TẠP CHÍ KINH TẾ
Đầu tư của Trung Quốc giúp các nước nghèo phát triển ?
Vì lợi ích kinh tế, vì nhu cầu về năng lượng, nguyên và nhiên liệu, vì những tính toán địa chính trị Trung Quốc thúc giục các tập đoàn nhà nước ồ ạt đầu tư ra thế giới, đặc biệt là tại các nước nghèo. Với các đối tác ở châu Mỹ La Tinh hay châu Phi Trung Quốc vừa là chủ nợ, vừa là nhà thầu và cũng là khách hàng của các quốc gia chậm phát triển.
Cung cách làm ăn của các tập đoàn Trung Quốc ngày càng gây nhiều bất mãn. Điển hình là với công trình xây dựng kênh đào Nicaragua và nhiều dự án tại châu Phi.Tinh thần bài Trung Quốc với kênh đào Nicaragua
Cuối tháng 12/2014 chính quyền Nicaragua chính thức chọn một nhà thầu Trung Quốc HKND – Hong Kong Nicaragua Canal Development để thực hiện dự án xây dựng kênh đào nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Thực ra từ 2013 chính quyền của tổng thống Daniel Ortega đã liên lạc với tập đoàn HKND có trụ sở tại Hồng Kông này để thực hiện dự án khổng lồ, trị giá 50 tỷ đô la, tương đương với gần gấp 5 lần GDP của Nicaragua. Đây là một hợp đồng ‘trọn gói’ Managua trao cho đối tác Trung Quốc : HKND bảo đảm từ khâu tài chính đến xây dựng, từ việc quản lý đến khai thác con kênh dài 280 km, rộng gấp 3 lần và sâu hơn so với con kênh đã hơn một trăm năm tuổi là kênh đào Panama.
Trên nguyên tắc dự án sẽ hoàn tất vào năm 2020. Đây cũng là trục hàng hải mà có tới 5 % giao thương quốc tế phải đi qua. Tập đoàn Trung Quốc HKND sẽ được quyền quản lý con kênh, thu mọi chi phí từ các tàu bè qua lại mà không phải nộp thuế cho chính quyền sở tại.
Công ty Trung Quốc bắt tay vào việc thì cũng là lúc một phần dân cư Nicaragua xuống đuờng với khẩu hiệu « Người Trung Quốc, hãy cút đi ».
Tinh thần bài Trung Quốc đó xuất phát từ chỗ chính quyền của tổng thống Daniel Ortega đồng ý cho HKND thực hiện dự án. Đổi lại, tập đoàn này được phép độc quyền khai thác con kênh trong 50 mà không phải đóng thuế cho nước chủ nhà. Nói cách khác một khi đi vào hoạt động, trong nửa thế kỷ, thu nhập của từ kênh đào Nicaragua gần như toàn bộ thuộc về tập đoàn Trung Quốc. Nicaragua sẽ được 1% lợi nhuận trong năm đầu tiên kênh đào đi vào hoạt động. Phải đợi thêm 10 năm sau tỷ lệ lợi nhuận thu vào của Managua mới được nâng lên thành 10 % để rồi đạt được tới 100% sau 100 năm.
Vô hình chung, trong suốt một thế kỷ tới, chính quyền Nicaragua chỉ là chủ nhà cho tập đoàn Trung Quốc thuê đất mà thôi.
Trong khi đó, với kênh đào Nicaragua, trong tương lai, khu vực cần phải được trang bị thêm hai hải cảng lớn, một phi trường, một quần thể du lịch, một đường ống dẫn dầu và hệ thống xe lửa. Tất cả các dự án này đương nhiên dành cho tập đoàn Trung Quốc HKND.
Yếu tố thứ nhì khiến dự án xây dựng của Trung Quốc gây tranh cãi, do để giành được hợp đồng khổng lồ 50 tỷ đô la nói trên, phía Trung Quốc hứa tuyển dụng đến 50.000 công nhân mà trong đó một nửa là dân địa phương. Người dân Nicaragua cho rằng con số 25.000 công nhân chỉ là một giọt nước trước hàng loạt các dự án dài hơi vừa nêu.
HKND mơ hồ về điều kiện đền bù cho Nicaragua
Hơn nữa các tổ chức bảo vệ người lao động ở Nicaragua cảnh báo rằng, như ở rất nhiều công trường khác, các tập đoàn Trung Quốc luôn cam kết đem lại công việc làm cho người dân địa phương, nhưng cuối cùng, ưu tiên của các tập đoàn Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài vẫn là đem chính công nhân Trung Quốc sang hiện trường.
Lý do thứ ba làm dấy lên các làn sóng phản đối được giải thích bởi dự án kênh đào Nicaragua sẽ buộc 30.000 nông dân và thổ dân phải di dời chỗ ở, đất canh tác của họ bị trưng thu. Đó là chưa kể giới bảo vệ môi trường, đã nhập cuộc.
Gần 1/3 chiều dài của con kênh sẽ vắt ngang hồ Cocibolca, dự trữ nước ngọt lớn nhất của cả Trung Mỹ. Công trình xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến 4000 km2 rừng và các vùng duyên hải, ven hồ của Nicaragua. Nhiều địa điểm trong số đó là những khu vực đã được tổ chức UNESCO xếp vào danh sách cần được bảo tồn.
Về phần Trung Quốc theo phân tích của Mary Françoise Renard, giáo sư kinh tế giảng dậy tại đại học Université d’Auvergne- Clermont Ferrand, quyết định đầu tư vào nước nghèo nhất ở Trung Mỹ nằm trong chiến lược của Bắc Kinh. Nhưng về câu hỏi, liệu kênh đào Nicaragua có giúp Nicaragua phát triển, đem lại thịnh vượng cho 45 % dân nghèo như những gì tổng thống Ortega hứa hẹn nhay không, bà Renard cho rằng : theo thỏa thuận ban đầu giữa Nicaragua với tập đoàn Trung Quốc, nước chủ nhà chỉ được hưởng lợi rất ít - có 1 %. Vấn đề thứ nhì là công việc làm cho dân địa phương. Về điểm này các tập đoàn Trung Quốc làm ăn ở châu Phi thường bị chỉ trích. Vả lại giáo sư Renard đánh giá là tới nay, HKND chưa đưa ra những cam kết về điều kiện lao động hay mức lương có thể chấp nhận được cho cả đôi bên.
Đó là chưa kể theo một số nhà nhiên cứu, lợi ích kinh tế của kênh đào Nicaragua dù có quan trọng cũng không sánh được so với những tính toán của Bắc Kinh về mặt địa chính tri. Nghiên cứu của giáo sự Evan Ellis, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược đại học Quân sự Mỹ cho thấy với kênh Nicaragua, Trung Quốc sẽ không sợ bị một quốc gia thù nghịch nào cấm cửa. Đồng thời, nhà tỷ phú Vương Tĩnh, chủ nhân của HKND cũng là chủ tập đoàn viễn thông Beijjing Xinwei Telecom Technology. Tập đoàn này là nhà cung cấp các chương trinh công ghệ không gian và viễn thông cho quân đội Trung Quốc.
Châu Phi- Trung Quốc, thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên ?
Nhìn sang một khu vực khác nơi đầu tư của Trung Quốc đang lấn át các đối thủ phương Tây là châu Phi. Theo báo cáo của tổ chức Cố vấn Ngoại thương Pháp CCEF được công bố hồi tháng 5/2014, 15 % đầu tư ra hải ngoại của Trung Quốc tập trung về châu Phi. Cộng đồng người Hoa tại châu lục này ngày càng lớn mạnh. Để so sánh hiện có 1,5 triệu người Trung Quốc đang sinh sống trên Lục địa Đen, trong lúc cộng đồng người Pháp trên toàn châu lục này chỉ là 250.000 người.
Bắc và Đông Phi là hai khu vực được các tập đoàn Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Trong báo cáo năm 2013, cơ quan tư vấn có trụ sở tại New York Deloitte nhấn mạnh đến thế áp đảo của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, nhưng trong những ngành nghề đòi hỏi chuyên môi cao thì các tập đoàn Mỹ và châu Âu vẫn chưa bị Trung Quốc qua mặt :
« Có nhiều người nghĩ rằng các tập đoàn Trung Quốc, và đằng sau họ là Nhà nước và các tập đoàn ngân hàng bảo đảm phần lớn các công trình xây dựng cho châu Phi. Nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, đành rằng Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của họ tại châu lục này, nhưng các tập đoàn của Mỹ- và nhất là của châu Âu- vẫn còn chiếm một vị trí rất quan trọng. Âu -Mỹ chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong ngành khai thác dầu khí, trong khi đó các tập đoàn Trung Quốc chú trọng nhiều vào các dự án xây dựng không đòi hỏi kỹ thuật cao, như nhà ở, hệ thống đường sắt, cầu đường, mở rộng các hải cảng của châu Phi ... »
Tại Tây Phi, 8 % đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Trung Quốc. Nhưng con số đó mới chỉ tương đương với 1/3 so với tổng đầu tư FDI của các tập đoàn Âu Mỹ. Các chuyên gia nêu lên một yếu tố khác đó là do một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, hệ thống diện nước, cầu đường, hải cảng, hay các sân vận động bị các tổ chức quốc tế và các tập đoàn Tây phương lơ là nên các cơ sở của Trung Quốc mới dễ chen chân vào.
Thêm một yếu tố khác đó là vào lúc các nước châu Phi cần có vốn để phát triển, cần xây dựng cơ sở hạ tầng, thì các nhà đầu tư quốc tế, kể cả các định chế tài chính đa quốc gia như Ngân Hàng Thế Giới luôn cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định giải ngân cho một dự án. Ngược lại các nhà đầu tư Trung Quốc lại đặc biệt tỏ ra dễ dãi. Bởi Bắc Kinh huy động các ngân hàng nhà nước cho châu Phi vay vốn. Nhưng tiếp theo đó thì lại chính một hoặc nhiều công ty của Trung Quốc trúng thầu để hoàn thành dự án. Đổi lại, tập đoàn Trung Quốc được miễn thuế và gây ra tranh cãi.
Franck Meriot giám đốc phòng thương mại Pháp tại Congo nói đến một sự cạnh tranh bất bình đẳng :
« Trong hợp đồng làm ăn với Trung Quốc, văn bản chính thức ghi rõ các tập đoàn của Trung Quốc tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo RDC được miễn thuế trong bất kể lĩnh vực nào. Điều đó tạo sân chơi không bình đẳng. Cụ thể là họ không phải đóng thuế doanh nghiệp, và cũng không phải đóng thuế nhập khẩu ».
Về điểm này giáo sư kinh tế Mary Françoise Renard giảng dậy tại Đại học Clermont Ferrand, vùng Auvergne đi xa hơn khi bà đề cập đến xung đột quyền lợi giữa người dân địa phương với các tập đoàn Trung Quốc :
« Vấn đề tương tự xảy ra tại Gabon, vì miễn thuế sẽ tác động nhiều đến các hoạt động kinh tế khác. Đối với châu Phi, châu lục này cần có thuế để đầu tư, phát triển những lĩnh vực khác hay để bảo đảm các dịch vụ công cộng. Vấn đề đặt ra trong trường hợp cộng tác với các tập đoàn Trung Quốc, tài sản khai thác từ quặng mỏ, tài nguyên thiên nhiên không được chia cho toàn dân, mà chỉ có một số nhỏ, một số tập đoàn được hưởng lợi. Dư luận châu Phi khó có thể chấp nhận để cho các tập đoàn Trung Quốc làm giàu nhờ tài nguyên khai thác trên đất nước họ ».
Trung Quốc ngày nay là một đối tác kinh tế quan trọng của châu Phi nhưng đồng thời các tập đoàn Trung Quốc cũng đã đưa người lao động sang vùng đất xa lạ này. Khi biết rằng, trung bình một công nhân Trung Quốc đi làm ở châu Phi được trả lương 500 đô la một tháng, tức cao gấp 5 lần so với lương trung bình của nông dân ở quê nhà.
Không thể chối cãi, là nhờ đầu tư của Trung Quốc mà một quốc gia nghèo và bị nội chiến tàn phá vì như Angola đã có được một nhịp độ tăng trưởng thần kỳ : trong vỏn vẹn 5 năm và nhờ giá dầu hỏa tăng cao trong thời gian từ 2004 đến 2009, mà Angola thu về được 100 tỷ đô la và có được một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thần kỳ 25 %.
Có điều khi tham gia đấu thầu, các công ty Trung Quốc luôn đề nghị những giá thành thấp hơn rất nhiều so với các tập đoàn Âu Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng một khi bắt tay vào thực hiện thì các dự án đầy hứa hẹn đó lại không đem lại bao nhiêu công việc làm cho người dân địa phương. Các cuộc biểu tình bài chủ nhân người Hoa hay các vụ xung đột với cộng đồng người Trung Quốc ở một số nơi từ Algérie, tới Senegal hay Madagascar ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.
Julien Wagner, tác giả cuốn « Chine-Afrique, Le grand pillage- Trung Quốc Châu Phi, một vụ hôi của quy mô », nhà xuất bản Eyrolles giải thích thêm về cung cách làm ăn của các tập đoàn Trung Quốc khiến nhiều quốc gia ở Lục địa Đen bất bình :
« Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu không chỉ của Algérie mà còn của rất nhiều quốc gia khác tại châu Phi, như Angola, Soudan hay Nam Phi. Điều đáng chú ý là sự vươn của Trung Quốc tại châu lục này đã diễn ra trong thời gian ngắn kỷ lục.. Mới chỉ cách nay 20 năm không ai nghĩ là Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong trên lục địa Đen. Thành quả đó có được do một phương pháp rất hiệu quả mà các tập đoàn Trung Quốc đề ra. Đó là bỏ vốn vào châu Phi để đổi lấy tài nguyên.
Các nước châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng lại không có phương tiện tài chính và kỹ thuật để khai thác. Ở đầu bên kia là Trung Quốc có nhiều tiền, và lại đang khát từ dầu hỏa đến quặng mỏ, nguyên liệu …để phục vụ cho cỗ máy sản xuất khổng lồ của Trung Quốc.
Nhưng trong cuộc đổi trác hai chiều đó lại nảy sinh ra rất nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là các tập đoàn nhà nước Trung Quốc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho châu Phi- từ các dự án xây dựng cầu đường đến khai thác mỏ dầu khí – Ai tài trợ cho các dự án đó ? Đơn giản là chính các tập đoàn ngân hàng Trung Quốc đứng ra cho châu Phi vay vốn để thực hiện những dự án dài hơi như vậy. Ở đây đặt ra rủi ro các tập đoàn Trung Quốc thổi phồng giá thành để có lợi cho các ngân hàng Trung Quốc. Nói cách khách điều đó bất lợi cho các nước châu Phi ».
Tại Algérie chẳng hạn, nơi cộng đồng người Hoa ước tính lên tới 35.000 người, họ đã phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là buôn bán. Nhưng sự phát triển của người Hoa tại đây càng làm dấy lên tinh thần bài Trung Quốc tại một quốc gia mà có tới 70 % dân số trong độ tuổi từ 19 đến 30 không có việc làm.
Giáo sư Mary Françoise Renard đại học Clermont Ferrand cho rằng quan hệ Châu Phi – Trung Quốc sẽ thay đổi :
« Trung Quốc cần một nền tảng xã hội ổn định, cần cải thiện quan hệ với người dân địa phương. Đã có những căng thẳng, ở cấp tiểu thương do Trung Quốc cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Phi. Nhưng đừng quên rằng Trung Quốc là một nước hết sức thực tiễn và sẽ cần liên kết với các đối tác có một sự hiểu biết rõ về châu Phi, về văn hóa của châu lục này và đó cũng phải là những người được dân Phi châu tin tưởng. Tôi nghĩ là về lâu dài, các tập đoàn Trung Quốc sẽ liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp của Pháp chắng hạn, trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, nông học ... ».
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
http://vi.rfi.fr/kinh-te/20150421-dau-tu-cua-trung-quoc-giup-cac-nuoc-ngheo-phat-trien/
-
Kinh tế biển và tranh chấp Biển Đông Việt-Trung
Do Biển Đông có tầm quan trọng rất lớn về dầu khí và về ngư nghiệp, cho nên tranh chấp chủ quyền vùng biển này sẽ ngày … -
Nhật Bản từ bỏ năng lượng hạt nhân ?
Bốn năm sau thảm họa động đất, sóng thần, tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, một lần nữa câu hỏi đặt ra là Nhật Bản có … -
Trung Quốc tăng cường kiểm soát doanh nghiệp nhà nước
Trung Quốc đề ra mục tiêu cải tổ doanh nghiệp nhà nước để tạo ra những đại tập đoàn theo kiểu những “chaebol” của Hàn Quốc hay … -
Tây Ban Nha : ánh sáng cuối đường hầm ?
Kinh tế Tây Ban Nha đang trên đà phục hồi. Madrid bắt đầu kềm hãm được tỷ lệ thất nghiệp. Mối đe dọa một cuộc khủng hoảng địa ốc mới vẫn chưa … -
Hy Lạp : không có phép lạ cho đảng Syriza
Athènes vẫn không thoát khỏi tay các nhà tài trợ. Trong 30 ngày cầm quyền, đảng cực tả Syriza Hy Lạp quay lưng lại với … -
Nợ công Hy Lạp: Athènes đọ sức với Châu Âu
Làm thế nào để vẫn được cộng đồng quốc tế cấp tín dụng, tránh để bị loại ra khỏi eurozone nhưng lại không phụ lòng dân … -
Dầu hỏa, tính toán lâu dài của tân vương Ả Rập Xê Út
Thị trường dầu hỏa thế giới không có chuyển động lớn sau cái chết của quốc vương Ả Rập Xê Út Abdallah. Tân vương Salaman ghìm …
Geen opmerkingen:
Een reactie posten