Hành trình trên 'Nóc nhà Thế giới'
- 19 tháng 2 2015
Xa lộ Pamir Highway, có tên gọi chính thức là đường M41, kéo dài 1.252 km từ thị trấn Osh miền nam Kyrgyzstan, qua Dãy núi Pamir, hay còn được gọi là “Nóc nhà Thế giới”, và dọc biên giới với Afghanistan cho tới điểm cuối tại Dushanbe, thủ đô của Tajikistan.
Thuở ban đầu là một phần của tuyến buôn bán Con đường Tơ lụa, Xa lộ Pamir đã được dùng gần 2.000 năm qua.Marco Polo, thương gia nổi tiếng người Venice của Ý, đã đi dọc đường này khi tới Trung Quốc hồi thế kỷ 13. Nhưng không có mấy lữ khách chọn đi ngả này. (Hình Audrey Scott)
Lên lịch trình
Phương tiện giao thông công cộng dọc Pamir Highway thì không có, hoặc có thì không thường xuyên. Những sườn núi dốc đá và việc bảo dưỡng duy tu không được đầu tư khiến xe cộ chạy trên đường cứ xóc tung người.Bởi vậy, người ta thường khởi hành từ Osh, chọn thuê một tài xế địa phương dùng xe UAZ, loại xe của Nga chuyên để chạy trên những địa hình hiểm trở. (Hình: Daniel Noll)
Cột biên cô độc
Chừng 220km về phía nam Osh, có một bức tượng chú cừu của Marco Polo, một loài động vật rất được quý ở nơi này, đánh dấu cột mốc biên giới chính chức và hoang vắng giữa Kyrgyzstan và Tajikistan ở độ cao 4.282m của hẻm núi Kyzylart Pass.Công viên Quốc gia Tajik nằm bao quanh hầu hết Dãy núi Pamir đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của Unesco hồi 2013. Đây là một lời nhắc nhở đáng quý cho ta biết những nơi đẹp đẽ nhất thế giới cũng là những nơi khó đến nhất. (Hình: Audrey Scott)
Quán cà phê hoang vắng trên cao
Thị trấn Murghab của Tajikistan phủ đầy bụi bặm, hoang vắng trên cao, nằm cách điểm đánh dấu đường biên chừng 190 km về phía nam là nơi đầu tiên chúng tôi dừng chân nghỉ qua đêm.Nằm gần nơi các con đường chính giao nhau, thị trấn này theo lẽ tự nhiên trở thành tiền đồn thương mại giữa Tajikistan, Kyrgyzstan và Trung Quốc. Bởi vậy, khu chợ Murghab chất đầy các thùng container chở hàng dùng cho tàu hỏa và tàu biển. Trong hình là một công-te-nơ đã được cải tạo để làm quán cà phê tạm.
Bởi Murghab nằm ở trên cao, độ cao 3.560m, việc trồng hoa màu hay chăn nuôi gia súc là rất khó khăn. Hầu hết các loại rau cỏ, ngũ cốc đều khó trồng trọt được, và người ta chỉ nuôi được duy nhất loài bò lông dài và lừa, những loài gia súc có tim khỏe, chịu được áp suất trên cao. (Hình: Audrey Scott)
Một thoáng văn hóa địa phương
Trên đường từ Murghab tới làng Langar của Tajikistan, chúng tôi dừng lại ăn trưa ở một lữ quán vắng vẻ trên cao của hai phụ nữ Kyrgyzstan.Đa số người dân sống ở các khu vực phía đông của Dãy núi Pamir là người dân tộc Kyrgyz nói tiếng Thổ, khác với các láng giềng sống ở phía tây Pamir dùng một loại thổ ngữ của Iran.
Trước khi Liên bang Xô-viết được thành lập, vùng này của Tajikistan được công nhận là Kyrgyztan. Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo Xô-viết khi đó, Joseph Stalin đã vẽ đường biên của Cộng hòa Xô viết Tajik vào 1929, ông đã tùy tiện phân chia dân số địa phương và tạo ra các điểm sinh sống của các sắc tộc thiểu số khác nhau. (Hình: Audrey Scott)
Về nhà ban đêm
Chúng tôi theo một đàn lừa nhỏ cõng đầy gỗ củi và những người chủ của chúng trở về làng Langar.Trông ra những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng của dãy núi Hindu Kush của Pakistan xa xa là những gì trong tầm mắt khi chúng tôi bắt đầu xuôi xuống Thung lũng Wakhan của Tajikistan.
Tuy sông Panj là biên giới tự nhiên giữa Tajikistan và Afghanistan, nhưng các cư dân Pamir sống hai bên bờ sông dùng chung một ngôn ngữ, có chung tôn giáo và có lối sống giống nhau. (Hình: Daniel Noll)
Bữa sáng trong gia đình Pamir
Chẳng hề có khách sạn nào trong những ngôi làng nhỏ bé dọc theo thung lũng Wakhan Valley.Thay vào đó, những người đi đường ở lại các gia đình Pamir, mà một số gia đình như vậy ta có thể tìm thấy nhờ thông tin từ các mạng lưới cho ở ké (homestay) kiểu tổ chức phi lợi nhuận, như Murghab Ecotours Association hay Pamirs Eco-Cultural Tourism Association.
Căn nhà truyền thống của người Pamir, được gọi là huneuni chid, có gắn những biểu tượng của Hồi giáo Shia Ismaili, là phái tôn giáo được đa số người Pamir theo. Từ bên ngoài, các căn nhà trông giống như một khối đã được ốp gỗ đơn giản và được trát vữa sơ sài, nhưng bầu không khí bên trong rất ấm cúng, hiếu khách.
Tại căn nhà ‘homestay’ của chúng tôi ở Langar, chúng tôi được đãi bữa sáng gồm bánh mỳ tự làm và trà sữa.
Nổi tiếng là hiếu khách từ hàng trăm năm nay, một số gia đình Pamir đã mời chúng tôi ghé nhà khi chúng tôi đi qua các ngôi làng của họ.
Chúng tôi luôn được họ mời uống trà, ngay cả khi bản thân gia chủ cũng không có gì nhiều cho chính họ. (Hình: Audrey Scott)
Dọn đồng ruộng cho mùa đông
Thung lũng Wakhan Valley chủ yếu làm nông nghiệp, bởi nó ở độ cao khá thấp so với xung quanh, khiến rau cỏ hoa màu có thể phát triển được.Các gia đình thường có những mảnh đất nhỏ để trồng khoai tây, lúa mạch hay lúa mì.
Người dân địa phương cũng chăn nuôi bò, dê và cừu, nhưng chỉ ăn thịt trong dịp đặc biệt hay trong ngày lễ.
Trong các bữa ăn của chúng tôi với các gia đình Pamir, chúng tôi ăn bánh mỳ, khoai tây, cháo và món lúa mạch hầm.
Quan sát các gia đình chuẩn bị cho mùa đông mới thấy hết mức độ khó khăn của cuộc sống nơi xa xôi hẻo lánh này, khi mà họ phải thuận theo nhịp thay đổi của thời tiết. (Hình: Audrey Scott)
Chào đón bên triền đồi
Khi chúng tôi tới thăm làng Vrang, một nhóm trẻ em địa phương đã dẫn chúng tôi tới tham quan một cụm tháp Phật giáo nằm ở rìa làng.Truyền thuyết nơi này kể rằng những ai là người Pamir nhưng có da sáng hơn và có mắt xanh đều là hậu duệ của các nhà thám hiểm Macedonia, những người đã tới định cư tại vùng này sau các cuộc chinh chiến của Alexander Đại Đế hồi năm 300 trước Công nguyên.
Các em nhỏ thường nói bằng hàng loạt thứ ngôn ngữ đầy ấn tượng, tiếng Nga và tiếng Anh bên cạnh thứ thổ ngữ Pamir của mình.
Aga Khan, lãnh tụ tinh thần của người Hồi giáo Ismaili, đã đầu tư mạnh vào các trường học địa phương và đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các bé gái và của việc học ngoại ngữ. (Hình: Daniel Noll)
Đống đổ nát từ thế kỷ thứ ba, pháo đài Yamchun
Được các thương gia xây trên vách đá nhìn xuống thung lũng Wakhan, pháo đài Yamchun là một tiền đồn trên Con đường Tơ lụa có từ hồi thế kỷ thứ ba.Nằm cách đường R-45 5km và cách Khorog khoảng 180 km về phía đông nam, đây là một trong số các pháo đài ở khu vực được xây dựng nhằm đảm bảo quyền kiểm soát đối với các tuyến đường buôn bán từ Trung Quốc sang phía tây, tới Iran và xuống phía nam, tới Ấn Độ.
Các cấu trúc như tòa pháo đài này giúp củng cố vai trò của xa lộ cổ, Pamir Highway, vốn được tăng sức mạnh nhờ hoạt động thương mại và cư dân địa phương chính là bằng chứng về sự giao thoa văn hóa.
Ngày nay, không mấy người đi lại tới vùng hẻo lánh này. Những ai tới thì đều được tưởng thưởng bằng những cảnh tượng cực kỳ ấn tượng, bằng sự hiếu khách của người Pamir, và bằng một hành trình hứa hẹn đầy chất sử thi. (Hình: Daniel Noll)
Bản gốc tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten