vrijdag 10 april 2020

Chùa Việt, chốn bình yên của nhiều người Việt Nam tại Pháp + Hồng Hiên Tự : Ngôi chùa trăm tuổi tại Pháp, cổ nhất châu Âu

Chùa Việt, chốn bình yên của nhiều người Việt Nam tại Pháp

Phần âm thanh 09:28
Linh Sơn tự viện ở Joinville-Le-Pont, ngoại ô phía đông Paris.
Linh Sơn tự viện ở Joinville-Le-Pont, ngoại ô phía đông Paris. Wikimedia Common.
Tròn một tháng sau dịp lễ Giáng Sinh và Tết tây, người Việt lại đón Tết Nguyên Đán. Dỡ cây thông trang trí Noel, nhiều người ở Pháp lại trang hoàng nhà cửa, mua cành đào, cây quất, cắm lọ hoa, gói bánh chưng đón chào thời khắc bước sang năm Canh Tý 2020.
Và đây cũng là dịp bà con tạm gạt sang một bên những lo toan thường nhật để đón một cái Tết ấm cúng. Với nhiều người sống xa quê, đi chùa là một hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Không chỉ đi lễ, cầu cúng, với họ, lên chùa là để tìm về chốn thanh bình, để tâm an lạc.
Nhân dịp Tết Canh Tý, RFI có dịp trò chuyện với nhiều người Việt Nam sinh sống tại Pháp. Dù mới sang học tập, làm việc hay đã định cư lâu năm nơi đây, họ cũng đều duy trì thói quen đi chùa, thậm chí nhiều người còn đi chùa nhiều hơn so với khi còn ở quê nhà. Đó là trường hợp của chị Thúy Hằng, sống tại ngoại ô Paris. Chị chia sẻ:
« Tôi tên là Hằng, tôi sang Pháp đã được 13 năm rồi. Tôi cũng hay đi chùa bên Pháp. Một năm thì thường vào các dịp lễ Tết và rằm hay là lễ Phật Đản thì tôi sẽ đi chùa với gia đình. Thường thì tôi hay đi chùa ở gần nhà. Đó là chùa Linh Sơn và chùa Quan Âm. Những chùa này thì tôi thường đi vào dịp rằm, hay khi có giỗ cúng người thân bên gia đình nhà chồng, bởi vì gia đình chồng tôi đã sống ở đây được 40 năm rồi. Hoặc là đôi khi cần cho tinh thần mình khuây khỏa, hoặc cần cầu khấn điều gì đó thì mình cũng hay đi chùa.
Còn vào những dịp lễ lớn như là Tết, hay Trung Thu, lễ Phật Đản thì tôi đi những chùa lớn hơn. Đó là chùa Khánh Anh ở Evry. Chùa này là chùa lớn nhất ở Pháp, đúng hơn phải nói là chùa lớn nhất châu Âu. Thường thì lúc đi chùa tôi hay đi với cả gia đình luôn, và có cả má chồng, chồng, các anh chị em bên nhà chồng và cả các cháu nữa.
Ở Việt Nam, tôi cũng hay đi chùa, nhưng có lẽ là không thường xuyên như ở bên Pháp, vì ở Việt Nam mình chỉ đi vào những dịp lễ tết thôi. Tuy nhiên, lúc sang Pháp mình cũng may mắn vì gia đình chồng là người Việt Nam ở đây đã lâu rồi. Má chồng mình rất là thích đi chùa nên mình cũng có dịp để đi theo.
Vào những dịp như là Tết ta thì tôi cũng ráng cùng chồng và má chồng đi lễ chùa vào trước nửa đêm để mình đi hái lộc. Cái này cũng là một cái hay vì ở bên Pháp không có không khí Tết như ở Việt Nam đâu, bên này họ chỉ có tổ chức dịp Noel hay Tết tây thôi, còn Tết Việt Nam là hoàn toàn không có không khí. Nếu mình ở xa, nơi đất khách quê người, để duy trì được truyền thống hay không khí Tết thì mình phải tự tạo ra bằng cách mình đi đến chùa lễ rồi đi hái lộc đầu năm, 12h đêm, 1h sáng chùa vẫn mở cửa ».
Đi lễ chùa vào đúng thời khắc giao thừa cũng là thói quen của chị Đinh Thị Hồng Thêu, một nghiên cứu sinh tại Pháp. Chị Hồng Thêu chia sẻ: « Tết Nguyên Đán thì mình cũng vẫn định đến chùa Hoa Nghiêm. Mọi năm thì mình cũng vào chùa Hoa Nghiêm hoặc có dự lễ giao thừa trong đó. Còn năm ngoái thì không vào được vì con trai mình bị ốm đúng dịp đấy. Năm trước thì mình cũng vào, năm mới sang thì mình cũng vào trong đó, có hái lộc, có lễ cúng giao thừa.
Mình có thể rút thẻ, như ở Việt Nam gọi là thẻ, nhưng ở đây mình rất ấn tượng với việc là các sư thầy sư cô có trích những câu từ Kinh Pháp Cú. Mình với bạn mình mỗi người rút một cái rất ngẫu nhiên thôi nhưng cảm thấy rất đúng với chính bản thân mình, ai cũng cảm thấy ngạc nhiên sao đúng thế, rồi sau đó cũng có làm lễ, có đầy đủ hết các thủ tục, có cảm giác thân thuộc như mình vẫn ở Việt Nam ».
Sang Pháp, trong năm, chị Hồng Thêu vẫn giữ thói quen đi chùa như hồi còn ở Việt Nam. Chị giải thích thêm: « Tôi ở Pháp đã được 3 năm và tôi đã đi khá nhiều chùa ở Pháp. Tôi là người rất thích đến các chùa, bởi vì tôi luôn tìm thấy sự bình yên, an lạc bên trong khi đến chùa, chùa ở Việt Nam cũng thế mà ở Pháp cũng thế. Nhưng có lẽ ở Pháp bận hơn một chút và chùa ở Pháp thì không gần và không dễ để đi như chùa ở Việt Nam nên tôi đi cũng ít hơn, nhưng so với mọi người thì tôi đi cũng khá là nhiều.
Các chùa ở Paris mà mình đi thì khá nhỏ nhưng mà khá là đẹp, khá bình yên. Khi đến chùa ở Pháp thì thấy không rộng như ở Việt Nam, hoặc là do tôi chỉ đi một số chùa nhỏ nhỏ bên này, nhưng thấy cảm giác rất thân thiện, gần gũi, rất là dễ chịu, mình rất dễ gặp các quý sư thầy, sư cô trong chùa ở Pháp để nói chuyện, để có thể hỏi, có thể nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của các sư thầy, sư cô bên này.
Ở Paris, chùa mà tôi hay đi nhất chính là chùa Hoa Nghiêm. Chùa Hoa Nghiêm ở Villeneuve Le Roi. Đây là chùa mà tôi được sư thầy của tôi ở Việt Nam giới thiệu khi tôi sang Pháp. Khi tôi bắt đầu Pháp, sư thầy có cho tôi địa chỉ liên lạc của sư cô ở chùa Hoa Nghiêm. Đây là chùa mình hay đi nhất. Trước đây, mình hay đi vào cuối tuần, nhưng sau này thì công việc khá bận, mình lại có con nhỏ bên này nữa, chùa lại không gần nên mình cũng đi ít hơn, nhưng đây vẫn là chùa mình đi nhiều nhất. Vì chùa có hai sư cô cũng khá lớn tuổi, vào đấy mình có thể giúp được các sư cô, giúp chùa những việc công quả như là dọn dẹp hay tham gia vào quá trình nấu nướng và được tham gia làm lễ.
Ngoài ra, tôi có đi Thiền Viện Trúc Lâm để ngắm cảnh, đi chùa Khuông Việt. Tôi có đi một số chùa ở tỉnh, ví dụ như chùa ở Noyant, chùa ở Lille, chùa Hộ Quốc ở Lille, chùa Pháp Vương ở Noyant. Khi sang Đức thì cũng có đi Viện Phật học ứng dụng châu Âu, tức là một nhánh của Làng Mai, của thiền sư ông Thích Nhất Hạnh ».
Dù thường xuyên có dịp đi lễ chùa hay không, đi chùa nào đi chăng nữa thì với nhiều bà con, lòng thành tâm vẫn là quan trọng nhất. Đó cũng là chia sẻ của anh Kiều Ân, một người sống xa Việt Nam đã hơn hai chục năm.
« Gia đình tôi ở Pháp cũng được hơn 20 năm rồi. Hàng năm thì nhà tôi cũng hay đi chùa, thường là vào những dịp quan trọng, chẳng hạn như vào Tết âm lịch hoặc Lễ xá tội vong nhân. Nói chung là gia đình chúng tôi cũng cố gắng đi chùa, khi nào có thời gian thì chúng tôi thường cố gắng lên chùa chơi. Gia đình tôi đã đi hầu hết các chùa ở vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận), chẳng hạn như chùa Trúc Lâm, chùa Khánh Anh, hoặc chùa Linh Sơn. Về cơ bản, tôi không thấy chùa ở bên Pháp khác chùa ở Việt Nam lắm và vào những dịp lễ lớn thì tôi thấy cũng có nhiều bà con đi chùa.
Tết năm nay thì gia đình tôi cũng cố gắng bố trí thời gian để đi chùa vì đây là dịp quan trọng đầu năm. Các cháu nhà tôi cũng rất thích đi chùa, các cháu nói với tôi là lên chùa rất là thanh bình và các cháu cũng rất thích ăn cơm chay ở chùa. Tôi nghĩ là đi chùa nào không quan trọng, vì chùa nào cũng thờ Đức Phật, quan trọng là lòng thành tâm của mình thôi! »
Đa phần những người được RFI phỏng vấn đều nói chùa mà họ đi thường không mấy khác biệt so với ở Việt Nam. Còn chị Thúy Hằng cho biết thêm : « Thường thì chùa ở Việt Nam mình thấy rất đẹp, yên tĩnh hơn, còn ở Pháp chùa hay được xây ở những nơi gần đường đi nên không yên tĩnh bằng ở Việt Nam. Tuy nhiên, chùa bên Pháp cũng có những cái hay riêng, rất sạch sẽ và văn minh. Những người đến chùa đa phần là người Việt hoặc người Tàu, còn người Lào, Thái, Campuchia thì họ thường đi những chùa khác. Còn những chùa mà mình biết đến thì thường thường người Việt Nam và người Tàu có rất là nhiều.
Khi đến chùa, mỗi khi đến dịp như rằm hay lễ tết thì trong chùa họ hay làm công quả. Có những người đến làm công quả, người ta làm những món ăn chay để bán cho những người đi lễ chùa mua, mà họ làm rất là ngon. Chính vì thế trẻ con, khi đi cùng bố mẹ, cũng rất thích, thích ăn đồ ăn chay. Sau khi họ bán đồ ăn chay cho những người đi lễ chùa, thì tiền họ thu được họ sẽ cho vào quỹ để chùa có thêm tiền tu bổ, hoặc họ làm các chương trình từ thiện nữa. Đó là điều tôi rất thích ở bên Pháp ».
Chùa Hoa Nghiêm, Linh Sơn, Khánh Anh … là những cái tên quen thuộc với người Việt Nam tại Paris và vùng phụ cận. Nhưng không chỉ có người Việt đến lễ chùa, có những người Pháp, nhất là những người lập gia đình với người Việt và rất gắn bó, có tình cảm “sâu nặng” với Việt Nam cũng rất thích chùa Việt. Đi lễ chùa cũng là dịp để họ gặp gỡ, giao lưu người Việt và tìm được cảm giác yên bình. Đó là trường hợp của anh Benjamin Couéraud, sống ở ngoại ô Paris. Trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 19/01/2020, anh chia sẻ bằng tiếng Việt :
« Có những người Việt Nam thích đi chùa thường xuyên, tức là đi mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn. Nhưng mà tôi không thường xuyên đi chùa, tôi chỉ đi chùa vào những ngày lễ hội như là Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, lễ Phật Đản và lễ Vu Lan nữa. Sắp tới, có Tết Nguyên Đán thì tôi sẽ tham gia hoạt động của chùa Hoa Nghiêm.
Ở Việt Nam, tôi đã đi mấy chùa ở Hưng Yên và đi chùa Ốc ở Cam Ranh. Còn ở Pháp thì tôi đi chùa Linh Sơn ở Joinville Le Pont và chùa Hoa Nghiêm ở Villeneuve Le Roi. Tôi cảm thấy như ở Việt Nam 100% và tôi có thể gặp rất nhiều người Việt Nam. Ngoài việc làm lễ thì luôn có bữa ăn cơm với tất cả mọi người. Họ là những người liên kết với chùa, bỏ ra rất nhiều công sức để chuẩn bị một bữa ăn chay rất ngon và miễn phí cho tất cả những người đến. Đây là một cơ hội rất lớn để gặp người Việt Nam, nói chuyện và trao đổi.
Tôi không tham gia hoạt động tôn giáo khi có nhiều người vì cảm thấy không thoải mái, nhưng khi nào có ít người thì tôi thích lên chùa và suy ngẫm. Thỉnh thoảng lại gặp người giải thích thêm cho mình về Phật giáo, tôi rất thích. Thêm nữa, con gái tôi rất thích đi chùa, nó cảm thấy đó là nơi rất yên bình và thiêng liêng, cho nên nó đặt rất nhiều câu hỏi. Tôi có thể nói chuyện với những người trong chùa để trả lời nó. Có một bí mật, một chi tiết nhỏ nhỏ là tôi rất thích mùi thơm, khi đi chùa người ta đốt hương rất nhiều là tôi rất thích. Tôi cảm thấy đó là nơi rất yên bình. »
Bình yên khi đi chùa là cảm giác được nhiều người nhắc tới nhất khi được RFI phỏng vấn. Đối với họ, đi chùa không chỉ là để cầu khấn mà còn là để tìm được sự bình an trong tâm hồn và thấy lại được cảm giác “thân thuộc như đang ở Việt Nam”.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200124-chùa-việt-người-việt-nam-tại-pháp

Hồng Hiên Tự : Ngôi chùa trăm tuổi tại Pháp, cổ nhất châu Âu

Phần âm thanh 09:11
Tượng Đức Phật nhập niết bàn, dài hơn 9 mét, tại chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.
Tượng Đức Phật nhập niết bàn, dài hơn 9 mét, tại chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp. RFI / Tiếng Việt
Tròn 100 tuổi vào năm 2019, Hồng Hiên Tự là ngôi chùa cổ nhất châu Âu. Được những người lính Việt đóng quân tại Pháp trong Thế Chiến I xây dựng, ngôi chùa là nơi để những người con xa quê tiếp tục thờ Phật và là nơi để tưởng nhớ những đồng hương hy sinh vì nước Pháp.
Nằm ở Fréjus, một thành phố nhỏ ở vùng Côte d’Azur (French Riviera, miền nam nước Pháp), Hồng Hiên Tự nổi bật từ xa với cổng tam quan sơn đỏ và những bậc thang nối tiếp nhau dẫn lên đỉnh đồi nơi chùa tọa lạc. Hai bên cầu thang là hàng tượng chư Phật như dõi theo bước chân khách hành hương đến vãn cảnh chùa.
Nổi bật trong khuôn viên rộng 6.100 m2 là hàng trăm bức tượng đầy mầu sắc thể hiện những vị Phật, các vị la hán và anh hùng dân tộc Việt Nam, trong đó ấn tượng nhất là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, dài hơn 9 mét và một bức tượng bằng đồng cao 2 mét, nặng 1,5 tấn được đúc ở Thái Lan và được đưa về chùa năm 1979. Bức tượng thể hiện đức Phật đang thiền dưới bóng cây bồ đề trong vòng 49 ngày trước khi thành đạo.
Khi mới được thành lập năm 1919, chùa mang tên chùa Gallieni để tưởng nhớ đại tướng Joseph Gallieni (1849-1916), từng làm bộ trưởng bộ Chiến Tranh và là người cho thành lập các « Doanh trại Đông Nam » từ năm 1915, dành cho lính bộ binh thuộc địa.
Tên gọi Hồng Hiên được hòa thượng Thích Thanh Vực đặt sau này. « Hồng » lấy từ chữ Lạc Hồng của dòng máu, nòi giống Việt ; « Hiên » là hiên ngang, khí phách. Ở chùa vẫn còn câu đối nhắc nhở đến ý nghĩa tên gọi này : « Hồng Lạc linh căn phương Việt địa, Hiên ngang hùng khí tráng Âu thiên ».
Bà Brigitte Sabattini, giảng viên đại học Aix-Marseille (Aix-Marseille Université, AMU), chuyên gia về di sản, đã dành cho RFI Tiếng Việt một buổi phỏng vấn về lịch sử chùa Hồng Hiên.
*******
RFI : Là một nhà nghiên cứu và tổ chức rất nhiều hội thảo về những người lính Đông Dương tại Pháp trong Thế Chiến I, cũng như cộng đồng Việt-Pháp sau này, xin bà phác một chút về lịch sử chùa Hồng Hiên.
Brigitte Sabattini : Ngôi chùa được xây ở Fréjus, sau Thế Chiến I, nhờ những người lính Đông Dương đóng ở « doanh trại Đông Nam » (Camps du Sud-Est). Trong tiểu đoàn 73 bộ binh dự bị Sénégal, có rất nhiều đại đội lính Đông Dương, trong đó có người Việt và dường như chính họ đã xây chùa. Ngôi chùa được khánh thành ngày 06/04/1919.
Nhờ một mục nhỏ trên tờ Le Petit Marseillais, người ta biết rằng một thành viên hoàng tộc An Nam cũng tham gia dự án xây ngôi chùa. Người này làm thư ký cho đại đội 1, thuộc tiểu đoàn 73. Ngoài ra, còn có tên của hai đại úy chỉ huy các đại đội lính Đông Dương, thuộc tiểu đoàn dự bị Sénégal. Vẫn theo bài báo, ngôi chùa được dành để tưởng nhớ những người lính Đông Đương tử trận vì nước Pháp trong Thế Chiến I.
Tại sao lại chọn Fréjus ? Đơn giản là ngay cạnh doanh trại Gallieni có một nghĩa trang với hơn 5.210 ngôi mộ, trong số này có khoảng 230 đến 300 mộ lính Đông Dương. Họ chết ở Fréjus trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Thực vậy, khi bị ốm hoặc không đủ khả năng ra mặt trận, họ ở lại tiểu đoàn dự bị. Nguyên nhân tử vong thường là do bệnh tật hoặc do vấn đề đường hô hấp. Nhưng ở Fréjus, có rất ít trường hợp người lính qua đời vì bị thương ở chiến trường.
Xin bà cho biết quá trình xây chùa diễn ra như thế nào ?
Chúng tôi biết là ngôi chùa được những người lính đó xây trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1919, nhưng chúng tôi không có văn bản chính xác về quá trình xây dựng.
Tuy nhiên, dựa vào công việc của những giám thị thời kỳ đó, chúng tôi biết rằng quân nhân Đông Dương được giao nhiệm vụ xây những khu nhà kiên cố ở Fréjus từ năm 1917, đặc biệt là trong doanh trại Caïs, một trong một những doanh trại lớn nhất và hiện vẫn tồn tại, họ xây cơ quan chỉ huy trong suốt mùa đông 1917-1918.
Tiếc là tôi không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào nói rõ về quá trình xây chùa. Điều tôi chắc chắn là ngôi chùa được chỉ huy trung đoàn 15 khánh thành ngày 06/04/1919.
1/7
Cổng tam quan dẫn vào lên chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.Cổng chùa Hồng Hiên (nhìn từ sân chùa), Fréjus, Pháp.Hàng tượng dọc cầu thang dẫn lên chùa Hồng Hiên (nhìn từ trên cao), Fréjus, Pháp.Hàng tượng trong khuôn viên chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.Tượng trong chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.Bia giới thiệu chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.Điện thờ chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp.
Cổng tam quan dẫn vào lên chùa Hồng Hiên, Fréjus, Pháp. © RFI / Tiếng Việt
Chức năng của chùa trong thời kỳ đầu và hiện nay dường như có nhiều điểm khác nhau ?
Thực ra, ngôi chùa có hai chức năng. Thứ nhất, đó là nơi tưởng nhớ những người lính Đông Dương hy sinh vì nước Pháp ; thứ hai, chùa cũng là để những người lính Đông Dương tiếp tục thờ Phật theo truyền thống tôn giáo của họ. Sau này, vẫn có nhiều quân nhân Việt Nam tiếp tục phục vụ trong những đội quân thuộc địa tại Pháp cho đến khoảng những năm 1962.
Trong thời kỳ này, có một dấu mốc mang ý nghĩa rất quan trọng, đó là năm 1926, khi Ủy ban Tưởng niệm Đông Dương (Comité du Souvenir indochinois) đứng ra thờ cúng liệt sĩ Đông Dương tại Pháp vì đây là một truyền thống quan trọng của người Việt. Ủy ban này gồm một người lính Đông Dương và hai cựu chiến binh Pháp tham chiến ở Đông Dương, trong đó có đại tá Lame, từng là chỉ huy doanh trại Đông Nam và đã phục vụ ở Đông Dương trong thời gian rất dài. Đại tá Lame đã yêu cầu Ủy ban cho trùng tù ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là đợt trùng tu đầu tiên của ngôi chùa.
Nhờ một bộ phim có cảnh quay ở chùa, nên Hồng Hiên Tự trở nên nổi tiếng. Không chỉ còn là nơi tưởng niệm, thờ phụng, ngôi chùa còn là một điểm du lịch nổi tiếng ngay thời đó. Vì thế, du khách nước ngoài đến vùng Rivera hoặc các đoàn du lịch do các doanh nghiệp tổ chức cho nhân viên, khi tới vùng này, đều đến thăm chùa như là một địa điểm tượng trưng cho nghệ thuật Đông Dương.
Dĩ nhiên là với thời gian, như trong Thế Chiến II, đặc biệt là giai đoạn hậu chiến, ngôi chùa không được chăm sóc thực sự. Kể từ năm 1962, khi các đội quân thuộc địa bắt đầu tan rã và bị thuyên chuyển, người ta bắt đầu đặt câu hỏi làm gì với ngôi chùa. Cuối cùng, một hiệp hội gồm con cháu của những người lính Việt đã đứng ra nhận chăm sóc ngôi chùa. Ban đầu là họ được thuê chùa và cho trùng tu lại toàn bộ. Phải nhắc lại là bộ Văn Hóa Pháp lúc đó chưa có những tiêu chí như bây giờ nên chùa Hồng Hiên không được coi là một di sản kiến trúc hoặc di sản phi vật thể.
Lúc đầu là thuê, sau đó ngôi chùa được bán lại cho hội. Hội chăm sóc điện thờ cũng như bia ghi công liệt sĩ, hiện vẫn tồn tại. Đây là bằng chứng cho thấy mục đích đầu tiên của chùa là nơi tưởng nhớ những người lính hy sinh vì nước Pháp trong Thế Chiến I. Cuối cùng, chùa cũng trở thành nơi thờ cúng cho cộng đồng người Pháp-Việt ở trong vùng.
Ngoài trùng tu chùa Hồng Hiên, hội còn xây một ngôi nhà khác, dành để đón tiếp và làm nơi ở cho các vị sư và có một vị hòa thượng trụ trì. Đáng tiếc là cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, giữa các vị sư và hội đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến một số vấn đề mà hiện chúng tôi hy vọng có thể giải quyết vì tương lai của chùa.
Dù sao, đây là nơi tuyệt đẹp mà mọi người nên đến thăm và là bằng chứng cho sự hiện diện của người Việt ở Fréjus ngay từ Thế Chiến I.
Tìm hiểu lịch sử của chùa Hồng Hiên nằm trong chương trình nghiên cứu bảo tồn di sản mà bà phụ trách, bà có cảm nhận như thế nào về ngôi chùa ?
Có ba điểm khiến tôi rất ấn tượng. Thứ nhất, đó là công trình thuật lại cuộc sống của đức Phật, trong đó có một cảnh nói về lúc đức Phật chào đời, một cảnh về bài thuyết giáo đầu tiên của ngài ở Benares (còn gọi là Varanasi). Bên cạnh những sự tích về Phật, còn có tượng đức Phật ngủ trên niết bàn dài hơn 9 mét.
Ngoài ra, còn có hai loại tượng, được một sinh viên thạc sĩ gọi là “khu lịch sử Việt Nam”. Ở đây có rất nhiều tượng đá được chạm khắc tinh xảo về những vị anh hùng Việt Nam, từ những vị vua đến những nữ anh hùng. Nhờ đó, ngôi chùa được mở rộng sang cả thiên hướng lịch sử Việt Nam.
Khoảng sân trước chùa còn có rất nhiều tượng các vị la hán. Đó là những tác phẩm tuyệt đẹp, nhắc đến những vị thánh chưa đạt đến cấp độ cao nhất của cõi niết bàn.
Tất cả những chi tiết trên cho thấy chùa Hồng Hiên giúp chúng ta hiểu được lịch sử của cộng đồng người Việt-Pháp, từ vết tích của những người lính Việt hy sinh vì nước Pháp cho đến nghi thức thờ cúng hiện nay. Ngoài ra, chùa còn có tháp An Lạc thờ vong hồn và là nơi chứa tro cốt của những người quá cố thời nay.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Brigitte Sabattini, giảng viên đại học Aix-Marseille.
http://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20190819-hong-hien-tu-ngoi-chua-tram-tuoi-tai-phap-co-nhat-chau-au

Geen opmerkingen:

Een reactie posten