zondag 28 juni 2015

Nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ vừa qua đời tối hôm thứ Năm 25-6-2015 ở tuổi 89

Ông Trần Quang Cơ qua đời

  • 28 tháng 6 2015

Ông Trần Quang Cơ trong một cuộc tiếp xúc với chuyên gia Liên Xô (ảnh của báo Quân đội Nhân dân)

Nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ vừa qua đời tối hôm thứ Năm 25/6 ở tuổi 89.
Lễ tang ông sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sáng ngày 1/7.
Ông Cơ là người từng khước từ chức bộ trưởng ngoại giao mà Đảng Cộng sản Việt Nam sắp đặt sau khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị buộc phải ra đi dưới áp lực của Trung Quốc năm 1991.
Ông Trần Quang Cơ sinh năm 1927 tại Nam Định, làm ngoại giao từ 1954 tới khi về hưu năm 1997.
Có thể nói ông là một trong các nhà ngoại giao lão luyện nhất của Việt Nam, từng kinh qua các chức vụ như Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.
Ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN từ năm 1986.
Trong suốt 12 năm kể từ 1979, ông Trần Quang Cơ tham gia các cuộc thương lượng nhằm giải quyết vấn đề Campuchia.
Ông cũng tham gia tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với các nước lớn Hoa Kỳ, Liên Xô, và Trung Quốc.

'Hồi ức và Suy nghĩ'

Năm 2001 ông cho ra cuốn hồi ký mang tựa đề 'Hồi ức và Suy nghĩ' gây tiếng vang vì đụng chạm tới những vấn đề vẫn được giữ kín về chính trị nội bộ và quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc.
Đánh giá về ông, cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nói: " Ông Cơ là một nhà ngoại giao lão luyện, có tầm nhìn chiến lược".

null
' Tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam' - trên ảnh là Richard Nixon và bản đồ Đông Dương
"Ông có chính kiến, độc lập, đặc biệt là không tán thành cách tiếp cận cơ hội với Trung Quốc như một số nhân vật cấp cao thời bấy giờ."
Sau khi từ chối chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1991 vì cho rằng không thể làm việc khi một số nhân vật cao cấp trong dàn lãnh đạo Việt Nam lúc đó quá ngả về phía Trung Quốc, cuối năm 1993, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông Trần Quang Cơ cũng tự xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, "có thể xem ông Cơ như một nhà nho hiện đại, biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng nhưng có lẽ không biết biến..."
"Các phẩm chất ấy không phải ai cũng có. Đó là nhân cách lớn của Trần Quang Cơ."
Trong cuộc phỏng vấn với BBC nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông Trần Quang Cơ đã bình luận rằng căn nguyên (của cuộc chiến Việt - Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương.
Ông nói: "Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam".
"Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ."
Thời kỳ vô cùng khó khăn của ngoại giao Việt Nam này đã được phản ánh trong cuốn hồi ký Trần Quang Cơ, với những chi tiết như về Hội nghị Thành Đô 1990 cho thấy "các giới hạn của môt thời kỳ lịch sử, cái khó của đất nước đứng cạnh Trung Quốc và chịu sức ép của Trung Quốc", theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường.
Ông Trường nói với BBC: "Cuốn hồi ký thể hiện tính khách quan, không phải là chống Tàu, mà là 'thân Việt'".
"Chính vì vậy mà nhân dân biết đến ông và tôn trọng ông."

Tin liên quan

Khí phách Trần Quang Cơ

  • 29 tháng 6 2015
Ông Trần Quang Cơ (ở giữa, complet màu tối) đã tham gia quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ buổi giao ban năm ấy… Với sắc mặt thất thần, ông Trần Quang Cơ gần như gào to giữa phòng họp: “Mọi người biết không, người ta sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho nước ngoài rồi”.
Đoán “triều đình” có biến, lũ chúng tôi (những đứa lần đầu được dự giao ban), chẳng ai bảo ai, im thin thít. Tôi cố gắng tập trung vào “Bản tin A” (*) nhưng đầu óc thì nghĩ mông lung.

Không tham quyền cố vị

Trước tháng 12/1986, đại sứ Trần Quang Cơ được Bộ triệu tập về họp. Khi trở sang nhiệm sở (Bangkok), ông kể lại với một cán bộ tâm phúc về quyết định của “anh Thạch” dự kiến điều ông về nước làm thứ trưởng ngoại giao và giới thiệu ông vào Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Ông lưỡng lự trước đề nghị của Bộ trưởng và tâm sự: “Với cơ chế của ta thì không thể làm việc được”. Sợ ông từ chối cái ghế nhiều người đang mơ ước, cán bộ tâm phúc ấy nói với ông rằng, anh nên nhận lời anh Thạch. Cố nhiên, anh không đi thì “chợ vẫn đông”, nhưng anh làm sẽ tốt hơn khối người khác.
Thế mới biết, tại sao năm 1991, rồi năm 1993 ông lại đề nghị được rút khỏi danh sách Ban Chấp hành TƯ. Đặc biệt và có thể nói vô tiền khoáng hậu (xin lỗi nếu có ngoại lệ), ông từ chối cả cái ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi Tổng Bí thư Đảng đã có quyết định.
Khí phách Trần Quang Cơ hẳn nhiên đạt tới “đỉnh” khi ông quyết định công bố “Hồi ức và Suy nghĩ” khá sớm, khoảng đầu 2001. Chính nhà ngoại giao Dương Danh Dy cũng không hiểu vì sao được ông tín nhiệm, giao tận tay một lúc cả hai bản đánh máy. Thấy chắc chắn sẽ có ích cho cái chung, ông Dy góp thêm một số ý kiến, sau đó công khai đưa lên mạng.
Hồi ký Trần Quang Cơ lập tức trở thành sách gối đầu giường đối với nhiều nhà quan sát và giới cầm bút muốn có nguồn tư liệu trung thực để phân tích tình hình Việt Nam những năm hậu chiến, thậm chí để hiểu thấu được cả những sự kiện mà hệ lụy của chúng còn kéo dài mãi tới hôm nay và mai sau.

Cống hiến và phản biện

Trần Quang Cơ đóng góp nhiều cho Ngành từ những ngày ông về phụ trách Vụ 2, vụ đối sách với Mỹ, đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa với Trung Quốc. Từ những năm ấy, ông đã xác quyết các ý đồ và âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là âm mưu cướp biển đảo.
Và Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.
Ông đã lên tiếng kêu gọi phải khẩn trương trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sớm gia nhập ASEAN. Triết lý sống còn về an ninh của đất nước được ông khái quát khá sớm: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Đối với ông, chiến lược an ninh và đối ngoại phải hết sức linh hoạt, phải phù hợp với xu hướng chung của cục diện chính trị-kinh tế thế giới, nhất thiết phải tương thích với những đặc điểm lớn của thời đại đại.
Nhưng rồi ông cũng cay đắng đưa ra nhận xét, ngày ấy, ta đã làm những việc cần thiết đối với Mỹ và ASEAN “chậm trễ tới cả mười năm”.
Sau này, ngay cả khi đã “rửa tay gác kiếm” ông vẫn sẵn lòng cho chúng tôi biết thêm một số chi tiết giá trị trong cuộc vật lộn ngoại giao đằng sau các cuộc chiến, đặc biệt là những bão táp thời hậu chiến mà ông là người trong cuộc, có lúc từng là tác nhân và nhờ sự tỉnh táo mách bảo, biết rút ra sớm khỏi cuộc chơi trước khi có thể trở thành nạn nhân.
Phản biện thông minh và luôn có ý thức tích lũy để cống hiến. Từng là cán bộ địch vận, thuyết phục binh lính Pháp, cùng làm việc với nhiều “cây đa, cây đề” trong làng ngoại giao và văn hóa, một thời dưới trướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày chuyển về Bộ Ngoại giao, ông càng có cơ hội phát huy tầm nhìn xa trông rộng đối với các vấn đề mỗi khi góp phần vào việc đề xuất chính sách.
Có lẽ các phẩm chất tử tế nói trên đã làm Trần Quang Cơ thành danh như nhận xét của nhà báo tự do Huy Đức. Tuy nhiên, chiến cuộc ngoại giao mà suốt đời ông phụng sự một cách tận tụy thì vẫn còn đó… và đang hết sức nan giải.
Nhưng vận mệnh đất nước không thể cứ “bèo dạt mây trôi” như thế này mãi. Ông ra đi nhưng dường như vẫn muốn nán lại để hỏi chúng ta: “Những người đang sống phải làm gì?”
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của riêng tác giả, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
* Bản tin A: bản tin lưu truyền nội bộ hàng ngày của Bộ Ngoại giao

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten