maandag 24 november 2014

Trung Quốc xây một đảo nhân tạo với sân bay + radar

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198667&zoneid=1#.VHMw9uktC70


Châu ÁViệt NamTrung QuốcBiển Đông

Trung Quốc xây một đảo nhân tạo với sân bay


mediaĐá Chữ Thập (Vĩnh Thử Tiều - Yongshu Reef ) là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
    Trung Quốc đang xây một đảo nhân tạo trên một bãi đá của quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông và trên đảo nhân tạo này có thể có một sân bay nhỏ. Đó là tiết lộ của phát ngôn viên Lầu năm góc hôm qua, 21/12/2014.
    Theo lời phát ngôn viên Lầu năm góc Jeffrey Poole, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh xây một đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, nhưng đảo được xây trên Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều (Yongshu Reef) là đảo đầu tiên mà trên đó có một đường băng cất cánh và một đường băng hạ cánh. Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ nói thêm là trên đảo nhân tạo này cũng có một hải cảng có thể tiếp nhận các chiến hạm.
    Theo một báo cáo do tuần báo IHS Jane’s Defence công bố hôm qua, với các hình ảnh chụp từ vệ tinh, công trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã bắt đầu từ cách đây ba tháng trên Đá Chữ Thập. Đảo nhân tạo này có chiều dài 3 km và chiều ngang từ 200 đến 300 mét.
    Các tác giả bản báo cáo cho biết đây là dự án thứ tư mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa trong thời gian từ 12 đến 18 tháng qua và đây là dự án đầy tham vọng nhất.
    Theo đánh giá của tạp chí IHS Jane’s Defence, dự án mới trên Đá Chữ Thập « dường như là được thiết kế để buộc các bên khác phải từ bỏ những đòi hỏi chủ quyền của họ, hay ít ra giúp cho Trung Quốc có một vị thế mạnh hơn nếu sau này có đàm phán về những tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa ».
    Trong tháng 10 vừa qua, Bắc Kinh cũng đã thông báo xây một đường băng trên đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
    Liên quan đến Biển Đông, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20/11 vừa qua đã thông qua một nghị quyết tái khẳng định sự cần thiềt phải tìm giải pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông.
    Nghị quyết cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tự do lưu thông hàng giải, sử dụng vùng biển và vùng trời ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương theo đúng luật pháp quốc tế.

    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141122-trung-quoc-xay-mot-dao-nhan-tao-voi-san-bay/


    Trung Quốc đã bồi đắp Đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất Trường Sa


    mediaĐảo Đá Chữ Thập - Trường Sa.DR
      Theo tiết lộ của nhật báo Đài Loan Vượng báo (Want Daily) số ra đề ngày 21/10/2014, hoạt động cải tạo địa hình mà Trung Quốc rốt ráo tiến hành tại các bãi đá mà họ chiếm đóng ở Biển Đông đã biến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành « đảo » lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Mục tiêu là củng cố một vị trí chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
      Theo báo mạng bằng Anh ngữ Want China Times, lấy lại thông tin trên tờ báo Hoa ngữ Vượng báo, từ cuối năm ngoái, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một loạt công trình xây dựng mới và bồi đắp các bãi đá và rạn san hô ở vùng Trường Sa đang do Bắc Kinh chiếm đóng. Trong số này có Đá Chữ Thập (tên tiếng Hoa là Vĩnh Thử Tiều/Yongshu Reef), là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc kiểm soát trong thực tế từ năm 1988.
      Không ảnh của khu vực được công bố ngày 25/09/2014 trên trang web của DigitalGlobe, một công ty ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ, cho thấy là Trung Quốc đã gia tăng diện tích Đá Chữ Thập lên hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông lên thành 0,96 km vuông, biến bãi đá nhỏ này thành một thực thể địa lý còn lớn hơn cả đảo Ba Bình (Itu Aba) mà Đài Loan đang chiếm đóng dưới tên gọi Thái Bình.
      Tính theo diện tích, Đá Chữ Thập đã trở thành đảo lớn thứ năm tại vùng Biển Đông, đứng sau đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đảo Đông Sa (Pratas), đảo Linh Côn (Lincoln) và đảo Tri Tôn (Triton).
      Củng cố một vị trí chiến lược tại Trường Sa
      Tiến trình cải tạo và mở rộng Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc khởi sự ngay từ năm 1988 khi họ ngăn chặn tàu Việt Nam tiến vào khu vực, và cho xây trên đó một cơ sở gọi là « Trạm quan sát biển của UNESCO ».
      Ý đồ biến Đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự ngay sau đó đã lộ rõ với việc xây dựng một bãi đáp trực thăng, một bến tàu, cùng một số tòa nhà trang bị ăng-ten radar. Theo ghi nhận của tờ Vượng báo, hiện có 200 bính sĩ Trung Quốc đóng quân trên thực thể địa lý này.
      Đá Chữ Thập được coi là có giá trị chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc do vị trí tương đối biệt lập, không gần bất kỳ nơi nào do các nước khác kiểm soát trong một bán kính 70 km, nhưng lại chỉ cách trung tâm chỉ huy lực lượng Việt Nam tại Trường Sa khoảng 110 km, và cách bộ chỉ huy của Philippines khoảng 225 km.
      Vấn đề là tham vọng bành trướng của Trung Quốc không giới hạn. Theo Want China Times, một chuyên gia quân sự trên trang web thông tin Người Quan sát (Guancha) tại Thượng Hải, cho biết, diện tích của Đá Chữ Thập có thể được tiếp tục mở rộng để tăng gấp đôi kích thước hiện tại. Bắc Kinh rất có thể sẽ tăng cường sự hiện diện chính trị và quân sự trên thực thể này.

      http://vi.rfi.fr/chau-a/20141021-trung-quoc-da-boi-dap-da-chu-thap-thanh-dao-lon-nhat-truong-sa/


      Biển Đông : Trung Quốc "có quyền xây đảo nhân tạo" tại các vùng tranh chấp


      mediaĐá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ), là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
        Một viên tướng Trung Quốc, hôm nay, 24/11/2014, lên tiếng bảo vệ dự án xây một đảo nhân tạo để thiết lập sân bay, trên một bãi đá đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cho rằng Bắc Kinh cần chống lại các áp lực quốc tế để tiếp tục dự án này.
        Theo Hoàn Cầu thời báo, tướng Trung Quốc La Viên (Lou Yuan), khẳng định, dự án xây đảo nhân tạo trên bãi đá Vĩnh Thử (mà Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập), thuộc quần đảo Trường Sa, là « hoàn toàn chính đáng và xác đáng ».
        Tướng La Viên đã có phát biểu như trên sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 21/11 vừa qua, thông báo rằng Trung Quốc đang cải tạo một bãi đá thành đảo nhân tạo, ngay tại nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số láng giềng.
        Theo trung tá Jeffrey Poole, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, trong dự án này, Trung Quốc dường như có ý đồ xây một đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh và một cảng cho tàu chiến.
        Đáp lại thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng La Viên cho rằng « Hoa Kỳ đã tỏ rõ sự thiên vị, bởi vì Philippines, Malaysia, Việt Nam đã xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự trong vùng quần đảo Trường Sa » và Trung Quốc chắc chắn sẽ kháng cự được các áp lực quốc tế, để tiếp tục dự án này.
        Theo một báo cáo, được đăng tải hôm thứ Sáu, 21/11, trên tuần báo quốc phòng IHS Jane’s Defense, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo bãi đá Vĩnh Thử, (tức Đá Chữ Thập), cách nay 3 tháng. Đảo nhân tạo dài 3 km và rộng từ 200 đến 300 mét. Các tác giả bản báo cáo cho biết, « đây là dự án thứ tư mà Trung Quốc tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa, trong vòng từ 12 đến 18 tháng qua..
        Tạp chí Jane’s Defense nhận định, dự án cải tạo Đá Chữ Thập dường như được thiết kế nhằm buộc các bên đang có tranh chấp chủ quyền từ bỏ các yêu sách của mình hoặc trong giả thuyết các bên liên quan đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông, thì ít ra là tạo thế mạnh cho Trung Quốc trong các cuộc thương lượng.
        Gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng trên đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), trong quần đảo Hoàng Sa, mà Bắc Kinh đã đánh chiếm hồi tháng Giêng 1974, lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.

        http://vi.rfi.fr/chau-a/20141124-trung-quoc-khang-dinh-co-quyen-xay-dao-nhan-tao-tai-cac-vung-tranh-chap-o-bien-dong/

        Geen opmerkingen:

        Een reactie posten