donderdag 4 juni 2015

Việt Nam muốn 'tái khởi động' dự án xe lửa cao tốc Bắc – Nam

Việt Nam muốn 'tái khởi động' dự án xe lửa cao tốc Bắc – Nam
Wednesday, June 03, 2015 3:41:06 PM

HÀ NỘI (NV) .- Hôm 2 Tháng 6, 2015, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam để trình Quốc hội trước năm 2020.
Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN lại hâm nóng dự án đường sắt từng bị dẹp. (Hình: Dân Trí)
Báo điện tử VNExpress cho hay như vậy về một đề án từng bị chính bộ này hủy bỏ cách đây hai năm. Đây là dự án cải tạo lại hệ thống đường sắt đơn khổ 1 mét hiện có từ hơn một trăm năm qua, song song với việc xây dựng một đường sắt mới khổ 1.435 mét để có thể chạy các loại tàu điện mới có vận tốc từ 160km/giờ đến 200km/giờ thay vỉ chỉ chạy được với vận tốc rất chậm như hiện nay.
Giải thích lý do hủy bỏ đề án đã được nghiên với sự tư vấn của Cơ quan Hợp Tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các báo ở Việt Nam thuật lời ông Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng rằng “Mặc dù tuyến đường sắt Bắc - Nam qua hơn 100 năm khai thác đã xuống cấp và lạc hậu nhưng trong điều kiện đất nước còn nghèo thì không thể vứt chiếc áo rách trong khi nhu cầu mặc là thường nhật”.
Nay thì cũng chính ông ra lệnh cho thuộc cấp “nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam để trình Quốc hội trước năm 2020” theo bản tin VNExpress hôm Thứ Tư 3 tháng 6, 2015.
Trước đó 3 năm, tại kỳ họp Quốc Hội ngày 19 tháng 6, 2010, dự án đường sắt cao tốc theo công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật bản, tốn phí tính toán lúc đó lên hơn 56 tỉ đô la đã bị bác bỏ. Lý do được nhiều người nêu ra là “phi thực tiễn”, chi phí cao hơn phân nửa tổng sản lượng quốc gia, phải đi vay rồi để gánh nặng ngập đầu lại cho các thế hệ con cháu trong khi hiệu quả kinh tế rất thấp nếu không muốn nói là lỗ vốn.
Bây giờ, theo bản tin của VNExpress, ông Đinh La Thăng “yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai Chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2030, trong đó, cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam như hạng mục, kiểu đường xây dựng, loại tàu sử dụng... theo hướng công khai minh bạch để người dân và các doanh nghiệp được biết.”
Khác với những lời phân bua để dẹp bỏ dự án hồi hai năm trước, ông Thăng được VNExpress thuật lời là "Hạ tầng đường sắt luôn bị chê cũ kỹ lạc hậu. Hết đời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác đều bị người dân chê là lạc hậu nếu chúng ta không đầu tư thay đổi.”
Ông nhìn nhận Việt Nam không có tiền để thực hiện những dự án lên hàng chục tỉ đô la, nhưng lại nói “Chúng ta không có tiền mà vẫn phải có hạ tầng, phải đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đó là vấn đề cần giải quyết", tức sẽ tìm chỗ đi vay rồi các thế hệ sau đó sẽ phải è cổ trả nợ.
Trong bản tin VNExpress, không thấy đề cập đến kỹ thuật xe điện cao tốc Shinkansen của Nhật Bản mà chỉ thấy nói “Theo Chiến lược phát triển đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay, trước năm 2020, ngành giao thông sẽ nghiên cứu xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi khổ 1.435 m, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang.”
Kến đến “Từ năm 2020 đến năm 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160km/h-200km/h, đường đôi khổ 1.435 m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350 km/h trong tương lai. Đến năm 2050 sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc - Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h; hoàn thành tuyến đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á...”
Cũng giống như các ngành khác do Bộ Giao Thông  Vận Tải CSVN điều hành, làm chủ đầu tư, đầy ngập tham nhũng, ngành đường sắt quốc doanh Việt Nam cũng y như thế.

Hiện 6 quan chức ngành đường sắt trực thuộc Bộ GTVT đang nằm trong tù chờ ngày ra tòa lãnh án vì nghi án nhận hối lộ 16 tỉ đồng của nhà thầu tư vấn công trình giao thông Nhật Bản (JTC).
Đó là các ông Trần Quốc Đông (50 tuổi, Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam) và 5 cán bộ của Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty, gồm Phạm Hải Bằng (45 tuổi, Phó giám đốc), Phạm Quang Duy (39 tuổi, Phó giám đốc), Nguyễn Nam Thái (37 tuổi, Trưởng phòng Dự án 3), Trần Văn Lục (56 tuổi, nguyên Giám đốc), Nguyễn Văn Hiếu (52 tuổi, Giám đốc).
Tất cả các vụ án tham nhũng liên quan dự án sử dụng tiền tín dụng đầu tư ưu đãi của nước ngoài (ODA) đều do các nước điều tra và kết án các công ty của nước họ rồi báo chí họ làm ầm lên, nhà cầm quyền CSVN mới nhúc nhích. Sáu ông vừa kể vẫn chưa biết số phận ra sao dù bị “tạm giam” đã hơn một năm.
Không những chính phủ Nhật Bản đòi hỏi Việt Nam phải có các kế hoạch trừ diệt tham nhũng, ăn hối lộ, cụ thể và hữu hiệu, họ còn đòi trả lại những số tiền đã giải ngân liên quan đến dự án đường sắt tai tiếng. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=208210&zoneid=433#.VXDjvumJi70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten