dinsdag 5 mei 2015

Ấn Độ đua tàu ngầm với Trung Quốc

Thứ tư, 3/12/2014 | 10:51 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 3/12/2014 | 10:51 GMT+7

Ấn Độ đua tàu ngầm với Trung Quốc

Ấn Độ đang đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hải quân, bao gồm đóng mới hàng loạt tàu ngầm thay thế hạm đội đã già nua, khi Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương. 
INS Arihant submarine is pictured at the naval warehouse in the southern Indian city of Visakhapatnam, in this November 18, 2014 
Tàu ngầm INS Arihant tại nhà kho hải quân Ấn Độ ở thành phố phía nam Visakhapatnam hôm 18/11. Ảnh: Reuters
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa ra lệnh tổ chức đấu thầu nhanh nhằm chế tạo 6 tàu ngầm điện - diesel thông thường với chi phí ước tính 500 triệu rupee (hơn 8 triệu USD). Ngoài ra, 6 tàu ngầm tương tự cũng đang được công ty Pháp DCNS lắp ráp ở cảng Mumbai. Số tàu ngầm mới này sẽ thay thế cho hạm đội có tuổi đời đã gần 30 năm và trải qua hàng loạt sự cố.
Theo Reuters, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này tự đóng, với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, sẽ chạy thử vào tháng này và dự kiến gia nhập hạm đội của Ấn Độ vào cuối năm 2016. Tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro Ltd, đơn vị đóng phần thân cho tàu ngầm đầu tiên của Ấn Độ, sẽ chế tạo thêm hai tàu ngầm hạt nhân khác. Trong thời gian chờ đợi, nước này đang bàn bạc với Nga để thuê một tàu ngầm hạt nhân.
Chỉ vài tháng sau một cuộc đối đầu ở biên giới Ấn-Trung trên dãy Himalaya, các tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở Sri Lanka, quốc đảo nằm ở bờ biển phía nam Ấn Độ. Trung Quốc cũng đang thắt chặt quan hệ với Maldives, một quần đảo Ấn Độ Dương. 
Những động thái này phán ánh sự quyết tâm của Bắc Kinh trong việc gia tăng hiện diện ở khu vực trên, nơi vận chuyển bốn phần năm lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
"Trước việc Trung Quốc đang đánh bật chúng ta ở trên dãy Himalaya, trên Biển Đông và bây giờ là Ấn Độ Dương, chúng ta cần phải lo lắng nhiều hơn", Arun Prakash, người từng đứng đầu hải quân Ấn Độ nói.
"Thật may mắn khi có những dấu hiệu cho thấy chính phủ đã bừng tỉnh sau cơn khủng hoảng. Sẽ mất nhiều thời gian để tái thiết. Chúng ta nên hy vọng sẽ không phải đối đầu với Trung Quốc và chính sách, liên minh của chúng ta sẽ giữ cho mọi thứ ở trong tầm kiểm soát".
Hải quân Ấn Độ hiện chỉ có 13 tàu ngầm điện - diesel đã lỗi thời, và chỉ một nửa trong đó có khả năng hoạt động vào bất cứ thời điểm nào nhờ đã được tân trang. Năm ngoái, một trong các tàu bốc cháy, phát nổ rồi bị chìm khi đang neo tại Mumbai.
Trong khi đó, Trung Quốc ước tính có 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó ba tàu được trang bị vũ khí hạt nhân.
Ông David Brewster, một nhà nghiên cứu tại đại học quốc gia Australia, nhận định rằng Ấn Độ sẽ làm mọi thứ để khôi phục vị thế thống trị ở Ấn Độ Dương. Nước này có thể tăng cường hợp tác hải quân với Nhật Bản và Australia, cũng như mở rộng một căn cứ quân sự trên quần đảo Andaman. 
"Nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này và duy trì cấp độ hiện diện này ở Ấn Độ Dương thì Ấn Độ sẽ cảm thấy rằng họ cần phải đáp trả", ông Brewster nói.
Anh Ngọc

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/an-do-dua-tau-ngam-voi-trung-quoc-3115432.html

Thứ sáu, 28/11/2014 | 07:49 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 28/11/2014 | 07:49 GMT+7

Ấn Độ ngăn Trung Quốc tăng ảnh hưởng ở Nam Á

Ấn Độ từ chối lời đề nghị của một số quốc gia thành viên Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) về việc cho phép Trung Quốc và một số nước quan sát viên khác có vai trò lớn hơn trong hiệp hội.
Động thái này diễn ra giữa lúc Bắc Kinh và một số đồng minh gia tăng áp lực tìm kiếm vai trò là một đối tác đối thoại hoặc một thành viên đầy đủ nhằm tạo ảnh hưởng nhiều hơn trong hiệp hội gồm tám quốc gia Nam Á.
SAARC hiện có 8 thành viên đầy đủ và 9 quan sát viên gồm: Australia, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanma và Mỹ. Tuy nhiên, các quan sát viên không được tham gia vào các cuộc thảo luận của SAARC, mà chỉ được phép tham dự lễ khai mạc và bế mạc của hội nghị, theo Hindustan Times.
Phái đoàn Pakistan đang thúc đẩy vai trò mạnh mẽ hơn cho các quan sát viên, đặc biệt là Trung Quốc, tại cuộc họp các nước thành viên SAARC gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Maldives và Afghanistan diễn ra trong hai ngày 26-27/11 tại Nepal, theo Huanqiu.
"Theo quan điểm của Ấn Độ, chúng ta đầu tiên cần phải tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên Nam Á, vai trò của nước quan sát viên nên đặt hàng thứ yếu. Chỉ khi các nước thành viên Nam Á hợp tác chặt chẽ hơn, mới cần đến vai trò của nước quan sát", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố.
modi-2593-1417073380.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Modi trong cuộc họp của SAARC hôm qua. Ảnh: Reuters
Đưa tin về cuộc họp này, nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ bày tỏ quan ngại về nguy cơ Trung Quốc gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Theo India Express, các nước như Afghanistan, Nepal, Sri Lanka và Maldives đều nhờ Ấn Độ trợ giúp mỗi khi có "bất đồng nội bộ" và lo ngại vai trò lớn hơn của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Ấn Độ ở khu vực này.
Trung Quốc đang ồ ạt tăng cường sự hiện diện ở khu vực Nam Á bằng cách hỗ trợ xây dựng một loạt cảng, nhà máy điện và cung cấp vũ khí. Nước này không ngừng mở rộng hợp tác với Sri Lanka, Maldives và các quốc gia khác, nhằm thực hiện hóa chiến lược Con đường Tơ lụa mới, khiến Ấn Độ cảm thấy lo ngại.
Trong cuộc gặp với lãnh đạo nhiều nước gồm Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan hồi đầu tháng Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường Tơ lụa để phát triển hạ tầng, nhằm liên kết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Con đường Tơ lụa được xem như là đối trọng với chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ Modi lần đầu tham gia hội nghị SAARC kể từ khi nhậm chức. Ngay trong ngày họp đầu tiên, ông tuyên bố chính sách "visa kinh doanh 3-5 năm ở Ấn Độ" đối với công dân các nước thành viên Nam Á, giúp "các nước Nam Á từng bước sát lại gần nhau".
"Tôi tin tưởng rằng cùng nhau, chúng ta có thể thắp sáng mọi ngọn đèn đêm ở tất cả các thị trấn, làng mạc Nam Á, tạo dựng một tương lai tươi sáng cho khu vực Nam Á", ông Modi nói.
Hồng Hạnh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/an-do-ngan-trung-quoc-tang-anh-huong-o-nam-a-3112986.html

Thứ sáu, 28/11/2014 | 07:27 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 28/11/2014 | 07:27 GMT+7

Trung Quốc bác tin xây 18 căn cứ quân sự gần Ấn Độ

Trung Quốc hôm qua tuyên bố thông tin nước này sẽ thiết lập 18 căn cứ hải quân ở Ấn Độ Dương là vô căn cứ và khẳng định việc tàu ngầm cập cảng Sri Lanka gần đây là một động thái bình thường.
Các tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ hải quân Chu San, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: chinesemilitaryreview.
Các tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ hải quân Chu San, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: chinesemilitaryreview
"Thông tin đó không chính xác", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói trong một cuộc họp báo. Ông Cảnh đang nhắc đến thông tin được đăng trên tờ Namibian hôm 11/11, dẫn một nguồn truyền thông Trung Quốc. Theo tờ báo này, Trung Quốc dự kiến thiết lập 18 căn cứ hải quân ở Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và nhiều nơi khác ở tây và nam Ấn Độ Dương.
Cũng theo ông Cảnh, tàu ngầm của quân đội Trung Quốc đã hai lần "neo đậu kỹ thuật" tại cảng Colombo ở Sri Lanka trong lúc đang làm nhiệm vụ hộ tống cho hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden tại Somalia.
Sự hiện diện của tàu ngầm trên đã gây ra mối lo ngại cho Ấn Độ, nhất là khi cảng Colombo được cải tạo với nguồn kinh phí lớn từ Trung Quốc. Ấn Độ được cho là đã nêu ra vấn đề này với Sri Lanka.  
"Việc các tàu ngầm neo ở các cảng nhất định để tiếp tế là khá phổ biến", PTI dẫn lời ông Cảnh nói.
Về thông tin được đăng trên tờ Namibian, ông cho biết "đã điều tra và nhận thấy tờ này dẫn một bài bình luận không chính thống trên Internet cách đây hai năm". "Bản tin này cũng phóng đại và bóp méo nội dung của bài bình luận trên. Do đó nó hoàn toàn vô căn cứ", ông Cảnh nói thêm.
Khi được hỏi trong điều kiện nào, Bắc Kinh sẽ lập căn cứ nước ngoài, ông cho hay "hiện chưa có căn cứ quân sự ở nước ngoài cho quân đội Trung Quốc". Trung Quốc từ lâu đã khẳng định nước này không có dự định thiết lập các căn cứ quân sự ở ngoài nước khi mở rộng hải quân với hạm đội hiện đại bao gồm một tàu sân bay.
Anh Ngọc

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-bac-tin-xay-18-can-cu-quan-su-gan-an-do-3113282.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten