dinsdag 25 november 2014

Trung Quốc tung “kế hoạch Marshall”

Trung Quốc tung “kế hoạch Marshall”
Liên quan đến Châu Á, tuần san Le Courrier international quan tâm đến Trung Quốc qua bài viết: “Trung Quốc tung ra kế hoạch Marshall” đượcdịch từ tờ The Wall Street Journal. Tờ báo cho biết, thông qua Thượng đỉnh Apec đã được tổ chức thành công tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã bỏ thái độ tương đối nhún nhường trước đây trên trường quốc tế và từ nay, Bắc Kinh quyết định lột xác vượt mặt Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ báo cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình dự định thiết lập khu vực tự do mậu dịch Châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn cả dự án hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Bắc Kinh còn tính lập hai ngân hàng phát triển mới trong khu vực cùng với một quỹ lên đến 40 tỷ đô la, được đặt tên là “Con đường tơ lụa”, nhằm xây dựng hải cảng, đường xá và nối liền các khu vực. Một số khác gọi dự án trên là “dự án Marshall Trung Quốc”.
Ý tưởng đưa ra một dự án hỗ trợ người dân nhằm kích thích tiêu dùng nội địa không hề mới: kinh tế gia Từ Sơn Đại (Xu Shanda) đã từ gợi ý dự án này vào năm 2009. Thoạt nhìn thì dựa án Marshall của Trung Quốc cũng dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi như Mỹ đã từng tung ra sau Đệ Nhị Thế chiến.
Câu hỏi thực sự đặt ra là liệu các quốc gia Châu Á có tán thành với việc đổi ngôi hay không, tức là từ nay, thế lực thương mại sẽ chuyển từ tay Mỹ sang Trung Quốc. Bài báo cho rằng chắc hẳn nhiều nước sẽ ngã vào lòng Trung Quốc, mặc dù không phải Trung Quốc không đòi hỏi điều kiện ngược lại. Giống như dưới thời chiến tranh lạnh, một số nước sẽ quyết định đứng giữa để làm “ngư ông đắc lợi”.
Bài báo nhận định, một ngày không xa, Trung Quốc sẽ buộc các nước láng giềng phải chọn lựa đứng về phe nào. Các quốc gia Đông Nam Á quan ngại về “một mô hình mới trong các mối quan hệ với các đại cường”. Họ đoán trước Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi khu vực Đông Á vào tay Trung Quốc.
“Mô hình mới này” làm cho nhiều người nghĩ rằng, Trung Quốc tìm cách tái lập hệ thống đế chế mà nước nhỏ phải cống nạp cho nước lớn. Theo đó, nhiều quốc gia Châu Á phải có bổn phận với đế vương để đổi lại quyền lợi thương mại.
Cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã từng nói bóng gió vào năm 2012 khi ông mỉa mai các “nước nhỏ” Đông Nam Á phản đối việc Trung Quốc đòi chủ quyền tại biển Đông. Một minh chứng khác là các lãnh đạo Cam Bốt đã nhận thấy rằng, chấp nhận sự trợ giúp của Trung Quốc đồng nghĩa với việc phải tuân lệnh Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế.
Tờ báo đặt câu hỏi: liệu Trung Quốc sẽ thắng trong ván cá cược này? Luôn tin rằng, sự phát triển và lợi nhuận là yếu tố chủ chốt trong các mối quan hệ quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc quả quyết rằng Hoa Kỳ sẽ sớm bị cô lập trong khu vực. Các quốc gia cần phải đề phòng một quốc gia độc tài như Trung Quốc luôn tham vọng tìm lại vinh quang trong quá khứ. Tổng thống Obama có thể nắm lấy cơ hội này để lấy lại tầm ảnh hưởng ở Châu Á, nếu ông vẫn luôn kiên định tiến hành chiến lưọc “xoay trục sang Châu Á”, một hứa hẹn trung tâm trong chiến dịch của ông.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20141122-vi-sao-dau-hoa-mat-gia/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten