dinsdag 23 juni 2015

Miến Điện : Aung San Suu Kyi vẫn kiên trì ở tuổi 70

Miến ĐiệnChâu ÁAung San Suu KyiPhân tíchBầu cử

Miến Điện : Aung San Suu Kyi vẫn kiên trì ở tuổi 70

mediaLãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi nói chuyện với những người ủng hộ trong một chuyến thăm thị trấn Mawlamyaing, tại bang Mon, ngày 16/05/2015.REUTERS/Soe Zeya Tun/Files
Nhà đối lập Miến Điện Aug San Suu Kyi đã dành hết cuộc đời để tranh đấu cho tự do dân chủ. Bước vào tuổi 70, bà vẫn cố gắng « bứng » đi « chốt cản » sau cùng do chế độ quân phiệt tạo ra để ngăn chặn người phụ nữ dũng cảm này nắm quyền lãnh đạo quốc gia.
Chính trường Miến Điện đang nóng dần với lịch trình bầu cử quốc hội vào tháng 11 mà tổ chức đối lập Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ được xem là sẽ thắng lớn. Tuy nhiên, cao vọng của lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Nobel Hòa bình 1991, làm tổng thống bị Hiến pháp, do chính quyền quân sư để lại, ngăn chặn.
Tuổi đời và chiến dịch vận động sửa đổi Hiến pháp càng trở nên khẩn cấp.
Hôm nay 19/06/2015, ngày sinh nhật lần thứ 70 của bà Aung san Suu Kyi. Giới bình luận chính trị không dám đánh cược vào khả năng làm lay chuyển thời thế của người phụ nữ thần tượng của phong trào dân chủ Miến Điện và của nhiều dân tộc khác đang bị áp bức.
Chuyên gia Mael Raynaud, nguyên là cố vấn của chính quyền Thein Sein, nhận định và nêu lên hai ẩn số : Sự kiện tuổi đời chồng chất là thêm một lý do thúc đẩy quyết tâm của Aung San Suu Kyi phải làm thay đổi bản Hiến pháp hiện hành trước bầu cử…2020 để có thể làm tổng thống.
Tuy nhiên, liệu khi đến tuổi 75, bà có còn sức khỏe để tham gia tranh cử hay không ? Ẩn số thứ hai là vào thời điểm đó, chế độ chính trị này có đủ biến đổi để bỏ đi điều khoản Hiến pháp cấm công dân có người phối ngẫu mang quốc tịch nước ngoài làm nguyên thủ quốc gia ?
Bà Aung San Suu Kyi vẫn thường lấy trường hợp Nelson Mandela, nhà lãnh đạo Nam Phi quá cố, để bác bỏ những quan điểm bi quan : lãnh đạo đối lập Nam Phi, sau hơn 30 năm tù, tuyên thệ nhậm chức tổng thống khi đã 75 tuổi.
Bà Aung San Suu Kyi cũng trải qua 17 năm tù và quản chế. Cả hai đều không chấp nhận hình ảnh « thánh nhân » mà công luận kính mến trao tặng.
Tuy nhiên, theo giáo sư Renaud Egreteau, trong trường hợp Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập Miến Điện ngoài tuổi cao, uy thế lãnh đạo của bà còn bị hiện tượng mà giới phân tích gọi là « tác hại do thời gian » « những sai lầm chính trị » khó tránh khỏi.
Trong cuộc đua đường trường nhắm chiếc ghế nguyên thủ quốc gia, bà Aung San Suu Kyi đã biết tránh những lời tuyên bố bốc lửa, không đúng lúc.
Dần dần, ngôi sao thần tượng của tranh đấu dân chủ lột xác để trở thành một nhà chính trị mưu lược, thay vì đụng độ vô ích với các tướng lãnh, bà tìm cách giúp họ chuyển hóa một cách nhẹ nhàng.
Hôm nay, tại thủ đô chính trị Naypyidaw, dân biểu đối lập Aung San Suu Kyi tổ chức sinh nhật 70 tuổi. Chủ nhật tới, lãnh đạo đối lập sẽ về Rangun và đọc diễn văn trước hàng trăm thành viên nòng cốt của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ.
Sáng nay, nhiều vị tăng sĩ đã đến trước trụ sở của đối lập để nhận quà cúng dường và cầu nguyện gia ân phước lành cho lãnh đạo đối lập .
Tuy bị quốc tế chỉ trích vì thái độ lãnh đạm đối với thảm cảnh của sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi, nhưng tại một quốc gia Phật giáo như Miến Điện, uy tín của bà vẫn còn cao. Ngoài giải thưởng Nobel Hòa bình, bà còn được đông đảo dân chúng mến mộ vì là con gái của anh hùng dân tộc Aung San.
Tuy bị không ít người phê bình nhược điểm không chọn một nhân vật mới để nối nghiệp ,nhưng theo Peter Popham, người được tin cậy mời viết tiểu sử, trong hàng ngũ đối lập, không có một người nào « tương xứng » để chọn.
AFP dự đoán, vì không có người kế nghiệp, bà Aung San Suu Kyi có lẽ sẽ bầu cho một nhân vật « cải cách ôn hòa » trong hàng ngũ quân nhân làm tổng thống.
Đó là trong trường hợp phe quân đội, được Hiến pháp bảo đảm dành riêng 25% ghế dân biểu, duy trì được đa số trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này.
Còn theo bà Aung San Suu Kyi : « Không ai tiên liệu được chuyện tương lai, chúng tôi bắt buộc phải dự kiến mọi tình huống ».
Trung Quốc cũng biết chắc là bà Aung san Suu Kyi sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chính trường sau bầu cử 11/2015. Đó là lý do Bắc Kinh mời lãnh đạo đối lập nước láng giềng sang thăm hồi đầu tháng này như một lãnh đạo quốc gia.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150619-mien-dien-aung-san-suu-kyi-van-kien-tri-o-tuoi-70/

Quốc tế thất vọng về Aung San Suu Kyi trong hồ sơ thuyền nhân Rohingya

mediaBiểu tình kêu gọi nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi can thiệp giúp người Rohingya. Ảnh chụp trước cửa sứ quán Miến Điện, Jakarta, Indonesia, 29/05/2015.REUTERS/Beawiharta
Trong suốt cả tháng qua, thảm cảnh hàng ngàn thuyền nhân trôi dạt trên vùng biển Đông Nam Á đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Các nước trong khu vực đã phải triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp hôm nay (29/5) tại Bangkok với hy vọng tìm giải pháp cho khủng hoảng. Chính quyền Miến Điện là nước bị chỉ trích nhiều nhất trong hồ sơ thuyền nhân Rohingya vẫn phủi trách nhiệm, ngay cả biểu tượng dân chủ của nước này, bà Aung San Suu Kyi cũng né tránh vấn đề thuyền nhân Rohingya, khiến quốc tế không khỏi thất vọng.
Giải Nobel Hòa bình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập chủ chốt ở Miến Điện, Nghị sĩ Quốc hội, một chính trị gia vốn rất năng nổ trong các vấn đề trong nước và quốc tế, từ đầu cuộc khủng hoảng đã giữ im lặng một cách khó hiểu. Theo giới quan sát, dù là bàng quang, hay thực dụng thì thái độ lảng tránh như vậy sẽ làm sứt mẻ nhiều uy tín chính trị của nhà đối lập hàng đấu Miến Điện này trước quốc tế.
Trong số các nhân vật lên tiếng về sự dè dặt của bà Aung San Suu Kyi là của lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Úc đầu tuần, Đức Đạt Lai lạt Ma đã nói : « Tôi hy vọng Aung San Suu Kyi, với tư cách là giải Nobel Hòa bình, sẽ có thể làm được cái gì đó », trong vụ khủng hoảng thuyền nhân Rohingya.
Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng nhắc lại đã từng « nêu vấn đề này » với bà Aung San Suu Kyi, với hy vọng tiếng nói và uy tín chính trị của bà thay đổi được điều gì đó trong cách hành xử của chính quyền.
Không phải chỉ đến khi xảy ra thảm cảnh thuyền nhân trôi dạt trên biển người ta mới biết đến số phận của những người Rohingya. Sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo này có khoảng 1,3 triệu người đang sống tại tiểu bang Arakan, Miến Điện, trong sự bài xích, truy bức của chính quyền cũng như thái độ thù hằn cuả một bộ phận người dân có tư tưởng dân tộc cực đoan.
Từ khi nổ ra các vụ bạo lực sắc tộc năm 2012, 140 nghìn người Rohingya đã phải sống trong các trại tỵ nạn tại Miến Điện. Tình cảnh của sắc dân thiểu số này càng trở nên khốn khổ hơn khi chính quyền không thừa nhận quyền công dân của họ, coi tất cả những người Rohingya là dân nhập cư bất hợp pháp có xuất xứ từ Bangladesh. Bị truy bức, vô thừa nhận, những người Rohingya chỉ còn cách là tìm đường chạy khỏi Miến Điện bằng mọi giá, hy vọng có thể đến lưu thân ở một vùng đất khác. Đó chính là căn nguyên của làn sóng hàng chục nghìn người tỵ nạn Rohingya bị trôi dạt trên biển trong những tháng qua. Chính quyền Miến Điện, trong vụ khủng hoảng nay, vẫn bị quốc tế chỉ mặt phải chịu trách nhiệm chính, nhưng vẫn phủi tay coi mình là nạn nhân, thậm chí họ ngấm ngầm để ngỏ cửa cho các đường dây đưa người vượt biên tổ chức đẩy người Rohingya ra biển.
Giới quan sát chính trị đều nhận thấy, từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, bà Aung San Suu Kyi vẫn đều đặn dự các phiên họp Quốc hội tại Naypyidaw và bà vẫn không mảy may bày tỏ quan điểm hay lên tiếng đề nghị chính quyền về vấn đề thuyền nhân Rohingya. Duy nhất là hôm 19/5, khi trả lời báo chí, nhà đối lập phát biểu ngắn gọn rằng « chính phủ phải giải quyết vấn đề này ».
Thái độ dè dặt, hay có thể gọi là né tránh như vậy của nhà đối lập hàng đầu Miến Điện đã khiến cho các tổ chức quốc tế, vốn từ trước đến nay vẫn đánh giá cao vai trò của giải Nobel Hòa bình 1991 trong các vấn đề liên quan đến nhâ quyền, không khỏi thắc mắc. Ông Phil Robertson, Giám đốc Human Rights Watch ở châu Á thì nói thẳng ra là thất vọng với Aung San Suu Ky. Nhiều người cảm thấy không hiểu điều gì đã thay đổi trong biểu tượng dân chủ ở Miến Điện, người từng hy sinh cuộc sống bản thân, đấu tranh vì những giá trị nhân bản cao quý.
Sự thay đổi ở Aung San Suu Kyi đã cảm nhận thấy sau khi bà trở thành nghị sĩ Quốc hội. Mối quan tâm chính của bà từ đó tập trung nhiều vào việc đấu tranh giành quyền được ra ứng cử tổng thống hoặc chuẩn bị cho những tham vọng chính trị cuả đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới đây.
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Rangoon đã khẳng định với báo giới rằng quốc tế « hy vọng Aung San Suu Kyi bày tỏ quan điểm về các quyền của người Rohingya », thế nhưng « Bà không thấy có lợi gì cho cá nhân hay cho đảng của bà để bày tỏ quan điểm về một hồ sơ chính trị đối nội quá nhạy cảm và phức tạp này ».
Ông Mael Ray, chuyên gia chính trị Miến Điện nhận định lúc này bày tỏ lập trường không phải là ưu tiên của nhà đối lập. Công khai bênh vực người Rohingya có thể sẽ khiến cho bà bị thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trước một dư luận trong nước đa phần có tư tưởng bài người Hồi giáo Rohingya như ở Miến Điện, lãnh đạo đối lập chỉ chọn cách ứng xử thực dụng nhất, đó là kín đáo, im lặng.
Tuy nhiên với cộng đồng quốc tế, đang thực sự xúc động trước thảm nạn thuyền nhân Đông Nam Á và rất bức xúc trước hành động vô lối của chính phủ Miến Điện với người thiểu số Rohingya, thì cách tính toán chính trị của bà Aung San Suu Kyi như vậy sẽ làm giảm đi ít nhiều hào quang của giải Nobel Hòa bình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150529-quoc-te-that-vong-ve-aung-san-suu-kyi-trong-ho-so-thuyen-nhan-rohingya/

5 triệu người Miến Điện ủng hộ bà Aung San Suu Kyi sửa đổi Hiến pháp

mediaAung San Suu Kyi tại Quốc hội Miến Điện : Phe đối lập thu thập 5 triệu chữ ký ủng hộ việc sửa đổi bản Hiến pháp cho phép bà ra tranh cử - REUTERS /Soe Zeya Tun
Phe đối lập Miến Điện hôm 06/08/2014 loan báo đã thu thập được năm triệu chữ ký ủng hộ việc sửa đổi bản Hiến pháp đã ngăn trở lãnh tụ Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống.
Bản kiến nghị đã đi một vòng đất nước, nhất là nhân các cuộc mít-tinh chính trị, là một phần trong chiến dịch rộng rãi của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND), nhằm đạt được những thay đổi trong bản Hiến pháp do tập đoàn quân sự cầm quyền đã giải thể năm 2011 soạn thảo.
Phát ngôn viên đảng LND, ông Nyan Win tuyên bố trong cuộc họp báo : « Chúng tôi cho rằng chiến dịch này là một thành công ». Ông cho biết 4,9 triệu người đã ký vào bản kiến nghị được đưa ra hồi tháng Năm, trên tổng số 20 triệu cử tri có thể đi bầu.
Cuộc vận động tập trung vào một điều khoản đảm bảo quyền phủ quyết của quân đội trong việc tu chính Hiến pháp 2008. Bản Hiến pháp này quy định mọi sửa đổi phải được 75% đại biểu Quốc hội thông qua, trong khi có đến một phần tư số ghế được dành riêng cho các quân nhân tại ngũ.
Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ hy vọng việc sửa đổi điều khoản trên sẽ mở đường cho việc tu chính thêm nhiều điều khoản khác, trong đó có quy định về tỉ lệ quân nhân trong Quốc hội và điều khoản ngăn trở bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống.
Điều khoản dường như soạn riêng để cản đường lãnh tụ đối lập, quy định rằng một người Miến Điện có người hôn phối hay con cái mang quốc tịch nước ngoài không thể được giao phó chức vụ cao nhất của đất nước. Trong khi đó bà Aung San Suu Kyi kết hôn với một người Anh, nay đã qua đời, và có hai con trai mang quốc tịch Anh.
Chiến dịch vận động trên rất quan trọng đối với Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, vào thời điểm sắp đến kỳ bầu cử Quốc hội năm 2015 mà đảng này đang chiếm ưu thế. Quốc hội mới được bầu lên sẽ có trách nhiệm chỉ định Tổng thống.
Ủy ban được thành lập để nghiên cứu việc tu chính Hiến pháp, cũng như Quốc hội, hiện do đảng cầm quyền và phe quân đội thống lĩnh, đã cảnh báo là sẽ không để bị bản kiến nghị của đối lập làm ảnh hưởng, tuy vậy cũng có thể khuyến cáo thay đổi tỉ lệ 75% nêu trên.
« Kết quả lớn nhất của tất cả các chiến dịch là đánh thức ý thức về chính trị của dân chúng » trong một đất nước vừa trỗi dậy sau gần nửa thế kỷ độc tài quân sự. Ông Ko Ko Gyi, nhà đấu tranh dân chủ thuộc phong trào Thế hệ 88, vốn ủng hộ kiến nghị của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, đã nhận định như trên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140807-nam-trieu-nguoi-mien-dien-ung-ho-ba-aung-san-suu-kyi-ve-sua-doi-hien-phap/


Geen opmerkingen:

Een reactie posten