donderdag 11 juni 2015

Songkran – lễ hội té nước lấy may của người Thái Lan

Thứ tư, 15/4/2015 | 08:16 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Songkran – lễ hội té nước lấy may của người Thái Lan

Người dân và du khách ở Thái Lan đang tưng bừng trong lễ mừng năm mới và tục té nước, với các lễ hội đầy màu sắc và niềm vui.
Trong số các ngày lễ ở Thái Lan, Tết Songkran được xem là ấn tượng và tưng bừng hơn cả khi người dân đồng loạt xuống phố, hòa mình vào những hoạt động cộng đồng, không phân biệt người lớn hay trẻ em. Songkran thường được tổ chức trong các ngày 13-15/4 hàng năm, đánh dấu dịp "năm hết, tết đến" với nhiều lễ hội, cuộc diễu hành hay thi sắc đẹp.
songkran-5044-1428986194.jpg
Các công cụ để té nước vào người nhau trong ngày Tết Songkran rất đa dạng, từ xô, chậu, súng phun nước cho tới voi. Ảnh: TAT.
Nổi bật nhất trong số này là hoạt động té nước, thu hút hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới ghé thăm đất nước chùa vàng. So với Tết cổ truyền ở Việt Nam và Trung Quốc – vốn hướng về gia đình, lễ Songkran Thái Lan mang tính cộng đồng cao hơn.
Tuy vậy, người Thái cũng có nhiều hoạt động hướng về gia đình và thực hiện tuần tự trong 3 ngày lễ. Đầu tiên, họ cử hành nghi lễ Rod Nam Dum Hua – chỉ dành cho người cao tuổi. Trong đó, những người trẻ sẽ vẩy nước thơm vào bậc cao niên để thể hiện sự thành kính và cầu mong hạnh phúc, may mắn đến.
Ngày thứ 2 của Songkran là dành cho gia đình. Cả nhà cùng dậy thật sớm, chuẩn bị đồ cúng dường trên chùa và cuối ngày lại quây quần đầm ấm. Một nghi thức nữa cũng không kém phần quan trọng là lễ tắm Phật trên chùa. Lý do là tại Thái Lan, năm mới tính từ ngày sinh của Đức Phật.
Sau nghi thức này, lễ hội té nước sẽ bắt đầu. Theo truyền thống, nước sử dụng phải có mùi thơm, té vào các thành viên trong gia đình và bạn bè thân hữu. Ngày nay, do tính độc đáo và hấp dẫn, hoạt động té nước được mở rộng thành lễ hội.
Người tham gia có thể dùng mọi phương tiện như xô, chậu, vòi nước, súng phun nước… và thoải mái té nước vào bất cứ ai. Hoạt động này mang ý nghĩa gột sạch những điềm xấu, đón chào năm mới may mắn hơn. Vì thế, ai càng bị ướt, càng được xem là sẽ gặp vận may lớn.
Mỗi vùng ở Thái Lan lại có tập tục và cách đón Songkran đôi chút khác biệt. Chẳng hạn, thủ đô Bangkok thường là nơi tổ chức các hoạt động chào mừng lớn nhất. Tuy vậy, du khách lại được khuyến nghị nên tới Chiang Mai – nơi được mệnh danh là "thủ đô" của Songkran với lễ hội té nước đầy màu sắc.
Người Chiang Mai thường sửa soạn từ trước đó cả tháng, lo trang hoàng lại nhà cửa, chùa chiền. Với quan niệm càng ướt càng vui và hạnh phúc, dân bản địa nơi đây chuẩn bị kỹ các dụng cụ té nước vào người nhau.
Sau khi vui thỏa với việc chúc phúc bằng nước, họ bắt đầu ăn mừng suốt ba ngày. Songkran còn là dịp nghĩ tới những người đã khuất nên dân cư Chiang Mai thường chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên, sau đó mới vui chơi. Cũng trong dịp này, họ còn làm lễ buộc chỉ cổ tay như một hình thức chúc may mắn trong năm mới.
Vui Songkran ở Hà Nội
Để hòa mình vào không khí lễ hội  năm mới, bạn có thể ghé thăm một số nhà hàng mang phong cách chùa vàng ở thủ đô như Gusto Thai, Tám Tư hay Sawasdee và thưởng thức các món ăn truyền thống. Trong đó, Sawasdee - chi nhánh Bà Triệu - còn có chương trình miễn phí buffet trưa và phục vụ múa Thái, mời khách tham gia té nước nhân dịp Songkran.
Trần Hằng
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/songkran-le-hoi-te-nuoc-lay-may-cua-nguoi-thai-lan-3185854.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten