu nghị rất tốt giữa hai nước, các trọng tâm hợp tác trong mọi mặt …
Riêng về vấn đề được mọi người chú ý là hồ sơ Biển Đông, trong đoạn 5 của bản Thông cáo, hai bên đã công nhận rằng đây là một vấn đề gây bất đồng, nhưng đều cam kết là sẽ giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở chú ý đến đại cục, tức là không để cho Biển Đông gây tổn hại cho các lãnh vực hợp tác khác.
Giới phân tích đặc biệt chú ý đến phần hai bên cam kết là sẽ giải quyết tranh chấp bằng cách « kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển ».
Khái niệm trên đây đã lập lại một chủ trương từng được Bắc Kinh thúc đẩy là « nên tạm gác tranh chấp để cùng phát triển », một ý tưởng từng khiến Việt Nam dè dặt vì rất có lợi cho Trung Quốc.
Đoạn thứ hai gián tiếp công nhận bất đồng trên vấn đề Biển Đông khi hai bên xác định : « Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển…, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh… ». Đoạn này mang ý nghĩa đặc biệt sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, gây sóng gió trong quan hệ song phương.
Đoạn cuối của phần liên quan đến Biển Đông đưa ra một số biện pháp, nhưng gợi lại ý của Trung Quốc là hai bên nên « tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm » « tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150409-viet-nam-trung-quoc-ra-thong-cao-chung-cong-nhan-bat-dong-tren-bien/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten