vrijdag 21 november 2014

Trung Quốc tăng tốc chiếm thị trường vũ khí thế giới


(An Ninh Quốc Phòng) - Theo giới quân sự, Trung Quốc đang tăng tốc nhằm chiếm lĩnh thị trường vũ khí thế giới bởi Bắc Kinh hiện là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới.


Hơn 300 hợp đồng với trị giá trên 23,4 tỉ USD đã được ký tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 10 (diễn ra từ 11 đến 16/11) ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Được biết, ngày khai mạc triển lãm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng không quân Trung Quốc.
Do đó, tại triển lãm này, lần đầu tiên Bắc Kinh trưng bày 18 trang thiết bị hàng không đang sử dụng như máy bay tiêm kích J-10, máy bay tiêm kích, ném bom JH-7A, máy bay ném bom H-6M, máy bay vận tải Y-9, máy bay trực thăng Z-8KA, máy bay trinh sát và tấn công không người lái, cùng 6 trang thiết bị trên mặt đất như hệ thống pháo phòng thủ Hồng Kỳ 6, xe chở hệ thống phóng vũ khí tên lửa đất đối không Hồng Kỳ 12, xe đột kích của lính dù CSK002…
Chiến đấu cơ tàng hình J31 trong Triển lãm Hàng không Chu Hải
Ngày 16/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Trung Quốc sẽ dùng máy bay vận tải Y-9 cho Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Giới quân sự nhận định, quân đội Trung Quốc sẽ cơ động hơn nhờ vào máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 (có trọng tải tối đa 55-65 tấn), loại được triển lãm tại Chu Hải. Y-20 có thể sánh với máy bay vận tải 4 động cơ Il-76 của Nga và C-17 III Globemaster của Mỹ.
Tiếp đến là Y-30, có tổng trọng lượng 80 tấn, ngang với Lockheed Martin C-130 Hercules của Mỹ. Giới chuyên môn cũng khá quan tâm tới rocket chống người nhái 55mm bởi theo tờ Thời báo Hoàn cầu, đây là loại vũ khí lợi hại của Trung Quốc nhằm răn đe đối với những nước “khiêu khích ở Biển Đông”. Dự kiến, loại rocket này có thể được triển khai để bảo vệ cho lực lượng đóng trên đảo, trở thành một trong những trang thiết bị hữu dụng tiêu diệt có hiệu quả mục tiêu di động dưới nước như người nhái.
Trung Quốc cũng đã trình làng tên lửa hành trình CX-1 (rất giống với tên lửa siêu thanh BrahMos mà Nga và Ấn Độ cùng chế tạo) được quảng cáo có tầm bắn 280km, có thể đạt vận tốc Mach 3 (1.020m/s) khi đạt độ cao 17.000m và có khả năng đánh chìm một chiến hạm lớn. Tiếp đến là hệ thống radar phòng không JY-26 được cho là có thể phát hiện và theo dõi máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất của Mỹ F-22. JY-26 có khả năng chuyển tải dữ liệu lớn, tốc độ nhanh và linh hoạt. Ngoài ra, còn phải kể tới tàu không người lái Tinh Hải, có thể điều khiển bằng tay hoặc tự động hoạt động, tự tránh chướng ngại vật, sử dụng vệ tinh Bắc Đẩu hoặc GPS để dẫn đường.
Cũng tại triển lãm Chu Hải, Tổng giám đốc Mikhail Pogosyan cho rằng, Su-35 khó bị sao chép ở Trung Quốc và Moskva có ý định bán chiến đấu cơ Su-35 cho nước này. Có tin nói rằng, Nga có thể bán Su-35 kèm tên lửa diệt radar Kh-58UShK cho Trung Quốc. Giới truyền thông cho biết, do lo sợ bị đánh cắp công nghệ, nên Mỹ chỉ gửi một máy bay vận tải cơ C-17 hạng nặng tham dự triển lãm Chu Hải. Ngoài ra, Mỹ còn ép Hàn Quốc hủy kế hoạch đưa 2 chiến đấu cơ siêu thanh T-50 tới tham dự triển lãm Chu Hải. Đây là lần đầu tiên lực lượng không quân Hàn Quốc được mời tham dự triển lãm hàng không tại Trung Quốc.
Giới truyền thông cho biết, tham gia triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 10 có hơn 700 công ty đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo trang mạng Jane’s Defense Weekly, quan chức không quân Pakistan đang đàm phán với Trung Quốc để mua 30-40 chiến đấu cơ FC-31 (phiên bản xuất khẩu của tiêm kích J-31), loại được trưng bày tại triển lãm Chu Hải. Nhà nghiên cứu cao cấp John Stillion của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, cơ quan nghiên cứu độc lập tại Washington cho rằng, triển lãm Chu Hải là “màn ra mắt” đối với J-31. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, chiến đấu cơ tàng hình J-31 có thể trở thành sát thủ đích thực khi kết hợp với chiến đấu cơ chuyên dụng cho tàu sân bay J-15.
Theo giới quân sự, Trung Quốc đang tăng tốc nhằm chiếm lĩnh thị trường vũ khí thế giới bởi Bắc Kinh hiện là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, từ 2009 đến 2013, Pakistan, Bangladesh và Myanmar là những khách hàng chính của Trung Quốc và Bắc Kinh đang mở rộng thị trường tới khu vực cận Sahara ở châu Phi.
Trung Quốc đã vượt Pháp và đang cạnh tranh với Nga, Mỹ và châu Âu tại thị trường vũ khí châu Á. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng tới 212% trong giai đoạn 2009-2013 so với 5 năm trước đó. Nhiều người cảnh báo, vũ khí Trung Quốc có thể làm thay đổi cục diện châu Á khi Bắc Kinh có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Bởi kể từ năm 1995, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng thêm 500%. Và thị trường vũ khí Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những nơi bán phá giá vũ khí của Trung Quốc trong tương lai.
Ngày 2/11, Viện Vật lý cơ khí Trung Quốc cho biết, đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng không bằng laser nội địa, được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt máy bay không người lái cỡ nhỏ, bay ở tầm thấp. Giới quân sự đặc biệt quan tâm tới hệ thống laser mà Trung Quốc vừa thử nghiệm đánh chặn chính xác đối với máy bay cỡ nhỏ trong bán kính 2km với thời gian 5 giây. Bởi điều này cho thấy, Bắc Kinh đang nghiên cứu và phát triển vũ khí laser có công suất cao hơn, bán kính đánh chặn lớn hơn.
Trung Quốc hy vọng sử dụng loại vũ khí kiểu mới này để bảo đảm an ninh cho nhiều hoạt động. Trước đó (cuối tháng 8), Mỹ lần đầu tiên trang bị vũ khí laser 30kW trên tàu đổ bộ USS Ponce, ở vịnh Ba Tư. Washington đã nghiên cứu, chế tạo vũ khí laser công suất 10kW, có thể bắn rơi máy bay không người lái dưới sự trợ giúp của bộ cảm biến công nghệ cao. Theo giới chuyên môn, vũ khí laser sẽ làm thay đổi chiến tranh trong tương lai.
(Theo Petrotimes)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về banbientap@nguyentandung.org

http://nguyentandung.org/trung-quoc-tang-toc-chiem-thi-truong-vu-khi-the-gioi.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten