donderdag 9 april 2020

Dịch Covid-19 : Pháp “ngộ” ra tác dụng “toàn dân đeo khẩu trang” + Pháp : 12 tỷ euro để cứu hệ thống bệnh viện công

Dịch Covid-19 : Pháp “ngộ” ra tác dụng “toàn dân đeo khẩu trang”

Cảnh sát đeo khẩu trang khi kiểm tra việc chấp hành lện phong tỏa của người dân tại Joinville-le-Pont, ngoại ô Paris, ngày 01/04/2020.
Cảnh sát đeo khẩu trang khi kiểm tra việc chấp hành lện phong tỏa của người dân tại Joinville-le-Pont, ngoại ô Paris, ngày 01/04/2020. REUTERS/ - CHARLES PLATIAU
Chính phủ Pháp bắt đầu thay đổi quan điểm về tác dụng của khẩu trang để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Không chỉ Pháp mà nhiều nước phương Tây khác từng khẳng định rằng khẩu trang là “vô ích” đối với người khỏe mạnh, chỉ người bệnh và nhân viên y tế mới phải đeo khẩu trang. Quan điểm này đã bị một nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng đánh giá là một “sai lầm lớn”.
Từ khi dịch Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc và châu Á cho đến cuối tháng 03/2020, khi nước Pháp bị phong tỏa hoàn toàn, chính phủ kiên quyết khẳng định đeo khẩu trang ở nơi công cộng là vô ích. Dường như có hai yếu tố ẩn sau những tuyên bố “chắc như đinh đóng cột”: thứ nhất là để trấn an người dân và thứ hai là nước Pháp không có đủ khẩu trang cho tất cả mọi người.
Chính phủ Pháp luôn viện dẫn khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hiện vẫn cho rằng người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Điều này đã dẫn đến tình trạng kỳ thị người đeo khẩu trang tại Pháp, đặc biệt là tại Paris, trong đó có cộng đồng châu Á vẫn giữ thói quen từ thời dịch SARS 2003.
Tiếp theo, phải kể đến tình trạng khan hiếm khẩu trang. Khi dịch cúm gia cầm H1N1 bùng phát năm 2010, Pháp có một tỉ khẩu trang các loại trong kho dự trữ. Tuy nhiên, bà Roselyne Bachelot, bộ trưởng Y Tế thời đó, đã bị chỉ trích làm quá. Và kể từ đó, kho dự trữ chỉ xuất mà không được nhập thêm và còn lại khoảng 120 triệu khẩu trang vào đầu mùa dịch Covid-19, trong khi cả nước cần đến 40 triệu chiếc mỗi tuần.
Để đối phó với tình trạng khan hiếm, Nhà nước trưng thu tất cả các loại khẩu trang có trên lãnh thổ để phân phát cho những người trên tuyến đầu chống dịch. Phải đến cuối tháng Ba, chính phủ mới thông báo đặt mua thêm 250 triệu khẩu trang, tiếp theo là 2 tỉ chiếc được thông báo vào ngày 04/04. Nhưng các lô hàng có đến được Pháp hay không lại là một chuyện khác, nếu nhìn vào thực tế nhiều nước phỗng tay trên của nhau như hiện nay.

Khẩu trang sẽ hữu ích cho thời hậu phong tỏa ?

Chính phủ Pháp đang tính đến các biện pháp dỡ bỏ từng bước lệnh phong tỏa, đồng thời vẫn phải kiềm chế đà lây nhiễm trong cộng đồng, từ khả năng theo dõi dấu vết người nhiễm virus đến đeo khẩu trang đại trà…
Ngày 03/04, Viện Hàn lâm Y học Pháp đã khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Công dụng của khẩu trang được nhà dịch tễ học Pháp Antoine Flahaut khẳng định là “giúp giảm khả năng lây nhiễm virus và như vậy có thể kiểm soát được đại dịch”, trong khi ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm virus corona nhưng không có triệu chứng và virus có khả năng bay theo hơi thở khi nói chuyện.
Trả lời họp báo ngày 04/04, bộ trưởng Y Tế cho biết đã đề nghị “hội đồng khoa học, các chuyên gia về virus và các cơ quan dịch tễ đánh giá lại quan điểm (sử dụng khẩu trang)”. Cùng lúc, tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp Jérôme Salomon khuyên mọi người đeo “khẩu trang”, loại may vải thông dụng, không phải loại chuyên dùng cho giới y tế.
Khuyến nghị này được bộ Nội Vụ Pháp trấn an : “Việc mang khẩu trang để phòng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 không phải là hành vi vi phạm pháp luật”. Thực vậy, điều 1 của đạo luật ngày 11/10/2010 quy định “không một ai, tại nơi công cộng, có thể mang trang phục nhằm che mặt” và người vi phạm có thể phạt đến 150 euro.
Trong khi một số bang tại Mỹ, nhiều nước Trung Âu và vùng Lombardia của Ý đang từng bước bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, người dân Pháp có lẽ cũng chuẩn bị làm quen với biện pháp mới này. Đây là một trong những giải pháp mà dường như chính phủ đang tính đến, theo phát biểu của một người thân cận của tổng thống Macron với tuần báo Le Journal du Dimanche (05/04).
Liệu khẩu trang sẽ trở thành vị cứu tinh cho chính phủ sau quãng thời gian phong tỏa khiến mọi hoạt động bị đình trệ và kinh tế bị tác động nặng nề ? Tuy nhiên, chính cách xử lý dịch “thiếu nhất quán” của chính phủ đang khiến công luận bức xúc : Chỉ có 41% người dân Pháp tin vào chính phủ chống dịch hiệu quả, theo kết quả thăm dò ngày 01/04 của Viện Elabe, được Le Monde (06/04) trích dẫn ; 63% người dân Pháp cho rằng chính phủ “che giấu điều gì đó”, theo một nghiên cứu khác được Opinion Way công bố ngày 30/03.
http://www.rfi.fr/vi/phân-tích/20200407-dịch-covid-19-pháp-ngộ-ra-tác-dụng-toàn-dân-đeo-khẩu-trang

Pháp : 12 tỷ euro để cứu hệ thống bệnh viện công

Phần âm thanh 09:38                 
Bác sĩ và nhân viên bệnh viện tuần hành kêu gọi chính phủ Pháp cung cấp thêm phương tiện, nhân viên cho các bệnh viện quá tải, ngày 14/11/2019 tại Paris, Pháp.
Bác sĩ và nhân viên bệnh viện tuần hành kêu gọi chính phủ Pháp cung cấp thêm phương tiện, nhân viên cho các bệnh viện quá tải, ngày 14/11/2019 tại Paris, Pháp.REUTERS/Johanna Geron
Bất cân đối về cung-cầu và trong các khoản chi-thu là những thách thức đối với hệ thống bệnh viên công của Pháp. Pháp là nước dành đến hơn 9% GDP cho hệ thống y tế đó. Tỷ lệ này thuộc hàng cao nhất trong khối các nước phát triển thuộc OCDE. (Tạp chí phát lần đầu ngày 26/11/2019)Thực hư về khủng hoảng tại hơn 1.300 bệnh viện công ? Gói hỗ trợ 12 tỷ euro của bộ Y Tế chia sẻ phần nào gánh nặng với các bệnh viện công ? Giáo sư y khoa, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cohin-Paris, phân tích.
Ngày 20/11/2019, Paris thông báo một kế hoạch quy mô để cứu hệ thống y tế công được coi là một trong những mô hình "hiệu quả nhất, tốt nhất" của thế giới.
Từ tháng 03/2019, một bộ phận nhân viên y tế, từ các bác sĩ đến y tá, nhân viên điều dưỡng... liên tục bãi công đòi tăng nhân sự, tăng ngân sách cho bệnh viện và đòi tăng lương. Ban đầu, các đòi hỏi trên xuất phát từ khoa cấp cứu, nhưng rồi phong trào đã lan rộng. Đỉnh điểm là hôm 14/11/2019, ngành y tế đồng loạt xuống đường trong chiến dịch "Journée Hopital Mort" - một ngày không có bệnh viện.
Thống kê của bộ Y Tế Pháp nêu lên những con số như sau : Số lượng bệnh nhân nhờ đến các dịch vụ cấp cứu của các bệnh viện năm 2016 cao gấp hai lần so với hai thập niên trước đó. Mỗi năm, dịch vụ này phải giải quyết thêm 3,5% ca. Khoa cấp cứu do vậy bị quá tải. Gần đây, truyền thông nhiều lần đưa tin về một số trường hợp, bệnh nhân tử vong trong lúc đợi điều trị ở khâu "cấp cứu". Dù gọi là "cấp cứu", bệnh nhân có khi phải đợi 12 giờ đồng hồ sau mới được vào khám.
Vấn đề thứ nhì, vẫn theo bộ Y Tế, là trong vòng 20 năm, hệ thống bệnh viện công của Pháp đã cắt giảm 100.000 giường bệnh. Dù vậy, hệ thống y tế của Pháp dự trù 6,5 giường điều trị cho 1.000 dân. Để so sánh, tại Thụy Sĩ, tỷ lệ này là 4,7/1.000.
Vấn đề thứ ba của hệ thống bệnh viện công là món nợ 30 tỷ euro. Khoản nợ này tăng 40% trong thời gian 10 năm trở lại đây. Trong cùng thời kỳ, đầu tư của các bệnh viện vào nhân sự, vào máy móc hay cơ sở hạ tầng giảm đi phân nửa. Với mức nợ 30 tỷ euro, hàng năm, hệ thống y tế công của Pháp phải trả gần 90 triệu euro tiền lãi, thay vì dùng số tiền nói trên để đầu tư cho bệnh viện.
Cũng vì để khai thông những khúc mắc đã tích lũy từ lâu, hôm 20/11/2019, thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn thông báo một kế hoạch "quy mô" để cứu hệ thống bệnh viện công. Các biện pháp đó gồm thứ nhất là chính phủ lãnh 1/3 số nợ của bệnh viện, một khoản tương đương với 10 tỷ euro từ nay tới cuối 2022. Thứ hai là tăng ngân sách gần 2 tỷ trong 3 năm sắp tới cho các bệnh viện công, cấp tiền thưởng cho một số các nhân viên y tế có thu nhập thấp.
Để hiểu rõ hơn về những khó khăn trong hệ thống bệnh viện công tại Pháp, RFI tiếng Việt đã tham khảo ý kiến giáo sư y khoa, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cochin, Paris.
Trước hết, bác sĩ Tuấn nêu bật khó khăn trong việc điều hành nhân sự tại bệnh viện.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200324-pháp-12-tỷ-euro-để-cứu-hệ-thống-bệnh-viện-công
Bác Sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn - Paris


Geen opmerkingen:

Een reactie posten