Nhận định về thông điệp mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể mang tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm được dự kiến năm nay, Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Canada nêu quan điểm:
"Tôi nghĩ rằng cả ông Obama và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không nói điều gì quan trọng vì ông Obama sắp rời khỏi chính trường vào năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cũng rời khỏi chính trường vào năm 2016.
"Tôi không nghĩ rằng có gì quan trọng trong vấn đề đó. Vấn đề là ai sẽ là chủ Nhà Trắng vào năm 2016 và ai sẽ là người lãnh đạo cao nhất và có nhiều quyền lực nhất ở Việt Nam vào năm 2016.
"Thì lúc đó chúng ta mới biết được hướng của Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đi tới đâu và tốc độ thay đổi, cải cách thể chế ở Việt Nam đi như thế nào.
"Còn ở giai đoạn hiện tại, tôi nghĩ rằng có những thỏa thuận cao lắm là chỉ tới cấp của ông John Kerry và ông Phạm Bình Minh mà thôi, chứ ngoài ra không có thông điệp nào hơn được nữa."
Theo nhà quan sát, vấn đề chính trong chuyến đi này không chỉ nằm ở 'thông điệp' nào mà nhà lãnh đạo Đảng của Việt Nam mang tới Mỹ, mà còn nằm ở ngay chính việc hai quốc gia nay có thể nói chuyện với nhau qua.
Ông Vũ Đức Khanh nói tiếp:
"Bà Lauretta Sanchez (dân biểu Mỹ) đã nói (với phóng viên của BBC) rằng không có lý do gì để ngăn cản ông Trọng tới Hoa Kỳ vì chúng ta là những người có thể nói chuyện được với nhau, dù chúng ta không có cùng quan điểm."
Quan điểm người Mỹ
Nhà quan sát từ Canada nhân dịp này cũng nói về quan điểm của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, mặc dù mới đây đã có một bản diễn văn của Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, tái đề cập cuộc chiến Hoa Kỳ với nhiều lời lẽ được cho là 'gây sốc' hay khá 'nặng nề'.
Luật sư Khanh nói:
"Bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng tuy rằng nó hơi bị sốc, cái đó rất là nặng trong bối cảnh có một sự gần gũi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập bang giao giữa hai nước, thì làm cho có nhiều người hơi bị sốc, hơi bị bỡ ngỡ.
"Nhưng mà sự sốc và sự bỡ ngỡ đó sau khi chúng ta suy nghĩ lại là một chuyện rất bình thường.
"Cho nên lời phát biểu của ông Đại sứ (Mỹ tại Việt Nam) Ted Osius với hãng thông tấn AFP đã nói rất rõ rằng người Mỹ không có quan trọng vấn đề quá khứ, người Mỹ dù có tôn trọng quá khứ và hồi tưởng về quá khứ để nhìn những bài học của quá khứ, nhưng người Mỹ [đặt sự] quan trọng ở hiện tại và tương lai.
"Người Mỹ đang có chính sách tái cân bằng và chuyển trục sang châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, cho nên người Mỹ sẵn sàng bước qua quá khứ, cho dù quá khứ đó có đau buồn, có chia rẽ đến bao nhiêu chăng nữa, người Mỹ vẫn có thể tiến về phía trước.
"Và người Mỹ tin tưởng rằng một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền và pháp trị là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Đó là quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ.
"Và quan điểm đó cũng được chia sẻ bởi những nhà lập pháp của Hoa Kỳ," nhà quan sát nói với BBC hôm 09/5/2015. Mời quý vị theo dõi phần đầu cuộc trao đổi giữa BBC với Luật sư Vũ Đức Khanh, người cũng là Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, tại đây.
Hạ nghị sỹ Loretta Sanchez nói Hoa Kỳ luôn hoan nghênh mọi người khác chính kiến nhưng bản thân bà từng bị Việt Nam từ chối visa.
Trong phỏng vấn với Nguyễn Hùng của BBC tiếng Việt tại văn phòng của bà tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington DC, bà Sanchez bình luận về chuyến đi sắp tới Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng trước hết bà nói về hiểu biết của bà về Cuộc chiến Việt Nam 40 năm về trước. Hạ nghị sỹ Loretta Sanchez: Anh biết không, tôi vẫn còn là thiếu nữ ở những năm đầu bậc trung học khi Sài Gòn sụp đổ. Nói chung tôi hiểu đôi chút về những gì xảy ra nhưng không nhiều lắm. Mọi chuyện xảy ra khi tôi còn rất trẻ. BBC: Thế còn bây giờ thì sao? Bà nghĩ thế nào về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam? Bà có hài lòng với quan hệ hiện nay không?
Điều thú vị là thế hệ của chúng tôi không hiểu nhiều về cuộc chiến và sau chiến tranh [cuộc chiến] không có trong sách lịch sử. Bởi vậy đối với tôi đó là quá trình học hỏi khi đại diện cho những người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam [California]. Trong 18 năm tôi làm công việc đó, tôi cho rằng mặc dù quan hệ [Việt - Mỹ] đã khá lên nhưng nó không thể là quan hệ tốt nếu chính phủ Việt Nam không cho người dân của họ được tự do hơn.
Chẳng hạn ở Hoa Kỳ chúng tôi tôn trọng tự do tín ngưỡng, chúng tôi coi đó là nền tảng và đất nước Hoa Kỳ đã ra đời dựa trên tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, quyền để người ta có thể bày tỏ chính kiến, quyền tự do hội họp. Tất cả những điều này rất quan trọng và chúng tôi thấy chúng không tồn tại ở Việt Nam. Bởi vậy cho tới khi chính quyền để cho người dân có những quyền đó, con đường để có quan hệ tốt hơn với Việt Nam sẽ rất khó khăn. BBC: Bà nghĩ thế nào về sự hòa giải giữa cộng đồng người Việt ở đây và chính quyền bên kia? Liệu chúng ta đã đi được nửa chặng đường chưa?
Tôi nghĩ cộng đồng người Mỹ gốc Việt có nhiều họ hàng ở Việt Nam. Đây là lý do giải thích tại sao nhân quyền lại quan trọng đối với họ. Dù Việt Nam đã có xu hướng tư bản chủ nghĩa hơn, có quan hệ buôn bán với Hoa Kỳ và nhiều nước khác mà nhờ đó sự khá giả và điều kiện tài chính của người dân được cải thiện, người Mỹ gốc Việt ở đây vui mừng khi thấy người thân có mức sống cao hơn. Nhưng không chỉ có vậy mà còn là chuyện có chất lượng cuộc sống tốt hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn phụ thuộc vào những quyền tự do đó. Cộng đồng [người Mỹ gốc Việt] muốn có những tiến bộ thêm nữa với Việt Nam nhưng họ hiểu rằng điều quan trọng nhất đối với con người là phải sửa chữa các quyền con người.
BBC: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều khả năng sẽ sớm tới đây, bà có hoan nghênh ông không và phản ứng của cộng đồng sẽ ra sao? Hạ nghị sỹ Loretta Sanchez: Trước hết tôi phải nói rằng ngay cả khi Hoa Kỳ bất đồng rõ rệt với một quốc gia hay với những gì một chính quyền đang thực hiện, chúng tôi vẫn để họ tới đây vì chúng tôi tin rằng đối thoại là cách để vượt qua những bế tắc. Thảo luận với Việt Nam để cải thiện điều kiện nhân quyền và kinh tế là điều tốt. Chúng tôi hiếm khi nói với người ta rằng 'ông/bà không thể đến thăm đất nước chúng tôi'.
Nhưng mặt khác tôi đã từng bị từ chối visa vào Việt Nam. [Tôi muốn] nhắc lại chuyện đối thoại mở là rất quan trọng và tôi tin chắc rằng khi Tổng bí thư Đảng cộng sản tới đây, sẽ có những người muốn gặp và thảo luận các vấn đề với ông. Nếu tôi đối mặt ông, đương nhiên tôi sẽ nói về các tù chính trị, về chuyện khai thông các vấn đề quyền con người, tôi sẽ nói về việc tịch thu đất đai của các nhóm tôn giáo và những gì xảy ra với những người trẻ tuổi ở Việt Nam, những blogger dùng internet để truyền tải thông tin và đã bị đóng cửa, bị mất việc, thiếu việc hay bị bỏ tù. Đó là những vấn đề lớn theo quan điểm của tôi chứ không chỉ có thương mại mà tất cả những vấn đề liên quan tới chất lượng cuộc sống.
Nhân quyền trong chiến lược xoay trục
BBC: Bà có nghĩ rằng nhân quyền giờ có ưu tiên thấp hơn vì chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ?
Tôi không tin là chính sách xoay trục sang châu Á làm giảm tầm quan trọng của nhân quyền mà thực tế là nó làm cho nhân quyền quan trọng hơn. Lịch sử đã chứng minh một đất nước có vị trí cao hơn trên thế giới khi người dân có nhiều quyền tự do nhất. Đó là thực tế cuộc sống. Người dân muốn bảo vệ đất nước họ đang sống nếu họ cảm thấy họ có sự tự do và quyền con người đúng mức. BBC: Trong dịp 40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam, có rất nhiều những lời hùng biện từ phía Hà Nội và ở đây [ở Hoa Kỳ] người ta cũng đang đặt ra những câu hỏi về chuyện liệu cuộc chiến có phải là một tội ác, một sai lầm hay một thất bại. Theo bà [cuộc chiến] đó là điều gì?
Dĩ nhiên đó là xung đột xảy ra khi đang có Chiến tranh Lạnh và gần như mỗi nước trên thế giới đều phải chọn đứng về phía này hay phía kia. Ở góc độ nào đó, nó là cuộc chiến ủy nhiệm và vì tất cả những lý do đó nó là cuộc chiến đáng buồn. Nó đáng buồn vì nó là cuộc chiến ủy nhiệm. Nó cũng đáng buồn vì sự mất mát sinh mạng ở cả hai phía. Tôi muốn nói tới 58.000 lính Hoa Kỳ, thủy quân lục chiến, lính phòng không, hải quân, phụ nữ, những mạng sống đã mất đi, rất là thảm khốc cho người Mỹ.
Đối với người Việt, ở cả phía Bắc và phía Nam, sự mất mát về nhân mạng là rất lớn. Rồi cuộc sống bị đảo lộn, nào là trại tị nạn, trại cải tạo, mất mát về nhân mạng trên các thuyền đi biển, tài sản trí tuệ từ những người rời bỏ Việt Nam để tới giúp Hoa Kỳ để tạo ra mọi thứ từ công ăn việc làm tới công nghệ, sản phẩm trí tuệ cả ở châu Âu, Úc, Thái Lan và nhiều nơi nữa, Canada chẳng hạn. Sự chảy máu chất xám đã xảy ra. Bởi vậy nó không chỉ đáng buồn vì chúng ta đã mất mát mà đáng buồn vào thời điểm hiện tại vì Việt Nam không có những tài sản đó. Đó là thời gian đáng buồn trên thế giới khi chúng ta nhìn vào Cuộc chiến Việt Nam.
Quyền năng của Quốc hội
BBC: Cho tới tận hôm nay người ta vẫn đặt câu hỏi về khả năng của Nghị viện trong việc kiểm soát quyền lực của các Tổng thống trong Cuộc chiến Việt Nam và trong các cuộc xung đột khác nhau ngày nay. Bà có nghĩ rằng giờ Nghị viện đã thực hiện điều đó tốt hơn so với thời Cuộc chiến Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng thời cuộc chiến Việt Nam, đó chính là những người Dân chủ, tôi còn nhớ đã nói chuyện với George Miller, dân biểu lâu năm nhất ở đây. Chúng tôi đang đi trên các bậc thang của tòa nhà sau cuộc bỏ phiếu quan trọng về dự luật y tế cách đây 10 năm và ông nói 'Đây là cuộc bỏ phiếu quan trọng, tôi có cảm giác như khi chúng tôi chặn Cuộc chiến Việt Nam' vì họ đã ngưng các ngân khoản cho cuộc chiến. Chính Quốc hội đã ngưng cuộc chiến Việt Nam.
Quyền lực của Nghị viện là rất lớn lao. Rồi tôi thấy quyền lực của Nghị viện trong cuộc chiến Iraq, điều tôi đã bỏ phiếu chống lại và tôi nghĩ đó là [cuộc chiến] sai lầm. Khi tôi thấy quyền lực của Nghị viện và chuyện họ để Hoa Kỳ đi vào [cuộc chiến] cùng với Tổng thống, Tổng thống Bush đã cổ súy cho nó rồi Phó Tổng thống Dick Cheney, Ngoại trưởng Powell... và Quốc hội đi theo. Đã đến lúc Nghị viện phải dừng lại, xem lại những sai lầm trong quá khứ và thấy rằng đáng ra chúng ta đã phải chặn cuộc chiến đó. Và đôi khi chúng tôi đã làm điều đó.
Cách đây khoảng một năm rưỡi, chúng ta đã thấy chuyện xảy ra với Syria. Tổng thống muốn có quyền ném bom Syria và nhiều người trong đó có tôi đã đứng lên nói 'Thưa Tổng thống, theo luật quốc tế, ông không thể làm thế. Ngoại trừ trường hợp ông tìm thấy luật nói ông có thể, tôi sẽ không bỏ phiếu ủng hộ'. Đó là thông điệp mạnh tới Tổng thống Obama tới mức ông đã phải lùi bước và không đòi Nghị viện bỏ phiếu. Bởi vậy những gì Quốc hội làm là rất quan trọng, không chỉ ở tầm quốc gia mà đôi khi ở tầm thế giới nữa. BBC: Năm nay cũng đánh dấu 20 năm tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, bà đánh giá quan hệ trong 10 hay 20 năm tới ra sao?
Điều thú vị là vài năm sau khi quan hệ được lập lại, tôi đi cùng Tổng thống Clinton [tới Việt Nam] để ký hiệp định thương mại song phương. Tổng thống Clinton đưa tôi đi cùng vì cùng lúc ông đẩy mạnh quan hệ thương mại, ông cũng muốn chính phủ Việt Nam hiểu rằng người đấu tranh mạnh mẽ nhất cho nhân quyền cũng có mặt cạnh ông để gửi thông điệp rằng nhân quyền là rất quan trọng đối với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh này đối với tất cả những nước hạn chế quyền của công dân nước họ.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten