vrijdag 10 april 2020

Kho tài liệu Việt Nam trong Hội Thừa Sai Paris - MEP + Kho sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp - BNF

Kho tài liệu Việt Nam trong Hội Thừa Sai Paris - MEP

Phần âm thanh 09:33
Cuốn Cathechismus (Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội) của cha Alexandre de Rhodes, xuất bản tại Roma, năm 1651.
Cuốn Cathechismus (Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội) của cha Alexandre de Rhodes, xuất bản tại Roma, năm 1651. © RFI / Tiếng Việt
Từ tháng 09/2019, toàn bộ tài liệu lưu trữ, thư viện, kho tranh ảnh, bản đồ và các bộ sưu tập đồ vật của Hội Thừa Sai Paris, Missions Etrangères de Paris (MEP), được quy tụ về Viện Nghiên Cứu Pháp-Châu Á, Institut de Recherche France-Asie (IRFA), trong đó kho tài liệu liên quan đến Việt Nam chiếm một phần quan trọng.Có thể nói cha Alexandre de Rhodes là người đóng vai trò lớn trong mối liên hệ giữa Hội Thừa Sai Paris và Việt Nam. Cuốn Phép giảng tám ngày (Cathéchimus / Cathéchisme) của cha Alexandre de Rhodes, xuất bản vào thế kỷ XVII, cùng với nhiều tác phẩm quý khác, được Viện tự hào trưng bầy trong tủ kính đặt ngay lối vào chính ở phố Babylone.
Bà Marie-Alpais Dumoulin, giám đốc Viện IRFA, cho biết đây chỉ là một vài mẫu nhỏ được trưng bày nhân lễ khánh thành Viện vào tháng 01/2020.
« Cha Alexandre de Rhodes là người khởi xướng sáng lập Hội Thừa Sai Paris vì Cha là người thỉnh cầu Tòa Thánh Roma thành lập một hội truyền giáo mới biết rõ các ngôn ngữ bản địa và có thể truyền giáo bằng những kiến thức văn hóa bản địa.
Cha Alexandre de Rhodes truyền giáo ở Việt Nam và bản thân cha là một người biết rất rõ ngôn ngữ ở Việt Nam lúc đó. Cha Alexandre de Rhodes là người tiếp tục công việc của các cha truyền giáo trước đó, có nghĩa là ghi theo bảng chữ cái la tinh tiếng nói của người Việt, sau này được gọi là quốc ngữ. Chính cha Alexandre de Rhodes là người cho in cuốn Dictionnaire annamite-portugais-latin. Tại sao lại là La tinh và Bồ Đào Nha ? Vì la tinh là ngôn ngữ của Giáo Hội, còn Bồ Đào Nha là tiếng của những tu sĩ dòng Tên, truyền giáo trong khu vực vào thế kỷ XVII.
Sau cuốn từ điển đó, Alexandre de Rhodes in thêm cuốn Phép giảng kinh tám ngày (Cathéchisme) bằng tiếng Việt. Cuốn Phép giảng kinh này rất được chú ý trong bộ sưu tập của chúng tôi vì trong ít nhất hai thế kỷ sau đó, rất nhiều cha truyền giáo, được cử sang Việt Nam, đã sử dụng cuốn giảng kinh đó ».
Những tài liệu quý hiếm về dân tộc thiểu số Việt Nam
Viện IRFA chỉ có thể tiếp khoảng 10 độc giả mỗi ngày, một phần do diện tích phòng đọc khá nhỏ, nhưng lý do chính là Viện muốn bảo đảm môi trường nghiên cứu thuận lợi nhất, phục vụ chu đáo nhất nhu cầu tài liệu của độc giả, có nhiều thời gian với mỗi độc giả để hướng họ đến những tài liệu liên quan.
Ngay lối vào chính của Viện IRFA là cầu thang dẫn lên tầng 1, nơi có kho lưu trữ tài liệu viết tay của các nhà truyền đạo Hội Thừa Sai Paris, có khối lưu trữ dài khoảng 513 mét. Kho được chia thành hai khu vực : khu vực bảo quản tài liệu và phòng đọc.
Toàn bộ tài liệu lưu trữ được xếp trên các giá, xê dịch được nhờ hệ thống đường ray và để tiết kiệm diện tích, được xếp theo từng nước và tên nhà truyền giáo.
« Tài liệu về Việt Nam nằm từ dãy 28 đến dãy 32. Và nếu tôi mở từng dãy, chúng ta sẽ thấy là mỗi dãy có rất nhiều tài liệu ở trong. Lưu trữ về những nhiệm vụ ở Việt Nam có từ thời những nhà sáng lập Hội Thừa Sai Paris, có nghĩa là từ những năm 1770.
Ví dụ ở dãy này, khi mở ra, chúng ta thấy những hộp đựng tài liệu lưu trữ của địa hạt giám mục Kon Tum, được thành lập từ những năm 1930. Chưa đầy một thế kỷ mà chúng tôi đã có nhiều tài liệu như thế này về Kon Tum, vì địa hạt giám mục Kon Tum được một giám mục của Hội Thừa Sai Paris quản lý cho đến năm 1975 vì thế, tất cả tài liệu lưu trữ được chuyển về đây. Điều này cũng cho thấy mong muốn mở rộng việc truy cập những tài liệu này, bởi vì tài liệu lưu trữ ở Kon Tum liên quan thực sự đến lịch sử Việt Nam và lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là để độc giả có thể truy cập được những tài liệu này ».
Bà Marie-Alpais Dumoulin đã chuẩn bị một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ, hình chữ nhật dài khoảng 40 cm và rộng khoảng 10 cm, để giới thiệu. Bên ngoài ghi Danh mục về dân tộc, thực vật của Jacques Dournes (1922-1993), một linh mục và là nhà nhân chủng học nổi tiếng về dân tộc Sré và Gia Rai ở Việt Nam.
« Cha Jacques Dournes, linh mục của Hội Thừa Sai Paris, đã sống hơn 30 năm ở Việt Nam, cùng với người dân tộc Sré (thuộc dân tộc Cơ Ho) và người Gia Rai (Jörai) ở vùng tây nguyên. Ông rất thích văn hóa Gia Rai và ông hiểu ra rằng để có thể hiểu được rõ văn hóa Gia Rai, ông phải biết được thế giới của họ. Và để hiểu được thế giới đó thì phải biết được cả thế giới thực vật và để làm được điều này, như chính ông nói, phải đi chân trần, cùng họ đi khám phá những loài thực vật.
Điều lý thú ở đây là việc thu thập những tên cây cỏ đã mang lại kết quả là vào năm 1969, cha Jacques Dournes cho xuất bản cuốn sách Bois Bambou (Gỗ, Tre). Tên sách thể hiện rõ thế giới thực vật biểu tượng của người Gia Rai. Ông giải thích rõ là ông không nghiên cứu cụ thể từng loài cây để viết một cuốn từ điển chuyên biệt mà là để hiểu rõ hơn làm thế nào thế giới thực vật lại hòa nhập với thế giới văn hóa nói chung của người Gia Rai ».
1/6
Một số sách của Hội Truyền Giáo Paris, MEP, được trưng bày nhân ngày thành lập Viện Nghiên cứu Pháp-châu Á, IRFA, Paris, ngày 16/01/2020.Cuốn Từ điển Hán-An Nam - La tinh (Dictionnaire chinois-annamite-latin), thế kỷ XVIII, IRFA, Paris, 16/01/2020.Bản dịch Thánh giác yếu lý (Imitation de Jésus-Christ), thế kỷ XVIII, IRFA, Paris, ngày 16/01/2020.Tập kỷ yếu Bulletin des Amis du Vieux Huế (Những người bạn của Huế xưa) do cha L. Cadière làm giám đốc, kiêm chủ biên, IRFA, Paris, 16/01/2020.Kỷ yếu Bulletin des Amis du Vieux Huế, thư viện IRFA, ngày 29/01/2020.Hai cuốn sách được tái bản, thư viện IRFA, Paris, ngày 29/01/2020.
Một số sách của Hội Truyền Giáo Paris, MEP, được trưng bày nhân ngày thành lập Viện Nghiên cứu Pháp-châu Á, IRFA, Paris, ngày 16/01/2020. © © RFI / Tiếng Việt
Bên phía phòng đọc, Brigitte, người quản lý kho lưu trữ, chuẩn bị tài liệu và hướng dẫn cho một độc giả nghiên cứu về tiểu sử một nhà truyền đạo thuộc Hội Thừa Sai Paris, tử vì đạo ở Triều Tiên.
« Brigitte cung cấp dần dần cho tôi những tài liệu, bản thảo của vị thánh tử vì đạo. Tôi cũng được bà phụ trách thư viện giúp tìm một số đầu sách có trong thư viện. Ngoài ra, nhờ Brigitte giúp đỡ, tôi còn đọc được các bản chụp phim (microfiche) những tài liệu mà không thể truy cập được tài liệu gốc.
Trước khi lên Paris, tôi viết thư cho Brigitte để bà ấy cho một vài hướng dẫn và chuẩn bị trước những tài liệu mà tôi yêu cầu. Tôi có thể giữ chúng tại phòng đọc trong vòng 24 hoặc 48 tiếng. Đó là khoảng thời gian tôi lưu lại Paris, bởi vì tôi không thể đọc được hết một lần.
Tôi đánh giá rất cao về mức độ nhanh chóng, khả năng đối thoại, trao đổi với nhân viên của Viện, tiếp theo là việc tài liệu được đặt trước được chuyển đến người đọc rất nhanh. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Viện IFRA ».
Thư viện với hơn 1.000 đầu sách về Việt Nam
Để đi sang thư viện, độc giả sẽ phải đi qua một khoảng sân rộng. Phòng đọc nhỏ xinh ở tầng trên cùng của tòa nhà chỉ có thể tiếp được hai độc giả cùng lúc.
Bà Annie Salavert, phụ trách thư viện, cho biết kho sách liên quan đến Việt Nam được phân chia và lập danh mục trực tuyến vào năm 2017.
« Một nữ nghiên cứu sinh Việt Nam chuyên về ngôn ngữ đã giúp tôi trong suốt một năm. Cô ấy đã lập được danh sách hơn 1.000 đầu sách bằng nhiều ngôn ngữ ở Việt Nam, trong đó hơn một nửa là tiếng Việt. Phần còn lại được viết bằng những ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên. Và đây chính là điểm đặc biệt của Hội Thừa Sai Paris và là sự đa dạng của Viện Nghiên Cứu Pháp-Châu Á. Về điểm này, cần phải nhấn mạnh đến công trình của cha Jacques Dournes.
Ngoài ra, trong số các tài liệu, sách bằng tiếng Pháp, phải kể đến những công trình nghiên cứu của cha Léopold Cadière, đặc biệt là cuốn kỉ yếu Những Người bạn của Huế xưa (Bulletin des Amis du Vieux Huế). Cha là giám đốc, kiêm chủ biên của kỉ yếu từ năm 1914 đến năm 1944. Bộ sưu tập những số của tạp chí đó là một gia tài quý giá, và dĩ nhiên là một kho báu đối với IRFA ».
Bà Annie Salavert nhận xét kho sách Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Hội Thừa Sai Paris, cũng như những kho sách bằng nhiều ngôn ngữ châu Á khác.
« Những tác phẩm trong kho sách tiếng Việt được đưa về Hội Thừa Sai Paris nhờ các cha truyền giáo. Chúng tôi cũng đã bị mất nhiều bộ sưu tập lớn ở Việt Nam khi các cha phải rời Đông Dương, lúc đó có rất nhiều cha chỉ có mỗi cuốn Kinh Thánh trong túi. Thật đáng tiếc là nhiều tủ sách của các cha ở Việt Nam đã bị thất lạc. Lẽ ra chúng tôi đã có nhiều hơn là 1.000 cuốn sách. Tôi rất tiếc nhưng chúng tôi cũng lưu được nhiều vết tích của nhà in Quy Nhơn, cũng như một số nhà in khác, mà Viện sẽ còn có nhiều việc phải làm ».
Tất cả các tác phẩm trong thư viện của IRFA đều có thể truy cập trên trang web của Viện. Một điều dễ chịu khác là độc giả đến tận nơi, có thể được tận hưởng bầu không khí yên bình lạ thường giữa lòng Paris và được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của nhà thờ Chapelle de l’Epiphanie có từ thế kỷ XVII.
https://www.youtube.com/watch?v=j-VbvHDvxBA

Kho sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp - BNF

Phần âm thanh 08:56
Thư viện Quốc Gia Pháp, BNF, lối vào Ouest.
Thư viện Quốc Gia Pháp, BNF, lối vào Ouest. RFI / Tiếng Việt
Thư Viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, BNF), cơ sở François Mitterrand nằm bên bờ sông Seine, quận 13 Paris, mở cửa đón độc giả ngày 20/12/1996.
Với chức năng lưu trữ tất cả các ấn phẩm lưu chiểu tại Pháp (sách in, thư tịch viết tay, bản đồ, tranh ảnh…), BNF là thư viện lớn nhất nước Pháp với khoảng 14 triệu đầu sách, trong đó các tủ sách được phân thành các khoa theo chuyên ngành khác nhau : khoa học, lịch sử, văn học, xã hội, triết học, nghe nhìn…
Thư Viện Quốc Gia Pháp có khối tài liệu về Việt Nam được cho là lớn nhất thế giới gồm nhiều lĩnh vực. Riêng về sách in (không tính tài liệu nghe nhìn, hình ảnh, bản đồ), có khoảng 90.000 đầu sách, được chia thành các tủ sách chuyên ngành của thư viện và được lưu tại hai khu vực chuyện biệt theo cấu trúc của BNF : Thư viện dành cho độc giả đại chúng (Haut-de-Jardin) và một thư viện dành cho độc giả nghiên cứu (Rez-de-Jardin).
Tại thư viện dành cho đối tượng đại chúng và học sinh-sinh viên, 70% tác phẩm thuộc mảng văn học và ngôn ngữ là sách dịch từ văn học Việt Nam sang tiếng Pháp hoặc sang tiếng Anh, cùng với nhiều bản gốc để độc giả đối chiếu. Tủ sách này được lưu trữ tại phòng đọc G dành cho văn học nước ngoài.
Ngoài ra, một tủ sách riêng dành cho người mới học tiếng Việt cũng được thành lập từ cách đây hai năm khi Thư Viện Quốc Gia Pháp mở thêm tủ sách học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt. Độc giả Việt Nam cũng có thể học tiếng Pháp theo các giáo trình được BNF đặt mua ở Việt Nam.
Về tủ sách dành cho đối tượng nghiên cứu (Rez-de-Jardin), một phần sách được đặt trên giá và độc giả có thể tự do tra cứu (phòng đọc W). Những cuốn sách này chủ yếu là tiếng Việt dành cho những nhà nghiên cứu chuyên sâu, cũng như là độc giả Việt Nam có tầm hiểu biết khá rõ về văn hóa-văn học Việt Nam, từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại.
Những đầu sách có trên giá chỉ chiếm 1% trên tổng số sách về Việt Nam trong thư viện quốc gia, vì phần lớn sách về Việt Nam được lưu trữ trong các kho lạnh chuyên biệt trên bốn tòa tháp của thư viện. Vì vậy, số sách trên giá không phản ánh hết lượng sách phong phú mà thư viện có.
Phòng đọc G, thư viện dành cho sinh viên-học sinh, BNF.
Phòng đọc G, thư viện dành cho sinh viên-học sinh, BNF. RFI / Tiếng Việt
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chị Nguyễn Giáng Hương, phụ trách kho sách Việt Nam và Đông Nam Á, giới thiệu về một số kho sách khác :
« Về bên khoa sách cổ, các tư liệu liên quan đến Việt Nam gồm các văn tự Hán-Nôm từ đầu thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, những văn bản đầu tiên được viết tay bằng chữ quốc ngữ. Đặc biệt là có bản gốc của cuốn từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes. Đây là cuốn từ điển đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ, chữ viết hiện đại ngày nay.
Về hiện vật, thư viện quốc gia Pháp cũng có một kho tiền cổ rất có giá trị. Thực ra kho tiền cổ này trước đây nằm trong kho tiền cổ của Trung Quốc. Bởi vì tiền cổ Việt Nam trước đây được viết bằng chữ Hán và nó được tặng hoặc được mua lại từ các nhà viễn chinh và các nhà nghiên cứu về Đông Phương học.
Sau đó thư viện quốc gia sàng lọc lại và lọc ra được một kho tiền cổ của Việt Nam. Kho đó gồm 2.500 đồng tiền, chủ yếu là được mua hoặc được tặng, từ thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ 20, tức là có những đồng tiền in hiệu các đời vua, có cả những đồng tiền xu có chân dung Hồ Chí Minh ».
12.486 đầu sách trong « Kho Sách Đông Dương »
« Đặc biệt, kho sách rất quan trọng và quý hiếm duy nhất trên thế giới là kho sách Đông Dương. Kho sách được đặt tên là « Kho sách Đông Dương » vì bao gồm toàn bộ các ấn phẩm được in ở Đông Dương, chủ yếu là ở Việt Nam từ năm 1922 đến năm 1954, theo luật lưu chiểu. Kho sách này gồm có 12.486 đầu sách, chưa kể các đầu báo.
« Kho sách Đông Dương » này có vai trò lịch sử rất quan trọng bởi nó đánh dấu sự ra đời của rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam trong bước đầu giao thoa văn hóa với phương Tây. Ví dụ như các ngành báo chí, văn học viết bằng chữ quốc ngữ, những tiến bộ trong khoa học-kỹ thuật, trong các ngành khoa học tự nhiên, về kiến trúc, y học… Vì thế, kho sách Đông Dương này được các nhà nghiên cứu trên thế giới rất quan tâm và thường xuyên đến tra cứu.
Về những tủ sách khác, như tranh ảnh thì phải kể tới ban bản đồ. Ban này có nhiều bản đồ rất quan trọng và có giá trị lịch sử rất lớn về Đông Dương gồm các nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Hội Địa Lý (Société de la Géographie) đã tặng toàn bộ kho bản đồ về Đông Dương cho Khoa Bản Đồ (Département des Cartes) của Thư viện Quốc gia Pháp.
Thư viện Quốc gia Pháp cũng có một kho tài liệu ảnh-bưu thiếp rất lớn và phần lớn đã được số hóa nên có thể tra cứu trực tuyến trên trang Gallica.fr. Nhiều bức ảnh có giá trị rất lớn, như ảnh về gia đình vua Bảo Đại hay những chuyến công du Pháp của ông vào năm 1922 và sự tiếp đón của chính quyền Pháp ».
Độc giả còn có thể tham khảo tài liệu nghe-nhìn về Việt Nam, gồm chủ yếu là âm nhạc truyền thống (hát ru, cải lương, nhạc đàn chanh, đàn bầu…) cùng với nhiều bộ phim tài liệu về lịch sử và xã hội Việt Nam hiện đại. Đây là điểm mới của kho sách về Việt Nam từ khi chị Giáng Hương giữ vai trò phụ trách, nhờ đặt mua hay trao đổi với Thư Viện Quốc Gia Việt Nam.
Trong số các tác phẩm nghe-nhìn được lưu trữ tại BNF, có một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam, từ những ngày đầu thành lập như Con chim vành khuyên (năm 1962) của đạo diễn Nguyễn Văn Thông, đến những tác phẩm hiện đại như phim của Trần Anh Hùng, Đặng Nhật Minh. Những bộ phim gần đây gồm có những bộ phim Lọ Lem hè phố của Lê Hoàng, Chung cư (2012) của tác giả Việt Linh hay Bi đừng sợ (2013) của Phan Đăng Di.
Triển lãm sách của Xuân Diệu tại phòng đọc G, Thư viện Quốc Gia Pháp - BNF.
Triển lãm sách của Xuân Diệu tại phòng đọc G, Thư viện Quốc Gia Pháp - BNF. RFI / Tiếng Việt
Bảo quản và tra cứu tài liệu quý hiếm
Thư viện quốc gia có một bộ phận riêng chuyên bảo quản và phục chế tư liệu. Rất nhiều sách tại BNF được số hóa và có thể tra cứu được trên trang Gallica và rất dễ tìm kiếm. Đây là một lợi thế của Thư Viện Quốc Gia Pháp. Và với kỹ thuật số hóa rất hiện đại, người đọc có thể phóng to thu nhỏ, thậm chí copy lại phần phóng to nào đó của tài liệu, ảnh hoặc bản đồ. Đây là một phương pháp hữu ích để tra cứu và nghiên cứu tài liệu về hình ảnh.
Cùng với sự kiện liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước trong vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lượng yêu cầu truy cứu tài liệu, đặc biệt là bản đồ, tại Thư Viện Quốc Gia Pháp có vẻ tăng lên. Chị Giáng Hương cho biết, nhiều người quan tâm cũng đặt câu hỏi cho chị trong một số hội thảo về sách liên quan đến Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á.
« Chức năng của thư viện là đem tới người đọc công cụ tìm kiếm tốt nhất và chi tiết nhất. Vì vậy, thư viện mở cửa cho bạn đọc và chủ yếu ở bên này có nhiều bạn đọc quốc tế, từ Pháp và các nước khác trong châu Âu đến tìm hiểu. Ngoài ra còn có một số bạn đọc Việt Nam sống ở châu Âu cũng hỏi tra cứu bản đồ.
Từ 1-2 năm nay, BNF đã có chính sách mở rộng đến bạn đọc và có những đường hướng cải cách hướng tới bạn đọc. Kho sách Việt Nam và Đông Nam Á cũng nằm trong hướng đi chung của thư viện. Đối với kho sách Việt Nam và Đông Nam Á cũng có nhiều độc giả thường xuyên đến. Thậm chí họ không ngại khi phải đi lại từ nước này sang nước khác để tra cứu những tài liệu quý và thậm chí yêu cầu in một bản riêng để tra cứu.
Tuy nhiên, đây lại là một hạn chế lớn đối với các nhà nghiên cứu quốc tế và từ Việt Nam. Điều đầu tiên mà Thư Viện Quốc Gia hướng tới bạn đọc để họ có thể tra cứu dễ dàng là công nghệ số hóa. Chính vì vậy, tất cả tư liệu trên trang Gallica, người đọc có thể xem và tra cứu từ nhà.
Ngoài ra, bộ phận tiếng Việt của thư viện cũng có những chương trình hợp tác với các cơ sở dạy tiếng Việt, cụ thể là trường Inalco và một số trường đại học khác. Năm 2014, Thư Viện Quốc Gia Pháp đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về Việt Nam. Đây là một hoạt động lớn để cho các nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Pháp, cũng như ở châu Âu, biết nhiều hơn đến các giá trị lịch sử và tầm quan trọng của các tủ sách tiếng Việt ở Thư Viện Quốc Gia ».
 http://www.rfi.fr/vi/phap/20160617-kho-sach-viet-nam-tai-thu-vien-quoc-gia-phap-bnf

Viện Viễn Đông Bác Cổ, EFEO và kho sách quý hiếm về Việt Nam

Phần âm thanh 10:05
Một số tranh khắc trong bộ sưu tầm của nhà nghiên cứu Maurice Durand, EFEO, Paris.
Một số tranh khắc trong bộ sưu tầm của nhà nghiên cứu Maurice Durand, EFEO, Paris. RFI / Tiếng Việt
Ngay năm 1886, khi vừa được bổ nhiệm làm tổng công sứ Trung-Bắc Kỳ, Paul Bert đã có ý tưởng thành lập Bắc Kỳ Hàn Lâm Viện (Académie tonkinoise) nhằm tạo bầu không khí hữu hảo và kiềm chế sự chống đối của người dân Bắc Kỳ vừa bị đặt dưới chế độ bảo hộ Pháp.
Quảng cáo
Dù bị thất bại « ngay trong trứng nước », nhưng kế hoạch trên trở thành cơ sở cho các sáng lập viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française d’Extrême-Orient, EFEO), thuộc Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres).
Hơn một thế kỷ vì châu Á
Ban tiếng Việt đài RFI đã có dịp trao đổi với chị Magali Morel, cán bộ thư viện phụ trách kho sách Đông Nam Á, về sự ra đời của Viện Viễn Đông Bác Cổ :
« Ban đầu, người ta muốn lập một Hội Nghiên cứu Khảo cổ châu Á. Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Louis Finot, muốn thành lập một ngôi trường Pháp, theo mẫu trường đã được thành lập ở Roma hay Athens. Thời gian đầu, ông muốn trường tập trung nghiên cứu về Ấn Độ, nhưng kế hoạch không thành. Lúc đó Paul Doumer đang làm toàn quyền Đông Dương lại bị dự án này cuốn hút và cuối cùng, Viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập ở Hà Nội ».
Tiền thân của Viện là Hội Nghiên cứu Khảo cổ Đông Dương (Mission archéologique d’Indo-Chine) được thành lập tại Sài Gòn năm 1898 với hai nhiệm vụ chính : khuyến khích các nhà nghiên cứu Pháp đến thực địa tại châu Á và phụ trách thống kê cũng như bảo quản di sản văn hóa Đông Dương.
Năm 1900, theo quyết định của toàn quyền Paul Doumer, tên gọi và cơ cấu của hội được thay đổi, trở thành Viện Viễn Đông Bác Cổ. Theo nhận xét của bán nguyệt san La Quinzaine coloniale (n° 101, 10/03/1901), quyết định này đánh dấu tính thường trực và đề cao vai trò quan trọng của Viện trong việc « nghiên cứu và phổ biến kiến thức về lịch sử các công trình và chữ tượng hình của các dân tộc Đông Dương mà quá khứ còn xa xưa hơn lịch sử của chúng ta vẫn chưa tiết lộ hết những bí mật ».
Từ năm 1902, trụ sở của Viện được chuyển ra Hà Nội với các nhiệm vụ chính : thăm dò khảo cổ học, sưu tập bản thảo, bảo tồn các công trình, thống kê nhân chủng học các tộc người, nghiên cứu di sản ngôn ngữ, lịch sử các nền văn minh phương Đông, từ Ấn Độ đến Nhật bản.
Để hỗ trợ cho kế hoạch nghiên cứu khoa học đầy tham vọng này, một thư viện và một viện bảo tàng (sau này trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) được thành lập. Thư viện ở Hà Nội trở thành kho dữ liệu quan trọng của các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Bìa cuốn sách Mối quan hệ của phái đoàn các Cha dòng Tên với Vương quốc Nam Kỳ, xuất bản năm 1631, EFEO, Paris.
Bìa cuốn sách Mối quan hệ của phái đoàn các Cha dòng Tên với Vương quốc Nam Kỳ, xuất bản năm 1631, EFEO, Paris. RFI / Tiếng Việt
Ngày 27/11/1909, trong bài diễn văn nhân dịp khai mạc phiên họp của Hội đồng Tối cao, toàn quyền Đông Dương Antony Klobukowski đã cho biết về kho sách quý giá này : « Thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ ngày càng phong phú hơn nhờ 100 tập sách do Quốc Sử Quán (triều Nguyễn) in ấn và được Hoàng đế An Nam trao tặng. Ngoài ra, còn có rất nhiều tác phẩm đến từ Trung Quốc và các bản sao chép tác phẩm quý hiếm của Việt Nam nhờ các vị quan hay nho sĩ cho mượn. Vì vậy, có thể nói đây là thư viện về nghiên cứu Đông phương đầy đủ nhất thế giới ».
Trong suốt thế kỷ XX, kho sách của thư viện ngày càng thêm phong phú về số lượng và chất lượng nhờ đặt mua, trao đổi và được di tặng. Trong cuốn Một thế kỷ vì châu Á. Viện Viễn Đông Bác Cổ, 1898-2000, tác giả Catherine Clémentin-Ojha Manguin cho biết, sau hiệp định Geneve 1954, một phần kho sách, được đóng thành 500 kiện, đã rời Hà Nội vào cuối tháng Bẩy cùng năm để sang Phnom Penh (Cam Bốt), Vientiane (Lào) và một chi nhánh mới của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Sài Gòn. Trung tâm tại Hà Nội tiếp tục hoạt động đến 1957 để sao chụp các bộ sưu tập sách của thư viện, chủ yếu là các bản viết tay, nhằm phục vụ cho các trung tâm khác và trụ sở ở Paris, như lời giải thích của chị Magali Morel :
« Kho sách Việt Nam gốc hiện đang được bảo quản tại Nhà Châu Á (Maison de l’Asie) ở Paris đến từ thư viện được thành lập ở Hà Nội. Các bộ sưu tập được thu thập tại đó, liên quan rất nhiều đến Đông Dương. Sau đó, chúng được chuyển đi sau loạt sự kiện trong những năm 1950 tại Việt Nam.
Những bộ sưu tập này được phân chia sang các nước thuộc Đông Dương cũ là Việt Nam, Cam Bốt, Lào, nhưng cũng có cả Thái Lan. Rất nhiều kiện sách (318 kiện) được gửi từ Việt Nam đến Cam Bốt, rồi từ Cam Bốt đến Pondichéry và cuối cùng đến Paris trong những năm 1950.
Trung tâm của kho sách Đông Dương, đặc biệt là của Việt Nam, ban đầu chính là các bộ sưu tập tài liệu được hình thành ở Đông Dương vào đầu thế kỷ XX ».
Kho sách cổ với tác phẩm có từ thế kỷ XVII
Một trong những tài liệu quý hiếm giúp thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris trở thành một trong những trung tâm quan trọng trong giới nghiên cứu về Đông Dương và Việt Nam là bộ sưu tầm 20.000 ván khắc Hán Nôm. Đây là kho tài liệu quan trọng giúp tái dựng cổ sử Việt Nam.
Ngoài ra, còn phải kể đến bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam với khoảng 400 bức tranh do nhà nghiên cứu Maurice Durand thu thập. Được bảo quản trong điều kiện tốt, bộ sưu tập đa dạng và phong phú về nhiều đề tài khác nhau : cuộc sống thường nhật, các ngành nghề nhỏ, chúc tụng và những tấm bùa hộ mệnh, tôn giáo và tín ngưỡng, lịch sử, văn học, giáo dục, tục ngữ, ngạn ngữ… 
Cuối cùng, còn có hơn 3.000 đầu sách về Việt Nam, trong đó có rất nhiều sách cổ, trên tổng số gần 33.000 tác phẩm thuộc kho Đông Nam Á. RFI đã có dịp được ngắm hai tác phẩm cổ liên quan đến Việt Nam, được in năm 1631 và 1646, hiện không còn phục vụ độc giả.  
Bìa cuốn sách Lịch sử Vương quốc Bắc Kỳ, xuất bản năm 1646, EFEO, Paris.
Bìa cuốn sách Lịch sử Vương quốc Bắc Kỳ, xuất bản năm 1646, EFEO, Paris. RFI / Tiếng Việt
« Tôi mang ra đây mấy cuốn sách cổ để giới thiệu. Cuốn sách nhỏ này có từ thế kỷ XVII, có tựa đề Relations de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (tạm dịch : Mối quan hệ của phái đoàn các Cha dòng Tên với Vương quốc Nam Kỳ). Tác phẩm được dịch từ tiếng Ý và là một trong số những cuốn sách cổ nhất của bộ sưu tập được thu thập ở Hà Nội. Hầu hết bộ sưu tầm được hình thành từ những cuốn hồi ký du lịch hay những cuốn sách của các nhà truyền đạo miêu tả Nam Kỳ thời kỳ đó.
Còn đây là một cuốn khác, Histoire du Royaume de Tonquin (Lịch sử Vương quốc Bắc Kỳ), cũng là một tác phẩm có từ thế kỷ XVII. Chúng tôi có nhiều tác phẩm về những tiếp xúc đầu tiên của phương Tây với Đông Dương và Việt Nam. Tiếp theo, còn có những kho sách liên quan đến nghiên cứu Đông Dương từ lúc Viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập ở châu Á, trong đó có rất nhiều nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng học và triết học đáng quý ».
Viện Viễn Đông Bác Cổ nằm trong quần thể Nhà Châu Á (Maison de l’Asie), tọa lạc trong quận 16 nổi tiếng của Paris, ngay gần Trocadéro và quảng trường Nhân Quyền (Parvis des droits de l’homme) nhìn ra tháp Eiffel. Đây cũng là trụ sở của nhiều trung tâm nghiên cứu về châu Á khác thuộc các trường Nghiên cứu nâng cao về Khoa học Xã hội (EHESS) và trường Cao Đẳng Thực Hành (EPHE), như trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Trung Hoa hiện đại và đương đại, Đông Nam Á (CASE) và Tây Tạng, cũng như thư viện của những cơ sở này.
Dù độc giả đến đây có thể tra cứu được các kho sách của cả ba trường trên (EFEO, EPHE và EHESS), nhưng số lượng người đọc không nhiều so với các thư viện khác. Chị Magali Morel giải thích :
« Vì Viện Viễn Đông Bác Cổ là một cơ quan chuyên biệt. Chúng tôi đón sinh viên cao học, các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực trọng điểm, rất đặc biệt. Hiện chúng tôi đang cố trao đổi nhiều hơn nữa với bên ngoài vì cần phải tiếp nhận những công nghệ mới và trao đổi với mạng xã hội… Đây cũng là dự án mà chúng tôi đang làm để mở rộng hơn một chút và có thể để lập một địa điểm năng động hơn. Đúng là chúng tôi là một cơ quan chuyên biệt, nhưng dù sao cũng mở rộng với tất cả ».
Ngoài trụ sở tại Paris, Viện Viễn Đông Bác Cổ có mặt tại Pondichéry, Ấn Độ. Trong khu vực Đông Nam Á có các trung tâm hoặc chi nhánh ở Lào, Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và Indonesia. Riêng Miến Điện mới chỉ có một đại diện. Cuối cùng, Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng có mặt ở Nhật Bản và mới đây một văn phòng đã được mở ở Trung Quốc.
Phòng đọc thư viện của EFEO, Paris.
Phòng đọc thư viện của EFEO, Paris. RFI / Tiếng Việt

http://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20161202-vien-vien-dong-bac-co-efeo-va-kho-sach-quy-hiem-ve-viet-nam

Sách báo Đông Dương tại nhà sách cổ ở Pháp

Phần âm thanh 09:26
Ông Ghislain de la Hitte, chủ hiệu sách Opimane, tại phòng thu RFI.
Ông Ghislain de la Hitte, chủ hiệu sách Opimane, tại phòng thu RFI. RFI / Tiếng Việt
Chế độ nộp lưu chiểu tại Đông Dương chỉ được chính phủ thuộc địa bắt đầu áp dụng từ năm 1922, trong khi tại Pháp, nộp lưu chiểu đã được quy định trong các đạo luật 24/07/1793 và 19/07/1881 về xuất bản, báo chí và phân phối ấn phẩm.Chính vì vậy sách báo được in ấn trước năm 1922 tại Đông Dương không được thống kê đầy đủ và nằm tản mát tại các phòng ban của chính quyền thuộc địa, tại địa phương hoặc nằm trong thư viện của tư nhân, hầu hết là công chức và thương nhân người Pháp sống tại Đông Dương lúc bấy giờ.
Ngoài số sách báo, tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các thư viện nhà nước (BnF), trường học và cơ sở nghiên cứu (Inalco, EFEO), Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) hoặc các cơ quan lưu trữ (Archives nationales), rất nhiều sách báo cổ, quý hiếm được lưu giữ trong các hiệu sách cổ, như hiệu sách Opiomane, chuyên về phương Đông, đặc biệt là Đông Dương.
RFI tiếng Việt đã có buổi nói chuyện với ông Ghislain de La Hitte, chủ hiệu sách Opiomane (Paris), để hiểu thêm về thị trường ít được biết đến.
***
RFI :Thưa ông Ghislain de La Hitte, từ 15 năm nay, ông sưu tập và bán sách cổ về phương Đông, trong đó có Đông Dương, ông thấy thị trường này phát triển thế nào ? Và đây có phải là một thị trường lớn không ?
Ông Ghislain de La Hitte : Nhìn chung, thị trường sách cổ bị gạt bên lề. Có thể nhận thấy là ngày càng có ít hiệu sách và người bán sách do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số các nguyên nhân chính, đó là công nghệ kỹ thuật số mà chúng tôi đang phải đối đầu. Điều này dẫn đến việc khi tìm một thông tin gì đó, người ta quen có được một thông tin đã được gọt dũa và soạn thảo sẵn. Người ta ít thiên về đọc hơn so với trước đây.
Còn về sách cổ, đây là một thị trường rất nhỏ. Có rất ít người làm nghề này tại Pháp và trên thế giới. Tại Pháp, hiện có hai nhà sách, so với chừng 5-6 nhà cách đây 15 năm. Nhiều người đã bỏ nghề do thời thế. Còn nếu chỉ kể số người bán sách chuyên về hướng dẫn du lịch vùng Viễn Đông thì chỉ có vài người trên thế giới.
Còn về câu hỏi nghề này hiện sống ra sao ? Giống như nhiều ngành nghề khác, sách có chất lượng cao vẫn luôn bán chạy. Còn những sách có chất lượng trung bình thì khó bán hơn. Thêm vào đó là trong mảng sách cổ xảy ra một tai tiếng tài chính liên quan đến các bản viết tay với một vụ lừa đảo có quy mô lớn về kim tự tháp Ponzy. Việc này đã làm toàn lĩnh vực nói chung mang tiếng, và đặc biệt là về giá vì trong vụ lừa đảo trên, giá bán đã bị thồi phồng lên rất nhiều. Vì vậy, nghề bán sách cổ bị tác động rất nhiều.
Chân dung người Nam Kỳ năm 1806, trích trong cuốn Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp (Iconographie historique de l'Indochine française, 1931).
Chân dung người Nam Kỳ năm 1806, trích trong cuốn Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp (Iconographie historique de l'Indochine française, 1931). BnF/Gallica
RFI : Tủ sách của ông chuyên về phương Đông, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Đông Dương. Những loại sách nào được bán chạy nhất ?
De La Hitte : Tôi không thể nói được sách nào tôi bán chạy nhất vì chúng đều thuộc loại khá hiếm nên tôi không bán nhiều. Nhưng tôi có thể nói những tiêu đề nào bán được dễ nhất.
Trên thực tế, không hẳn là những tác phẩm cổ nhất là bán chạy nhất, trái với những gì người ta vẫn nghĩ, bởi vì những tác phẩm có từ thế kỷ 17-18 thường được các gia đình lưu giữ, bảo quản và truyền lại cho con cháu nên chúng thường được chăm chút rất cẩn thận.
Ngược lại, có một số tác phẩm nhỏ, tài liệu giấy lại thường không được lưu giữ, phần lớn bị vất đi. Chính vì vậy, chúng lại trở nên vô cùng hiếm và được lùng ráo riết. Những cuốn được tìm kiếm nhiều nhất trong số đó thường là những tác phẩm mang tính giải trí, như các tạp chí cổ. Sở hữu các tạp chí được phát hành từ lâu là điều gì đó thú vị với một số khách hàng vì thông tin được xử lý ngày này qua ngày khác, vì có nhiều tranh biếm họa hoặc quảng cáo luôn bắt mắt…
Một ví dụ khác là loại sách hướng dẫn du lịch, chúng có nhiều thông tin thiết thực, làm sống lại cả một thời kỳ. Thường thì cả hai loại ấn phẩm này, tạp chí hay hướng dẫn du lịch, sau vài năm người ta đều vất hết, nên khó tìm được và được bán chạy hơn cả.
Ngoài ra, người ta còn sưu tập nhiều tác phẩm giới thiệu về những mối quan hệ của Pháp với các nước phương Đông, như những trao đổi đầu tiên giữa Pháp và Trung Quốc hay với Nhật Bản và Đông Dương.
Đông Dương chiếm một phần rất quan trọng trong tủ sách của tôi do mối quan hệ liên quan đến lịch sử giữa Pháp và Đông Dương. Trung Quốc cũng tương tự do vị trí địa lý nên có rất nhiều tác phẩm về hai địa điểm này.
RFI : Khách hàng của ông là những ai ? Dường như ngày càng có nhiều người Việt quan tâm đến sưu tập sách cổ ?
De La Hitte : Khách hàng của tôi là cơ quan, trường học, cũng có các nhà nghiên cứu nhưng không đông lắm. Ngoài ra còn có những cửa hàng sách lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc. Họ mua rồi bán lại cho các cơ quan và trường đại học trong nước. Cuối cùng phải kể đến khách hàng cá nhân, đủ thành phần.
Nếu là người Pháp, điều thú vị là sau khi hiểu họ hơn, hầu hết mỗi người đều có một câu chuyện riêng với đất nước mà họ sưu tập sách. Ví dụ một người sưu tập sách về Nhật Bản hay Việt Nam thường có vợ hoặc chồng là người Nhật, người Việt. Cũng có những khách hàng người Pháp, thời trẻ sống ở đất nước mà họ sưu tập sách. Họ cho đó là những năm tháng đẹp nhất đời mình. Họ lưu luyến và muốn sống lại thời kỳ đó qua những cuốn sách về đất nước mà họ quan tâm.
Cuối cùng, trong số khách hàng của tôi còn có công dân ở các nước liên quan, ví dụ người Hàn Quốc thì mua sách về Hàn Quốc, người Việt Nam mua sách về Đông Dương để tìm lại nguồn cội.
Khi tôi bắt đầu nghề này cách đây 15 năm, tôi có khá nhiều khách hàng người Việt, chủ yếu là Việt Kiều. Nhờ vậy mà tôi phát hiện ra không chỉ có người Việt sống ở Canada, Mỹ hay Pháp mà có rất nhiều người sống ở bán đảo Scandinavia, ở Thụy Sĩ hoặc Úc. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều đơn đặt mua từ Việt Nam, ở miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, hoặc ở Sài Gòn.
Chân dung linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc-Lộ) và Phép giảng tám ngày, trích trong Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp, 1931.
Chân dung linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc-Lộ) và Phép giảng tám ngày, trích trong Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp, 1931. BnF/Gallica
RFI : Xin ông giải thích rõ hơn về khách hàng Việt Kiều !
De La Hitte : Phải nói là khách hàng Việt Kiều của tôi đều rời Việt Nam trong những năm 1970 và giờ ít nhất họ đã 50 hoặc 60 tuổi. Với họ, tìm mua sách cổ về Đông Dương là cách làm tự nhiên, rất đỗi con người để tìm lại nguồn cội, tự hỏi mình là ai, từ đâu đến. Chính điều này góp phần làm gia tăng lượng khách Việt Kiều.
Về phần thị trường Việt Nam, đúng là không có nhiều, thậm chí là gần như không còn nhiều sách tại Việt Nam, một mặt do các lý do chính trị, mặt khác do điều kiện khí hậu, ẩm ướt nên sách bị hư hỏng nhiều. Vì thế, rất nhiều ấn bản của trường Viễn Đông Bác Cổ và nhiều hội nghiên cứu Đông Dương, nếu không bị chính những người sở hữu trước hủy đi thì cũng bị hủy vì lý do chính trị, nếu không cũng bị mối gặm nhấm.
Hậu quả là những bộ sưu tập đẹp mắt và sinh động về Đông Dương không tồn tại ở Đông Dương nữa mà nằm ở Pháp. Đó là những tác phẩm được người Pháp hoặc người Đông Dương thời kỳ đó mang về Pháp.
RFI : Ông duy trì và mở rộng bộ sưu tập của mình như thế nào ?
De La Hitte : Tôi tìm sách báo ở bất kỳ nơi nào có người bán. Có thể là ở những nơi công cộng như chợ hoặc các phòng bán, cũng có thể mua lại từ đồng nghiệp không chuyên về một khu vực địa lý như tôi. Họ khó bán được một cuốn sách chuyên về phương Đông trong khi tôi lại có những khách hàng tiềm năng.
Một nguồn cung cấp khác là các cá nhân. Tôi mua được cả bộ sưu tập của những người quá cố, thường là đàn ông, và vợ của họ bán bộ sưu tập sách đó đi. Đây là những trường hợp đặc biệt với những câu chuyện khá xúc động về cuộc đời họ, ví dụ họ chào đời ở Đông Dương và chỉ trở về Pháp trong những năm 1970 với bộ sưu tập sách của mình trong hành trang.
Thường họ sống ít nhất 40 năm ở Hà Nội, theo học trường Albert Sarraut, vì thế họ có rất nhiều điều muốn kể lại. Chính họ cung cấp cho chúng ta những bằng chứng quý giá và xúc động về thời kỳ đó. Tiếc là những con người này giờ không còn nhiều nữa !
http://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20180907-sach-bao-dong-duong-tai-nha-sach-co-o-phap

Geen opmerkingen:

Een reactie posten