maandag 24 november 2014

Từ nền giáo dục Nho học đến Người Thầy hôm nay

Từ nền giáo dục Nho học đến Người Thầy hôm nay
Theo Đại Việt Sử Ký, vào mùa thu năm Canh Tuất - 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho khởi công xây dựng Văn Miếu để thờ các bậc tiên thánh tiên hiền, các bậc nho gia có công với đất nước. Năm Ất Mão - 1075, nhà vua cho mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn người hiền tài. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông quyết định khởi xây Quốc Tử Giám - trường Nho học cao cấp thời bấy giờ để đào tạo nhân tài cho đất nước. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự chọn lựa đầu tiên của nước nhà về vấn đề giáo dục, đào tạo con người Việt Nam theo mô hình nho học.

Thầy dạy trường Giám là những bậc hay chữ có tiếng trong cả nước. Từ đó việc học được đề cao, Nho sĩ được nhà nước trọng vọng. Việc lập Văn Miếu và Quốc Tử Giám đánh dấu một bước phát triển lớn của nền giáo dục nước ta. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ ghi tên những người thi đỗ trong các kỳ thi Hội của nhà nước.

Khi định đô mới ở Phú Xuân - Huế, triều Nguyễn cũng cho xây dựng Văn Miếu cùng với 39 kỳ đại khoa (từ 1822 đến 1919) được tổ chức và 293 vị Tiến sĩ được đề danh. Hiện nay khu Văn Miếu Huế còn giữ được nguyên vẹn 32 tấm bia tiến sĩ, bên cạnh đó còn có hai tấm bia khắc hai bài dụ của vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Mặc dù không qui mô như Văn Miếu Hà Nội nhưng Văn Miếu Huế với vị thế vốn có của nó tồn tại như là một chứng nhân lịch sử cho nền giáo dục Nho học của nước nhà.

Vậy là nền giáo dục nho học, dù có những thăng trầm song hành cùng lịch sử dân tộc, song bản chất vốn có của nó bao đời vẫn vẹn nguyên. Thầy giáo là những bậc nho gia, là những người hay chữ, và tất nhiên là người tài đức. Cái khí tiết nhà nho, uy phong của người Thầy không phải là hình ảnh gõ đầu con trẻ mà là biểu tượng của kẻ sĩ, của bậc hiền tài. Không màng quan tước, không ít nhà nho đã cáo quan về quê mở trường dạy học. Chưa bao giờ người Thầy trong xã hội xưa mất đi khí tiết ấy!

Với học trò, “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư bán tự vi sư”, đó là đạo lý và cũng là lẽ sống. Có một câu chuyện có thật, tôi xin kể vắn tắt để chúng ta cùng suy ngẫm. Ở làng Hành Thiện, huyện Giao Thủy (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có một thầy giáo làng tên là Nguyễn Ngọc Liên (1852 - 1937), đỗ Tiến sĩ năm 1889 dưới triều Thành Thái. Năm 1937, khi ông qua đời có hơn 400 môn sinh về chịu tang thầy. Khi về chịu tang, những người đồng môn đã góp tiền mua 4 mẫu ruộng gọi là “ruộng môn sinh” để lấy hoa lợi dùng vào việc cúng giỗ, tu sửa từ đường và phần mộ thầy. Hàng năm vào ngày giỗ, ngày Tết học trò vẫn thường trở về làng Hành Thiện, thắp nén nhang tưởng nhớ người thầy của mình.

Càng suy ngẫm, lời bài ký khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu khoa Nhâm Tuất 1442 như vẫn trầm hùng: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên”.

Gần đây hẳn không ít lần chúng ta nghe đến trào lưu lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, kèm theo đó là sự phàn nàn về chế độ đãi ngộ, sự trái chiều của dư luận trong những lần đổi mới, thay sách.v.v., tất cả như đang nhằm thẳng vào một bộ phận, không ít về số lượng, đó là những người làm nghề giáo. Tất nhiên, điều đó đã làm tổn thương họ nhưng chưa chắc làm họ kém yêu nghề hơn. Không thể phủ định rằng “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.  Nhưng với xu thế của xã hội bây giờ, chính họ cũng đồng ý rằng, nghề dạy học là nghề thanh đạm nhất trong tất cả những nghề thanh đạm vì nó sáng tạo những con người có học và những người có học đó nhanh chóng đi tìm những công việc khác, trừ nghề giáo, để thoát khỏi cuộc sống thanh đạm như chính người thầy của họ.

Có phải chăng, xã hội đã đặt lên vai người thầy quá nhiều trọng trách, quá nhiều lý tưởng mà quên rằng cũng cần phải quan tâm đời sống vật chất cho người làm nghề giáo như là một tỷ lệ thuận để đảm bảo cho trọng trách đó. Có thể, tỷ lệ đó ngang bằng hoặc chí ít cũng đủ để họ cảm nhận nghề mà họ đang cống hiến là một nghề thực sự cao quý, đủ để họ cảm nhận họ đang sống với niềm tin và sự kiêu hãnh thực sự chứ không phải là một sự kiêu hãnh khiên cưỡng để thấy mình vẫn có một chỗ đứng đâu đó trong xã  hội! Với những ai trong nghề, không ít người đã hơn một lần có những toan tính, hay chí ít cũng đã từng toan tính trong suy nghĩ về một công việc thứ hai, một nghề phụ trợ để làm cho cuộc sống của mình ít chật vật hơn, phù hợp với xu hướng của xã hội. Đó là sự thật, rất thật!

 Thế nhưng cuộc sống vẫn mãi là cuộc sống, nói cho cùng, cuộc sống vẫn luôn có những lí lẽ riêng của nó, vì ngược chiều gió mà cánh diều bay cao lên mãi”, vẫn có những người Thầy bám nghề, yêu nghề, không hoàn toàn vì họ sống nhờ nghề giáo mà vì lẽ sống của họ!

Ngày nay, những tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách của người thầy như thầy giáo Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Cao Xuân Huy, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Lân.v.v., hay nghị lực của hàng ngàn giáo viên đang vượt cạn để bám lấy lý tưởng của mình.

Đó là khí tiết của người Thầy trong xã hội hôm nay!

Trương Huyền

Geen opmerkingen:

Een reactie posten