Bài học gì từ cuộc chiến Việt Nam?
- 29 tháng 4 2015
Nhân 40 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, BBC Việt Ngữ đã trò chuyện với bà Rory Kennedy, nữ đạo diễn kiêm nhà sản xuất bộ phim tài liệu Last Days in Việt Nam - Những ngày cuối tại Việt Nam - với những diễn biến vào thời khắc lịch sử đó qua con mắt của những người Mỹ và các cộng sự người Miền Nam Việt Nam của họ.
Đó là câu chuyện của những sĩ quan Mỹ và Nam Việt Nam trước khi rút đi đã tìm mọi cách di tản hàng ngàn người Việt bất chấp lệnh cấp trên trước khi lực lượng miền Bắc chiếm Sài Gòn.Bà Rory Kennedy, một đạo diễn phim tài liệu có tiếng từng được giải thưởng điện ảnh Emmy, xuất thân từ một gia đình từng có quyền lực chính trị lớn nhất nước Mỹ và có nhiều liên quan trực tiếp tới cuộc chiến Việt Nam.
Cha bà, cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy (em trai cố Tổng thống John F. Kenneday), ứng viên tranh cử Tổng thống trước khi bị ám sát năm 1968, đã từng đề xuất kế hoạch chấm dứt cuộc chiến này.
Trước tiên nữ đạo diễn Rory Kennedy nói về điều đã khiến bà quyết định làm bộ phim được đề cử giải thưởng điện ảnh Oscar 2015 này.
Rory Kennedy (RK): Tôi cảm thấy Việt Nam là một thời điểm có tính quyết định trong lịch sử nước Mỹ. Tôi cho rằng làm phim về những ngày cuối cùng là đặc biệt quan trọng. Nhiều người thực sự không biết những gì xảy ra trong những ngày cuối này, và tôi cảm thấy nó liên quan tới ngày nay, khi chúng tôi đang vật lộn tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
Tôi cho rằng những sự kiện này có những điểm chung và chắc chắn có những cái nhìn từ bên trong và những bài học có thể rút ra được từ những gì đã diễn ra cách đây 40 năm tại Việt Nam.
BBC: Vậy bà có nghĩ là đã đạt được mục đích của mình khi thực hiện bộ phim đó?
Tôi rất hài lòng về sự tiếp nhận của khan giả với bộ phim. Ban đầu chúng tôi dự định chiếu tại các rạp ở ba thành phố nhưng vì có nhu cầu cao nên cuối cùng chúng tôi đã chiếu tại 125 thị trường ở Mỹ.
Bộ phim được đề cử giải Oscar cho phim tài liệu. Tôi cho rằng rõ ràng nó đã động chạm tới nhiều người, những người có cảm nhận giống như tôi rằng đây là một câu chuyện vô cùng quan trọng và đây là cơ hội lớn để nhìn lại và hiểu nó một cách đầy đủ.
BBC: Vậy bà có bao giờ nghĩ hay hy vọng phim sẽ được chiếu tại Việt Nam?
Tất nhiên rồi. Tôi đã làm việc này ngay khi hoàn thành bộ phim. Tôi đang liên lạc với Tòa Đại sứ và vẫn hy vọng. Rõ ràng là có chút khúc mắc do phía chính phủ Việt Nam, theo tôi được biết. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ được chiếu phim này tại Việt Nam.
BBC: Bà nói tới cuộc chiến mà Hoa Kỳ đang tham gia tại Iraq. Theo bà thì đã có được bài học gì từ Việt Nam? Liệu Hoa Kỳ lẽ ra có nên vào Việt Nam hay không?
Tôi nghĩ một trong những bài học lớn ít nhất là về hồi kết của cuộc chiến. Tới thời điểm tháng Tư năm 1975, chính phủ Mỹ có rất ít lựa chọn. Tôi cho rằng khi tham chiến, sẽ rất dễ bị mất quyền kiểm soát. Vì thế phải hết sức chiến lược về chuyện tham gia cuộc chiến nào hay không.
Còn tôi có cho rằng chúng tôi đáng lẽ có nên vào Việt Nam hay không ư? Cá nhân tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ nên đưa binh lính tới Việt Nam. Nhưng đó không phải là trọng tâm phim và câu chuyện của chúng tôi. Đây chỉ là ý kiến cá nhân tôi. Tôi không chắc là chúng tôi được gì từ cuộc chiến đó ngoại trừ mất mát rất nhiều sinh mạng.
BBC: Bà có cho rằng đã có một kết cục khác nếu Tổng thống Kennedy còn sống?
Cá nhân tôi cho rằng đã có thể có một kết cục khác, cũng là từ những sử gia mà tôi đọc và kính trọng. Nhiều người trong số họ tin rằng chủ ý của Tổng thống Kennedy là rút ra khỏi Việt Nam, rằng ông không nhìn thấy có lối thoát hợp lý.
Thực tế là chúng ta sẽ không bao giờ biết được nhưng tôi hiểu rằng có nhiều khả năng ông không gửi binh lính đi. Như quý vị biết thì khi ông còn sống, ông đã không đưa quân tới Việt Nam. Có 16.500 cố vấn tại Việt Nam nhưng không có sự hiện diện của binh lính.
BBC: Tập trung vào hành động dũng cảm của người Mỹ và người Miền Nam Việt Nam trong thời điểm cuối cùng của cuộc chiến, bà có cho rằng thực tế đó đã không được người Mỹ đánh giá đúng? Và bằng việc làm bộ phim này thì trên một phương diện nào đó nó là một nhắc nhở về điều đó với người Mỹ?
Đó là một thời điểm rất bất ổn trong lịch sử nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến với Việt Nam. Khi cuộc chiến kết thúc, người dân Mỹ muốn bỏ lại quá khứ. Họ đã không thực sự nhìn lại thời điểm đó trong lịch sử. Điều làm tôi kinh ngạc là rất ít người biết về những sự kiện này. Nhận thức của rất nhiều người là chúng tôi đã thua cuộc và trong tình trạng tuyệt vọng chúng tôi đã bỏ lại phía sau rất nhiều người Việt. Nhưng những chi tiết hay câu chuyện cụ thể đã xảy ra như thế nào, có những quyết định gì thì phần lớn không được biết đến.
Tôi cho rằng bộ phim này đã giúp lấp vào khoảng trống đó. Việc bộ phim được ưa chuộng chứng tỏ rất nhiều người thực sự quan tâm tới thời điểm đó. Nó là một phần thưởng đối với tôi khi chiếu phim cho cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Tương tự, nhưng có lẽ vì những lý do khác, nhiều người Việt lớn tuổi tại Mỹ không nói về thời điểm lịch sử này. Họ cũng muốn tiếp tục cuộc sống. Tôi đã chứng kiến nhiều cảm xúc rất cảm động của người xem, những lá thư hay email mà tôi đã nhận được từ thế hệ trẻ hơn nói với tôi rằng đây là lần đầu tiên họ hiểu và cảm nhận những gì mà thế hệ cha ông họ đã trải qua để tới đây.
Với thế hệ của những người đã trải qua thời khắc đó thì đây cũng là lần đầu tiên họ xem lại những hình ảnh này để hiểu những gì đã xảy ra. Thật tuyệt được chia sẻ hình ảnh cả người miền Nam Việt Nam lẫn người Mỹ, những người đã biết bao điều trong những ngày cuối đó để cứu càng nhiều người miền Nam càng tốt.
Họ đã hành động rất dũng cảm, trong đó có ông Kim Đỗ, người được nói tới trong phim, và cũng là người đã giúp cứu 30 ngàn người. Đây là câu chuyện về lòng dũng cảm từ cả hai phía và lòng dũng cảm là thật đẹp.
BBC: Có thể bà đã được hỏi câu này, rằng một số người cho rằng bộ phim này phần nào một chiều, chỉ tập trung vào người Mỹ và người miền Nam Việt Nam. Đây có phải là chủ định của bà, và tại sao vậy?
Tôi có ý thức rất rõ ràng khi đặt tên phim, Những ngày cuối cùng tại Việt Nam. Nó là Những ngày cuối cùng của nước Mỹ tại Việt Nam. Nó được kể qua cái nhìn của người Mỹ.
Cách chúng tôi kể chuyện là để các sự kiện trong phim diễn ra đúng như trên thực tế khi đó. Như vậy người xem được thấy những diễn tiến này đúng như chính các nhân vật trong phim đã chứng kiến, và họ không hề có thêm bất cứ thông tin hay kiến thức nào khác.
Phim không phải về phía những người miền Bắc hay chiến lược của họ. Đây là một câu chuyện tách biệt, về những ngày cuối cùng và chủ yếu là từ góc nhìn của người Mỹ.
Có nhiều điều bộ phim này chưa đề cập tới và có nhiều cách tiếp cận cuộc chiến này. Tôi kêu gọi mọi người làm những bộ phim tài liệu khác với những góc độ và cách tiếp cận đó. Còn tôi chọn kể câu chuyện ở một góc hẹp mà tôi cảm thấy nó có ý nghĩa và có giá trị.
BBC: Nếu bà có điều kiện tiếp cận với người của miền Bắc khi làm bộ phim này, những người đã tiến vào và có mặt tại Sài Gòn trong những ngày cuối cùng mà bà miêu tả trong phim thì liệu bà có đưa họ vào phim của mình không hay đó vẫn không phải là chủ định của bà?
Không, đó không phải là ý định của tôi vì đó không phải là góc nhìn của bộ phim. Nó là cái nhìn của nước Mỹ vì thế đưa vào đó cái nhìn của tất cả các bên không phải là chủ định và câu chuyện mà chúng tôi kể. Vì thế tôi sẽ không làm khác như tôi đã làm.
BBC: Điều gì đã để lại ấn tượng cho bà nhiều nhất trong thời gian làm bộ phim này?
Câu chuyện của những người ở tuyến đầu, như câu chuyện của ông Kim Đỗ người thật dũng cảm, đã dám liều mạng sống của mình để cứu giúp càng nhiều người càng tốt trong những ngày cuối cùng đó. Cá nhân tôi cảm thấy những câu chuyện đó thật cảm động và tạo cảm hứng cho tôi.
BBC: Bà có dự định sẽ làm phim nữa về Việt Nam hay không?
Ngay lúc này thì tôi chưa có dự định nào nhưng chắc chắn tôi tin là có rất nhiều phim về Việt Nam đáng được làm.
Tin liên quan
- Kỷ niệm ngày 30/4
- 1975: Những trận đánh cuối cùng
- Video Cựu binh Mỹ trở lại Quảng Trị sau 40 năm
- Video Cuộc chiến VN: Tường thuật của BBC 1975
- Video Cuộc chiến VN: BBC trở lại VN năm 1985
- Video Cuộc chiến VN: BBC trở lại VN sau 20 năm
- Video Phóng viên BBC quay lại VN năm 2005
- 1975-2015: Có thể bạn chưa biết
- 'Dân tộc không thể mạnh nếu cứ thù nhau'
Tin Việt Nam khác
Người Little Saigon nói về phim “Những ngày cuối cùng ở VN”
Tiếng thở dài và những giọt nước mắt
Đông đảo đồng hương gốc Việt sống quanh vùng Little Saigon và cả những người ở các thành phố khá xa đã đến xem cuốn phim này trong tâm tình vừa muốn tìm hiểu về một thời điểm đặc biệt khốc liệt của lịch sử Việt Nam vừa muốn chứng kiến sự thật mà phim nói đến là như thế nào.Xem cuốn phim này tôi rất buồn nhiều khi tôi muốn đứng lên đi về sớm, không muốn xem nhưng mà tôi cố ở lại để xem cho hết cuốn phim. Tôi buồn cho cảnh tang thương của xứ sở nhưng mà tôi rất kính phục ông đại sứ Martin.Nhiều tiếng thở dài, nhiều giọt nước mắt rơi xuống và cả những tiếng nấc bật lên trong khoảng thời gian Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam hiện lên màn ảnh.
-Ông Lê Tất Giao
Mời quý thính giả nghe tâm tình của ông Hùng Vũ, một cư dân ở San Gabriel Valley thuộc Los Angeles County:
“Tôi rất cảm động sau khi xem phim. Tôi là một trong những người may mắn được được di tản sang Mỹ năm 1975 bằng không vận C141 của Hoa Kỳ. Tôi rất may mắn hơn nhiều người. Nhưng kinh nghiệm của tôi sau 40 năm ở Mỹ, thành công tất cả mọi thứ, có một điều tôi nhận thấy là tôi đã mất tình quê hương. Và tôi không hề có hạnh phúc. Và tôi không thể thấy được tình đồng hương của những người ở bên Mỹ, ngay cả trong gia đình tôi, tôi cũng thấy nó biến đổi rất nhiều. Tôi chỉ mong tất cả những người may mắn sang Mỹ hiểu rằng lý do chúng ta được sang đây là bởi vì chúng ta là những người tị nạn, chúng ta có bổn phận cứu giúp những người còn lại ở Việt Nam.”
Ông Triết Nguyễn, 70 tuổi, từ tiểu bang Alabama về Little Saigon xem phim cũng không giấu được sự xúc động:
“Xem xong cuốn phim vừa chiếu, quan trọng nhất là tôi không cầm được nước mắt. Cái cảm xúc đầu tiên của tôi là tôi bị mất tất cả. Tôi là người di tản từ miền Trung vào và bài hát mà Trịnh Công Sơn viết “người chết hai lần, thịt da nát tan.” Điều đó là điều tôi thấy rất rõ ràng. Mẹ chết, mẹ ngồi dựa vào gốc cây, con xé áo quấn trên đầu lạy 3 lạy rồi ra đi. Những điều đó tôi đã trải qua. Ngày hôm nay xem lại cuốn phim tôi thấy ông đại sứ Martin quả là một người nhân bản. Tôi xin cám ơn ông hết lời.”
Cô Nhã Lan, một kỹ sư đang làm việc tại hãng Boeing, bày tỏ cảm nghĩ:
“Nó chỉ là một phim tài liệu nhưng thực sự phim tài liệu này đã giúp cho rất nhiều người, ngay cả chính Nhã Lan. Vì ngày 30 tháng 4, Nhã Lan còn ở tuổi thiếu niên nên cũng không rõ lý do tại sao mà miền Nam của mình mất trong tay của miền Bắc. Thực sự một tiếng rưỡi phim này, là phim tài liệu nó không có sự hư cấu, qua một tiếng rưỡi phim này chúng ta thấy chúng ta mất miền Nam nhưng từ xưa đến giờ, chính Nhã Lan cũng có câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại bỏ rơi miền Nam Việt Nam và một tiếng rưỡi phim này đã trả lời phần nào tại sao.”
Là một trong những người có mặt trên chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn từ tòa nhà DAO, bà Ngân Nguyễn, khán giả xem đang sống tại thành phố Garden Grove nhớ lại:
“Khi chúng tôi lên chiếc trực thăng cuối cùng ở tòa nhà DAO thì chúng tôi cứ tưởng nó bay thẳng ra ngoài mẫu hạm, nhưng không, nó vào Tân Sơn Nhất, từ đó họ mới đổi lên chiếc trực thăng lớn hơn để chở người ra ngoài chiếc mẫu hạm Midway. Đêm 29 pháo kích đã làm tan nát phi trường rồi. Khi chúng tôi lên được được chiếc mẫu hạm Midway thì cũng đã gần sáng và mới thấy những chiếc trực thăng của phi công Việt Nam mình đáp trên những chiếc mẫu hạm đó. Và chiếc nào đáp xong thì họ cứ xô xuống biển, y như quý vị thấy trong phim.
Sáng hôm sau chúng tôi được đưa ra ngoài khơi quốc tế để lên những chiếc tàu hàng dân sự của Hoa Kỳ, chuyển hết từ 3.000 đến 5.000 người Việt Nam mình từ chiếc Midway ra hết bên ngoài. Rồi từ đó chúng tôi đi 11 ngày cho tới Guam.
Điều đầu tiên tôi muốn nói là cảm ơn Tổng Thống Ford đã ra lệnh cuộc di tản này. Tôi xin được cám ơn cả ông đại sứ Graham Martin. Cám ơn nhân dân Mỹ. Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta.”
Xin mượn lời của ông Lê Tất Giao, 78 tuổi, cư dân Garden Grove, từng là cựu Đại Úy Y sĩ làm việc ở Tổng Y viện Duy Tân Đà Nẵng trước 1975, thay cho lời kết:
“Xem cuốn phim này tôi rất buồn nhiều khi tôi muốn đứng lên đi về sớm, không muốn xem nhưng mà tôi cố ở lại để xem cho hết cuốn phim. Tôi buồn cho cảnh tang thương của xứ sở nhưng mà tôi rất kính phục ông đại sứ Martin, người Mỹ đã có tấm lòng đại lượng, nhân ái, đã cứu giúp những người Việt Nam muốn trốn khỏi cộng sản trong giờ phút cuối cùng với sức ông có thể làm được. Tôi kính phục ông lắm. Và chứng tỏ tinh thần người Mỹ dù sao cũng có những người tốt để cứu những người muốn thoát khỏi nạn cộng sản để đi tìm tự do.”
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ngoc-lan-01292015-01302015124428.html
Phim tài liệu 'Last Days in Vietnam'
Phim tài liệu Last Days in Vietnam của đạo diễn Rory Kennedy mô tả lại những giờ khắc cuối cùng trước khi Mỹ rút khỏi Việt Nam miêu tả hàng nghìn người chen lấn trước cửa sứ quán Mỹ ở Sài Gòn; đoàn người rồng rắn lên nóc một toà nhà để lên trực thăng rời khỏi Việt Nam. Sài Gòn hỗn loạn trong 24 giờ trước khi quân đội Bắc Việt tấn công vào Sài Gòn. Bộ phim đã được trình chiếu rộng rãi vài ngày trước đây tại Mỹ.
Tháng 4 năm 1975, những đồn đoán về quân đội Bắc Việt bao vây Sài Gòn khiến nhiều người lo lắng muốn di tản khỏi Việt Nam. Lúc này, quân đội Mỹ đã rút khỏi miền Nam sau khi hiệp định đình chiến Paris được ký kết. Tổng thống Richard Nixon, từng hứa sẽ đưa quân Mỹ tái tham gia chiến tranh nếu miền bắc phá vỡ lệnh ngừng bắn, thì lại từ chức vì bê bối trong vụ nghe lén có tên Water Gate.
Người dân Mỹ lúc này không còn sức để theo đuổi cuộc chiến đã chia rẽ sâu sắc cả đất nước. Quốc hội Mỹ không mặn mà gì trước đề nghị của Tổng thống Gerald Ford về việc cấp hàng chục triệu đôla để di tản người Việt Nam làm việc cho các cơ quan Mỹ.
Trong khi đó, một vài quan sĩ quan trong sứ quán Mỹ tự mình tìm cách đưa những người Việt Nam giữa thời điểm nước sôi nửa bỏng này để di tản. Đạo diễn Rory Kennedy tái hiện những sự kiện trên trong bộ phim tài liệu mới có tên “Last Days in Vietnam”.
Nói với chúng tôi đạo diễn Rory Kenedy chia sẻ cảm nghĩ của bà ngay vào lúc này, khi cuốn phim đã hoàn tất:
Ngay cả bây giờ khi tôi xem phim tôi vẫn nóng ruột không biết điều gì sẽ xảy ra với những người Việt Nam đó: ai sẽ di tản được, ai sẽ phải ở lại. Tôi nghĩ những ký ức đó sẽ đọng lại trong tôi mãi mãi.
Khoảng 11h sáng ngày 29/4/1975 trước khi Sài Gòn bỏ ngõ, đài phát thanh của Mỹ phát đi bản nhạc White Christmas, báo hiệu chiến dịch sơ tán công dân Mỹ khỏi Sài Gòn bắt đầu. Chỉ trong vòng 24 tiếng, những người Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Hơn một trăm nghìn người Việt Nam làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà được di tản trong đợt này.
Bộ phim Last Days in Vietnam có những cảnh hiếm hoi về tàu khu trục hộ tống USS Kirk tiếp nhận 17 chuyến trực thăng chở người tị nạn Việt Nam. Tàu USS Kirk lúc đó đang đậu gần đảo Côn Sơn. Đạo diễn Rory Kennedy cho biết thêm vê khúc phim này:
Chiếc trực thăng Chinook, chở đầy người Việt Nam và trẻ em không thể hạ cánh vì nó có thể phá huỷ con tàu [USS Kirk]. Vì thế, những người trên trực thăng phải nhảy xuống tàu cách nó nửa mét. Em bé 18 tháng tuổi cũng được thả từ đây.
“Last Days in Vietnam” là phim tài liệu mới nhất của đạo diễn Kennedy, một người trong dòng họ nổi tiếng Kennedy. Ở tuổi 45 tuổi nhưng bà có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Bà là cháu của cố tổng thống Mỹ John Kennedy, người ký lệnh đưa những binh sĩ Mỹ đầu tiên tham chiến ở Việt Nam. Bà cũng là người con thứ 11 của cố thượng nghị sĩ Robert Kennedy, người từng đưa ra đề xuất các con đường nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam vào năm 1968.
Chúng ta không mấy trân trọng những gì xảy ra trong những ngày cuối đó mặc dù nó là một chương quan trọng trong lịch sử Mỹ. Tôi cảm thấy có rất nhiều bài học được rút ra từ thời điểm đó, nhất là trong hoàn cảnh chúng ta rút quân khỏi Iraq và Afghanistan và cũng như việc chống lại lực lượng Hồi giáo ISIS hiện nay.
Nguyễn Sơn Tùng, tuy không phải là một nhân vật trong phim nhưng sau khi biết cuốn phim được dựng lại trong bối cảnh ông cũng là một trong những người có mặt ở thời khắc lịch sử ấy đã viết cho trang web của đài Á châu Tự do những giòng sau đây:
Nửa giờ sau đó căn nhà chỉ huy bốc cháy. Chắc người Mỹ đốt cháy căn nhà và các tài liệu trước khi cuộc di tản kết thúc. Một chiếc trực thăng đáp xuống. Chúng tôi nhốn nháo và muốn ra khỏi xe. Khoảng 10 thuỷ quân lục chiến Mỹ cuối cùng bước lên máy bay, tay cầm súng nhằm chĩa vào xe chúng tôi và nói: “Mọi người ngồi im, chúng tôi trước”. Máy bay cất cánh trong khi lính Mỹ luôn chĩa súng vào chúng tôi.
Là một trong một vài trăm người bị bỏ lại trong cuộc sơ tán của Mỹ ông Sơn Tùng kể:
Nếu cuộc rút lui này xét theo nghĩa tháo chạy thì người Mỹ đã hoàn toàn thành công vì họ đã ra đi bình an vô sự. Nhưng nếu xét theo nghĩa một cuộc di tản thì họ đã thất bại vì họ đã bỏ lại một trăm người gồm phụ nữ, trẻ em rất muốn di tản nhưng không được dù hoàn cảnh vô cùng thuận lợi về thời gian, phương tiện vận chuyển, an ninh hầu như tuyệt đối. Sao người Mỹ có thể tự hào về sức mạnh, lòng nhân đạo, lý tưởng tự do, nhân quyền trong một hoàn cảnh nếu như trên!
Bộ phim tài liệu Last Days in Vietnam đang được trình chiếu ở một số rạp khắp nước Mỹ. Quý thính giả của RFA có thể xem trailer giới thiệu phim trên website của chúng tôi tại www.rfa.org/vietnamese.
Trailer phim Last Days in Vietnam
Geen opmerkingen:
Een reactie posten