woensdag 8 april 2020

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc - Những tín hiệu lạc quan?

Biển Đông : Việt Nam phản đối yêu sách của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc

Tham vọng chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, với yêu sách đường 9 vạch (còn gọi là ''lưỡi bò''), bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, La Haye, bác bỏ ngày 12/07/2016.
Tham vọng chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, với yêu sách đường 9 vạch (còn gọi là ''lưỡi bò''), bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, La Haye, bác bỏ ngày 12/07/2016. Ảnh : Reuters
Việt Nam bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, được nêu trong hai công hàm đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2019 và tháng 03/2020. Công hàm phản đối của Việt Nam được gửi tới tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 30/03, nhưng chỉ được công bố hôm 07/04.
Trong công hàm ngày 30/03, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc khẳng định các yêu sách của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông” “Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt là tại sao công hàm được gửi đi ngày 30/03, nhưng chỉ được công bố rộng rãi ngày 07/03 ? Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp tại Singapore, khi trả lời đài VOA, cho rằng có thể là do “áp lực từ công chúng” , sau vụ tầu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tầu cá của Việt Nam vào ngày 02/04 ở khu vực Hoàng Sa, buộc Việt Nam phải gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh hôm 03/04. 
Tiếp theo, có thể Hà Nội sẽ tính đến hướng đi pháp lý, như Philippines từng làm năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Hà Hoàng Hợp, trước đó “Việt Nam sẽ gặp phía Trung Quốc để bàn xem có thể xử lý trên đàm phán được không. Không phải song phương, mà là đa phương”.
Trung Quốc đang bị chỉ trích lợi dụng tình hình cả thế giới đối phó dịch Covid-19 để tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Ngày 06/04, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt lợi dụng thế yếu của các nước Đông Nam Á để gia tăng những đòi hỏi phi pháp tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 07/04, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) chỉ trích Mỹ tiếp tục vi phạm chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đồng thời khuyến cáo Washington tập trung ưu tiên chống dịch Covid-19 ở trong nước. 
Một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, bất chấp đại dịch Covid-19. Trang Asia Times ngày 08/04, trích thông tin của Hoàn Cầu Thời Báo, cho biết thủy phi cơ AG600 do Trung Quốc chế tạo sắp được thử nghiệm trên biển trong năm 2020. Đây là loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Nhờ khả năng hoạt động độc lập trong 12 giờ, một khi được triển khai tại quần đảo Hoàng Sa, thủy phi cơ này có thể đến bất cứ vị trí nào tại Biển Đông. 
http://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20200408-biển-đông-việt-nam-phản-đối-yêu-sách-của-trung-quốc-lên-liên-hiệp-quốc

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc - Những tín hiệu lạc quan?

Hình minh hoạ. Tàu tuần tra của Philippines đi qua tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 14/5/2019
Hình minh hoạ. Tàu tuần tra của Philippines đi qua tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 14/5/2019
AFP

Cuộc chiến Công hàm

Như đã trình bày trong một bài báo trước, ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một bản đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, yêu sách một phần thềm lục địa mở rộng của nước này trên biển Đông, dựa trên Điều 76 của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Ngày 6/3/2020, Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc đã đệ trình Công hàm lên Liên Hợp Quốc để đáp lại Đệ trình của Malaysia. Ngày 23/3/2020, Trung Quốc đã ra Công hàm đáp trả Công hàm của Malaysia và Philippines. Trong Công hàm của Trung Quốc có khẳng định: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cùng với những vùng nước kế cận các đảo này cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông. Chủ quyền và các quyền liên quan khác cùng với quyền tài phán của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và pháp lý…”
Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã đệ trình Công hàm phản đối “luận điệu” của Trung Quốc. Công hàm của Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Các Công hàm này thể hiện gì?

Có một số điểm đáng lưu ý trong các công hàm này.
Thứ nhất, mặc dù Malaysia khởi đầu với việc yêu sách thềm lục địa mở rộng ngày 12/12/2019, dẫn tới việc các bên ra Công hàm để thể hiện quan điểm, thế nhưng trong cả Công hàm ngày 6/3/2020 của Philippines lẫn Công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam đều không có nội dung phản đối hay đả động đến Malaysia (mặc dù mỗi bên đều giữ những quan điểm nghiêng về lợi ích của mình), mà nhất loạt phản đối Trung Quốc. Điều này cho thấy, dường như, Malaysia, Philippines và Việt Nam có những thoả thuận trước, hoặc có thể, ít nhất, ba quốc gia trên đã tìm được những điểm chung trong việc phản đối “luận điệu” của Trung Quốc qua các bản Công hàm này.
Ảnh chụp vệ tinh một phần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông
Ảnh chụp vệ tinh một phần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông AFP
Thứ hai, Trong Công hàm ngày 30/3/2020 của mình, Việt Nam đã tuyên bố rõ thêm: “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng." Tuyên bố này ngụ ý: i) theo điều 121 (3) UNCLOS 1982, được giải thích qua Phán quyết 2016, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không có cấu trúc nào được coi là “đảo”. Mặc dù Phán quyết 2016 chỉ nhắc tới Trường Sa, nhưng Việt Nam muốn “áp dụng pháp luật tương tự” từ quy chế pháp lý của Trường Sa cho Hoàng Sa; ii) Do các cấu trúc này không đáp ứng được yêu cầu là “đảo”, cho nên không thể vạch đường cơ sở thẳng “vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất”, điều này ám chỉ việc Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa năm 1996 là không hợp lý, và Việt Nam phản đối điều này.
Thứ ba, tương tự như nội dung trong Công hàm ngày 6/3/2020 của Philippines có đề cập, Việt Nam cũng “phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.” Điểm này, Việt Nam dựa theo Phán quyết 2016 để phản đối trực diện vào “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức “quyền lịch sử”.

Thời điểm gửi Công hàm

Một vấn đề cũng đáng lưu ý, đó là thời điểm gửi Công hàm của Việt Nam được gửi từ ngày 30/3/2020. Dường như, Việt Nam đã đoán trước được việc Trung Quốc sẽ ra Công hàm với những lập luận “nhập nhằng, rối rắm” như nhiều lần trước, cho nên Việt Nam đợi sau khi Trung Quốc ban hành Công hàm ngày 23/3/2020, đúng một tuần sau, Việt Nam mới ban hành Công hàm để đáp trả Trung Quốc.
Thêm nữa, Công hàm của Việt Nam đã gửi lên Liên Hợp Quốc từ ngày 30/3/2020, nhưng đến ngày 7/4/2020, báo chí và truyền thông Việt Nam mới ngập tràn những thông tin về Công hàm này. Đặc biệt sau sự cố tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 2/4/2020 như một động tác “trả thù” sau Công hàm này, và phía Việt Nam đã chủ động “khuấy động vấn đề” trên các phương tiện truyền thông. Chưa kể, báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/4/2020 đã đăng toàn văn lời phản đối của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ ngoại giao Philippines đều lên tiếng phản đối việc đâm chìm tàu cá Việt Nam của Trung Quốc. Tất cả những điều trên cho chúng ta thấy những chỉ dấu về sự chuyển biến trong thái độ của Việt Nam cũng như Malaysia, Philippines trước các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hy vọng, với những bước chuyển như vậy, nhà nước Việt Nam sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp với các quốc gia ASEAN, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN, tìm kiếm những biện pháp để chống lại dã tâm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-submission-to-un-optimistic-sign-04082020133117.html

Việt Nam nộp công hàm phản đối Trung Quốc lên UN, cuộc chiến chưa có hồi kết

Hình minh hoạ. Người Việt Nam và Philippines cùng biểu tình phản đối Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, Philippines hôm 6/8/2016
Hình minh hoạ. Người Việt Nam và Philippines cùng biểu tình phản đối Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, Philippines hôm 6/8/2016
AFP
Trong công hàm mới nhất gửi Liên Hiệp Quốc (UN) vào ngày 30/3, Việt Nam đã chính thức lên tiếng bác bỏ những đòi hỏi về chủ quyền mà Malaysia và Trung Quốc đã nộp lên UN vào ngày 12/12/2019 (Malaysia )và 23/3/2020 (Trung Quốc), coi đây là “các vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”. Đây là bước đi được đánh giá là quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam nếu Hà Nội không muốn mất đòi hỏi về chủ quyền trước Trung Quốc, nước đang đòi hỏi đến gần 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.
Nhận xét về hành động mới của Hà Nội, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
Trung Quốc đòi hỏi tất cả mọi thứ và đưa về năm số 0, toàn bộ Biển Đông phải thuộc về họ theo chủ quyền lịch sử và Trung Quốc sẽ không chấp nhận phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế.
Điểm đáng chú ý trong việc Việt Nam nộp công hàm phản đối Trung Quốc là để chặn Trung Quốc vì nếu họ im lặng trên trường quốc tế thì theo luật quốc tế điều này đôi khi có thể coi là họ chấp thuận (những đòi hỏi của Trung Quốc)”

Cuộc chiến chưa có hồi kết trước UN

Theo Giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam nộp công hàm phản đối lần này là sự tiếp tục của những gì đã diễn ra từ năm 2009 khi các quốc gia đến hạn phải nộp hồ sơ lên Uỷ ban về giới hạn thềm lục địa của UN. Vào thời điểm đó, Việt Nam và Malaysia đã nộp chung hồ sơ lên Uỷ ban này nhưng sau đó Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối trước UN.
Cuộc chiến vì vậy vẫn chưa dừng lại, và đến tháng 12/2019, Malaysia tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký lên UN để xin công nhận phần thềm lục địa mở rộng của nước này nằm ở khu vực phía bắc Biển Đông, chồng lấn với các vùng đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam và cả Philippines.
Ngay sau đó, Trung Quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký UN Antonio Guterres, yêu cầu UN không xem xét đề nghị của Malaysia vì cho rằng đòi hỏi này vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của nước này đối với các đảo ở Biển Đông.
Vào ngày 6/3, Philippines đã gửi công hàm lên UN, bác bỏ những đòi hỏi của cả Malaysia và Trung Quốc, đồng thời viện dẫn phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc hồi năm 2016. Theo phán quyết của Toà, tất cả các thực thể ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước không thể được coi là đảo và do đó không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này.
Công hàm của phái đoàn thường trực Việt Nam gửi UN phản đối Trung Quốc
Công hàm của phái đoàn thường trực Việt Nam gửi UN phản đối Trung Quốc Photo: RFA
Trong công hàm của mình, Việt Nam đã viện dẫn phán quyết của toà, đồng ý với những gì được đưa ra trong phán quyết, đồng thời bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa trong công hàm. Đây là quần đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Công hàm có đoạn viết:
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
“Các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”, công văn viết.
Trung Quốc là nước đòi hỏi các thực thể ở khu vực Biển Đông phải được coi là đảo và gộp các thực thể trong quần đảo Trường Sa vào một nhóm để vẽ đường cơ sở thẳng đối với khu vực này, từ đó đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế EEZ và vùng thềm lục địa cho khu vực này. Trung Quốc cũng áp dụng đường cơ sở thẳng với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996.
Giáo sư Carl Thayer nhận xét, Việt Nam ở vào thế bắt buộc phải lên tiếng về vấn đề này nếu không muốn mất những đòi hỏi của mình.
Việt Nam đang thu hút sự chú ý vào đòi hỏi về quyền chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc đưa ra. Ngoài ra theo phán quyết, Việt Nam cũng có một hướng tiếp cận thứ hai. Cụ thể, nếu bạn nhìn vào các thực thể ở Biển Đông và bạn cho con trẻ dùng thước vẽ một đường quây chúng lại và gọi đó là một nhóm thì phán quyết của Toà không cho phép như vậy. Nhưng đó chính là điều Trung Quốc đang làm. Việt Nam đang ghi nhận một cách chính thức rằng những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp theo luật quốc tế và do đó Uỷ ban Thềm lục địa của UN không thể chấp nhận đòi hỏi phi pháp của một quốc gia.
Tuy nhiên, với cơ chế hoạt động của Uỷ ban giới hạn thềm lục địa của UN, Uỷ ban này không thể ra phán quyết đối với các đòi hỏi về chủ quyền của các nước khi vẫn có những phản đối chính thức từ các nước khác. Cụ thể, trong trường hợp này, Trung Quốc đã phản đối chính thức lên UN tất cả những đòi hỏi của các nước Malaysia, Việt Nam và Philippines. Giáo sư Carl Thayer nói tiếp:
Uỷ ban thềm lục địa kéo dài không thể chấp thuận hay chối bỏ bất cứ những hồ sơ hay công hàm nộp lên của bất cứ quốc gia nào nếu họ nhận được phản đối từ một quốc gia khác. Trung Quốc đã chặn mọi đường bằng cách khước từ đòi hỏi của Malaysia và các nước khác. Uỷ ban cũng không thể đưa ra phán quyết đối với các đòi hỏi liên quan đến các thực thể mặt đất. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà Philippines cũng đòi chủ quyền và Uỷ ban không thể ra phán quyết về vấn đề này. Đây là một cuộc chiến pháp lý mà cần thiết phải tạo ra một quá trình các hồ sơ, giấy tờ liên quan. Và như chúng ta thấy là Việt Nam đã nhất quán trong việc khẳng định rằng họ có chủ quyền đồng thời phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc.

Hy vọng về sự đồng thuận chống Trung Quốc

Điểm đáng chú ý trong hồ sơ đề nghị công nhận về chủ quyền của Malaysia lên UN, theo phân tích của Giáo sư Carl Thayer, là việc dường như nước này đang khuyến khích các nước láng giềng cùng lên tiếng chống lại những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khiến Việt Nam phải có tiếng nói chính thức.
Đòi hỏi của họ là không có thiên vị đối với một số vùng, cho nên trong luật thì có thể hiểu là tôi đưa ra đòi hỏi như vậy không có nghĩa là tôi từ bỏ hay thừa nhận các đỏi hỏi của chúng tôi hay của các nước khác. Như vậy, bằng cách này, Malaysia đang khuyến khích các nước khác trong khu vực tham gia thảo luận để họ có thể có những đòi hỏi của mình đối với thềm lục địa mở rộng, và đàm phán với nhau để tìm giải pháp. Trong đòi hỏi của Malaysia họ nói rõ, căn cứ theo phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào đối với những gì họ đang làm. Cho nên vì vậy Việt Nam phải làm theo và họ phải ghi nhận lập trường của mình, thu hút sự chú ý vào những hành động và đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc.”
Hình minh hoạ. Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ở Bangkok, Thái Lan hôm 3/11/2019
Hình minh hoạ. Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ở Bangkok, Thái Lan hôm 3/11/2019 AFP
Những gì đang diễn ra cũng có thể là những bước chuẩn bị cho việc đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. COC được hy vọng sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, giúp điều tiết xung đột có thể xảy ra giữa các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông
Hiện các bên đã có lần đọc đầu tiên với bản thảo COC, và theo dự kiến thì sẽ có khoảng 3 lần đọc như vậy trước khi các bên có thể đi đến kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên các nước vẫn chưa có một loạt các thống nhất trong một số các vấn đề, trong đó phạm vi địa lý được quy định trong COC được coi là khúc mắc lớn nhất. Việt Nam muốn đưa Hoàng Sa vào trong COC, trong khi Trung Quốc chỉ muốn bao gồm Trường Sa trong COC.
Năm 2018, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra kế hoạch sẽ hoàn tất COC với ASEAN trong khoảng thời gian là 3 năm với 3 lần đọc. Bắc Kinh cũng một mực cho rằng lần gặp gần đây với các quan chức ASEAN ở Đà Lạt vào tháng 10 năm 2019 là lần đọc thứ hai trong khi Hà Nội không đồng ý.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc đang tìm cách ép việc hoàn tất COC bất chấp những phản đối của các nước khác.
Trung Quốc có thể tìm cách ép đạt được một giải pháp sớm để bịt miệng các nước khác. Họ sẽ nói, xin lỗi quý vị, cửa đã đóng trong vấn đề COC, quý vị không thể thay đổi được gì nữa. Những gì mà chúng tôi đã chiếm đóng thuộc về chúng tôi (Trung Quốc) và quý vị đã từ bỏ đòi hỏi đối với chúng. Trung Quốc không muốn có các thảo luận này và họ đòi hỏi chủ quyền với tất cả mọi thứ, đồng thời từ chối đàm phán.
Chính vì vậy, hành động gần đây của Malaysia trước UN và những hành động tiếp theo của Việt Nam và Philippines, theo Giáo sư Thayer, có thể sẽ dẫn đến những thảo luận song phước hoặc thậm chí ba bên về vấn đề COC trước khi các nước bước vào vòng đàm phán tiếp theo với Trung Quốc.
Làm sao mà bạn có thể đi vào đàm phán COC với điều kiện đầu tiên là phải chấp nhận các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa trong khi Việt Nam chiếm đóng phần lớn các thực thể này”, Giáo sư Carl Thayer nói.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-submission-to-un-a-war-without-end-against-china-04082020131211.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten