zaterdag 25 april 2020

Mỹ : Thêm hơn 3.000 người chết trong một ngày vì Covid-19

Mỹ : Thêm hơn 3.000 người chết trong một ngày vì Covid-19

Một phòng cấp cứu điều trị Covid-19 ở bệnh viện St. Anthony, Shawnee, Oklahoma,Hoa Kỳ, ngày 23/04/2020.
Một phòng cấp cứu điều trị Covid-19 ở bệnh viện St. Anthony, Shawnee, Oklahoma,Hoa Kỳ, ngày 23/04/2020. REUTERS - NICK OXFORD
Tính đến tối 23/04/2020, Mỹ sắp chạm ngưỡng 50.000 người chết vì virus corona theo thẩm định của đại học Johns Hopkins. Trong 24 giờ qua, trên toàn quốc có thêm gần 27.000 ca nhiễm và 3.176 ca tử vong. Hoa Kỳ tiếp tục trả giá đắt trong cuộc khủng hoảng y tế lần này.
Đại học Johns Hopkins cho biết hiện đã có gần 870.000 người dương tính với virus corona nhưng số ca lây nhiễm thực sự có thể cao hơn nữa do tới nay, Hoa Kỳ vẫn thiếu các bộ xét nghiệm.
Trong khi đó kinh tế Mỹ tiếp tục sa sút. Sau khi đã thông qua ngân sách 2.200 tỷ đô la hồi cuối tháng Ba, ngày 23/04/2020, Hạ Viện Mỹ lại vừa chấp thuận thêm một gói hỗ trợ thứ nhì trị giá 484 tỷ đô la. Số tiền nói trên chủ yếu nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng ngân sách cho bệnh viện trong mùa dịch. 
Theo thống kê của bộ Lao Động, trong một tuần lễ đã có thêm 4,5 triệu người mất việc làm. Trong 5 tuần lễ vừa qua, Covid-19 cướp đi việc làm của 26 triệu người lao động. Thông tín viên đài RFI từ New York, Loubna Anaki tường thuật :
"Từ nay, đây là dấu hiệu liên tục nhắc nhở về tầm mức của khủng hoảng tại Hoa Kỳ kể từ đầu mùa dịch. Trong 5 tuần liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh. Như vậy là có đến 16 % dân số trong tuổi lao động trên toàn quốc không có việc làm. Tổng cộng gần 26,5  triệu người bị mất việc. Đây là một con số cao kỷ lục. Theo nhiều chuyên gia, Covid-19 đã cuốn trôi tất cả số việc làm được tạo ra trên đất Mỹ từ năm 2008 đến nay.
Số người đăng ký xin hưởng trợ cấp thất nghiệp cao đến nỗi hệ thống an sinh xã hội của Mỹ trở tay không kịp. Ở mọi nơi, các trung tâm hỗ trợ người thất nghiệp không kịp trả lời các cuộc điện thoại. Nhiều người vẫn đợi lãnh ngân phiếu đầu tiên một tháng sau khi đã ghi danh thất nghiệp.
Gói hỗ trợ được thông qua cách nay vài tuần chủ yếu nhằm giúp đỡ các gia đình bị mất việc làm, giúp đỡ tiểu thương và các công ty vừa và nhỏ để họ giữ lại nhân công. Nhưng cuối cùng một phần lớn số tiền đó lại đổ vào các tập đoàn lớn của Mỹ. Điều này đã làm dấy lên nhiều chỉ trích.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Do vậy hôm 23/4, Hạ Viện đã thông qua một kế hoạch mới 484 tỷ đô la. Tình hình đáng quan ngại hiện nay càng làm dấy lên căng thẳng vốn đã ở mức độ rất cao về việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và khởi động lại kinh tế".
WHO: Một mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc
Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Tế Giới (WHO) vẫn trong tầm ngắm của Washington. Hôm 23/04/2020 ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định, đại dịch Covid-19 làm lộ rõ nhu cầu cần tổ chức lại định chế đa quốc gia này.
Trả lời một đài phát thanh địa phương, ngoại trưởng Mỹ cho rằng trong những điều kiện hiện nay, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tài trợ trở lại cho WHO. Khi được hỏi liệu có thể tính tới việc thay thế WHO bằng một tổ chức khác hay không, Mike Pompeo cho biết Washington đang "nghiên cứu khả năng này".
Cũng trong chương trình phát thanh nói trên ngoại trưởng Mỹ một lần nữa lên án Bắc Kinh chậm trễ phổ biến thông tin về siêu vi corona chủng mới. Ông thậm chí nêu lên khả năng những ca nhiễm virus corona đầu tiên tại Trung Quốc đã được ghi nhận từ "tháng 11 và chắc chắn là trước giữa tháng 12/2019". Nhưng mãi đến ngày 31/12/2019, Trung Quốc mới chính thức thông báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về ổ dịch tại Vũ Hãn với 44 trường hợp lây nhiễm.
www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200424-hoa-ky-virus-corona-quoc-te-dich-benh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten