donderdag 11 juni 2015

Mỹ có cần diệt IS hay không? (Ngô Nhân Dụng )

Mỹ có cần diệt IS hay không?
Tuesday, June 09, 2015 7:13:47 PM






Ngô Nhân Dụng
Ngày Thứ Hai, 8 Tháng Sáu 2015, Tổng Thống Obama tuyên bố sau buổi họp G-7 tại Đức của bảy cường quốc kinh tế, nói rằng chính phủ ông chưa có một kế hoạch huấn luyện quân đội Iraq, trong việc đối phó với lực lượng Quốc Gia Hồi Giáo (IS).

Ông Obama hứa sẽ chia sẻ với dân chúng Mỹ khi nào các tướng lãnh đồng ý về một kế hoạch. Lập tức, các đại biểu Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ lên tiếng chỉ trích. Nghị Sĩ John McCain hỏi, “Ông tổng thống này còn muốn đợi một năm rưỡi nữa mà không làm gì để chấm dứt cảnh diệt chủng đẫm máu kinh hoàng đang diễn ra ở vùng Trung Đông hay sao?” Tháng Tám năm ngoái, ông Obama đã từng nói, “Chúng tôi chưa có một chiến lược nào cả!”
Một câu hỏi đáng suy nghĩ là: Nước Mỹ cần tiêu diệt lực lượng IS càng sớm càng tốt, hay có thể nhẩn nha chờ đợi?
Có lẽ nước Mỹ có thể nhẩn nha chờ đợi.
Bởi vì nếu lực lượng IS sớm bị tiêu diệt, quốc gia được lợi nhất là Iran. Nếu IS bị tiêu diệt khi các nước Ả Rập còn chưa đoàn kết và phối hợp cho đủ sức đối phó với Iran, thì quyền lợi của nước Mỹ trong vùng Trung Đông cũng bị đe dọa.
Phong trào IS nổi lên là hậu quả của tình trạng bất ổn định trong vùng, một vùng đã có sẵn những xung đột tôn giáo, chủng tộc và quyền lợi kinh tế từ nhiều thế kỷ trước. Năm 2003, quân Mỹ lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq, thay đổi thế cân bằng đã được thiết lập trong vùng từ một thế kệ trước, bắt đầu ngay trong nước Iraq. Người theo phái Shi A tự vũ trang, người Sun Ni thiểu số cũng tập họp để tự bảo vệ.
Cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập” châm một ngòi lửa hy vọng cho các thanh niên đang bất mãn và thất nghiệp. Các chế độ bảo thủ trong các nước Ả Rập đều bị đe dọa. Trừ Tunisie, các cuộc nổi dậy không đưa tới chế độ dân chủ mà chỉ sinh ra hỗn loạn và nội chiến ở Libya, Syria, và nay thêm Yemen. Những lời kêu gọi “thánh chiến” thu hút giới trẻ theo các đoàn “dân quân” thuộc cả hai giáo phái Shi A hoặc Sun Ni.
Nhóm IS mạnh nhất nhờ khích động được những người Sun Ni đang bị các chính quyền Shi A bạc đãi ở Syria và Iraq. Nhóm này mạnh vì những đối thủ của họ cũng thù nghịch, chống lẫn nhau. Họ phát triển nhanh chóng nhờ dân Syria nổi dậy chống chính quyền Assad tạo ra một khoảng trống quyền lực. Họ thu hút hàng vạn thanh niên Hồi Giáo Sun Ni khắp thế giới đang khát khao một lý tưởng lớn lấp đầy khoảng trống trong tinh thần.
Người đứng đầu lực lượng IS là Abu Bakr al-Baghdadi. Ông ta tự xưng là ca líp (caliphe), người đứng đầu caliphate, tức là tất cả “thế giới Hồi Giáo theo phái Sun Ni.” Người cuối cùng có danh hiệu này là Abd l Mecit, thuộc dòng dõi các “sultan” đứng đầu đế quốc Ottoman. Năm 1924, Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ xóa bỏ định chế caliphate, Mecit bị trục xuất, ông chết ở Paris năm 1944. Từ đó Hồi Giáo không có ai đứng đầu; nay Baghdadi muốn đóng vai đó và tái lập một “caliphate” mới. Vì vậy, các chính quyền Ả Rập coi Baghdadi là một kẻ tiếm vị; họ chống phong trào IS, kịch liệt không kém gì các giáo sĩ phái Shi A đang lãnh đạo Iran.
Iran và Ả Rập Saudi cạnh tranh đua ủng hộ vật chất và tinh thần cho các nhóm Sun Ni và Shi A đối lập ở các nước khác. Cả hai đều muốn tiêu diệt lực lượng IS; nhưng Saudi muốn lật đổ chính quyền Assad ở Syria, còn Iran muốn bảo vệ. Quân Houthi đang nổi dậy tại Yemen được Iran giúp, còn vị tổng thống nước này theo phái Sun Ni đang được Ả Rập Sau đi hỗ trợ. Tuần trước, quân IS đã đặt bom phá một nhà thờ Hồi Giáo thuộc phái Shi A ở Yemen. Ngày hôm qua, 9 Tháng Sáu, quân IS nổi dậy đã đạt một thắng lợi lớn. tại Lybia; nơi hai chính phủ đang đánh lẫn nhau! Họ chiếm được nhà máy điện trong thành phố Sirte, là quê hương của nhà độc tài cũ Moammar Gadhafi.
Ngoài Iran và Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tiêu diệt lực lượng IS. Khi dân Syria nổi dậy, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng chế độ Assad sẽ sụp đổ nên đã cho phép nhiều nhóm dân quân tụ tập ở biên giới hai nước, giúp họ vũ khí và huấn luyện. Nhiều người chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cho quân IS lớn lên, nhưng nay Thổ đang nỗ lực phối hợp các lực lượng chống IS. Một lực lượng độc lập là người Kurds, với những khu tự trị trong cả các nước Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể các nhóm sống trong cả vùng chung quanh, ở Iran, Nga, vân vân. Quân Kurd đã được Mỹ viện trợ vũ khí từ thời họ chống Hussein, hiện nay họ là lực lượng đánh IS có hiệu quả nhất. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải cộng tác với quân Kurd tại Syria, nhưng vẫn lo dân Kurd trong nước họ đòi ly khai. Trong cuộc bàu cử đầu tuần này, Đảng HDP của dân Kurd lần đầu tiên đã chiếm 13% số phiếu, sẽ có 80 trên số 550 đại biểu trong Quốc Hội Thổ.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu đời của Mỹ, đang trách cứ chính phủ Mỹ không làm hết sức để sớm lật đổ chế độ độc tài của Assad và không đưa quân Mỹ vào tiêu diệt lực lượng IS. Saudi và các nước Ả Rập vùng vịnh đều bất mãn với Mỹ vì cùng lý do đó.
Một nước khác cũng chỉ trích Mỹ không hết sức tiêu diệt IS là Iran. Tại Iraq, tháng trước quân độ chính phủ rút khỏi Ramadi, bỏ lại những trọng pháo và xe thiết giáp do Mỹ viện trợ rơi vào tay quân IS; lý do vì họ lo không được không lực Mỹ yểm trợ. Sau đó, Tướng Qassim Soleimani, chỉ huy đạo quân thiện chiến Quds của Iran, lên tiếng chỉ trích Mỹ và tỏ ý nghi ngờ nước Mỹ “đồng lõa” với quân IS! Ông Soleimani là người chỉ huy đám “dân quân tình nguyện” người Iraq, gồm những tín đồ theo giáo phái Shi A. Họ mở cuộc thánh chiến chống quân IS, là thành phần quá khích nhất theo giáo phái Sun Ni. Trước đây, ông Saddam Hussein dùng những người Sun Ni thiểu số cai trị xứ Iraq bằng sắt máu, và ông đã gây chiến tranh với Iran hai lần. Từ khi quân Mỹ lật đổ ông ta, chính phủ được đa số dân Iraq bàu lên đều thuộc phái Shi A. Họ được Iran hết lòng hỗ trợ.
Tướng Qassim Soleimani than phiền rằng hiện nay không nước nào khác ngoài Cộng Hòa Hồi Giáo Iran quyết tâm tiêu diệt quân IS.
Nhưng thực sự nước Mỹ có muốn và có cần diệt IS hay không?
Chỉ căn cứ trên những lời tuyên bố công khai thì cả chính phủ và Quốc Hội Mỹ đều muốn. Tổng Thống Obama đã kêu gọi các đồng minh Châu Âu và Ả Rập góp máy bay và phi công đánh bom quân IS tại Iraq và Syria. Đảng Cộng Hòa kiểm soát quốc hội cũng sẵn sàng trao quyền cho ông Obama trong chiến dịch này, giống như năm 2003 cả hai đảng trong Quốc Hội đã ủng hộ cựu Tổng Thống George W. Bush đánh Saddam Hussein.
Nhưng bài học cuộc chiến Iraq có thể khiến cả hai đảng ở Mỹ thấy việc tiêu diệt quân IS không nhất thiết là ưu tiên số một của nước Mỹ.
Vì họ phải tự hỏi quốc gia nào sẽ có lợi nhất khi các đạo quân IS bị tiêu diệt? Chính phủ Iran được lợi nhất.
Kể từ năm 2003, khi Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ, Iran bành trướng thế lực trong cả vùng Trung Đông. Iran là nước bảo trợ cho chính quyền Assad, gia đình này cầm đầu một chính phủ gồm những người theo phái Shi A, dù họ chỉ là một thiểu số trong nước Syria. Iran đang bành trướng thế lực tại Yemen, qua đạo quân Houthi. Tại Lebanon, nhóm Hizbollah được Iran nuôi dưỡng ngay tử đầu như một nhóm người Shi A vũ trang nổi dậy chống quân Israel đánh chiếm nước này, bây giờ họ đã lập một đảng chính trị tham gia chính phủ. Không những thế, nhóm này còn đưa quân sang giúp Assad đánh quân IS. Bất cứ chính phủ nào được bầu lên ở Iraq sau này cũng chịu ảnh hưởng Iran, vì ở đó dân Shi A chiếm đa số.
Cựu Tổng Thống George W. Bush đã coi việc thiết lập một thể chế dân chủ ở Iraq là mục tiêu chính của việc can thiệp vào nước này. Ngày 26 Tháng Hai năm 2003, ông tuyên bố, “Một nước Iraq được giải phóng sẽ cho mọi người thấy sức mạnh của tự do.” Ngày hôm qua, 9 Tháng Sáu, 2015, nhật báo Times ở London đang một bài phỏng vấn ông Donald Rumsfeld, cựu tổng trưởng quốc phòng thời ông Bush. Ông Rumsfeld coi ý định thiết lập chế độ dân chủ ở Iraq là một lầm lẫn, “Ý kiến cho rằng chúng ta có thể biến Iraq thành một nước dân chủ, theo tôi là không thực tế. Ngay khi nghe tiếng đó lần đầu tôi đã quan ngại.” Nhưng ông Rumsfeld bây giờ cũng không ủng hộ ý kiến đổ quân Mỹ vào vùng này. Ông giải thích, “Phải nhìn đây không phải là một cuộc chiến tranh, mà giống như một cuộc Chiến Tranh Lạnh. Chúng ta không thể thắng bằng súng đạn, chúng ta đang dự một cuộc đấu tranh tư tưởng.”
Quả thực, vùng Trung Đông đang là chiến trường của các tư tưởng đối nghịch. Các đạo quân IS bành trướng nhờ tuyên truyền cho một cuộc thánh chiến. Iran và các nước Ả Rập đối đầu cũng vì theo hai giáo phái khác nhau. Trong khi đó, nội bộ các nước Ả Rập cũng đang sôi sục vì người dân muốn được sống tự do hơn, trong khi các chế độ cũ vẫn muốn duy trì quyền lực.
Cuộc tranh chấp giữa hai phái Shi A và Sun Ni sẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ sắp tới. Hiện nay tiêu biểu là liên minh các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại chế độ Assad ở Iran. Cho nên nước Mỹ không cần lo tiêu diệt các đạo quân IS, trong khi các nước Ả Rập chưa đủ đoàn kết, cho nên chưa đủ mạnh, để chính họ có thể đương đầu với cuộc bành trướng không ngừng của Iran từ năm 2003.
Từ năm đó đến nay cuộc chiến tranh Iraq đã làm hơn 200 ngàn người chết. Hiện nay chính phủ mới của Iraq vẫn chưa có cách nào tạo được một thỏa hiệp sống chung giữa những người theo hai giáo phái, cũng như giữa người Ả Rập và người Kurd. Cuộc nội chiến tại Syria đã làm chết hơn 20 ngàn người, và bốn triệu người Syria mất nhà cửa đang sống đời tị nạn. Trong cả vùng Trung Đông có 15 triệu người tị nạn.
Trong tình cảnh đó, tất cả các chính phủ trong vùng đều mong nước Mỹ dấn thân nhiều hơn, và đứng về phía họ. Ai cũng thấy cần nước Mỹ có mặt, như một cảnh sát viên giữ cho cuộc đánh lộn không làm chết người, chết quá nhiều người. Nước Mỹ mạnh nhất thế giới, nhưng cũng không có khả năng thay đổi lịch sử, ở Trung Đông cũng như ở nơi khác. Vùng Trung Đông sẽ tiếp tục là một lò lửa trong ít nhất một thế hệ nữa. Ổn định vùng này là nhu cầu chung của cả thế giới, nhưng không một quốc gia nào có thể đóng vai cảnh sát một mình.
Quyền lợi của nước Mỹ trong vùng Trung Đông có ba mặt. Thứ nhất là dầu lửa. Mặc dù trong năm, bảy năm nữa Mỹ sẽ sản xuất đủ dầu và dư khí đốt cho nhu cầu của mình, nhưng dầu lửa là một món hàng có thị trường khắp thế giới, không quốc gia nào có thể tự cô lập. Một biến cố làm tăng giá dầu ở Trung Đông sẽ làm cả thị trường trong nước Mỹ xáo động. Thứ hai là vũ khí nguyên tử. Nếu Mỹ không ngăn được Iran không chế bom nguyên tử, thì nhiều quốc gia khác trong vùng cũng sẽ vào cuộc chạy đua vũ khí này. Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi, Ai Cập, và nhiều nước khác đều có khả năng đó. Israel được coi là đã bí mật chế bom nguyên tử và họ mới công nhận đang thí nghiệm loại “bom bẩn,” không tàn phá nhưng phát ra chất phóng xạ như bom nguyên tử.
Quyền lợi thứ ba của nước Mỹ là ngăn chặn các phong trào khủng bố. Trong việc này, Mỹ cần được các đồng minh hỗ trợ, không thể làm một mình. Tại Trung Đông, các nước Ả Rập và Iran đều có nhu cầu chống quân IS; nước Mỹ chỉ cần đóng vai trò hỗ trợ. Tại sao phải lo tiêu diệt quân IS trong khi những tổ chức dân quân do Mỹ bảo trợ chưa đủ sức cạnh tranh với những nhóm dân quân của cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, khi chế độ Assad sụp đổ? Tại sao không để IS làm tiêu hao tài nguyên của Iran ở cả Iraq lẫn Syria? Các nước trong vùng sẽ tự giải quyết với nhau, cạnh tranh với nhau.
Iran và Saudi đều cần Mỹ giúp trong việc không tập IS. Hãy để cho họ phải nhờ cậy càng lâu càng tốt; trong khi đó họ sẽ nghe theo các đề nghị của Mỹ dễ dàng hơn. Có những việc mà chỉ quân đội Mỹ làm được, nhờ mạng lưới tình báo Mỹ tìm được đúng nguồn tài chánh của IS. Ông Saleh Muhammed Al Mutlaq, phó thủ tướng Iraq mới đặt câu hỏi trước một hội nghị các nước Ả Rập, “Bọn Daesh (tên IS trong tiếng Ả Rập) nhận tiền của ai? Họ muốn gì?” Năm ngoái, máy bay Mỹ đã đánh nhà máy lọc dầu của quân IS tại Iraq, trước đó mỗi ngày đem về co IS từ 2 đến 3 triệu Mỹ kim. IS trước đó kiểm soát 30 đến 50 ngàn thùng dầu lửa mỗi ngày, sau chỉ còn 20 ngàn. Trong Tháng Năm 2015, lực lượng đặc biệt Mỹ đã dùng trực thăng đánh, giết chết Abu Sayyaf, một thủ lãnh IS phụ trách bán dầu lửa chợ đen, ngay tại nhà, trong vùng IS kiểm soát. Bà vợ ông ta bị bắt đã cung cấp nhiều tin tức tình báo tài chánh. Mỹ vẫn tiếp tục đóng một vai tích cực trong việc diệt trừ IS, nhưng không cần vội vàng.
Trong thời gian chờ các nước Ả Rập và Iran lo giải quyết các lực lượng IS, chính phủ Mỹ phải giúp các nước trong vùng thỏa hiệp sống chung với nhau để cùng tiêu diệt các tổ chức khủng bố khác. Phải ràng buộc bắt Iran xóa bỏ chương trình bom nguyên tử. Phải thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi, Ai Cập và Israel một chương trình chung ngăn chặn cuộc bành trướng của Iran. Đồng thời, cần khuyến khích các nước cổ hủ như Saudi, Ai Cập dân chủ hóa để giảm bớt mâu thuẫn trong xã hội các nước họ. Làm được như vậy, nước Mỹ mới có thể đóng vai cầm trịch trong vùng Trung Đông về lâu về dài.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=208531&zoneid=7#.VXoU9-kVi70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten