donderdag 9 april 2020

Virus corona: Trung Quốc khởi động lại cỗ máy xuất khẩu Trang thiết bị y tế + Pháp lập cầu không vận, mua hàng trăm triệu khẩu trang Trung Quốc,

Trang thiết bị y tế, Trung Quốc khởi động lại cỗ máy xuất khẩu

Phần âm thanh 07:45
Công nhân nhà máy lắp ráp ghế ô tô Yanfeng Adient tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 24/02/2020.
Công nhân nhà máy lắp ráp ghế ô tô Yanfeng Adient tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 24/02/2020. REUTERS - Aly Song
Trang thiết bị y tế là chìa khóa cho phép ngành xuất khẩu Trung Quốc bật dậy sau giấc ngủ đông virus corona. Chính quyền của ông Tập Cận Bình chứng minh rằng thế giới vấn « nghiện » hàng Trung Quốc. Trên đây là phân tích của chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp.
Vào lúc Âu Mỹ khốn khổ vì thiếu khẩu trang và máy trợ thở, truyền thông tại Bắc Kinh rầm rộ đưa tin những chuyến máy bay chở đầy ắp hàng made in China đã đáp xuống các phi trường quốc tế. Đấy là những kiện hàng chính quyền Trung Quốc « gửi tặng », của hãng điện thoại Xiaomi hay của nhà tỷ phú chủ nhân Alibaba, của một giáo hội công giáo nào đó ở Trung Quốc gửi tới nhằm giảm bớt áp lực virus corona gây nên.  
Ý, Pháp, Tây Ban Nha cùng nhiều nước đông Âu đã nhận khẩu trang sản xuất từ Trung Quốc. Nhà tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, ông chủ Alibaba tặng không cho Hoa Kỳ một triệu khẩu trang made in China  mà không thấy chính quyền Trump phản đối vì « cạnh tranh bất bình đẳng ».
Ngày 12/03/2020, chuyến bay đầu tiên từ Tứ Xuyên đáp xuống Roma với khoảng một chục bác sĩ và y tá. Cùng với kinh nghiệm dập dịch tại Hồ Bắc còn có cả 2 triệu khẩu trang y tế bình thường, 100.000 khẩu trang cao cấp, 50.000 kit xét nghiệm, và 1.000 máy hô hấp. Trước đó một tuần lễ, hãng điện thoại Xiaomi trên Facebook thông báo gửi vài chục ngàn khẩu trang sang Ý để cảm ơn nước này đã mở rộng vòng tay cho Xiaomi vào Ý hoạt động.
Với Paris, Bắc Kinh cũng đã có cử chỉ hào phóng tương tự. Tân Hoa Xã đưa tin ngày 18/03/2020 Trung Quốc gửi tặng Pháp 1 triệu khẩu trang, nhưng không thấy nhắc lại rằng trước đó đúng một tháng Pháp đã chuyển 17 tấn trang thiết bị y tế đến Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng không nhắc tới 55 tấn hàng mà Liên Âu đã gửi sang quốc gia châu Á này. Rất nhiều quốc gia khác, từ Iran đến Philippines hay Ba Lan đều mang ơn Bắc Kinh khi nhận được tiếp tế vài chục ngàn khẩu trang. 
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la Recherche Stratégique) nhấn mạnh, các cử chỉ hào phóng đó của Bắc Kinh trước hết bao hàm một ý nghĩa chính trị rất lớn. Trung Quốc tìm cách xóa tội đã ỉm thông tin về tầm mức nguy hiểm của virus corona chủng mới, để rồi, cả thế giới rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình muốn ghi một bàn thắng quan trọng với công luận trong nước rằng Trung Quốc không chỉ giúp đỡ các nước chậm phát triển, mà ngay cả những nền công nghiệp hàng đầu của thế giới, như Ý hay Pháp trong câu lạc bộ G7 cũng phải chịu ơn Bắc Kinh.
Dù vậy giới quan sát đặt nhiều nghi vấn về lòng tốt của Trung Quốc. Trên báo L’Obs (ngày 27/03/2020) nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Lyon nêu thẳng vấn đề : những lô hàng của Trung Quốc chở sang châu Âu là hàng biếu hay là hàng xuất khẩu ? Về điểm này chuyên gia Antoine Bondaz trả lời :
"Có hai loại hàng được chuyển đến châu Âu : hàng tặng không và hàng xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc hay các quỹ từ thiện, các nhà mạnh thường quân Trung Quốc tặng không cho châu Âu khẩu trang. Nhưng đại đa số còn lại là hàng Trung Quốc bán cho châu Âu. Madrid đặt mua hơn 500 triệu khẩu trang y tế, 1.000 máy trợ thở. Đây là một thương vụ xuất nhập khẩu bình thường, nhưng lại rất quan trọng ở hai điểm.
Thứ nhất châu Âu đang có nhu cầu rất lớn về trang thiết bị y tế, về quần áo bảo hộ, về khẩu trang và máy hô hấp... Châu Âu không có khả năng đáp ứng nhu cầu đó thành thử ra Trung Quốc lợi dụng thời cơ mở rộng thị phần. Cuối tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc sản xuất trung bình 20 triệu khẩu trang một ngày, giờ đây công suất đạt 120 triệu.
Điểm thứ nhì cần lưu ý là Trung Quốc bắt buộc phải khởi động lại cỗ máy xuất khẩu. Giờ đây nhu cầu lớn nhất tập trung vào trang thiết bị y tế. Hơn thế nữa, khủng hoảng y tế lần này là một cơ hội đối với các tập đoàn Trung Quốc. Thí dụ, Alibaba đề nghị một phương pháp đọc ảnh  X quang qua đó giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Hoa Vi thì đã tăng tốc các dịch vụ internet cho phép ngày càng nhiều các công ty trên thế giới hội họp qua video".
Nói cách khác, Trung Quốc không chỉ tập trung vào việc may khẩu trang y tế, hay cung cấp quần áo bảo hộ mà còn đang chứng minh thế thượng phong của các doanh nghiệp nước này trong lĩnh vực công nghệ cao phục vụ cho y tế.
Một điểm khác nữa Antoine Bondaz, thuộc quỹ FRS của Pháp, đã nêu với RFI Việt ngữ đó là với dịch Covid-19 lần này, Bắc Kinh còn đang tìm cách quảng bá với phương Tây ngành y học cổ truyền Trung Quốc, Ông lưu ý : "đừng quên rằng dược phẩm đông y chiếm một phần quan trọng trong ngành công nghệ bào chế thuốc của nước này (…) Sau khi đã chinh phục nhiều nước Đông Nam Á , Bắc Kinh muốn từng bước thâm nhập vào châu Âu".   
Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới
Điều không thể chối cãi là trong chưa đầy mười tuần, Bắc Kinh đã đảo ngược thế cờ. Cuối tháng 2, "khả năng sản xuất tăng thêm 450%" như báo Libération (ngày 20/03/2020) ghi nhận. Trang mạng của bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận : "Trung Quốc cung cấp đến 95% khẩu trang y tế loại được sử dụng trong các phòng mổ và 60 % khẩu trang thông dụng cho thế giới". Đâu là phép lạ cho phép Trung Quốc kiểm soát gần hết khẩu trang của thế giới ? Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích :
"Từ cuối tháng Giêng, Bắc Kinh đã huy động tất cả các cơ quan chính phủ, từ cấp Đảng đến các bộ, các công ty nhà nước để nâng cao khả năng sản xuất khẩu trang. Đúng là vào thời điểm đó và kể cả một hay hai tuần lễ đầu tháng 2, Trung Quốc thiếu khẩu trang y tế trầm trọng và phải nhập của châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu cũng đã gửi 55 tấn hàng sang giúp Trung Quốc. Nhưng trong hai tháng qua, Bắc Kinh đã tạo tất cả điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để khắc phục thiếu sót đó và Trung Quốc đã vượt qua được khó khăn này.
Điểm thứ ba nữa là ngay cả các tập đoàn trong những lĩnh vực khác cũng chuyển hướng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế. Từ thời điểm đó, Bắc Kinh huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu nội địa, và kế tới là hướng tới xuất khẩu. Tập đoàn BYD trong ngành xe hơi chuyển sang sản xuất 5 triệu khẩu trang y tế một ngày. Trong khi đó tại Pháp, phải vất vả lắm mới có được 1 triệu khẩu trang một ngày".
Trong lúc trên toàn nước Pháp có bốn nhà cung cấp khẩu trang, thì tại Trung Quốc giờ đây đang có trên 3.000 hãng xưởng lao vào cuộc. Ngoài hãng xe BYD như Antoine Bondaz vừa nêu, tập đoàn hóa dầu China Petroleum and Chemical Corporation đã đầu tư 25 triệu euro chỉ để sản xuất khẩu trang y tế.
Để đối phó với đại dịch, các chính phủ từ Anh tới Mỹ và của Liên Âu "tổng động viên" khu vực sản xuất tiếp tay với những chiến sĩ áo trắng đang trên tuyến đầu. Theo quan điểm của chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, đây là thời điểm để châu Âu định nghĩa lại về chính sách công nghiệp, xét lại xem rằng y tế có thuộc phạm trù "chiến lược hay không".
"Điểm then chốt ở đây đã được thể hiện rất rõ qua khủng hoảng lần này, đó là mức độ lệ thuộc của dây chuyền cung ứng và sản xuất tại châu Âu vào Trung Quốc. Châu Âu thừa nhân công để cũng có thể may hàng chục triệu khẩu trang như Trung Quốc nhưng đôi khi không có đủ nguyên liệu, không đủ máy may… Đó là điều châu Âu bắt buộc phải rà soát lại, phải xác định đâu là những lĩnh vực "chiến lược", y tế có nằm trong danh sách đó hay không. Thậm chí câu hỏi này còn liên quan luôn cả đến chủ quyền quốc gia nữa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là dẹp bỏ mô hình kinh tế toàn cầu".
Chuyên gia Pháp kết luận : Covid-19 đang cho phép ông Tập Cận Bình làm sống lại dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 tưởng chừng bị virus corona hạ gục. Trong cuộc điện đàm hôm 16/03/2020 với thủ tướng Ý Giuseppe Conte, nguyên thủ Trung Quốc đã đề cập tới khả năng Roma và Bắc Kinh cùng nhau xây dựng một "Con Đường Tơ Lụa Y Tế".
http://www.rfi.fr/vi/kinh-tế/20200331-trang-thiết-bị-y-tế-trung-quốc-khởi-động-lại-cỗ-máy-xuất-khẩu

Virus corona: Pháp lập cầu không vận, mua hàng trăm triệu khẩu trang Trung Quốc,

Trước đại dịch virus corona, các bác sĩ, y tá Pháp cần 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, nhưng năng lực sản xuất chỉ có 8 triệu/tuần.
Trước đại dịch virus corona, các bác sĩ, y tá Pháp cần 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, nhưng năng lực sản xuất chỉ có 8 triệu/tuần. © REUTERS/Gonzalo Fuentes
Bắc Kinh đã ngỏ lời cảm ơn Pháp do trong hội nghị truyền hình của nhóm G7 Paris đã phản đối đề nghị của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là nên dùng từ « virus Vũ Hán ». Trung Quốc đáp ứng đơn đặt hàng khẩu trang khổng lồ của Pháp, và cầu không vận bắt đầu hoạt động từ ngày 29/03/2020.
Cuối giờ chiều Chủ nhật 29/03/2020, chiếc phi cơ vận tải của Air France chở theo 100 tấn thiết bị y tế, trong đó có 5,5 triệu khẩu trang từ Thượng Hải đã hạ cánh xuống phi trường Roissy, ngoại ô Paris. Trước đó một hôm, chính phủ Pháp loan báo lập cầu không vận với Trung Quốc để đưa gấp mặt hàng mà các nhân viên y tế đang rất cần để có thể tự vệ trước đại dịch virus corona.
Theo bộ trưởng y tế Olivier Véran, Pháp đã đặt mua « hơn 1 tỉ khẩu trang » trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu từ Trung Quốc. Trước đó hai ngày, tờ Le Monde đưa ra con số khẩu trang mua của Trung Quốc là 600 triệu. Đối mặt với làn sóng bệnh nhân Covid-19 hiện nay, ngành y tế Pháp cần 40 triệu khẩu trang/tuần, nhưng Pháp chỉ có thể sản xuất 8 triệu chiếc/tuần.
Đối mặt với đại dịch, Paris mới nhận ra những khiếm khuyết về nguồn cung thiết bị y tế. Libération nêu ra vài ví dụ : hãng Air Liquide sản xuất bình oxy ở Auvergne, nhưng bị Anh mua lại và chuyển dịch sang Ba Lan. Một công ty ở Bretagne sản xuất khẩu trang nhưng không có đủ hợp đồng, đã đóng cửa năm 2018…
Từ gần hai tháng qua, các nhà máy khẩu trang ở Trung Quốc đã lần lượt mở cửa lại, và tăng tốc sản xuất. Ngày 29/2, Bắc Kinh cho biết có thể sản xuất mỗi ngày 110 triệu khẩu trang, gấp 12 lần so với trước. Ngoài 4.000 công ty trong lãnh vực này, còn được bổ sung thêm hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu trong ngành dệt may. Những tên tuổi lớn trong ngành xe hơi và điện tử cũng tham gia. Có thể kể Foxconn, nhà thầu của hãng Apple (sản lượng 2 triệu khẩu trang/ngày), và BYD chuyên về xe điện (5 triệu/ngày).
Cầu không vận hoạt động ra sao ?
Công ty Geodis phụ trách việc vận chuyển, Cơ quan Y tế công (SPF) nhận số khẩu trang được giao, còn đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh cố gắng kiểm tra chất lượng hàng, theo khả năng của mình.
Khó khăn đầu tiên là tìm được phi cơ vận tải trong lúc này. Một công ty Nga là Volga Dnepr đồng ý cho thuê hai chiếc Antonov-124, loại máy bay chở hàng lớn nhất thế giới. Kế tiếp là giấy phép hạ cánh tại Trung Quốc, được ký sau 4 ngày thay vì 7.
Sau chuyến hàng đầu tiên hôm Chủ nhật, thứ Hai 30/3 một phi cơ vận tải khác hạ cánh xuống sân bay Paris-Vatry (Marne) có khu vực dành riêng cho hàng hóa. Tiếp theo mỗi ngày sẽ có ít nhất một chuyến bằng máy bay Antonov-124, chở khoảng 100 tấn hàng với số lượng thiết bị y tế khác nhau, nhưng ít nhất khoảng 12 triệu khẩu trang mỗi chuyến. Những phi cơ vận tải này sẽ quay vòng trong nhiều tháng, tùy theo khả năng cung ứng của phía Trung Quốc.
Geodis đã thành lập đội đặc nhiệm gồm khoảng 20 người, gồm một số tại Paris, số còn lại ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Công ty còn phải liên lạc thường xuyên với 4 nhà máy sản xuất khẩu trang Trung Quốc để cập nhật số lượng hàng, nhằm tính toán phương tiện trung chuyển. Dùng container là nhanh nhất, nhưng lại lãng phí 30 đến 40% khối lượng hàng chở được, còn chất lên các palette phải mất thêm 6 tiếng đồng hồ. Khi đến nơi, hàng sẽ được chuyển xuống dưới sự giám sát của cảnh sát.
Vấn đề hàng giả, hàng dỏm
Tuy vậy theo Le Figaro, một số nguyên liệu như dây thun đang khó tìm, và một số chuyến hàng có thể bị chậm trễ. Chưa kể vấn nạn hàng giả, hàng dỏm nhận ra trong những tuần lễ gần đây do thị trường đang rất nóng.
Tại Tây Ban Nha, 340.000 bộ xét nghiệm nhanh mua của công ty Trung Quốc Easy Biotechnology ở Thâm Quyến không sử dụng được vì độ nhạy chỉ có 30% so với yêu cầu là 80%. Sau khi 8.000 lần xét nghiệm cho ra kết quả không thuyết phục, Madrid đã gởi trả 58.000 bộ đầu tiên về nơi sản xuất. Đại sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha thú nhận, công ty này được phép bán sản phẩm nhưng lại chưa được chứng nhận chất lượng.
Còn ở Hà Lan, AFP cho biết chính quyền đã nhập khẩu từ Trung Quốc 1,3 triệu khẩu trang loại FFP2 và phân phối cho các bệnh viện. Đây là loại khẩu trang chận được những giọt bắn rất nhỏ, giúp bảo vệ các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Tuy nhiên nhiều bác sĩ y tá nhanh chóng báo động cho bộ Y Tế vì nhiều khẩu trang Trung Quốc là hàng dỏm, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Những khẩu trang này không ôm sát khuôn mặt, và màng lọc của chúng không tốt - theo kênh truyền hình công NOS.
Kết quả là Hà Lan đã phải gởi trả về Trung Quốc 600.000 khẩu trang, tức phân nửa lượng hàng đặt. Phát ngôn viên của bệnh viện Catharina d’Eindhoven nhận xét : « Có những kẻ lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để thủ lợi, bán hàng xấu với giá cao ». Một thử nghiệm thứ hai cho thấy các khẩu trang không đạt chất lượng, bộ Y Tế Hà Lan quyết định không cho sử dụng toàn bộ số hàng còn lại.
Châu Âu viện trợ âm thầm, Bắc Kinh bán hàng nhưng khoe cứu trợ thế giới
Điện Elysée nhấn mạnh sự « có qua có lại » với Trung Quốc, bác bỏ mọi tuyên truyền là Bắc Kinh « cứu vớt » châu Âu. Paris nhắc lại vào cuối tháng Giêng, chính quyền Trung Quốc đã xin Ủy Ban Châu Âu giúp đỡ, và châu Âu đã gởi tặng 56 tấn thiết bị y tế, chủ yếu là các bộ đồ bảo hộ, khẩu trang y tế và hóa chất khử trùng. Tuy nhiên châu Âu làm việc này một cách lặng lẽ để không làm mất mặt Bắc Kinh.
Ngược lại, khi vừa phục hồi Trung Quốc lại khua chuông gióng trống, để làm quên đi những sai lầm nghiêm trọng, những dối trá trong hai tháng đầu của cuộc khủng hoảng Vũ Hán. Những ngày gần đây, các chuyến hàng khẩu trang, găng, máy thở gởi sang Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Serbia và Pháp, được kèm theo chiến dịch tuyên truyền quy mô, tạo ấn tượng Trung Quốc đang đi « cứu » thế giới.
Một nguồn tin ở Elysée nói với Le Monde, trong đại dịch này thế mạnh địa chính trị đã chuyển sang phía Trung Quốc và một phần về phía Nga. Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh, tự cho là đã vượt qua khủng hoảng, đánh bại con virus và nay giúp đỡ toàn thế giới, với mục tiêu ngắn hạn là châu Âu. Trước mắt cần chấp nhận thực trạng là Pháp cần những khẩu trang này, nhưng về lâu về dài cần xem lại về sự lệ thuộc kinh tế.
Cũng theo Le Monde, gần đây đã có những cuộc điện đàm giữa tổng thống Emmanuel Macron với chủ tịch Tập Cận Bình, giữa hai ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Vương Nghị. Tờ báo tiết lộ thêm, Bắc Kinh qua đó đã cảm ơn Pháp - trong hội nghị truyền hình của nhóm G7 Paris đã phản đối đề nghị của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là nên dùng từ « virus Vũ Hán ». Theo ông Pompeo, không nhìn nhận trách nhiệm trực tiếp của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thảm họa này là một dạng đồng lõa thụ động. Cuộc thảo luận diễn ra hết sức gay gắt !
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, rõ ràng « ngoại giao khẩu trang » của Trung Quốc đang phát huy thế mạnh.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200330-virus-corona-pháp-lập-cầu-không-vận-mua-hàng-trăm-triệu-khẩu-trang-trung-quốc


Geen opmerkingen:

Een reactie posten