zaterdag 18 april 2020

Covid-19 : Thách thức nghiệt ngã cho người nghèo + Các cường quốc G20 hoãn một phần nợ cho 77 nước nghèo : khoảng 14 tỉ đô la, trên tổng số 32 tỉ đô la tiền nợ

Covid-19 : Thách thức nghiệt ngã cho người nghèo


Phần âm thanh 09:59

Trẻ em Kenya tại một khu ổ chuột, ở Nairobi xếp hàng chờ lấy nước do chính phủ cấp miễn phí, ngày 07/04/2020.
Trẻ em Kenya tại một khu ổ chuột, ở Nairobi xếp hàng chờ lấy nước do chính phủ cấp miễn phí, ngày 07/04/2020. AFP - GORDWIN ODHIAMBO
Covid-19 làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội ở Mỹ và có nguy cơ đẩy nửa tỷ người dân trên thế giới vào cảnh bần hàn ; Thủ tướng Anh vắng mặt vì nhiễm bệnh, ngoại trưởng tạm điều hành với quyền lực hạn chế; Quân đội Pháp bị virus corona tấn công và tại Rumani, bác sĩ từ nhiệm vì sợ nhiễm Covid-19. Trên đây là nội dung chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Nửa tỷ dân rơi vào cảnh bần cùng vì Covid-19

Những nỗ lực đẩy lùi tình trạng đói nghèo của thế giới từ nhiều thập niên qua có nguy cơ trở thành « dã tràng xe cát ». Tổ chức Oxfam, ngày 09/04/2020, trong báo cáo mang tựa đề « Cái giá của nhân phẩm » báo động nửa tỷ người dân, tức khoảng 10% dân số thế giới có nguy cơ bị rơi vào cảnh bần cùng, vì dịch bệnh virus corona chủng mới.
Các nước đang trên đà phát triển ở châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh đặc biệt bị tác động mạnh. Oxfam kêu gọi các nước trong khối G20 và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khẩn cấp lập kế hoạch cứu trợ tức thì để tránh bất ổn xã hội. Trả lời câu hỏi của RFI, Robin Guittard, phát ngôn viên Oxfam tại Pháp, cho biết thế giới nên có những giải pháp nào để hỗ trợ các nước nghèo.
« Cần phải biết rằng đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Phi, vào thời điểm này, dịch virus corona trước khi là một cuộc khủng hoảng dịch tễ đã là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Bởi vì nguyên nhiên liệu rớt giá thê thảm, hay nếu khoảng hơn 80 tỷ đô la đầu tư bị rút đi… thì người ta không thể nào để nửa tỷ dân rơi vào cảnh nghèo đói trong tương lai.
Nếu như có sự bất ổn, nghèo đói sẽ còn lan rộng hơn nữa, và điều này sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn nữa trong tương lai để đối phó nếu như chúng ta không làm gì hết ngay từ bây giờ. Thế nên cần có tình liên đới, cần tái phân bổ các nguồn tài nguyên ở cấp độ toàn cầu.
Chính vì điều này, chúng tôi đặc biệt kêu gọi hủy trả nợ cho năm 2020, để có thể cung cấp tiền mặt tức thì cho các nước nghèo nhất và ở cấp độ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, định chế này nên giải ngân 1.000 tỷ đô la thông qua điều mà chúng tôi gọi là 'thành lập tiền tệ', nghĩa là IMF có khả năng in tiền để có thể phân chia cho các nước nghèo nhất ».

Covid-19 : Người Mỹ gốc châu Phi là những nạn nhân chính

Tại Mỹ, dịch virus corona tràn đến như những cơn sóng thần: Hơn 16.500 người chết và hơn 460 ngàn ca nhiễm bệnh tính đến sáng ngày 10/04/2020. Cũng như bao nhiêu nơi khác, người cao tuổi là những đối tượng tấn công chính của virus corona chủng mới. 
Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Anne Corpet tại Washington, phần đông nạn nhân của Covid-19 là cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi. Bản thân tổng thống Donald Trump cũng nhìn nhận tình trạng này.
« Tại Chicago, tỷ lệ người da đen chết vì virus corona cao gấp 6 lần so với người da trắng. Bang Louisiana cũng vậy, 70% bệnh nhân tử vong đều thuộc cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi, vốn chỉ chiếm có 32% dân số của bang. Tình trạng này tương tự tại các bang Michigan, New Jersey hay North Carolina.
Hiện chưa có các số liệu trên cấp độ toàn quốc, nhưng người da đen chiếm tỷ lệ cao trong số các nạn nhân của đại dịch. Có nhiều nguyên nhân : Người Mỹ gốc châu Phi sống chủ yếu ở trung tâm thành phố trong những khu vực có mật độ dân cư đông hơn ; Phần đông làm những công việc dễ bị phơi nhiễm, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ và khó có thể làm việc ở nhà…
Đó còn là một trong những cộng đồng nghèo khổ nhất, khó tiếp cận các dịch vụ y tế, tình trạng sức khỏe của họ nhìn chung kém hơn so với những người da trắng. Người Mỹ gốc châu Phi thường mắc các chứng bệnh béo phì, hen suyễn, các vấn đề về tim mạch và phổi nhiều hơn so với các nhóm sắc dân khác, và điều này càng làm cho họ trở nên mong manh hơn trước con virus.
Tóm lại, dịch bệnh chỉ làm cho chiếc hố ngăn cách xã hội đã có ở Mỹ càng thêm sâu thẳm ! »

Anh : Thủ tướng nhiễm Covid-19, ngoại trưởng tạm quyền

Tại Anh, thủ tướng Boris Johnson nhập viện điều trị tăng cường vì nhiễm Covid-19. Vì không có phó thủ tướng, việc điều hành đất nước được tạm trao cho ngoại trưởng Dominic Raab.
Trên đài RFI, bà Florence Faucher, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Chính trị đối chiếu lưu ý rằng quyền lực của ông Raab trong giai đoạn này là rất hạn chế.
« Ông ấy chỉ xử lý những công vụ cần phải giải quyết hiện tại và không được đưa ra các quyết định có tính chất tương lai. Những vấn đề đó sẽ phải được ông Boris Johnson xem xét, một khi ông hết bệnh. Quy trình ra quyết định tại một quốc gia, nơi có một chính phủ chịu trách nhiệm trước hết với Quốc Hội, không dựa trên một cá nhân.
Dù gì đi chăng nữa, những quyết định này phải được tập thể cùng đưa ra, thường thông qua các cuộc họp mà người ta gọi là ʺCobra Meetingʺ. Và rất có thể trong tuần tới, Boris Johnson có thể tham gia trở lại các cuộc thảo luận. Bằng không, các cuộc tranh luận sẽ diễn ra cùng với các chuyên gia.
Theo truyền thống, chính phủ Anh và nhất là thủ tướng Anh chỉ là người đứng đầu trong số các bộ trưởng ngang hàng. Mỗi bộ trưởng phải lo lấy bộ của chính mình. Trong một chiều hướng nào đó, việc tập trung quyền lực ở Anh nhẹ hơn ở Pháp. Khi có khủng hoảng, Pháp có xu hướng tập trung mọi quyền ra quyết định về điện Elysée (phủ tổng thống) ».

Covid-19 « kẻ thù tàng hình » của binh sĩ Pháp

Đang trên đường làm nhiệm vụ ở Đại Tây Dương, hàng không mẫu hạm của Pháp Charles de Gaulle phải rút ngắn hành trình và quay về Pháp. Giống như chiếc hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, giờ đến lượt lính thủy Pháp bị nghi nhiễm virus corona chủng mới.
Dịch Covid-19 dường như cũng đang âm thầm lây lan trong quân đội Pháp. Gần 4.000 ca nhiễm hay có khả năng nhiễm đã được xác định theo như tiết lộ của Ban Quân Y. Trả lời đài RFI, ông Didier Lanteri, bác sĩ, trưởng Ban Quân Y cho biết tình hình cụ thể và các phương cách đối phó.
« Chúng tôi cũng bị tác động cũng như là thường dân nói chung. Trong quân đội, chúng tôi ghi nhận có gần 4.000 ca nhiễm bệnh và rất có khả năng ở ngay cả trong bộ Quân Lực, một con số hoàn toàn phù hợp với số thống kê quốc gia.
Từ khi nước Pháp được đặt dưới lệnh phong tỏa, chúng tôi cũng chuyển sang chế độ gọi là PCA – Kế hoạch Hoạt động Liên tục. Nghĩa là ngay khi việc làm việc từ xa có thể, nhất là đối với bộ tham mưu, chúng tôi ưu tiên cho làm việc từ xa.
Còn đối với các lực lượng quân đội, chúng tôi buộc phải giảm thiểu đáng kể các công tác chuẩn bị tác chiến và huấn luyện. Chúng tôi cũng đề ra các biện pháp cho các điểm sinh hoạt tập thể và bất luận thế nào, khi chúng tôi không thể nào làm khác đi được, chúng tôi phải tuân thủ giãn cách xã hội, giống như là người dân đang làm ».

Rumani : Bác sĩ từ nhiệm vì sợ nhiễm Covid-19

Tại Pháp, để chống dịch Covid-19, chính phủ kêu gọi sự đóng góp tình nguyện của cả giới y khoa, từ sinh viên cho đến cả những người về hưu. Lời kêu gọi này đã được đông đảo người ngành y ủng hộ, kể cả những người đang làm nghị sĩ quốc hội. Thế nhưng, ở Rumani, nơi số ca nhiễm bệnh và tử vong thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, nhưng nhiều bệnh viện và thành phố phải đối mặt với tình trạng các nhân viên y tế từ nhiệm.
Thông tín viên Benjamin Ribout tại Bucarest giải thích :
« Ngày 23/03/2020, tại Arad, tây nam đất nước, 83 nhân viên bệnh viện tỉnh đã xin nghỉ phép, cộng thêm 8 bác sĩ từ nhiệm. Bệnh viện này không phải là ca đơn lẻ duy nhất, vì hiện tượng nhân viên y tế ‘‘đào ngũ’’ đang diễn ra trên khắp cả nước. Trên tuyến đầu chống dịch, giới chuyên ngành chỉ trích tình trạng thiếu phương tiện và nêu lên các nguy cơ. Nhưng đối với một vị bác sĩ khoa nhiễm xin ẩn danh này, còn có những nguyên nhân khác.
Ông nói : "Người ta từ nhiệm vì sợ hãi hay bởi vì họ cảm thấy không có năng lực. Các bác sĩ không biết là chuyện gì sẽ xảy ra cho họ. Trong khoa nhiễm của tôi, về mặt trang thiết bị, người ta có đủ những thứ cần thiết và người ta có thể chữa trị cho bệnh nhân.
Điều lo lắng chủ yếu là ở những khoa khác. Trưởng khoa và một bộ phận nhân viên hoang mang. Có nhiều mối ngờ vực vì người ta cũng không quen hợp tác với các chuyên gia khác. Tất cả những điều này cũng đến từ những vấn đề về nhân sự. Có rất nhiều người thiếu năng lực và do vậy không thể đảm nhiệm được đúng chức năng của mình."
Tình hình còn trở nên khó khăn tại một đất nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế từ nhiều năm qua. Tại Suceava, phía bắc Rumani, tâm dịch virus corona chính, một phần tư số bác sĩ và y tá đã từ nhiệm.
Vị bác sĩ trên giải thích tiếp : "Quý vị có thể hình dung được tác động sẽ ra sao tại một thành phố như Suceava, đây chính là một thảm họa. Nhiều bác sĩ rất có thể bị đưa ra xét xử, nếu việc họ từ nhiệm dẫn đến việc đóng cửa khoa và sau đó là có người chết. Đó cũng là những gì đã xảy ra cho khoa phẫu thuật, vì đã không thể chữa trị cho một thanh niên 25 tuổi có vấn đề về đường ruột. Người này đã không được chữa trị và đã qua đời".
Bối rối, chính phủ Rumani chưa cho biết phải trừng phạt những bác sĩ đó như thế nào. Cũng phải nói rõ thêm là chính phủ thuộc đảng xã hội – dân chủ tiền nhiệm đã tăng gần như gấp đôi lương bác sĩ cách nay hai năm nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân viên y tế. »
http://www.rfi.fr/vi/tổng-hợp/20200411-quoc-te-dich-benh-khoa-hoc-xa-hoi-covid19

Đại dịch Covid-19: Các cường quốc G20 hoãn một phần nợ cho 77 nước nghèo


Ảnh tư liệu : Qua cầu truyền hình, tổng thống Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 bàn về dịch Covid-19, Matxccơva, Nga, ngày 26/03/2020.
Ảnh tư liệu : Qua cầu truyền hình, tổng thống Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 bàn về dịch Covid-19, Matxccơva, Nga, ngày 26/03/2020. via REUTERS - SPUTNIK
Đại dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy hàng chục quốc gia nghèo nhất hành tinh vào tình trạng khốn cùng. Hôm qua, 15/04/2020, nhóm 20 cường quốc kinh tế thế giới (G20) đã quyết định hoãn trả nợ 14 tỉ đô la, cho 77 quốc gia nghèo. 
Theo AFP, khoảng 14 tỉ đô la, trên tổng số 32 tỉ đô la tiền nợ, đã được khối G20 chấp nhận hoãn trả. Việc trả nợ năm nay sẽ được triển hạn đến năm 2022. Trước đó, ngày thứ Hai, 13/04, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị các cường quốc hủy phần lớn các khoản nợ với các nước nghèo ở châu Phi, tuy nhiên đề nghị của Pháp hoàn toàn không có mặt trong thông cáo cuối cùng của hội nghị G20. 
Dù sao, theo bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire, đây cũng là một ‘'bước tiến quan trọng’’. Đây là lần đầu tiên, từ hàng chục năm nay, các quốc gia thuộc Câu lạc bộ Paris và một số nước khác, bao gồm Trung Quốc, cùng nhau đưa ra một quyết định như vậy. Quyết định này được giới quan sát đánh giá là một ‘‘cử chỉ nhỏ’’ đối với các quốc gia nghèo nhất hành tinh.  
Một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho Le Monde biết ‘‘việc hoãn trả nợ có thể được thực hiện ngay lập tức, trong khi việc hủy nợ đòi phải nhiều thời gian đàm phán, cho từng trường hợp một’’. 
Covid-19 có thể chặn đứng tăng trưởng của châu Á 
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo, do Covid-19, tăng trưởng của toàn bộ châu Âu có thể là 0% năm 2020. Số liệu được công bố hôm nay, 16/04. Tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, ước tính 1,2%, so với 6% dự kiến. 
Theo IMF, cho dù khu vực châu Á ít bị hậu quả của đại dịch hơn nhiều khu vực khác, tình hình khủng hoảng lần này vẫn tồi tệ hơn nhiều so với các đợt khủng hoảng trước tại châu Á. Nghiêm trọng nhất trước đó là khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khiến tăng trưởng khu vực chỉ còn 1,3%. 
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200416-đại-dịch-covid-19-các-cường-quốc-g20-hoãn-một-phần-nợ-cho-77-nước-nghèo

Geen opmerkingen:

Een reactie posten