donderdag 25 juni 2015

Quân đội Nhật có thể cùng Mỹ tuần tra thường xuyên trên Biển Đông

Châu ÁBiển ĐôngNhật BảnMỹTrung QuốcTuần traQuân đội

Quân đội Nhật có thể cùng Mỹ tuần tra thường xuyên trên Biển Đông

mediaMáy bay trinh sát P3-C sau khi thực hiện diễn tập cùng quân đội Philippines gần Trường Sa ngày 23/06/2015.EUTERS/Romeo Ranoco
Nhật báo Mỹ Wall Street Journal, hôm nay 25/06/2015, dẫn lời một quan chức cao cấp quốc phòng Nhật cho biết Tokyo có thể đưa quân đội cùng Mỹ tuần tra thường xuyên trong vùng Biển Đông. Quan chức Nhật nhấn mạnh các đòi hỏi chủ quyền của đã thúc đẩy Tokyo phải đóng một vai trò trong an ninh khu vực.
Theo Wall Street Journal, trong một cuộc phỏng vấn báo chí, đô đốc Katsutoshi Kawano, tư lệnh liên quân các Lực lượng Phòng vệ Nhật nói những hành động xây đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc đã khiến Tokyo hết sức quan ngại, bởi việc giao thương của Nhật Bản dựa chủ yếu vào tuyến đường hàng hải qua Biển Đông.
Đô đốc Katsutoshi Kawano nhẳng định : “ khu vực này là tối quan trọng đối với an ninh của Nhật… Hiện tại chúng tôi không có kế hoạch tuần tra giám sát ở Biển Đông, nhưng tùy theo tình hình, chúng tôi có thể tham gia vào việc đó”.
Ông Kawano không nói cụ thể những hành động nào của Trung Quốc có thể khiến Nhật Bản đưa quân tuần tra trong vùng Biển Đông. Hồi tháng trước khi Nhật Bản ngỏ ý muốn tham gia các hoạt động tuần tra tại Biển Đông, ngay lập túc Hoa Kỳ đã đón nhận như là một sáng kiến góp phần duy trì ổn định an ninh khu vực.
Tuy nhiên việc đưa Lực lượng Phòng vệ tham gia các chiến dịch quân sự ở xa nước Nhật vẫn là một vấn đề gây tranh cãi ở trong nước. Muốn làm được việc này, Hiến pháp hiện nay của Nhật cần phải được sửa đổi một số nội dung. Đây cũng là điều chính phủ Shinzo Abe đã xúc tiến tích cực.
Cách đây ít ngày, hải quân Nhật đã tiến hành một cuộc tập trận chung với hải quân Philippines gần khu vực quần đảo Trường Sa, nơi đang có những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Philippines và với Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150625-quan-doi-nhat-co-the-cung-my-tuan-tra-thuong-xuyen-tren-bien-dong/

Máy bay Nhật Bản lượn trên đảo tranh chấp với Trung Quốc

mediaMáy bay P3-C Orion của Nhật cất cánh từ đảo Palawan-Philippines. Ảnh ngày 23/06/2015.Reuters
Trong khuôn khổ cuộc tập trận chung với quân đội Philippines đang diễn ra trên Biển Đông, hãng tin Reuters ngày 23/06/2015 cho hay một máy bay tuần tra của Nhật Bản đã bay lượng trên vùng đảo có tranh chấp với Trung Quốc là Bãi Cỏ Rong.
Theo các quan chức Nhật Bản và Philippines, chiếc máy bay trinh sát loại P3-C Orion cùng ba thành viên phi hành đoàn của quân đội Philippines đã bay lượn trên đảo Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở độ cao 1524 mét. Bay sau máy bay của Nhật là một chiếc phi cơ tuần tra loại nhỏ của Philippines.
Bãi Cỏ Rong là địa điểm được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.
Từ sở chỉ huy cuộc tập trận chung Phi- Nhật tại đảo Palawan, đại tá Hải quân Philippines Jonas Lumawag cho Reuters biết quân đội hai nước tiến hành các bài tập thực hành kìm kiếm cứu hộ trên biển trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Chỉ huy lực lượng Hải quân Nhật tham gia tập trận Hiromi Hamao cho biết thêm : « Đây là làn đầu tiến chúng tôi tiến hành những hoạt động như vậy với quân đội Philippines ».
Mặc dù sự hiện diện của quân đội Nhật ở trong vùng biển quốc tế nhưng Bắc Kinh vẫn nhìn nhận đó là sự hậu thuẫn của Tokyo cho các đòi hỏi chủ quyền của Manila ở Biển Đông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) trong một cuộc họp báo hôm nay cho biết Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan không gây thêm căng thẳng để có thể cùng đóng góp vào hòa bình ổn định trong vùng. Trong khi đó tân Hoa Xã lên tiếng tố cáo cuộc tập trận lần này là sự « can thiệp » của Nhật vào Biển Đông.
 
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150623-may-bay-nhat-ban-luon-tren-dao-tranh-chap-voi-trung-quoc/

Biển Đông : Nhật lên án gay gắt Trung Quốc xây đảo nhân tạo

mediaPhát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga - REUTERS /Yuya Shino
Hôm nay, 17/06/2015, đồng thanh với những phản ứng gay gắt của Mỹ, chính quyền Tokyo đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa trong vùng Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh thổ.
Về việc Trung Quốc gần đây đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, tôn tạo các đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga khẳng định quan điểm của Tokyo : « Chúng tôi không thể chấp nhận cách hành động theo kiểu sự đã rồi », đồng thời ông cũng bày tỏ sự lo lắng sâu sắc của Nhật Bản về những việc làm như vậy của Trung Quốc.
Trước báo giới, ông Yoshihide Suga tuyên bố : « Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không được có nhưng hành động đơn phương thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng ».
Thực tế, thời gian gần đây nhiều nước đã lên án hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp tại Biền Đông và « quân sự hóa » các vị trí đảo họ chiếm giữ.
Hoa Kỳ tố cáo, trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng thêm các đảo họ chiếm đóng 800 hécta. Trong khi đó theo Manila, Bắc Kinh đã hoàn thành 75% công trình xây dựng một đường băng dài 3 km trên một hòn đảo đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Công trình này có thể được sử dụng làm căn cứ tiếp liệu cho hải quân và không quân Trung Quốc.
Philippines khẳng định, bằng việc bồi đắp xây đảo nhân tạo, Bắc Kinh đang xây dựng các « căn cứ quân sự » . Những cơ sở như vậy có thể gây cản trở lưu thông hàng hải cũng như hàng không trong vùng Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải huyết mạch của thương mại thế giới.
Trả lời phản ứng của chính phủ Nhật Bản, hôm nay một phát ngôn viên Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Chúng tôi đã nghe thấy hàng đống những đánh giá kiểu như thế rồi. Thật là phi lý khi mà người Nhật cứ tiếp tục gây chuyện xung quanh vấn đề này ».
Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lặp lại những lý lẽ cũ trước đây là, Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi tại quần đảo Nam Sa, tên Trung Quốc để chỉ quần đảo Trường Sa.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150617-nhat-len-an-trung-quoc-xay-dao-nhan-tao/

Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa Tokyo về Biển Đông

mediaHội nghị Thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau, Kruen, Đức, ngày 08/06/2015.Reuters
Với những lời lẽ thể hiện rõ rệt thái độ cay cú, vào hôm qua, 12/06/2015, Trung Quốc đã lớn tiếng cảnh cáo Nhật Bản rằng hành động của Tokyo liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang đe dọa các tiến bộ gần đây trong việc cải thiện quan hệ song phương. Đây là phản ứng gay gắt của Bắc Kinh sau vụ Tokyo vận động được nhóm G7 phản đối các hành động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang rầm rộ tiến hành tại Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua là những lời đả kích nặng nề nhất mà Bắc Kinh đưa ra từ nhiều tháng nay.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, ông Hồng Lỗi xác nhận : « Phía Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng và sự phẫn nộ về những động thái tiêu cực do phía Nhật Bản tiến hành ». Theo nhân vật này, hành vi của Tokyo « gây tổn hại nặng nề cho sự tin tưởng về mặt chính trị và an ninh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và đi ngược lại với xu thế cải thiện quan hệ » giữa hai nước.
Đối với phía Trung Quốc, « Nhật Bản không phải là một bên tranh chấp trong vấn đề Biển Đông », do đó Tokyo đã hành xử một cách « kỳ lạ » và đã « thổi phồng » căng thẳng trong khu vực.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 kết thúc hồi đầu tuần tại Đức, Nhật Bản đã vận động được toàn nhóm thêm vào bản tuyên bố chung cuộc của hội nghị một đoạn đề cấp đến hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đoạn tuyên bố không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ các hành vi « hù dọa, thúc ép hay sử dụng võ lực, cũng như bất kỳ hành động đơn phương nào khác để tìm cách thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như cải tạo đất trên quy mô lớn. »
Nhật Bản đã quyết tâm can dự thêm vào hồ sơ Biển Đông trong bối cảnh từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, cho đến các nước khác, tất cả đều ngày càng lo ngại trước tốc độ thực hiện và quy mô các công trình xây dựng của của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, đang tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Mọi người lo ngại về ý đồ của Trung Quốc muốn biến các công trình đang bồi đắp, xây dựng thành căn cứ quân sự, và không mấy tin tưởng vào lâp luận của Bắc Kinh theo đó các công trình của họ cũng nhằm mục tiêu cung cấp một « dịch vụ công cộng quốc tế » cho việc bảo đảm an toàn hàng hải.
Quan hệ Tokyo-Bắc Kinh sau nhiều năm căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đang có dấu hiệu được cải thiện từ từ trong những tháng gần đây, nhất là từ sau cuộc gặp đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái giữa hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Shinzo Abe.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150613-bac-kinh-lon-tieng-de-doa-tokyo-ve-bien-dong/

Tokyo và Manila phản đối Bắc Kinh thay đổi hiện trạng Biển Đông

mediaTổng thống Philippines Benigno Aquino (T) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abetại lễ ký kết, Akasaka State Guesthouse, Tokyo, 4/6/2015.REUTERS/Kazuhiro Nogi/Pool
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào hôm nay, 04/06/2015, xác nhận rằng ông và Tổng thống Philippines Benigno Aquino đều nhất trí phản đối các hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Tokyo cũng đồng ý xem xét việc bán phi cơ chống tàu ngầm P-3C Orion cho Manila.
 
Trong buổi họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Philippines tại Tokyo, ông Abe tuyên bố « Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi đã tái khẳng định rằng chúng tôi quan ngại trước các hoạt động tôn tạo trên quy mô lớn và chúng tôi phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ».
Bản thông cáo chung giữa hai bên nói rõ là Nhật Bản và Philippines cùng « chia sẻ mối quan ngại sâu đậm về các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, bao gồm cả việc cải tạo đất đai trên quy mô lớn, và xây dựng các tiền đồn », vi phạm một thỏa thuận khu vực năm 2002.
Tổng thống Philippines đã công du Nhật Bản vào lúc Trung Quốc ngày càng lấn lướt tại Biển Đông, với những hoạt động rầm rộ bồi đắp đảo nhân tạo trên những bãi ngầm ở vùng Trường Sa, những hành vi đã bị hai nước trong khu vực là Philippines và Việt Nam phản đối ngay, kế đến là Mỹ, Úc, Liên Hiệp Châu Âu và nay là Nhật.
Trong cuộc gặp Aquino-Abe vào hôm nay, hai bên đã nhất trí bắt đầu cuộc đàm phán về việc chuyển giao công nghệ quốc phòng và trang thiết bị quân sự, trong đó có cả trinh sát cơ và radar.
Theo báo chí Nhật Bản, Tokyo cân nhắc việc bán cho Manila, loại máy bay trinh sát chống ngầm P-3C – mà Nhật Bản đang cho thay thế bằng loại phi cơ tuần thám hiện đại hơn. Nếu công việc đó được tiến hành, thì đó sẽ là lần đầu tiên mà Tokyo đồng ý bán loại phi cơ P-3C cho nước ngoài kể từ khi chính quyền Nhật Bản quyết định bãi bỏ các hạn chế về xuất khẩu quân sự hồi năm ngoái.
Trước mắt, vào hôm nay, Philippines và Nhật Bản đã chính thức ký kết thỏa thuận xác nhận việc Nhật Bản sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra mới cho Philippines để Manila nâng cao năng lực giám sát biển, tăng cường tuần tra quanh các khu vực thuộc chủ quyền của Philippines những đang bị Trung Quốc tranh chấp.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150604-tokyo-va-manila-cung-phan-doi-bac-kinh-thay-doi-hien-trang-bien-dong/


Geen opmerkingen:

Een reactie posten