vrijdag 1 mei 2015

Cựu binh Mỹ kể về nỗi ám ảnh sau chiến tranh Việt Nam + Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam thập niên 60

Thứ năm, 16/4/2015 | 16:03 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 16/4/2015 | 16:03 GMT+7

Cựu binh Mỹ kể về nỗi ám ảnh sau chiến tranh Việt Nam

Daniel Krauson, cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, vẫn nhớ mình được "chào đón" bằng cà chua, trứng thối cùng một cuộc biểu tình khi vừa trở về nước và phải mất đến ba năm ông mới bắt đầu cảm thấy được xã hội đón nhận.
1234.jpg
Từ trái qua, ông Ed Macknis, Daniel Krauson, Ed Bickowski và Tom Dando chụp ảnh lưu niệm tại bốt quân sự Anthony P. Damato 792 ở Shenandoah, Texas. Ảnh: Standard Speaker
Krauson, Ed Bickowski và Tom Dando, những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, mới đây có cuộc hội ngộ tại Texas. Mỗi người mang đến nhiều câu chuyện khác nhau để chia sẻ nhưng tất cả đều có chung một ý niệm rằng họ nhiều lúc không muốn nhắc lại những gì đã xảy ra.
"Chúng tôi hầu như ngày nào cũng nghĩ đến những năm tháng chiến tranh Việt Nam", ông Dando nói, nhớ lại thời khắc trở về nước từ chiến trường.
"Khi đặt chân xuống sân bay, người ta ngay lập tức dồn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ. Họ nói 'chúng tôi sẽ đưa các bạn tới xe buýt để rời phi trường. Hãy chuẩn bị tinh thần, sẽ có trứng và cà chua ném vào các bạn. Khi các bạn ra khỏi xe, dòng người biểu tình sẽ ùa tới'", ông Krauson, người từng phục vụ trong lực lượng An ninh Không quân Mỹ giai đoạn 1967-1968, thuật lại lời nhà chức trách nói với các binh sĩ khi vừa từ Việt Nam trở về nước.
Bickowski may mắn hơn khi không gặp những cuộc biểu tình vào thời điểm ông về nước năm 1969 nhưng ông không nhận được bất kỳ nghi lễ đón tiếp nào. Tất cả những gì Bickowski nhớ là ông bị "ngã dập mặt" lúc từ máy bay bước ra.
Theo Bickowski, ông và cả ba người bạn lính của mình đều có những mối liên hệ nhất định tới cuộc chiến tranh Việt Nam và cùng cảm thấy thất vọng khi trở về nước mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ, quan tâm nào từ chính quyền. Bickowski chỉ mới 20 tuổi vào năm 1967 khi đăng ký tới Việt Nam tham chiến.
Trải nghiệm của Dando lại không giống Bickowski hay Krauson và theo ông lý do là bởi như nhiều cựu binh Mỹ khác, ông một mình trở về quê hương. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, việc những nam nữ quân nhân đơn độc về nước là chuyện hoàn toàn bình thường, ông cho biết thêm.
Dando sau đó theo học tại Đại học Kutztown và tham gia một số phong trào biểu tình phản chiến. Ông Macknis chỉ hai tháng sau khi trở về nhà cũng bắt đầu đi học tại Đại học Mansfield. "Ở ngôi trường của tôi, không có quá nhiều sinh viên biểu tình, khác xa những gì diễn ra ở California thời điểm đó", ông nói. Macknis từng là lính bộ binh ở chiến trường Việt Nam từ năm 1968 đến 1969. Còn Krauson cho hay ông phải mất hàng năm trời mới có thể cảm thấy mình được xã hội đón nhận sau khi trở về nước.
Giấc ngủ không tròn
Dando đến nay vẫn không thể quên cảm giác căng thẳng mà ông phải trải qua khi chiến đấu tại Việt Nam. "Tôi luôn thấy như mình có thể sẽ bị chết bất cứ lúc nào, thậm chí ngay trong từng bước đi", Dando hồi tưởng về ngày đầu tiên tới chiến trường.
"Và nhớ rằng bạn không thể bắt tàu, thuyền, máy bay hay bất cứ phương tiện nào khác để thoát khỏi đó", ông Macknis nói thêm.
Đối với Bickowski, điều ông nhớ nhất là việc ông không thể có nổi một giấc ngủ bình yên đúng nghĩa. "Bạn tưởng rằng mình đang ngủ nhưng lúc nào văng vẳng bên tai cũng là tiếng súng cối", ông miêu tả.
Vì thế, nhiều cựu binh Mỹ từ chiến trường Việt Nam trở về đã mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), theo Standard Speaker.
"Một lần, tôi cùng bạn gái tới Nhà hát Victoria ở thành phố Mahanoy. Khi tiếng còi điểm 19h cất lên, tôi vội vã chui xuống nấp dưới ghế. Bạn gái tôi hỏi 'Anh đang làm gì vậy' và tôi chỉ biết trả lời rằng 'Anh đang tìm tiền rơi'. Nhưng thật sự thì không phải như vậy", Bickowski lấy dẫn chứng để miêu tả về những ám ảnh mà ông cũng như nhiều cựu binh khác phải trải qua.
Bickowski giải thích hành động của ông là một phản ứng tự nhiên khi nghe thấy tiếng còi, hình thành trong quãng thời gian ông ở Việt Nam. Tiếng còi hú tại đây mang ý nghĩa "hãy tìm chỗ trú ẩn đi". "Những binh lính như chúng tôi ai cũng có một vài phản ứng bản năng như vậy. Trong quãng thời gian dài, tôi còn không cho phép bất kỳ ai đi sau lưng mình", ông cho biết thêm.
Theo Dando, nhiều năm kể từ sau khi họ trở về, vẫn rất ít người có thể thấu hiểu sự phiền não của những cựu binh. "Chẳng mấy ai cảm thông với nỗi khổ mà bạn phải trải qua. Người ta  cứ nghĩ bạn như một đứa trẻ chỉ biết khóc nhè vậy", Dando kể.
"Nếu được phép nói điều gì với thế hệ ngày nay, tôi muốn họ biết rằng những thứ như hội chứng PTSD là có thật và chúng không tự nhiên biến mất chỉ vì bạn được trở về nhà", Dando nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Dando cũng cho hay ông hiện rất mừng vì đến nay ngày càng có nhiều người biết đến và hiểu về hội chứng mà ông cùng các cựu binh khác đã trải qua.
Trước đây, cả Macknis, Dando, Bickowski hay Krauson đều rất hiếm khi kể chuyện chiến tranh với những người chưa từng tới Việt Nam. "Chúng tôi thường chỉ nói chuyện với nhau bởi giữa chúng tôi có sự thấu hiểu", ông Bickowski nói.
Vũ Hoàng (theo Standard Speaker)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/cuu-binh-my-ke-ve-noi-am-anh-sau-chien-tranh-viet-nam-3201061.html

Thứ tư, 15/4/2015 | 20:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 15/4/2015 | 20:00 GMT+7

Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam thập niên 60

Làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ trong lòng nước Mỹ và nhiều nước khác đã truyền đi thông điệp phản chiến mạnh mẽ những năm 60 và đầu 70, là một trong các nhân tố quan trọng dẫn đến kết thúc cuộc chiến cách đây tròn 40 năm.
Một nhóm sinh viên nữ tại Đại học California, Berkeley, Mỹ, biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Phần lớn phong trào chống chiến tranh bắt đầu từ các trường đại học với các tổ chức như Sinh viên vì một Xã hội Dân chủ (SDS). Ảnh: history.com
 
Mark Rudd, từ Đại học Columbia, tổ chức cuộc biểu tình sinh viên năm 1968, dẫn đến việc chiếm đóng 5 tòa nhà chính quyền và khiến trường phải tạm ngừng hoạt động. Ảnh: history.com
 
Ngày 15/11/1969, hơn 500.000 người đổ xuống đường ở Washington, D.C., tham gia một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Mỹ. "Một đội quân bất bình lớn nhưng ôn hòa ​​di chuyển qua thành phố", tờ New York Times vào thời điểm đó đưa tin về sự kiện này. Ảnh: history.com
 
Ngày 30/4/1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố cần điều thêm 150.000 lính đến Việt Nam, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Ảnh: history.com
 
Tại Đại học Kent State ở Ohio, Cảnh vệ Quốc gia đối đầu những người biểu tình sau khi một tòa nhà bị đốt cháy. Lực lượng cảnh vệ nổ súng vào sinh viên, khiến 4 người thiệt mạng và làm 8 người bị thương. Ảnh: history.com
 
Những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trong một cuộc biểu tình phản đối Mỹ ở Stockholm, Thụy Điển năm 1965. Ảnh: Holger Ellgaard
 
Biểu tình tại Vancouver, Canada năm 1968. Ảnh: John Hill
 
Đoàn người xuống đường trong thời tiết giá rét để biểu tình tại Lund, Thụy Điển. Ảnh: Wiki
 
Ba người đàn ông đeo biển "Mỹ, hãy ra khỏi Việt Nam" đứng trước Lãnh sự quán Mỹ tại The Hauge, Hà Lan năm 1967. Ảnh: Nationalarchivebot
 
Hàng nghìn sinh viên Đại học Washington, Mỹ chiếm đóng một đường cao tốc ngày 5/5/1970. Ảnh: Tomhayden
 
Cảnh sát xử lý một cuộc biểu tình tại Đại học George Washington năm 1971. Ảnh: history.com
 
Cựu binh tại Washington D.C. phản đối cuộc chiến ở Đông Dương bằng cách vứt huy chương và đồng phục của họ qua hàng rào trước tòa nhà quốc hội Mỹ Capitol. Ảnh: history.com
 
Năm 1965, khoảng 50 giảng viên đại học tại Michigan, Mỹ tổ chức một diễn đàn để phản đối chiến tranh Việt Nam. 3.000 người tham dự sự kiện này với các hoạt động gồm tranh luận, thuyết giảng và biểu diễn âm nhạc, tất cả nhằm mục đích giáo dục cộng đồng về hòa bình.
"Điều thấy được từ sự kiện này là chúng ta có thể làm nên khác biệt chỉ trong một đêm", Giáo sư triết học Frithjof Bergmannm, nhà tổ chức chính của hoạt động nói. Trong ảnh, giáo sư Frithjof Bergmann (phải) và nhà hoạt động Alan Haber hồi tháng ba tham dự lễ kỷ niệm 50 năm tổ chức sự kiện này. Ảnh: Michigandaily
 
 
Ngày 17/3/1968, khoảng 80.000 người biểu tình tại quảng trường Trafalgar, Anh phản đối chiến tranh tại Việt Nam và việc chính phủ Anh hỗ trợ Mỹ. Ảnh: lib.berkeley.edu
 
Tariq Ali (phải), lãnh đạo Phong trào Việt Nam Đoàn kết tại Anh, và nữ diễn viên Vanessa Redgrave thông báo với người biểu tình rằng họ sẽ đưa thư phản đối đến Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: home.bt.com 
 
Hai người sau đó dẫn đầu khoảng 8.000 người biểu tình đến trước cửa Đại sứ quán Mỹ, nơi được hàng trăm cảnh sát bao quanh bảo vệ. Nhóm của Redgrave được phép chuyển thư, nhưng đám đông bị chặn lại. Cảnh sát dùng đất đá, pháo và bom khói để giải tán đám đông. Khoảng 300 người bị bắt giữ, hơn 50 người biểu tình và 25 cảnh sát phải nhập viện. Ảnh: The Guardian
 
Lá cờ Mỹ với biểu tượng phản chiến được giơ cao trong cuộc biểu tình ở Washington D.C. Ảnh: history.com
 
Jan Rose Kasmir, vào thời điểm đó là học sinh cấp ba, tham gia cuộc diễu hành đến Lầu Năm Góc để phản đối chiến tranh Việt Nam tháng 10/1967. Hình ảnh cô cầm hoa đứng trước hàng cảnh vệ được nhiếp ảnh gia người Pháp Marc Riboud ghi lại đã trở thành biểu tượng của phong trào phản chiến.
"Cô ấy chỉ nói chuyện, cố gắng thu hút sự chú ý của những người lính, có thể là đang cố gắng trò chuyện cùng họ", Riboud nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2004. "Tôi có cảm giác là những người lính còn sợ cố ấy hơn cô ấy sợ những lưỡi lê".
 

Phương Vũ

http://vnexpress.net/photo/tu-lieu/phong-trao-phan-doi-chien-tranh-viet-nam-thap-nien-60-3180469.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten