Ngoại giao Trung Quốc ngạo mạn vì những tham vọng quá cỡ của Tập Cận Bình
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Xưa kia nổi tiếng là khiêm tốn và nhã nhặn, các nhà ngoại giao Trung Quốc nay bỗng trở nên hung hăng và đôi khi thô lỗ. Vì sao ngành ngoại giao Trung Quốc lại có những thay đổi đột ngột như thế? Le Figaro đặt câu hỏi: Phải chăng thái độ ngạo mạn đó của nền ngoại giao Trung Quốc phản ảnh rõ những tham vọng quá cỡ của ông Tập Cận Bình?
Pháp triệu mời đại sứ Trung Quốc ở Paris để bày tỏ bất bình về những phát biểu gây tranh cãi. Washington, Luân Đôn rồi đến Paris lần lượt lên tiếng nghi ngờ và đòi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh virus corona. Ấn Độ đòi Trung Quốc bồi thường hàng ngàn tỷ đô la. Bắc Kinh bị tố cáo che giấu thông tin và thao túng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO khiến dịch bệnh lan rộng và thế giới không kịp phản ứng gây thiệt hại to lớn về nhân mạng và kinh tế ...
Trung Quốc bị chỉ trích dồn dập từ tứ phía. Chuyện gì đã xảy ra? Bà Marie Holzman, nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng tất cả những sự việc này cho thấy rõ có một sự thay đổi cứng rắn, thô bạo trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt có liên quan đến đường lối chính sách do Tập Cận Bình đề ra.
Nhà Trung Quốc học nhắc lại, về mặt nguyên tắc, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì phải biết cách nói chuyện với mọi người, luôn cởi mở, ưu tiên đối thoại, thảo luận và nếu có thể thì giải quyết các xung đột. Những đức tính này của một nhà ngoại giao đã được những bậc cha ông của chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng một cách khôn khéo.
Thế nên, thế giới mới biết đến một Chu Ân Lai, cố thủ tướng và cũng là ngoại trưởng thời Mao Trạch Đông, người đã kiến tạo nền ngoại giao “bóng bàn” cho phép Hoa Kỳ và Trung Quốc nối lại bang giao ngay giữa lòng chiến tranh lạnh. Hay Đặng Tiểu Bình, người đưa đất nước đi lên nhưng tránh mọi sự ngạo mạn. Những chính khách uyên thâm này hiểu rằng vị thế và sự rộng lớn của đất nước, thế mạnh mà Trung Quốc có thể tác động trên quy mô toàn cầu có nguy cơ gây lo ngại cho những người cùng thời, gần hay xa.
Chỉ có điều những lời khuyên dạy này của các bậc tiền bối đã bị ông Tập Cận Bình nhanh chóng bỏ rơi. Khá kín tiếng khi mới lên cầm quyền, lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đã nhanh chóng để rớt mặt nạ và tỏ rõ tham vọng toàn cầu mà dự án Con Đường Tơ Lụa Mới là một ví dụ điển hình.
Hơn thế nữa, Bắc Kinh không cần che giấu hình ảnh về cách thức chiếm đoạt nguồn tài nguyên thiên theo kiểu thực dân mới. Những nỗ lực “quyền lực mềm” của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào để thế giới chấp nhận văn hóa, điện ảnh, thư pháp (nghệ thuật viết chữ), khí công và nhiều giá trị văn hóa khác của Trung Quốc cũng bị bỏ rơi.
Giờ đây, thay cho những lời nói khiêm tốn và nhã nhặn cần phải có, các nhà ngoại giao Trung Quốc trở nên hung hăng và không ngần ngại có những lời chỉ trích dối trá ngay khi được chính phủ bật đèn xanh. Nội dung, giọng điệu, thời điểm, tất cả đều được chỉ đạo từ xa, từ thượng tầng lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình là người chủ trì.
Thói ngạo mạn này của ngành ngoại giao Trung Quốc cũng có nguồn gốc từ thái độ hai mặt của ông Tập Cận Bình: Lời lẽ hòa dịu khi công du nước ngoài, nhưng khi ở trong nước thì lại cứng rắn và dữ dội không giới hạn.
Chỉ có điều, ngòi lửa đã được châm khắp nơi và giờ đây ngành ngoại giao Trung Quốc phải ra sức dập tắt, không chỉ ở Paris và một số nước phương Tây, mà cả ở những nước châu Phi đối tác quan trọng!
http://www.rfi.fr/vi/phân-tích/20200417-ngoại-giao-trung-quốc-ngạo-mạn-vì-những-tham-vọng-quá-cỡ-của-tập-cận-bình
Ngoại giao Trung Quốc lãnh đòn đầu tiên của Pháp do tung tin vịt
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Một sự kiện khá hiếm hoi vừa diễn ra : đại sứ Trung Quốc tại Paris được bộ Ngoại Giao Pháp triệu mời để phản đối về những tuyên bố vô căn cứ.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao công bố vào tối thứ Ba 14/04/2020 chỉ tiết lộ thông tin chính ở những dòng cuối. Theo Le Monde, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã được triệu mời vào buổi sáng. Cụ thể là ông ta bị chánh văn phòng bộ Ngoại Giao, François Delattre chất vấn qua điện thoại, trong tình hình phong tỏa vì dịch bệnh.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phản đối việc đăng tải một loạt những bài viết nặc danh mang tính xuyên tạc trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc tại Paris. Thông cáo viết : « Một số quan điểm công khai mới đây của các đại diện Trung Quốc tại Pháp không phù hợp với tính chất mối quan hệ song phương giữa hai nước ». Một cách nói lịch sự để cho rằng đây là quan điểm cá nhân của một số đại diện Trung Quốc, nhằm không làm mất mặt Bắc Kinh.
Tin « vịt cồ » trên trang web ngoại giao
Trong bài viết mới nhất đề ngày 12/4, một nhà ngoại giao Trung Quốc không ký tên, dùng những từ ngữ thô bạo trả đũa người Mỹ và châu Âu, do phương Tây đã phê phán Trung Quốc về việc xử lý dịch bệnh. Người này viết : « Những người cao tuổi ở các viện dưỡng lão bị yêu cầu ký xác nhận ‘không muốn chữa trị khẩn cấp’, nhân viên EHPAD không thực hiện chức trách, đồng loạt bỏ vị trí, để mặc cho những người già chết vì đói và bệnh tật ».
Tuy không nói ở nước nào, nhưng « EHPAD » là từ viết tắt của « Établissement d'hébergement pour personnes âgées dépendantes » (Cơ sở lưu trú cho người cao tuổi không thể tự sinh hoạt độc lập), tức viện dưỡng lão ở Pháp. Le Monde sau khi kiểm tra cho biết nguồn tin được đại sứ quán Trung Quốc lấy từ một bài báo trên tờ Ouest-France nói về…Tây Ban Nha.
Tác giả còn viết thêm : « OMS (Tổ chức Y tế Thế giới – WHO) bị các nước phương Tây hạch tội, một số còn tấn công trực diện vào tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus. Chính quyền Đài Loan với sự ủng hộ của 80 nghị sĩ Pháp đồng ký tên trong một tuyên bố, thậm chí còn dùng từ ‘nègre’ (tạm dịch : tên da đen) để chỉ ông. Tôi không hiểu nổi những gì đã diễn ra trong đầu tất cả những đại biểu Pháp này ».
Vấn đề là lời kêu gọi cho Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới được L’Obs đăng tải ngày 31/3, không hề nhắc đến tổng giám đốc WHO. Người ta tìm đỏ mắt chẳng thấy chữ « tên da đen » ở đâu !
« Quan sát của một nhà ngoại giao » diều hâu
Trước khi đến Pháp vào mùa hè 2019, Lô Sa Dã đã nổi tiếng là « diều hâu » khi tùng sự tại Canada. Paris từng phàn nàn về một số tuyên bố sai lạc của ông ta liên quan đến Hoa Vi (Huawei). Từ đó đến nay, ông Lô Sa Dã thường xuyên đăng bài dưới tựa đề « Quan sát của một nhà ngoại giao Trung Quốc đương chức ở Paris ».
Nhiều chuyên gia đã phẫn nộ viết trên Twitter đòi hỏi Nhà nước Pháp phải có phản ứng chính thức.
Bộ Ngoại Giao Pháp đứng trước thế lưỡng nan. Nếu công khai phản đối, sẽ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến việc mua hàng tỉ khẩu trang của Trung Quốc mà Pháp đang hết sức cần. Vai trò của Bắc Kinh cũng mang tính quyết định trong một vấn đề lớn khác đối với Paris, đó là xóa hoặc giảm một phần nợ cho các nước châu Phi. Vấn đề này được thảo luận nhiều lần trong các cuộc họp tại văn phòng ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian.
Tuy nhiên không lẽ để yên cho đại sứ quán Trung Quốc tự tung tự tác ? Trang web của một cơ quan đại diện ngoại giao nhưng lại đầy những bài viết hung hăng, độc hại, bất chấp sự thật nhằm trốn tránh trách nhiệm của Bắc Kinh để xảy ra đại dịch.
Lô Sa Dã không phải là nhà ngoại giao duy nhất của Trung Quốc thích bóp méo sự kiện.
Thi nhau tấn công phương Tây để được thăng tiến
Trong bài « Trung Quốc muốn các nhà ngoại giao có tinh thần chiến đấu cao hơn », South China Morning Post ngày 12/04/2020 nhận xét, sự trỗi dậy của các « chiến binh sói » cho thấy đường lối ngày càng hung hăng để quảng bá chủ trương của đảng. Tờ báo cho rằng việc này có thể gây tổn hại cho hình ảnh Trung Quốc, tuy bản thân những « chiến binh » này được thăng tiến.
Một thời gian ngắn trước khi được thăng chức vụ trưởng vụ Thông Tin bộ Ngoại Giao vào năm ngoái, Hoa Xuân Oánh than phiền các nhà ngoại giao Trung Quốc « thiếu tinh thần chiến đấu » trong việc xúc tiến các luận điệu của Bắc Kinh.
Bà ta nhìn nhận rằng Trung Quốc vất vả khi phổ biến thông điệp của mình, trong lúc sự kình địch với Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc hơn, và tham vọng toàn cầu của Trung Quốc đang bị giám sát. Nhưng đối với Hoa Xuân Oánh, người vừa hoàn tất một khóa huấn luyện về chính sách đối nội và đối ngoại của chủ tịch Tập Cận Bình tại Trường Đảng trung ương, lỗi một phần ở việc ngồi yên không hành động của các nhà ngoại giao.
Được đăng ngay trang đầu của Học Tập Thời Báo (Study Times), tờ báo của Trường Đảng vào tháng Bảy, những phê phán của bà phản ánh một thông điệp quan trọng, mà các nhà lãnh đạo vẫn lặp đi lặp lại từ đầu năm ngoái, rằng cán bộ đảng cộng sản phải chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài, vượt qua các khó khăn. Cuộc khủng hoảng virus corona đương nhiên là một trong thử thách.
Đồng nghiệp của Hoa Xuân Oánh là Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tháng trước đã gây bão trong giới ngoại giao khi công khai nêu ra thuyết âm mưu, theo đó quân đội Mỹ đã làm lây lan con virus corona cho Vũ Hán.
Từ một năm qua, các nhà quan sát đã ghi nhận hiện tượng những nhà ngoại giao Trung Quốc trên toàn thế giới đổ xô vào các mạng xã hội như Twitter – vốn bị cấm đoán ở Hoa lục – để quảng bá các quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Và với đại dịch Covid-19, họ lại càng hung hăng hơn, để bác bỏ mọi chỉ trích về cung cách xử lý nạn dịch của Bắc Kinh.
Gậy ông sẽ đập lưng ông
South China Morning Post nhắc lại, ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) và người tiền nhiệm Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) luôn tỏ ra cứng rắn mỗi khi Bắc Kinh bị chỉ trích về vấn đề Biển Đông, Hoa Vi, Tân Cương và Hồng Kông.
Người ta không quên câu nói ngạo mạn của Dương Khiết Trì trong hội nghị ASEAN năm 2010 tại Hà Nội, để đáp trả phát biểu của bà Hillary Clinton về tự do hàng hải trên Biển Đông : « Trung Quốc là nước lớn còn các nước khác là nước nhỏ, đó là một thực tế ! ». Còn Hoa Xuân Oánh mới đây nói rằng « tuy tàu hải cảnh Trung Quốc đã cố tránh nhưng các tàu cá Việt Nam vẫn đâm vào » - một tuyên bố khá hài hước đối với các nhà quan sát.
Nhà nghiên cứu Tôn Vận (Yun Sun) của Stimson Center ở Washington nhận xét : « Rõ ràng là các tuyên bố đầy khiêu khích, kể cả việc nêu ra thuyết âm mưu - quy cho Mỹ phát tán virus ở Trung Quốc, đã được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh bật đèn xanh ».
Giáo sư Triệu Thông (Zhao Tong), trung tâm Carnegie-Thanh Hoa cảnh báo, các nhà ngoại giao cấp cao « cần biết rằng họ sẽ phá hủy hình ảnh trên trường quốc tế của Trung Quốc, hơn bất kỳ người ngoại quốc nào ».
Các nhà phân tích cho rằng hiện tượng những « chiến binh sói » thượng đài đánh dấu một sự thay đổi trong quan hệ của Bắc Kinh với thế giới. Quyền lực tập trung trong tay Tập Cận Bình, những tiếng nói ôn hòa bị gạt ra ngoài, theo mô tả của giáo sư Triệu Thông là « một chu trình tự củng cố giữa một nhà lãnh đạo tự đắc và các cố vấn chính sách quyết đoán ».
Tương tự, chuyên gia Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhấn mạnh, những « chiến binh sói » này đang đi ngược lại nguyên tắc ngoại giao, không có lợi cho Trung Quốc, không giúp Bắc Kinh có được bạn bè trên thế giới. Ông bày tỏ sự thất vọng khi các nhà ngoại giao này đặt sự nghiệp cá nhân lên trên, gây tổn hại nghiêm trọng cho hình ảnh Trung Quốc trên toàn cầu.
Hành động đáng xấu hổ
Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khi trả lời phỏng vấn trên trang Atlantico ngày 14/04/2020 nhận định, bài viết của đại sứ quán Trung Quốc ngày 12/4 là một việc « đáng xấu hổ ».
Ông kể ra : « Họ loan tin đồn, bóp méo thông tin, sỉ nhục tất cả từ nghị sĩ, nhà báo, cho đến nhà nghiên cứu. Đây không phải là lần đầu tiên. Cách đây vài tuần, tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc còn ‘like’ một bài khẳng định ‘’đài BFM và truyền thông phát-xít tuyên truyền cho tính thượng đẳng da trắng’’. Nhưng bài viết lần này đã vượt qua một cái ngưỡng đáng ngại ».
Từ những sự kiện tưởng tượng ở viện dưỡng lão, những tuyên bố « virus chỉ tấn công người da vàng » được sáng tác và gán vào miệng các nhà lãnh đạo Âu-Mỹ, cho đến từ ngữ kỳ thị chủng tộc tự đặt ra…Nếu không phản ứng, coi như khuyến khích Trung Quốc tiếp tục chính sách bôi nhọ công khai.
Không thể dung túng cho thái độ ngang ngược của Bắc Kinh
Các phát biểu hung hăng, những lời vu khống từ nhiều năm qua vẫn được đảng Cộng Sản Trung Quốc tung ra nhưng nhiều người ở châu Âu không chú ý, vì chủ yếu nhắm vào các nước láng giềng châu Á. Tuy nhiên từ nhiều tuần qua, Bắc Kinh lao vào một chiến dịch bóp méo thông tin với quy mô chưa từng thấy, nhằm khỏa lấp trách nhiệm trong đại dịch xuất phát từ Vũ Hán, khoa trương mô hình cai trị của Trung Quốc đồng thời hạ uy tín các chế độ dân chủ.
Theo ông Bondaz, sự im lặng của chính giới, đặc biệt là các dân biểu, nghị sĩ thuộc nhóm hữu nghị Pháp-Trung, rất đáng kinh ngạc. Quốc Hội Mỹ năm 2000 đã thành lập một ủy ban phụ trách việc xem xét quan hệ kinh tế và an ninh với Trung Quốc, đây là sáng kiến mà Pháp cần theo chân. Các nhà báo và nhà nghiên cứu cũng cần đóng vai trò quan trọng - không phải do bị tấn công trực tiếp, mà phải giúp cho quần chúng ý thức rằng thái độ ngang ngược của Bắc Kinh là không thể chấp nhận được.
Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz kết luận, hợp tác với Trung Quốc là cần thiết - nhưng qua việc bảo vệ các nguyên tắc của mình, tỏ rõ những bất đồng, tố cáo những tuyên bố quá khích - đặc biệt là từ miệng các nhà ngoại giao Trung Quốc trên đất Pháp.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200415-ngoại-giao-trung-quốc-lãnh-đòn-đầu-tiên-của-pháp-do-tung-tin-vịt
Quan hệ ngoại giao Pháp-Trung Quốc sau đại dịch Covid-19
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Phần âm thanh 06:54
Pháp cần nhắc nhở Trung Quốc để nguyên tắc của Bắc Kinh "Không can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia khác" không chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng. Trên đây là nhận định của nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị IEP Lyon về quan hệ Paris - Bắc Kinh một khi dịch Covid-19 đi qua.
Đại dịch Covid-19 làm dấy lên câu hỏi Trung Quốc có còn là một đối tác đáng tin cậy của thế giới nữa hay không ? Không chỉ bị cáo buộc che giấu sự thật về một loại siêu vi chủng mới gây viêm phổi cấp tính, ru ngủ Tổ Chức Y Tế Thế Giới về sức công phá của virus corona mà Bắc Kinh còn lao vào một cuộc chiến tuyên truyền từ việc nêu ra thuyết virus corona do quân đội Mỹ cấy vào Vũ Hán đến lời vu cáo một số chính khách của Pháp về hùa với Đài Loan thóa mạ tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới vì màu da của ông…
Một số nhà ngoại giao Trung Quốc hàng đầu ở Bắc Kinh và hải ngoại một mặt lên án phương Tây bóp méo sự thật về dịch Covid-19 mặt khác trực diện chỉ trích Âu, Mỹ vô nhân đạo, để người già chết trong cô đơn và đói lạnh, kém cỏi trong việc đối phó với dịch bệnh. Tại Bắc Kinh, chính quyền dùng khẩu trang và trang thiết bị y tế để đo lường mức độ lệ thuộc của thế giới vào Trung Quốc.
Câu hỏi được đặt ra là một khi thế giới kềm tỏa được virus corona quan hệ giữa Pháp nói riêng, phương Tây nói chung với Bắc Kinh sẽ đi về đâu ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Lyon.
RFI : Kính chào giáo sư Corcuff cảm ơn ông tham gia vào chương trình của chúng tôi.
Stéphane Corcuff : Trước hết cho tôi gửi lời kính chào thính giả của RFI Việt ngữ, tôi rất hân hạnh được nói chuyện trên đài. Trả lời câu hỏi của chị, sự thực là tôi không mấy lạc quan về mối quan hệ giữa Paris với Bắc Kinh trong tương lai. Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp. Có điều, khi cần lên tiếng thì Paris thường nấp dưới bóng của Liên Hiệp Châu Âu. Trung Quốc là một thách thức trong giai đoạn hậu Covid-19. Điều quan trọng là ngay từ bây giờ chúng ta phải xác định về mối quan hệ trong tương lai với Bắc Kinh, tức là đòi Trung Quốc phải đối mặt với quá khứ, phải giải thích về những gì đã xảy ra trong những tháng vừa qua từ khi virus corona bùng phát, về những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng y tế tại quốc gia này và cách Bắc Kinh giải quyết dịch bệnh. Quốc tế cần xác định được rằng liệu có bị Trung Quốc lừa dối hay không và phương Tây cần phải làm những gì để có được một mối quan hệ lành mạnh hơn, ổn định hơn, bền vững hơi với quốc gia này.
RFI : Còn bang giao giữa Pháp với Trung Quốc thì sao thưa giáo sư ?
Stéphane Corcuff : Tôi thực sự lo ngại về quyết tâm, về khả năng thực sự của Pháp khi cần nói với Trung Quốc những gì cần thiết. Đó là Bắc Kinh phải ngừng ru ngủ chúng ta, ngừng xem Paris như một đối tác thuộc hàng thứ yếu chỉ để mua vào hàng rẻ Trung Quốc. Bắc Kinh cần hiểu rằng đã đến lúc phải tôn trọng nước Pháp, tôn trọng nếp sống của một đất nước dân chủ. Pháp cần nhắc nhở để Bắc Kinh không thể can thiệp vào công việc nội bộ của Pháp. Đây là một nguyên tắc hàng đầu luôn được ngành ngoại giao Trung Quốc nhắc đến. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh không được chi phối các quyết định của Paris về biển Hoa Đông, Biển Đông, về châu Phi hay trong các chương trình hợp tác quốc tế. Không có lý do gì để Trung Quốc áp đặt hành trình các chuyến bay từ Pháp tới Đài Loan, hay bắt các hãng hàng không quốc tế trong đó có Pháp phải gọi Đài Bắc là Đài Bắc Trung Hoa. Tất cả những yếu tố đó thuộc về chủ quyền của nước Pháp không một ai được phép can thiệp.
RFI : Vậy Paris có thể làm được những gì để giữ khoảng cách với Bắc Kinh cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế khi biết rằng, hiện nay chẳng hạn Trung Quốc là nguồn cung cấp khẩu trang cần thiết nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 ?
Stéphane Corcuff : Trong những điều kiện bình thường, đúng là không dễ để tách rời khỏi Trung Quốc bởi có rất nhiều thỏa thuận ràng buộc đôi bên và hơn thế nữa về mặt lý tưởng, Pháp vốn có lập trường thân Hoa lục. Có điều với năm tháng, Pháp đã « mở cửa cho cáo vào nhà » và giờ đây đã đến lúc chúng ta phải thận trọng hơn với Trung Quốc. Covid-19 đang làm thay đổi tình thế. Bắc Kinh đang nỗ lực tuyên truyền để mọi người quên đi rằng virus corona xuất phát từ Vũ Hán, và chúng ta thấy là chiến dịch tuyên truyền đó không có hiệu quả. Quốc tế cần nắm lấy thời khắc lịch sử này để lấy cân bằng lại bang giao với Trung Quốc. Cái may của chúng ta ở đây là ngay cả đến giờ phút này Bắc Kinh vẫn muốn lừa gạt thiên hạ, tôi muốn nói đến hình ảnh những lô hàng kém chất lượng Trung Quốc bán cho châu Âu trong lúc mà châu Âu đang phải ráo riết đối mặt với đại dịch. Trong khi đó Đài Loan hay Hàn Quốc cũng là những nhà cung cấp khẩu trang và trang thiết bị y tế có uy tín. Tôi cho rằng Covid-19 là một điểm khởi đầu mới đem lại một tầm nhìn mới về quan hệ quốc tế.
RFI : Xin một câu hỏi chót : ngày càng có nhiều tiếng nói đòi Trung Quốc phải « bồi thường » về những thiệt hại virus corona gây nên, hay trừng phạt Bắc Kinh đã che giấu thông tin về mối nguy hiểm Covid-19 có thể gây nên. Cộng đồng quốc tế có thể trừng phạt Trung Quốc được hay không ?
Stéphane Corcuff : Không, cho tới giờ phút này, tôi không tin là chúng ta có thể làm được điều đó. Đành rằng khủng hoảng đã xuất phát từ Trung Quốc nhưng đừng quên rằng người dân Trung Quốc đã trả cái giá đắt, cho dù chúng ta đều biết số người thiệt mạng thật sự cao hơn các báo cáo chính thức của Bắc Kinh rất nhiều. Bất luận số người chết là bao nhiêu tại Trung Quốc, dân Trung Quốc cũng là những nạn nhân đầu tiên của virus corona. Thứ nữa, kiện cáo hay đòi Trung Quốc bồi thường về tài chính là điều vô ích bởi thứ nhất là kinh tế của Trung Quốc và thế giới lệ thuộc vào lẫn nhau, thứ hai là không có một định chế pháp lý quốc tế nào có thẩm quyền để đòi phạt Trung Quốc cả. Lao vào tranh cãi đó là đi lầm đường và cũng đừng quên rằng, Trung Quốc có tính thù dai và tới nay Bắc Kinh chưa từng bỏ qua quá khứ (trong khi đó thì những nước cựu thù như Pháp với Việt Nam hay Việt Nam với Mỹ đã sang trang quá khứ để hợp tác vì một tương lai chung). Dồn Bắc Kinh vào chân tường chẳng giải quyết được việc gì. Điều mà cộng đồng quốc tế phải làm đó là luôn luôn nói lên sự thật về khủng hoảng, về virus corona, về tầm mức nghiêm trọng và trách nhiệm của các quốc gia trước đại dịch. Không thể chối cãi rằng dịch bệnh đã xuất phát từ Vũ Hán và Trung Quốc không thể bắt cộng đồng quốc tế chấp nhận bất kỳ một giả thuyết nào khác. Kế tới là thế giới cần lập tức ngăn chặn Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền, thâu tóm các định chế đa quốc gia như đã thao túng Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Chúng ta thấy rõ là hành động này đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của hàng triệu con người. Đó là điều mà Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải chịu trách nhiệm.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200417-quan-hệ-ngoại-giao-pháp-trung-quốc-sau-đại-dịch-covid-19
Geen opmerkingen:
Een reactie posten