zaterdag 9 mei 2015

Việt Nam lại phá giá tiền đồng để kích thích tăng trưởng



Việt NamKinh tếTiền tệThương mạiXuất khẩuPhân tích

Việt Nam lại phá giá tiền đồng để kích thích tăng trưởng


mediaTrụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Hà Nội.REUTERS/Kham
Lần thứ hai trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phá giá tiền đồng trong nỗ lực bảo vệ sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày 07/05/2015, sẽ là 21.673 đồng, thay vì mức 21.458 đồng một đôla trước đó. Biên độ tỷ giá hiện vẫn duy trì ở mức 1%, tức các ngân hàng chỉ được phép mua vào - bán ra cao hơn hoặc thấp hơn không quá 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Vào ngày 07/01/2015, tiền đồng Việt Nam đã được phá giá 1%. Như vậy là từ đầu năm đến nay, tiền đồng Việt Nam đã được phá giá tổng cộng 2%.
Theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là nhằm « đối phó với những tác động bất lợi của thị trường thế giới và ổn định thị trường ngoại tệ », cũng như nhằm giúp Việt Nam « thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ».
Quyết định phá giá nói trên được đưa ra vào lúc mức tăng xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu 2015 là thấp nhất kể từ năm 2010. Trong năm nay, giá trị tiền đồng Việt Nam chỉ giảm 1,5%, khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp bất lợi tương đối so với các nhà xuất khẩu từ những nước khác như Indonesia hay Malaysia, những nước có đơn vị tiền tệ sụt giảm đến 5,3% và 2,6%.
Chính phủ Hà Nội đã đề ra mục tiêu tăng 10% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%, so với mức 5,98% của năm 2014. Mức lạm phát ở Việt Nam hiện cũng còn rất thấp, cụ thể là trong 4 tháng đầu năm 2015 vẫn dưới mức 1%.
Hãng tin Bloomberg News trích lời ông Dariuz Kowalczyk, kinh tế gia cao cấp tại Hồng Kông của ngân hàng Credit Agricole CIB, nhận định rằng duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu là điều rất quan trọng đối với Việt Nam. Kinh tế gia này cho rằng tác động của việc phá giá tiền đồng lần này sẽ không lớn, vì chỉ có 1%. Nhưng biện pháp này sẽ giúp các nhà xuất khẩu và sẽ hỗ trợ cho vị thế của Việt Nam trên thế giới, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về phần ông Paul Mackel, nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC của Hồng Kông, thì nhận xét là quyết định phá giá lần này được đưa ra sớm hơn dự kiến. Paul Mackel không chờ đợi là Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá thêm trong năm 2015. Đối với ông Alan Pham, kinh tế gia của quỹ đầu tư VinaCapital Group, đây là thời điểm rất tốt để phá giá tiền đồng, vì đơn vị tiền tệ Việt Nam đã chịu áp lực từ nhiều tuần qua, thậm chí từ nhiều tháng qua.
Biện pháp phá giá không chỉ hỗ trợ xuất khẩu, mà còn nhằm giúp giảm bớt nhập khẩu, và qua đó giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch của Việt Nam, mà trong bốn tháng đầu năm nay đã lên tới 3 tỷ đôla, cao hơn so với mức 2 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình vào tháng 12/2014 đã báo trước là trong năm 2015 ngân hàng này sẽ không phá giá tiền đồng quá 2%, trong khi các đơn vị tiền tệ khác trong khu vực giảm đến 4-5%. Cho nên câu hỏi được đặt ra là, sau việc phá giá lần này, liệu tiền đồng Việt Nam có sẽ tiếp tục chịu áp lực nữa hay không, trong bối cảnh mà hàng xuất khẩu Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt như vậy ?

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150507-viet-nam-lai-pha-gia-tien-dong-de-kich-thich-tang-truong/



Việt Nam phá giá đồng bạc để kích thích tăng trưởng


mediaẢnh chụp tại Hà Nội.REUTERS
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm nay 07/01/2015 loan báo đã quyết định phá giá đồng tiền quốc gia 1% để kìm hãm lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Giá quy đổi một đồng đô la Mỹ từ nay được ấn định là 21.458 đồng bạc Việt Nam. Thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói rằng đây là một biện pháp để « kiểm soát lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế ».
AFP nhận xét, đây là lần đầu tiên đồng bạc Việt Nam bị phá giá kể từ tháng 6/2014. Cũng theo thông báo trên, biện pháp này « nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ ».
Hãng tin Pháp trích lời nhà kinh tế Vũ Đình Anh thuộc Viện Kinh tế Tài chính, cho biết từ cuối năm 2014 đồng bạc Việt Nam đã phải chịu áp lực của thị trường tài chính quốc tế. Ông nói : « Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh để tránh các bất lợi so với các đồng tiền khác ».
Tại Việt Nam, đồng đô la Mỹ và vàng thường được người dân mua tích trữ trước sự bất định của nền kinh tế.
Trong năm 2014, Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế 5,98%, cao nhất kể từ ba năm qua, trong lúc lạm phát chậm lại ở mức 4,09%, theo số liệu thống kê chính thức. Năm 2015, chính phủ hy vọng tăng trưởng sẽ ở mức 6,2%.
Theo báo chí trong nước, với quyết định phá giá đồng tiền 1% ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước dường như muốn giành thế chủ động về tỉ giá, trước áp lực của thị trường. Trong khi đó Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới đây cho biết sẽ giữ biên độ điều chỉnh tỉ giá, không tăng quá 2% trong cả năm 2015.
Được biết năm 2014 Việt Nam có những yếu tố hỗ trợ như xuất siêu 2 tỉ đô la, kiều hối trên 10 tỉ đô la và đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 20 tỉ đô la, tuy nhiên cán cân thương mại năm 2015 dự kiến sẽ thâm hụt.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150107-viet-nam-pha-gia-dong-bac-de-kich-thich-tang-truong/


Ngân hàng ANZ ‘hoài nghi’ về số liệu tăng trưởng bất ngờ của Việt Nam


mediaLogo của Ngân hàng ANZ tại chi nhánh Kumho ở Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam).anz.com
Trong một bản nghiên cứu công bố hôm 13/10/2014, ngân hàng Úc-New Zealand ANZ (Australia & New Zealand Banking Group) đã tỏ ý hoài nghi về các số liệu chính thức mà chính quyền Việt Nam vừa công bố liên quan đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mức tăng trưởng trong quý III cao khác thường trong lúc đa phần các chỉ số kinh tế đều cho thấy đà đi xuống.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, nhóm chuyên gia phụ trách khu vực ASEAN và Thái Bình Dương của ANZ đã nhấn mạnh trong bản nghiên cứu của mình : « Chúng tôi rất hoài nghi về tốc độ tăng trưởng được ghi nhận vì lẽ hầu hết các chỉ số kinh tế đều cho thấy là mức tăng trưởng phải yếu hơn so với cùng kỳ năm ngoái ».
Số liệu chính thức được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố tháng Chín vừa qua xác định là tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam ước tính đạt 5,62%, một mức cao bất ngờ nhờ vào tốc độ ‘tăng vọt’ 6,19% của quý III.
Mức tăng trưởng 5,62% trong 9 tháng đầu năm 2014 như vậy đã cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ vào năm 2013 (5,14%) và 2012 (5,1%), trong lúc nếu tính theo từng quý, tỷ lệ 6,19% của quý III cũng cao hơn nhiều so với mức 5,42% (quý II) và 5,09% (quý I).
Nhiều quan chức chính phủ và chuyên gia kinh tế Việt Nam đã tỏ ý rất vui mừng trước xu hướng kinh tế Việt Nam « tiếp tục phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng ».
Tuy nhiên, theo ANZ, một loạt chỉ số kinh tế khác không lạc quan như vây : Tỷ lệ lạm phát bình quân từ đầu năm đến nay của Việt Nam vẫn ở mức 4,61% cho thấy « sự yếu kém dai dẳng của tiêu thụ nội địa », trong lúc mức tăng trưởng của doanh số bán lẻ chậm hơn.
Trong tình hình đó, ANZ vẫn duy trì mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2014 này ở khoảng 5,6%, thấp hơn chỉ tiêu 5,8% mà chính phủ Việt Nam dự trù, một mức mà Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho là hoàn toàn có thể đạt được.
Phải nói là dự báo của ANZ vẫn còn lạc quan : Ngân hàng Thế giới mới đây cho rằng kinh tế Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 5,4% trong năm nay.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141015-ngan-hang-anz-%E2%80%98hoai-nghi%E2%80%99-ve-so-lieu-tang-truong-bat-ngo-cua-viet-nam/

Ngân hàng Thế giới : Tăng trưởng của Việt Nam còn dưới mức tiềm năng

mediaTheo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của Việt Nam năm 2014 sẽ vẫn ở mức 5,4% - REUTERS /Kham
Hôm nay, 08/07/2014, Ngân hàng thế giới vừa công bố bản báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2014 dự báo sẽ vẫn ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%. Mặt khác, định chế tài chính này lưu ý rằng mức cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu, « do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp Nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao ».
Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn, định chế tài chính này đề nghị chính phủ Hà Nội « đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước, đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước. »
Trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng chậm trễ về tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng và có thể khiến cho nợ công tăng đến mức không còn bền vững. Sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông, cũng làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi cho Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140708-ngan-hang-the-gioi-tang-truong-cua-viet-nam-con-duoi-muc-tiem-nang/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten