zaterdag 18 april 2020

Covid-19: Washington nghi ngờ đại dịch xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán + Ba điểm bất thường làm giới chống dịch chới với

Covid-19: Washington nghi ngờ đại dịch xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

(Ảnh minh họa) – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng, Washington, ngày 08/04/2020.
(Ảnh minh họa) – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng, Washington, ngày 08/04/2020. AFP - MANDEL NGAN
Các nước Tây phương nghi ngờ Trung Quốc che giấu nhiều sự thật về đại dịch Covid-19. Hoa Kỳ dường như không loại trừ khả năng siêu vi corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Anh, Pháp đòi Bắc Kinh phải làm sáng tỏ một số vấn đề.
Hoa Kỳ mở điều tra tìm hiểu nguồn cội siêu vi corona, virus đã giết chết 140 ngàn người trên thế giới tính đến ngày 16/04/2020. Trả lời đài FoxNews tối thứ Năm, ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết đang điều tra sâu rộng, không loại trừ một giả thuyết nào về việc siêu vi lây lan khắp địa cầu và gây ra thảm họa khủng khiếp như vậy.
Một ngày trước, nhật báo Washington Post khẳng định là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cách nay hai năm, sau khi thăm một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đã báo động bộ Ngoại Giao về tình trạng thiếu an toàn của viện nghiên cứu này. Theo tin riêng của FoxNew, siêu vi corona gây đại dịch lần này có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải nhân tạo. Thứ hai là siêu vi lọt ra bên ngoài từ viện nghiên cứu thiếu an toàn này là do sơ suất của con người chứ không phải do cố tình. Ngoại trưởng Mỹ không phủ nhận hai tin này.
Cùng thời điểm, từ Luân Đôn, thủ tướng Anh Boris Johnson, đang trong giai đoạn hồi sức, cáo buộc Bắc Kinh che giấu sự thật : Trung Quốc sẽ phải trả lời "một số câu hỏi hóc búa" về sự xuất phát của siêu vi và lý do vì sao virus corona không bị ngăn chặn sớm.
Theo AFP, Paris dường như đồng tình với quan điểm của Washington và Luân Đôn. Trong một bài phỏng vấn dài trên nhật báo kinh tế Anh Financial Times cũng vào ngày hôm thứ Năm 16/04, tổng thống Pháp cho rằng có nhiều "mảng tối" trong cách Trung Quốc đối phó với dịch, "có nhiều chuyện xảy ra mà chúng ta không biết". Kêu gọi công luận đừng "ngây thơ" tin vào thông tin tuyên truyền về hiệu năng chống dịch của chế độ độc tài, tổng thống Emmanuel Macron giải thích là "trong chế độ dân chủ với các quyền tự do thông tin và ngôn luận, việc quản lý khủng hoảng diễn ra trong minh bạch và có tranh luận".
Trước những lời công kích của Tây phương, Bắc Kinh kêu gọi quốc tế "đoàn kết" chống dịch. Tối hôm qua, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc,  tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích những lời cáo buộc Trung Quốc là "thiếu xây dựng".
www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200417-covid-19-washington-nghi-ngờ-đại-dịch-xuất-phát-từ-phòng-thí-nghiệm-vũ-hán

Virus corona: Ba điểm bất thường làm giới chống dịch chới với

Virus corona đang được phân tích tại Bệnh Viện Henri-Mondor ở à Créteil (ngoại ô Paris) ngày 06/03/2020.
Virus corona đang được phân tích tại Bệnh Viện Henri-Mondor ở à Créteil (ngoại ô Paris) ngày 06/03/2020. Thomas SAMSON / AFP
Virus Sars-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đã gây không ít bất ngờ cho giới y tế cũng như khoa học, khiến cho việc đối phó không đơn giản chút nào. Thêm vào đó, những thông tin cố tình không chính xác từ tâm dịch, như tại Trung Quốc chẳng hạn, đã làm cho công cuộc chống dịch ban đầu thiếu hiệu quả. 
Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 16/04/2020 ghi nhận ba điểm khác thường của virus corona chủng mới đang khiến giới nghiên cứu lo ngại, và đã phá hoại một số nỗ lực chống dịch của các chính phủ vốn dựa trên các hiểu biết hiện có về virus.
Cách đây khoảng 10 năm, một chuyên gia Mỹ về bệnh truyền nhiễm, Kent Sepkowitz, có nói đến “tính chất dự đoán được về bản chất khó lường của các yếu tố gây nhiễm”.
Giáo sư Anne-Claude Crémieux, cũng là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tác giả một biên khảo về dịch cúm và các cuộc khủng hoảng y tế (Gouverner l'imprévisible: Pandémie grippale, Sras, crises sanitaire - Lavoisier, 2009) cũng nhắc lại ý này: “Người ta luôn ngạc nhiên khi một yếu tố gây nhiễm mới xuất hiện, vấn đề là phản ứng ra sao trước những ngạc nhiên đó”. Chuyên gia Anne-Claude Crémieux thuộc “Nhóm Covid” tại Viện Hàn Lâm Y Học Pháp.
Và những điều bất ngờ liên quan đến virus gây bệnh Covid-19 không thiếu và chính những cách vận hành khác thường của virus đã giải thích vì sao sau này, khi nhìn lại thì một số quyết định chống dịch lúc ban đầu của nhiều chính quyền dường như là những sai lầm.

Lây lan nhanh và rộng

Điểm ngạc nhiên thứ nhất là mức độ lây lan rộng và nhanh của virus Sars-CoV-2. Đây không phải là điều đương nhiên và những dữ liệu đầu tiên không cho thấy khả năng lây nhiễm rộng như thế. Sai lầm của giới chống dịch là đã tin chắc rằng phần chủ yếu của dịch Covid-19 sẽ được khoanh lại và được kiểm soát ở Trung Quốc. Virus Mers-CoV, một loại virus corona xuất hiện ở Ả Rập Xê Út năm 2012, đã không lan ra thế giới, mà chỉ bó khuôn dai dẳng ở Trung Đông.
Cũng phải nói là lỗi không hoàn toàn đến từ các chuyên gia. Phải thấy là các số liệu chính thức (không cao lắm) của Trung Quốc có thể tạo ra ảo tưởng là dịch bệnh có thể được khống chế dễ dàng.
Thế nhưng, theo Le Figaro, chỉ có những người biết rõ Trung Quốc là không bị lầm. Giáo sư Christian Géraut, thành viên Viện Hàn Lâm Y Học giải thích: “Tôi đã nhiều lần tham gia các đoàn nghiên cứu tại Trung Quốc. Khi tôi thấy hình ảnh về những gì xẩy ra ở Vũ Hán, tôi biết ngay là tình hình nghiêm trọng hơn là những gì người ta nói”. Thông tín viên của Le Figaro ở châu Á, Sébastien Falletti, rất quen thuộc với những phát biểu của Trung Quốc, đã từng nhận định như sau về về số liệu chính thức của Bắc Kinh: “Tôi không tin… vì đó là số liệu chính thức!”.

Quá nhiều ca không có triệu chứng

Điều ngạc nhiên thứ hai cũng liên quan đến điều thứ nhất. Đó là suy nghĩ cho rằng con virus corona này, cũng như người anh em họ virus Sars hồi năm 2003, chỉ lan truyền qua những người có triệu chứng. Nói cách khác là người ta có thể nhanh chóng chặn đứng dây chuyền lây nhiễm chung quanh một trường hợp đã được nhận dạng.
Chiến lược gia tăng xét nghiệm nơi những người đã tiếp xúc với một người bị nhiễm virus để có thể khoanh lại sự lây lan, tạo ảo tưởng cho giới y tế là họ đã khống chế được tình hình trong khi thực tế đã vượt tầm kiểm soát.
Theo Giáo sư Jeanne Brugère-Picoux, chuyên gia về bệnh lây nhiễm từ động vật sang người của Nhóm Covid: « Chiến lược đó đã hữu hiệu vào năm 2003, nhưng vào thời đó người Trung Quốc đã không đến Pháp đông đảo như ngày nay, và cũng không dễ dàng như ngày nay”. Sự tồn tại của những ca mang virus nhưng không có triệu chứng hay ít triệu chứng, nhưng lại có khả năng lây nhiễm, đã làm vỡ toang kế hoạch chống Covid-19 dựa trên chiến lược chống Sars vào năm 2003, vốn rất có hiệu quả.

“Tuổi thọ” của kháng thể Covid-19 rất ngắn

Cuối cùng, yếu tố ngạc nhiên thứ ba của Sars-CoV-2 vừa xuất hiện trên tờ báo lớn của Ý, La Repubblica. Ngày 12/04, Giáo sư Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Khoa Học Pháp đã tiết lộ một thông tin quan trọng: “Virus corona (chủng mới) rất đặc biệt. Chúng tôi đã phát hiện là thời gian sinh tồn của các kháng thể Covid-19 rất ngắn. Và chúng tôi ghi nhận là ngày càng có nhiều ca tái nhiễm trong số những người đã một lần bị nhiễm bệnh trước đó”.
Theo Le Figaro, nếu như vậy là cả tòa nhà dựa trên các “chứng chỉ miễn dịch” sụp đổ, với hệ quả là việc chấm dứt phong tỏa sẽ không dễ dàng do nguy cơ tái nhiễm. Và vấn đề mọi người phải đeo khẩu trang sẽ được đặt ra.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200417-virus-corona-ba-điểm-bất-thường-làm-giới-chống-dịch-chới-với

Geen opmerkingen:

Een reactie posten