dinsdag 14 april 2020

Covid-19 : Pháp triển hạn phong tỏa, rau tươi càng ế ẩm

Covid-19 : Pháp triển hạn phong tỏa, rau tươi càng ế ẩm

Trái cây của chợ Rungis được trưng bày nhân một sự kiện được tổ chức gần Paris ngày 17/03/2019.
Trái cây của chợ Rungis được trưng bày nhân một sự kiện được tổ chức gần Paris ngày 17/03/2019. REUTERS - Benoit Tessier
Nếu như trong thời gian đầu, lệnh phong tỏa đã khiến cho dân Pháp có tâm lý đề phòng tích trữ, mua nhiều bột, gạo, mì sợi, trứng gà hay bánh mì mềm cắt lát (pain de mie) thì ngược lại khi lệnh phong tỏa càng kéo dài, nhiều thực phẩm bán ở siêu thị lại càng ế ẩm. Nạn nhân đầu tiên là các loại rau tươi và trái cây đầu mùa. 
Tháng tư ở Pháp là mùa trái dâu, măng tây và một số rau tươi. Các mặt hàng này đều bán không chạy, vì bị cho là khó thể nào giữ được lâu, mà cũng chẳng bỏ vào tủ đông lạnh được, vì sợ không còn đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Pháp vẫn chủ yếu mua các loại rau quả mà họ có thể giữ được nhiều ngày trong tủ lạnh. 
Tại chợ Rungis, nổi tiếng là ‘‘chợ bán sỉ ’’ lớn nhất nước Pháp, nguồn cung cấp chính của các tiệm ăn và các cửa hàng bán lẻ, khu vực bán rau quả tiếp tục hoạt động và mức bán đạt tới 70% so với ngày thường. Chợ Rungis tương đối không bị tác hại quá nặng nề, một phần cũng vì đại đa số các chợ trời với nhiều sản phẩm địa phương (cung cấp 11% rau quả cho dân Pháp) đều buộc phải đóng cửa vô thời hạn.  
Theo ông Stéphane Layani, giám đốc hệ thống phân phối của Rungis, doanh thu ngành rau quả tại chợ Rungis tương đương với 3,2 tỷ euro mỗi năm và cũng may là các nhà sản xuất rau quả duy trì được một phần hoạt động, trong khi ngành cung cấp cá tươi hay hải sản chỉ đạt tới mức 20%, khiến cho nhiều nhân viên trong ngành cá buộc phải ở nhà, do không có việc  làm. 
Thà bán ít còn hơn là không bán gì cả. Về điểm này, một số nhà sản xuất rau quả may mắn hơn các đồng nghiệp của họ. Người Pháp tiếp tục mua các loại trái cây như chuối, táo, cam, kiwi, trái bơ (avocat) và rau củ tươi như mướp xanh, cà tím, cà rốt, ớt chuông, bông cải, cà chua hay khoai tây. Ngược lại, họ không tha thiết gì lắm với các loại xà lách, đậu hà lan, rau dền (épinard), củ cải đỏ (radis), rau diếp xoăn (endive). Các mặt hàng theo mùa như trái dâu và măng tây đều ế ẩm, cũng như nấm nâu hay atisô, cho dù các nhà sản xuất đã cố gắng duy trì các mặt hàng này ở một mức giá tương đối phải chăng.
Theo ông Arnold Puech d'Alissac, thuộc Liên đoàn quốc ga của các nhà sản xuất nông phẩm FNSEA, lệnh phong tỏa cũng khiến cho việc vận chuyển và phân phối rau quả khó khăn hơn. Các loại dâu tây bày bán hiện giờ chủ yếu là dâu trồng ở Pháp, trong khi người tiêu dùng có thói quen mua dâu của Tây Ban Nha, vốn có giá mềm hơn. Chênh lệch giá cả đôi khi lên tới gần gấp đôi. Giá trung bình của trái dâu sản xuất ở Pháp vốn đã cao, mặt hàng này lại không giữ được lâu. Điều đó tạo thêm nhiều rào cản trong tâm lý người tiêu dùng.
Do lệnh phong tỏa ảnh hưởng tới ngành phân phối, các loại rau tươi và trái cây cũng tương đối đắt hơn so với cùng thời kỳ năm trước. Tuy vậy, người Pháp vẫn chịu trả đắt một chút một phần để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, một phần họ vẫn thích ăn các loại thực phẩm tươi như rau quả. Tại các cửa hàng chuyên bán rau sạch Biocoop, doanh thu của công ty này với hơn 630 địa điểm phân phối tại Pháp đã tăng 30% trong thời gian qua. 
Một trong những sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu này chính là các giỏ rau tươi và củ quả, dùng để làm súp hay xào nấu. Theo lời ông David Siffert, giám đốc ngành rau quả thuộc hệ thống phân phối Biocoop, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, thương hiệu này đã có được những khách hàng mới. Một phần vì nhiều người Pháp muốn thay đổi cung cách tiêu dùng, một phần khác vì có ý kiến cho rằng nên ăn nhiều chất bỗ dưỡng để giúp cho cơ thể gia tăng sức đề kháng trong mùa dịch.
Người Pháp thường có thói quen đi mua rau quả ở chợ trời vào những ngày cuối tuần, nhưng kể từ khi có lệnh phong tỏa, các phiên chợ trời đều ngưng hoạt động và một số nhỏ chỉ mở cửa trở lại một cách nhỏ giọt và thường phải có giấy phép của chính quyền. Theo bà Christiane Lambert, chủ tịch Liên đoàn quốc gia các nhà sản xuất nông phẩm FNSEA, ngành sản xuất nông phẩm vẫn còn gặp khó khăn chừng nào chính phủ chưa có biện pháp cụ thể giúp cho kinh tế trở lại nhịp độ bình thường. Theo bà, thì cần phải tăng cường các kho dự trữ hay tăng thêm mức sản xuất thực phẩm đông lạnh (khoai tây, đậu đũa, đậu hà lan) để tránh tình trạng thực phẩm bị ứ đọng, đành phải vứt đi hàng loạt.
Trước mắt lệnh phong tỏa kéo dài đã tạo ra những phản ứng bất ngờ, hàng siêu thị không bị khan hiếm, nhưng tâm lý dự trữ khiến cho mức cầu tăng bất thường, trong khi mức cung vẫn còn chậm do lệnh phong toả. Điều đó khiến cho giá khoai tây, cà rốt, cải diếp xoăn, tỏi tây (poireau) tăng đáng kể trên thị trường. Còn các loại rau quả mà người Pháp dùng thường xuyên nhất đã tăng gấp bội, đến nổi giá mướp xanh hiện thời lên tới hơn 5€ còn cà chua xấp xỉ 6,5€ một kí. Với giá này, thì chẳng thà ăn một chút dâu tây còn hơn.
http://www.rfi.fr/vi/pháp/20200407-covid-19-pháp-triển-hạn-phong-tỏa-rau-tươi-càng-ế-ẩm

Geen opmerkingen:

Een reactie posten