dinsdag 9 juni 2015

Manila nộp cho Tòa án LHQ bản đồ Biển Đông cách nay ba thế kỷ


PhilippinesTrung QuốcChâu ÁBiển ĐôngLiên Hiệp QuốcTranh chấpChủ quyền

Manila nộp cho Tòa án LHQ bản đồ Biển Đông cách nay ba thế kỷ


mediaBản đổ cổ 300 năm ghi gõ Scarborough là thuộc lãnh thổ Philippines.DR
Trong tuần này, chính quyền Manila sẽ nộp cho Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc một tấm bản đồ được in ra cách nay gần 300 năm, trên đó ghi rõ bãi đá ngầm Scarborough là một phần lãnh thổ của Philippines.
Tấm bản đồ này bác bỏ cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng như là bằng chứng để biện minh cho các đòi hỏi lãnh thổ của mình.
Trên bản đồ cổ, khu vực có bãi đá ngầm Scarborough lúc đó mang tên « Panacot » hoặc nguời Philippines gọi là « Panatag », ở ngoài khơi Luzon.
Bãi đá ngầm Scarborough là một trong những tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc.
Linh mục dòng Tên Pedro Murillo Velarde có được tấm bản đồ này, kích cỡ 1120 x 1200 mm, in năm 1734 tại Manila, trên đó ghi rõ tên hai người Philippines phụ trách là Francisco Suarez vẽ và Nicolas de la Cruz Bagay khắc bản in.
Theo nhà sử học Ambeth Ocampo, được báo điện tử Malaya Business Insight trích dẫn, thì bản đồ Murillo Velarde năm 1734 rất hiếm, hiện chỉ còn khoảng 50 bản sao trên thế giới.
Tài liệu này được biết đến vào năm 2012, thuộc quyền sở hữu của một quý tộc Anh. Văn phòng Sothby’s ở Luân Đôn đã bán đấu giá và một doanh nhân người Philippines Mel Velarde đã mua với giá hơn 170 500 Bảng Anh (266 000 đô la).
Nhà sử học Carlos Quirino đánh giá : « Bản đồ Murillo Velarde của Philipines là một tài liệu tham khảo quan trọng miêu tả rõ ràng các đảo và là bản đồ mang tính khoa học đầu tiên của Philippines. Bản đồ có 12 hình ở hai bên lề phải và trái, bao gồm 8 hình vẽ người có y phục bản địa, một hình bản đồ Guam và ba bản đồ nhỏ thành phố hoặc cảng trong đó có Manila ». Một thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao Philippines nhận định : Đây là bản đồ gốc của tất cả các bản đồ khác của Philippines.
Chính quyền Manila cũng như Viện Bảo tàng quốc gia Philippines rất muốn mua lại bản đồ này, nhưng đã không tham gia đấu giá vì không có tiền. Do vậy, doanh nhân Mel Verlande đã mua để sau này chuyển nhượng cho Viện Bảo tàng quốc gia.
Ông Velarde kể lại, Văn phòng Sothby’s tổ chức hai đợt bán đấu giá, ngày 09/07/2014 và 04/11/2014, đều tại Luân Đôn. Ông biết là tấm bản đồ quý giá này nằm trong lô số 183 và tham gia đấu giá qua điện thoại.
Giá chào bán ban đầu là 30 000 Bảng Anh và nhanh chóng tăng lên đến 80 000. Ở giá này, ông biết là Viện Bảo tàng quốc gia Philipines không có đủ tiền mua. Ông nói, các hình ảnh Trung Quốc chiếm các đảo trong vùng Trường Sa tái hiện trong đầu và ông quyết định tiếp tục trả giá, sẵn sàng trả gấp đôi để có bằng được tấm bản đồ. Cuộc đấu thầu dừng lại ở giá 170 500 Bảng Anh và tài liệu này thuộc về doanh nhân Mel Velarde.
Khi quyết định mua tấm bản đồ cổ quý giá, ông Velarde cũng nghĩ tới vụ Philippines kiện Trung Quốc và tòa sẽ cần có bằng chứng.
Doanh nhân này cho biết ông rất mừng là việc bán đấu giá không diễn ra tại Macao hay Thượng Hải, vì tấm bản đồ chắc chắn sẽ thu hút giới đầu tư Trung Quốc và ông sẽ phải mua với giá rất cao.
Ngày 12/06 tới, nhân kỷ niệm ngày Philippnes độc lập, ông Velarde sẽ đích thân trao cho Tổng thống Benigno Aquino bản sao tấm bản đồ với chứng thực sao y bản chính.
Sau khi ông Velarde mua được bản đồ, Viện Bảo tàng quốc gia Philippnes cho biết là trong năm nay, không có quỹ để mua lại và chưa rõ năm sau ra sao. Do vậy, ông Velarde quyết định tặng Nhà nước Philippines tài liệu quý hiếm này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150608-kien-trung-quoc-manila-nop-cho-toa-an-lhq-ban-do-bien-dong-cach-nay-ba-the-ky/


Philippines : "Trọng tài Quốc tế, cách duy nhất giải quyết tranh chấp"


mediaNgười Philippines biểu tình chống chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, 10/05/2012.REUTERS/Erik De Castro
Philippines hôm nay 08/12/2014 nhấn mạnh, Trọng tài Quốc tế là phương cách duy nhất để giải quyết vấn đề « đường lưỡi bò » do Trung Quốc tự tiện vạch ra tại Biển Đông. Lời khẳng định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh hôm qua tái xác nhận không tham gia vụ kiện do Manila khởi xướng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose tuyên bố : « Quan điểm của chúng tôi : Trọng tài quốc tế là giải pháp bền vững duy nhất ».
Vào đầu năm 2013, Philippines đã nộp đơn lên Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (ITLOS) tại La Haye, yêu cầu xem xét việc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc tại Biển Đông, và sau đó chính thức khởi kiện vào tháng 3/2014.
Hôm qua Bắc Kinh đã tái khẳng định là sẽ không tham gia vụ kiện tại Trọng tài Quốc tế.Tòa án này đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra các luận chứng trước giữa tháng 12, tuy Bắc Kinh luôn từ chối tham gia tiến trình tố tụng.
Phát ngôn viên Philippines cho rằng việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện không có ảnh hưởng gì đến thủ tục trọng tài, mà theo Manila, là sẽ được phán quyết vào « đầu năm 2016 ».
Bắc Kinh yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng đồng thời có tiềm năng lớn về dầu khí và hải sản. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan phản đối các yêu sách trên, và tham vọng trên biển của Trung Quốc đã gây căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong khu vực.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, việc Bắc Kinh hồi tháng Năm ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã gây ra các vụ bạo động chống Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141208-bien-dong-philippines-khang-dinh-trong-tai-quoc-te-la-cach-duy-nhat-de-giai-quyet-tr/


Philippines kiện Trung Quốc : Tòa án LHQ ra phán quyết vào đầu 2016


mediaĐảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa, vùng lãnh hải tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam.(DR)
Ngoại trưởng Philippines, ngày hôm nay, 30/10/2014, cho biết, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Hà Lan, có thể ra phán quyết trong quý một năm 2016, về vụ Manila kiện Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Vào tháng Giêng năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện lên Tòa án trọng tài bác bỏ bản đồ 9 đường đứt đoạn – mà Việt Nam gọi là bản đồ đường lưỡi bò – do Trung Quốc đưa ra để khẳng định chủ quyền và lãnh thổ của mình đối với khoảng 80% diện tích của Biển Đông.
Trả lời đài truyền hình ANC, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói : « Chúng tôi hy vọng có phán quyết vào quý một năm 2016 ». Manila hy vọng phán quyết của Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc sẽ làm rõ các quyền hàng hải của Philippines ở Biển Đông, và nhờ vậy, có thể mở đường cho việc giải quyết các tranh chấp.
Vào tháng 03/2014, Philippines đã nộp lên tòa án hồ sơ pháp lý 4000 trang, bao gồm nhiều bằng chứng, bản đồ, chứng minh cho đòi hỏi của mình và thuyết phục tòa tuyên bố bản đồ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị.
Manila gọi Biển Đông là biển Tây Philippines, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 thừa nhận. Các đòi hỏi chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc chồng chéo với các vùng biển của một số láng giềng Châu Á, như Việt Nam, Philipines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện nói trên và cho rằng các bên liên quan cần đàm phán trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc vẫn đề nghị Trung Quốc cung cấp tài liệu phản bác các lập luận của Philippines vào trước ngày 15/12/2014.
Theo Ngoại trưởng Rosario, nếu Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu của Tòa án, thì vụ kiện của Philippines sẽ được giải quyết nhanh hơn, bởi vì tiến trình xem xét, ra phán quyết của Tòa vẫn tiếp tục, cho dù Trung Quốc có tham gia hay không.
Ông Rosario giải thích, nếu Trung Quốc không nộp tài liệu, phản bác đề nghị của Philippines, thì kể từ ngày 16/12/2014, Tòa sẽ đưa ra các câu hỏi cho phía Philippines. Trong tháng Ba và tháng Bảy năm 2014, Manila đã cung cấp thêm tài liệu và sẽ trình bày lập luận của mình trước Tòa trong hai tuần lễ. Tòa án sẽ dành nhiều tháng để nghiên cứu hồ sơ và có thể ra phán quyết cuối cùng trong quý một năm 2016.
Trang web của đài truyền hình Philippines GMA News, dẫn lời các chuyên gia pháp lý, cho rằng các bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, không phù hợp với luật pháp quốc tế đương đại.

http://vi.rfi.fr/141030-manila-tq//

Biển Đông : Philippines ‘kể tội’ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc

mediaNgoại trưởng Philippines tại LHQ. Ngày 29/09/2014.
Tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc- New York, sau Việt Nam, đến lượt Philippines lên tiếng chỉ trích Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền Biển Đông
. Phát biểu ngày 29/09/2014, Ngoại trưởng Philippines vạch trần các mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo Ngoại trưởng Philippines, Trung Quốc liên tiếp vi phạm luật quốc tế với những « yêu sách chủ quyền mang tính chất bành trướng », nhưng lại đòi nước khác áp dụng luật lệ quốc tế một cách « công minh và đúng đắn ».
Dù tránh nêu đích danh Trung Quốc bằng tên, chỉ nói chung chung « một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (a State Party) », Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã liệt kê chi tiết các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, bị ông cho rằng đã đe dọa hòa bình, ổn định trong vùng, và vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông del Rosario xác định : « Thay vì giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên biển trong khuôn khổ [luật pháp quốc tế], Quốc gia đó – tức là Trung Quốc – đã nhúng tay vào một loạt các hoạt động nguy hiểm, liều lĩnh và mang tính cưỡng ép nhằm cố gắng đơn phương áp đặt một sự thay đổi hiện trạng Biển Đông ».
Ngoại trưởng Philippines đã dành 1/3 bài phát biểu dài gần 6 trang để nêu bật các hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông, từ vụ cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012, chỉ cách đảo lớn Luzon của Philippines 124 hải lý, cho đến việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá tại nhiều khu vực ở Biển Đông, xâm phạm quyền chủ quyền chính đáng đối với vùng đặc quyền kinh tế của của Philippines và một số quốc gia ven biển khác.
Đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông để củng cố ‘cái gọi là đường chín đoạn’
Người lãnh đạo ngành ngoại giao Philippines không quên nói đến các hoạt động ồ ạt cải tạo địa hình mà Bắc Kinh cho tiến hành trong vòng hai năm qua tại khu vực bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Ken Nan và Tư Nghĩa (McKennan and Hughes Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và Đá Ga Ven (Gaven Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những nơi đã bị Trung Quốc dùng võ lực lấy từ tay Việt Nam vào năm 1988.
Ngoại trưởng Philippines không ngần ngại tố cáo : « Các hành động đơn phương đó, cùng nhiều hành vi khác, nằm trong một kế sách nhằm áp đặt một sự thay đổi hiện trạng trên biển, để củng cố cho cái gọi là đường chín đoạn, một đòi hỏi chủ quyền không thể chối cãi rộng khắp trên gần như toàn bộ Biển Đông, vi phạm cả bản Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông lẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.
Thái độ coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã được Ngoại trưởng del Rosario nhấn mạnh khi ông nêu bật sự kiện Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc :
« Chúng tôi đã mời một Quốc gia Thành viên giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình trên cơ sở Công ước UNCLOS… Tuy nhiên, thành viên đó đã từ chối lời mời, và tiếp tục đơn phương lao vào các hành động đòi hỏi chủ quyền mang tính chất bành trướng, vi phạm quyền chính đáng được ghi trong UNCLOS như quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines và nhiều láng giềng ven biển khác ».

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20140930-bien-dong-philippines-%E2%80%98ke-toi%E2%80%99-trung-quoc-truoc-lien-hiep-quoc/

Philippines đưa ra kế hoạch giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

mediaNgoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (P) tiếp đón đồng nhiệm Philippines Del Rosario, ngày 02/07/2014, tại Hà NộiReuters
Hôm nay 01/08/2014 Philippines cho biết sẽ giới thiệu một « kế hoạch hành động ba phần » nhân hội nghị khu vực ASEAN, nhằm làm giảm căng thẳng và giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước khác trong vùng Biển Đông mang tính chiến lược.
Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, ngay cả những vùng biển sát cạnh duyên hải của các nước láng giềng. Căng thẳng càng tăng lên trong những tháng gần đây, trước thái độ ngày càng hung hăng của người khổng lồ Châu Á nhằm khẳng định chủ quyền.
Việc Bắc Kinh ngang nhiên đem giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đặt tại vùng biển Hoàng Sa đã gây ra những vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam, và những cuộc biểu tình chống Trung Quốc biến thành bạo động gây chết người và làm hư hại tài sản của một số công ty nước ngoài.
« Tình hình này làm quan hệ giữa các nước thêm căng thẳng, gây thêm ngờ vực lẫn nhau và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn ». Một viên chức ngoại giao Philippines đã nói như trên khi giới thiệu đề án.
Manila cho biết đã lập ra một « kế hoạch hành động ba phần » gồm hành động tức thời, kế hoạch trung hạn và giải pháp chung cuộc để giải quyết các hoạt động gây bất ổn, trong hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN họp tại Miến Điện tuần tới.
Philippines kêu gọi ngay lập tức « hoãn lại các hoạt động đặc biệt làm leo thang căng thẳng » trong khu vực. Bên cạnh đó là việc áp dụng toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế.
Trung Quốc tranh giành chủ quyền tại Biển Đông với Đài Loan và một số quốc gia thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Philippines đã đưa đơn kiện lên Tòa Trọng tài của Liên Hiệp Quốc, cho rằng yêu sách của Bắc Kinh đi ngược với luật lệ quốc tế.
Trong hội nghị tại Miến Điện, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng sẽ thảo luận với những người đồng nhiệm của các đối tác thương mại quan trọng của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây còn là dịp đối thoại về an ninh khu vực với 27 nước tham gia, gồm 10 quốc gia ASEAN (Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Philippines, Singapore, Miến Điện, Malaysia, Indonesia, Brunei) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc và Nga.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140801-philippines-dua-ra-ke-hoach-ba-phan-trong-tranh-chap-voi-trung-quoc/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten