donderdag 7 mei 2015

Mỹ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger Tạ Phong Tần

Việt NamBloggerHoa KỳNhân quyềnQuốc tếChâu ÁJohn KerryNgôn luận

Mỹ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger Tạ Phong Tần

mediaCác blogger Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày (G), Phan Thanh Hải - Anhbasaigon (T) và Tạ Phong Tần (DR)
Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng Năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho blogger Tạ Phong Tần, hiện đang thụ án 10 năm tù tại Thanh Hóa.
Thông cáo báo chí của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề ngày 05/05/2015 cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang phát động chiến dịch Tự do cho Báo chí, đặc biệt chú ý những nhà báo đang bị giam cầm sai trái.
Trong danh sách, bên cạnh blogger Tạ Phong Tần ở Việt Nam, bị lãnh án 10 năm tù vì tố cáo tham nhũng, còn có nhà báo Cao Du (Gao Yu) của Trung Quốc bị 7 năm tù vì tiết lộ bí mật nhà nước cho báo chí ngoại quốc; Mazen Darwish, bị tù vì cố gắng phơi bày các tội ác của chế độ Assad; và Reeyot Alemu, bị bắt giam ở Ethiopia vì viết báo chỉ trích chính quyền.
Bà Tạ Phong Tần, 47 tuổi là cựu sĩ quan công an, bị bắt tháng 9/2011 cùng với các blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (Anh Ba Saigon) thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, với cáo buộc « tuyên truyền chống Nhà nước », và một năm sau bị kết án 10 năm tù giam. Hiện bà là người duy nhất thuộc Câu lạc bộ này đang bị giam giữ. Ngày 30/07/2012, mẹ bà Tạ Phong Tần là bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu trước trụ sở chính quyền Bạc Liêu để phản đối việc con gái bị giam cầm.
Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền các nước liên quan phóng thích ngay lập tức các nhà báo bị tù tội chỉ vì làm nhiệm vụ của mình, và khẳng định sẽ tiếp tục lên tiếng khi các nhà báo bị bắt bớ, giam cầm một cách bất công. Thông cáo nhấn mạnh, tự do ngôn luận là một trong các giá trị cốt yếu của Hoa Kỳ, và Washington sẽ tiếp tục bảo vệ ở cả bên trong và ngoài nước Mỹ.
Ông John Kerry cũng nhắc lại hôm 3/5, Hoa Kỳ đã vinh danh các nhà báo đấu tranh cho lý tưởng dân chủ, trong giai đoạn được Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) mô tả là « thời kỳ chết chóc và nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong những năm gần đây ». Được biết blogger, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp cùng với hai nhà báo Nga và Ethiopia hôm 3/5 vừa qua.
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ
Song song đó, từ ngày mai tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 19. Phái đoàn Hoa Kỳ do Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về nhân quyền, ông Tom Malinowski dẫn đầu. Phía Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế làm trưởng đoàn.
Thông cáo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, xúc tiến nhân quyền là nguyên tắc quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, là một phần của quá trình thương lượng về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ.
Cuộc đối thoại lần này bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền, trong đó có cải cách pháp luật, nhà nước pháp quyền, tự do ngôn luận và hội họp, tự do tín ngưỡng, quyền của người lao động và người tàn tật. Phái đoàn Mỹ cũng sẽ thăm vùng cao Tây Bắc, tổ chức đối thoại với chính quyền địa phương và các thành viên xã hội dân sự.
Hôm nay tại Đại sứ quán Mỹ, phái đoàn đã gặp gỡ đại diện một số tổ chức xã hội dân sự như Hội Bầu bí Tương thân, Hội Nhà báo Độc lập, Anh em Dân chủ…

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150506-my-yeu-cau-viet-nam-tra-tu-do-cho-blogger-ta-phong-tan/

Giới blogger bị tấn công ngày càng nhiều

Giới blogger bị tấn công ngày càng nhiều
 
Buổi tưởng niệm các tử sĩ nhân 40 năm Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc ở Hà Nội, tháng 1/2015, cũng bị trấn áp.Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh


    Ngày 25/01/2015, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ đã ra thông cáo lên án các vụ tấn công của công an mặc thường phục và côn đồ vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Human Rights Watch cho rằng các vụ tấn công đó đã “ vi phạm các quyền cơ bản”. Tổ chức nhân quyền của Mỹ yêu cầu chính quyền Việt Nam phải “truy cứu trách nhiệm” tất cả những cá nhân tham gia vào các vụ tấn công nói trên. Cho tới nay chưa có ai bị bắt hay truy tố về các vụ tấn công này.

    Thông cáo của Human Rights Watch được đưa ra sau khi ngày 21/01 vừa qua đã xảy ra vụ tấn công vào một nhóm 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger đi từ Hà Nội xuống Thái Bình để thăm ông Trần Anh Kim, một tù chính trị, vừa được thả ngày 07/01 sau khi mãn hạn 5 năm 6 tháng tù. Những người đi thăm gồm có nhà địa vật l‎ý Nguyễn Thanh Giang, nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, cựu biên tập viên Nguyễn Lê Hùng, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Vũ Bình, các blogger Nguyễn Tường Thụy và J.B Nguyễn Hữu Vinh; và các nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, Trương Minh Tam, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thanh Hà, Bạch Hồng Quyền và Ngô Duy Quyền.
    Theo thông cáo của Human Rights Watch, ngay sau khi những người đến thăm vừa rời nhà Trần Anh Kim, xe của họ bị ba công an phường chặn lại, yêu cầu mọi người về công an phường. Khi họ từ chối thì một nhóm côn đồ, rõ ràng có biểu hiện đang phối hợp với công an, lên xe và tấn công họ. Blogger J.B Nguyễn Hữu Vinh bị lôi khỏi xe, đánh đập và gây thương tích. Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi bị vỡ kính. Những người khác như Nguyễn Tường Thụy, Trần Thị Nga, Ngô Duy Quyền, Bạch Hồng Quyền và Trương Minh Tam cũng bị đánh đập. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 27/01/2015, nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh đã kể lại vụ tấn công nói trên.
    Theo Human Rights Watch, việc chính quyền sử dụng côn đồ để tấn công những người hoạt động nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam. Chỉ ba ngày trước khi xảy ra vụ ở Thái Bình, nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Hồng Quang, mục sư của một nhánh Tin lành Mennonite độc lập ở Sài Gòn cũng đã bị những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công, gây thương tích nặng.
    Không chỉ bị hành hung trên đường mà ngay cả đang ở trong nhà cũng bị người lạ mặt xông vào đánh đập, mà công an địa phương không hề can thiệp, như vụ xảy ra với blogger Huỳnh Công Thuận ngày Chủ nhật 25/01 vừa qua.
    Về phần Nguyễn Hoàng Vi, một trong những thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, thì đã từng bị hành hung nhiều lần và gần đây vẫn tiếp tục bị sách nhiễu, thậm chí bế con nhỏ đi trên đường cũng bị nhiều an ninh mặc thường phục và dân phòng chặn lại vào ngày 16/01 ở Sài Gòn.
    Thông cáo của HRW nhắc lại rằng riêng trong năm 2014, có ít nhất 22 nhà hoạt động và blogger cho biết họ đã bị người lạ đánh đập. Nhà báo-blogger J.B Nguyễn Hữu Vinh cũng nhận thấy những vụ tấn công như vậy xảy ra ngày càng nhiều. Về phần blogger Huỳnh Công Thuận thì nhận thấy là dường như công an, an ninh Việt Nam đã thay đổi phương pháp sách nhiễu, ném đá giấu tay nhiều hơn.
    Đối với blogger Hoàng Vi, việc gia tăng các vụ tấn công như trên là do chính quyền muốn ngăn cản các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền tiếp xúc với đại diện ngoại quốc ở Việt Nam.
    Trước tình trạng bị tấn công ngày càng nhiều như vậy, mỗi blogger có cách phản ứng riêng, nhưng nhìn chung họ chỉ có thể phản kháng một cách ôn hòa, như sự chọn lựa của blogger Hoàng Vi. Blogger Huỳnh Công Thuận thì chia sẻ kinh nghiệm của anh với các blogger, nhà hoạt động khác về phương cách đối phó với các vụ tấn công như vậy.
    Có điều, như báo cáo của tổ chức HRW có nêu ở trên, cho tới nay chưa có ai bị bắt hay bị truy tố vì những vụ tấn công các blogger, các nhà hoạt động. Cho nên, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh tỏ vẻ bi quan về khả năng chấm dứt những vụ tấn công như vậy ở Việt Nam.
    Bấm vào link dưới đây để nghe toàn bộ tạp chí và phần phỏng vấn các blogger Nguyễn Hữu Vinh, Huỳnh Công Thuận, Nguyễn Hoàng Vi.

    Tạp chí Việt Nam 02/02/2015 30/01/2015 nghe

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten